Úc

Những góc nhìn về thành phố Melbourne

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:49 pm
Đã đăng: 29/05/2014 4:00 pm

Cô bạn Chou, người Malaysia của tôi đang sinh sống tại Sydney ví von rằng: nếu Sydney là não bộ, thì Melbourne là trái tim của người Úc. Hàng tuần, Chou đều đáp chuyến bay từ Sydney đến Melbourne cho kỳ nghỉ của mình.

Melbourne là thành phố được quy hoạch theo dạng bàn cờ với những hàng cây ngô đồng cao to phủ xanh trên các nẽo phố. Dọc theo các con phố san sát là những shop bán hàng. Nếu chỉ nhìn tổng quan như thế, Melbourne không có gì khác biệt so với các thành phố khác trên quả địa cầu này.

Góc nhìn của người châu Á và phương Tây

Du khách châu Á cho rằng: Melbourne là một thành phố văn minh, sạch, xanh và có nhiều chọn lựa trong mua sắm. Rất ít các thành phố của châu Á thỏa mãn được điều này, thậm chí đó là một điều quá xa xỉ. Sự văn minh ở Úc mà du khách có thể nhìn thấy là chính phủ Úc cho phép những công dân của mình nghiện heroin sử dụng tự do trong quốc gia. Kim tiêm được bỏ vào một thùng rác đặc biệt luôn kèm theo thùng rác lớn. Tuy nhiên, việc vận chuyển ma túy vào Úc tuyệt đối nghiêm cấm. Người dân Úc chỉ đóng 1 đô la Úc/năm về bảo hiểm y tế mà có thể hưởng được những dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhất.

Một góc yên của Melbourne bên dòng sông Yara.

Người phương Tây cho rằng, Melbourne là một thành phố đáng yêu với tên gọi “thành phố bốn mùa”. Buổi sáng, nhẹ nhàng cơn gió mùa xuân, buổi trưa một chút nắng hanh hanh của mùa hè, chiều xuống với những làn sương khói của mùa thu và một chút lành lạnh của mùa đông vào buổi tối.

Leng keng và dọc ngang trong những nẻo đường phố là những chiếc tàu điện cổ có từ những năm 1884. Với hệ thống đường ray hiện nay là 250km, hệ thống tàu điện ở Melbourne được ghi nhận là dài nhất thế giới.

Người phương Tây thường tìm đến những kiến trúc với nét hoa văn sắc xảo trong từng giai đoạn văn hóa theo dòng lịch sử đang bị biến mất bởi thời gian qua các nhà thờ, công trình công cộng hay những dãy phố trong lòng thành phố. Melbourne lại sự chọn lựa yêu thích và ít nhất du khách phương Tây có thể ngắm nhìn những kiến trúc hay những ngôi vườn được thiết kế đặc trưng theo phong cách Victoria – một mô típ thịnh thành từ năm 1839 đến 1901 – ngoài nước Anh.

Melbourne – thủ đô văn hóa trong tôi

Melbourne lại có dòng chảy mảnh liệt về văn hóa. Tôi thích gọi Melbourne là thủ đô văn hóa của nước Úc, ít nhất qua góc nhìn nhỏ về khía cạnh “nghệ thuật”.

Từng là thuộc địa của người Anh trong quá khứ, du khách cho rằng Melbourne không mang nhiều bản sắc văn hóa riêng, ít nhất là trong âm nhạc. Nhưng ít ai biết rằng, Melbourne còn là nơi cho ra lò những điệu nhảy từ đầu thập niên 1930 mà đến nay người ta xem như là điệu nhảy truyền thống mang bản sắc riêng của người Úc: New Vogue và Melbourn Shuffle. Cũng ít ai để ý rằng, Melbourne là cái nôi và là nơi sản xuất ra những bộ phim cho ngành công nghiệp điện ảnh của nước Úc. Không chỉ có phim trường, ở Melbourne còn có cả những viện nghiên cứu về phim ảnh và ti vi để phục vụ cho ngành giải trí của nước Úc.

Nhà ga tàu điện trung tâm của Melbourne theo kiến trúc Victoria.

Bắt đầu từ khu thương mại trung tâm của Melbourne, len lõi qua những ngõ phố dạng bàn cờ nối tiếp ở con đường Union, tôi đắm chìm vào những bức tranh được vẽ dưới dạng Gaffiti đường phố. Không theo một chủ đề hay trường phái nhất định, những họa sĩ thể hiện những gì mình muốn vào những chiếc cọ vẽ. Những bức tranh đầy sắc màu sống động và thể hiện tâm hồn yêu nghệ thuật của người Melbourne. Tất cả họ là những họa sĩ tự do.

Anh Nellia – một họa sĩ đang vẽ tranh trên phố cho biết: “Ảnh hưởng từ nghệ thuật đường phố New York vào những năm 1970, đến nay chỉ còn 6 trong số 180 ngõ ở khu thương mại trung tâm chưa được vẽ. Chúng tôi trưng dụng tất cả các khoảng trống để vẽ, cho dù đó là những thùng đựng rác. Chúng tôi đang yêu cầu chính quyền tiểu bang Victoria cho phép chúng tôi tiếp tục được vẽ ở những khu phố khác”.

Nghệ thuật Gaffiti đường phố ở Melbourne.

Melbourne đang trở thành trung tâm lớn nhất thế giới về nghệ thuật Gaffiti đường phố. Anh Nellia cho biết thêm: “Những người chủ căn nhà cũng chẳng buồn phiền hay bị tổn thương sau khi được các họa sĩ vẽ tứ tung lên đó. Họ cũng là những người yêu thích nghệ thuật tự do và cứ tha hồ cho họa sĩ thể hiện sự tự do đó”. Không chỉ có những bức tranh Gaffiti đường phố, những họa sĩ tự do còn lấp đầy những mãng tường “nghệ thuật Gaffiti” bằng những poster hay những áp phích được vẽ từ nhà.

Nghệ thuật Gaffiti đường phố đã tạo cho Melbourne một nét rất riêng và rất khác biệt so với các thành phố khác ở Úc.

Dù khác biệt màu da, ngôn ngữ hay văn hóa và người châu Á hay phương Tây có những góc nhìn khác nhau về Melbourne, nhưng Melbourne đều đẹp ở mọi góc lăng kính. Chẳng phải thế, Melbourne luôn nhận giải thưởng cao quý bình chọn hàng năm của rất nhiều tạp chí kinh tế lớn của thế giới: 1 trong 20 thành phố đáng sống trên thế giới.

(Tham khảo: bài viết đã đăng báo SGTT ngày 26/06/2013)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả