Là nơi hội tụ, giao thoa của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer theo chiều dài lịch sử nước nhà đã tạo cho Trà Vinh một nền di tích văn hóa đặc sắc và mang nhiều giá trị. Những văn hóa ấy có vị trí, vai trò quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của con người nơi đây. Theo thời gian nó đã tạo thành bản sắc dân tộc riêng của Trà Vinh, sự kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của con người. Trong những thứ làm nên Trà Vinh như hôm nay không thể không kể đến những lễ hội truyền thống đặc sắc thu hút du khách…
Lễ hội Ok Om Bok (Lễ cúng trăng)
Ok Om Bok là lễ hội truyền thống hàng năm của người dân Khmer. Lễ hội được tổ chức vào tháng 10 âm lịch (theo lịch Khmer là ngày 15 tháng Ka-Đât). Lễ được tổ chức đúng vào thời điểm người dân kết thúc mùa vụ, tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn đến vì thần Mặt Trăng đã giúp đỡ người dân, đem cho người dân mùa màng tốt đẹp, no ấm. Lễ hội còn là sự tiễn đưa mùa mưa đón chào mua khô của người dân Khmer.
Người dân thường làm lễ tại gia, lễ ở chùa và lễ hội tại Ao Bà Om. Đến với lễ Ok Om Bok bạn sẽ thấy một bàn thờ bày đầy cốm dẹp, trái cây, hoa tươi cùng nhang đèn. Đó là tất cả những gì cần chuẩn bị để bước vào nghi thức cúng Trăng. Khi Mặt Trăng nhô khỏi ngọn cây thì người dân bắt đầu tiến hành nghi lễ. Chủ gia đình sẽ thắp nhang khấn thần Mặt Trăng, những người còn lại ngồi trước bàn cúng chắp tay trước ngực để tỏ lòng biết ơn của mình đối với vị thần đã mang đến mùa màng tốt tươi, gia đình được bình yên, khỏe mạnh.
Ngoài nghi thức cúng bái, vào trước và sau ngày cúng du khách còn có cơ hội được thưởng thức hoạt động đua ghe ngo truyền thống ở bờ sông Long Bình, tham gia những trò chơi dân gian: kéo co, nhảy bao bô, hội chợ trưng bày, tham quan bảo tàng văn hóa Khmer, xem thả đèn nước… ở Ao Bà Om.
Lễ Ok Om Bok là lễ hội dân gian truyền thống gắn liền với tín ngưỡng, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian. Đóng phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt, tinh thần của người Khmer nơi đây. Với những giá trị mà mình đem lại, lệ hội đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.
Lễ Chôl Chnam Thmây
Chôl Chnam Thmây là lễ chịu tuổi hay là lễ vào năm mới của người Khmer. Lễ được tổ chức vào 3 ngày 14 đến 16 tháng 4 dương lịch, 4 ngày đối với năm nhuần. Vào đêm giao thừa ở các chùa, các ông, các bà lớn tuổi cùng với sư sãi tổ chức tụng kinh, rắc nước thơm để tẩy đi những ô uế, nhưng điều không may mắn của năm cũ để đón một năm mới tốt lành. Ở từng nhà thì đốt đèn, thắp hương làm lễ tiễn Tê-vô-đa cũ rước Tê-vô-đa mới.
Qua đêm tiễn đưa năm cũ, qua hôm sau mọi người sẽ mang lễ vật, nhàng đèn mình đã chuẩn bị đến chùa để rước Mô ha sang Kram. Vào ngày thứ ba, sáng sớm mọi người đã làm cơm để dâng cơm sáng và trưa cho các sư sãi ở chùa và nghe các nhà sư thuyết phép. Chiều đến người dân đem nước thơm, nhang đèn để làm lễ tắm tượng Phật tỏ lòng biết ơn với Đức Phật….và nhiều hoạt động khác được tổ chức cho đến khuya thì chấm dứt.
Lễ cúng ông bà (Lễ Đon ta)
Để tỏ lòng biết ơn công lao đấng sinh thành, cầu siêu cho linh hồn của người đã khuất, hàng năm người dân ở đây đều tổ chức lễ Đon ta vào các ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch. Các gia đình thường làm mâm cơm cúng, nhang đèn khấn vái mời linh hồn của ông bà, cha mẹ về dùng cơm với gia đình, họ hàng thân thuộc. Sau khi cúng linh hồn ông bà, cha mẹ, người dân đi đến chùa để lạy Phật, nghe tụng kinh thuyết pháp. Hôm sau gia đình làm mâm cơm để đem đến cho chùa. Đến ngày ba thì cúng tiễn đưa ông bà, cầu mong người đã khuất phù hộ cho con cháu được bình an, hạnh phúc.
Lễ dâng hương Bác Hồ
Lễ được tổ chức vào 2/9 hằng năm tại Khu di tích lịch sử quốc gia đền thờ Bác tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, tỉnh Trà Vinh. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh vinh dự đảm nhậm nhiệm vụ tổ chức lễ, dâng hương, hoa và báo cáo những hoạt động mà tỉnh đạt được trong năm với Bác.
Đền thờ Bác được xây dựng trong khoảng thời gian mà nhân dân luôn phải trải qua bom đạn của kẻ thù. Ngày thì bộ đội du kích đánh giặc, đêm xuống thì cùng dân vận chuyển nguyên liệu để xây đền, tránh tầm mắt của các căn cứ địch. Bộ đội vừa trực chiến, vừa bảo vệ nhân dân vừa cùng dân xây dựng đền. Vất vả bất chấp bom đạn cuối cùng đền cũng được hoàn thành và khánh thành sau 10 tháng, ngày 30 Tết Nguyên đán đăm 1971. Sau giải phóng, thống nhất đất nước, Đền thờ không ngừng được trùng tu, xây dựng thêm và được xếp hạng Di tích lịch sự văn hóa cấp quốc gia vào 5-9-1989.
Bài viết được cộng tác viên Hannah Trần đóng góp cho website. Trân trọng cảm ơn bạn.