Việt Nam

Một ngày đông trên đảo Cát Bà

Bởi
Nhật ký
Đảo
Cập nhật: 02/01/2024 1:04 pm
Đã đăng: 11/12/2015 9:00 am

Đám lau sậy trở mình chào đón mùa đông bằng những bông hoa lưa thưa trắng muốt trên các đỉnh đồi. Quả bóng to tròn đầy lửa sắp nổ bung và rơi xuống vịnh, phía sau lưng tôi một ai đó thốt lên: “Đã lâu lắm rồi, mới thấy mặt trời đẹp đến như thế!”.

Ảnh: Linhnc2005

Hoàng hôn trôi qua thật nhanh vào những ngày mùa đông, chỉ còn lại hình bóng cặp đôi người Bulgari ôm nhau trong ánh nắng tà và hương vị cà phê thơm trên đôi môi trên pháo đài. Những ánh sao đêm nhấp nháy lại rơi vào trong lòng vịnh khi thành phố đã lên đèn.

Trên bếp than hoa, hương thơm mùi bắp nướng lại lan tỏa, tiếng tí tách nổ giòn của hạt dẽ khi rang. Những ngày mùa đông đến, sữa bắp và hạt dẽ bé rang không thể thiếu cho những đôi lứa yêu nhau, những thanh niên thích ngồi đâu đó tám chuyện tại quảng trường trung tâm hay đầu cầu tàu cảng cá Cát Bà. Người ta nói nhiều về mùa đông “lạ lùng” năm nay. Nó không lạnh như mọi năm khi Noel đã đến gần.

Người Cát Bà đang “thèm” những cơn gió đông đủ lạnh cho đôi bờ vai sát vào nhau, tay trong tay siết chặt để ấm áp hơn, để thịt đông ngon một cách tự nhiên, để xì xà xì xụp trong những bát canh dưa muối xổi nấu cùng thịt bò nghi ngút khói, …

Thú thật với các bạn, tôi chẳng mấy “thiện cảm” về thành phố cảng Hải Phòng trước đây bởi sự mường tượng trong tôi về vùng đất ấy là những cuộc rượt đuỗi bằng dao và kiếm Nhật, hay tiếng súng giảm thanh lạc lối vốn thường thấy trong những bộ phim đậm mùi “máu và tiền”.

Ảnh: Linhnc2005

Một vài người Hongkong gốc Hải Phòng mà tôi gặp ở đại lộ Tshim Sha Tsui (người Việt hay gọi đại lộ này là Chim Sao Chổi) trên đất Hương Cảng cũng kể cho tôi nghe họ phải giành miếng cơm, manh áo trên đất khách quê người như thế nào sau khi trại tị nạn tập trung được dỡ bỏ vào năm 2000, để rồi Hongkong và Macau cấm cửa nhập cảnh cho người Hải Phòng.

Bạn bè tôi hay đùa rằng, lạc vào thành phố “hoa phượng đỏ” như đang lạc vào quận 4 của Sài Gòn. Nếu đến Hải Phòng, chưa ghé qua thăm ngôi mộ đàn chị Dung Hà hay đến Pakistan mà chưa ghé qua nhà ông Bin Laden xem như chưa từng đặt chân đến đó. Lần đó, chú xe ôm từ bến xe Lạc Long nhìn vào khuôn mặt lóng ngóng và nói với tôi rằng : “Chú mày là khách du lịch có liên quan gì đến băng đảng giang hồ mà phải sợ sệt như thế!”. 4 lần đến và đi, đã làm tôi có sự cảm nhận “dung dị” về Hải Phòng qua từng góc phố và những món ăn ngon có nguồn gốc tại đây.

Tôi từng đắm chìm trong hương vị của những chiếc bánh mì que cay, vịt lội suối om sấu, bánh đa đỏ nấu cua, bún cá rô đồng, nem cua bể, … ở một vài góc phố yên ắng rũ bóng những gốc phượng già …. hay những đêm lang thang ra nhà hát lớn nhấm nháp que kem cùng các loại hoa quả dầm.

Ảnh: Linhnc2005

Cát Bà được gọi là vùng dự trữ sinh thái của thế giới và đang đệ trình lên UNESCO để trở thành kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Cũng như bao chuyến đi khác, tôi luôn vội vàng đến và đi, quên tìm hiểu loại loại “Voọc vàng cam” nổi tiếng của quần đảo Cát Bà.

“Chúng chủ yếu ăn lá, nhưng cũng ăn cả hoa, võ cây một số loại quả. Voọc sống thành từng đàn nhỏ theo chế độ mẫu hệ, ngủ trong các hang động và chu kỳ sinh sản từ 2-3 năm/lần. Còn nhỏ chúng có màu vàng cam sáng và chuyển sang màu vàng cam đậm khi đến tuổi trưởng thành. Tuổi thọ của chúng kéo dài đến 25-30 năm. Rất ít khi thấy chúng trong Vườn Quốc gia Cát Bà bởi chúng chỉ còn khoảng 70 con trên quả đất này”. Một người địa phương cho tôi biết.

Tôi cũng quên tìm hiểu qua hình dáng cây Xạ Đen chỉ mọc trên non cao thuộc quần đảo Cát Bà mà dân gian cho rằng khi ngâm nó vào rượu, uống một vài cốc trước bữa ăn sẽ giúp chống mất ngủ, ăn ngon và thanh nhiệt.

Biển xanh, cát trắng, nắng vàng và những chùm hoa phượng đỏ đã bỏ lại sau lưng những bãi tắm tuyệt đẹp khi những ngày hè nhộn nhịp, hối hả đi qua. Phố trả lại sự thanh bình yên ắng vốn có khi đông sang. Một ít cây hoa sữa trên phố Núi Ngọc níu kéo mùa Thu bằng hơi thở thơm tho chua chua phả vào làn gió đong đưa.

Ảnh: Linhnc2005

Một vài người bán tour thỉnh thoảng lại chép miệng trong giọng đặc trưng Hải Phòng nói nhanh và mang nhiều âm hưởng treble : “Mùa này thấp điểm trong năm nên làm ăn khó quá, khách Tây ba lô lại càng khó hơn. Chúng trả giá còn hơn cả người Việt. Bọn nó cứ chăm chăm vào giá cả trên cuốn sách mà không biết rằng suy thoái kinh tế đang có sự biến động nhất định về giá cả.”.

Tôi thử qua món súp cá bớp nấu lá lốt nỗi tiếng của vùng đất Quảng Ninh và Hải Phòng. Hương vị thật tuyệt vời khi những thớ thịt trắng ngần, thơm và dai của cá hòa lẫn trong vị chua của chanh, cay và ấm của ớt và gừng và hương thơm nồng của lá lốt non. Trong cơn gió lạnh liu xiu, dùng qua món súp cá bớp nóng hổi luôn là sự lựa chọn tuyệt vời khi các vị giác được đánh thức. Súp cá bớp còn là món bỗ dưỡng phục hồi cho những sản phụ sau khi sinh.

Khi những ngọn gió đông thổi qua, những con Bề Bề lại vào mùa chắc gạch, thịt chúng thơm hơn và đầu của chúng sẽ béo hơn khi liếm láp qua món bề bề rang me hoặc hấp gừng. Chỉ những ngày cuối thu, đầu đông (từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11), những con Ruốt Biển hay còn gọi Bạch Tuột Mini của đất mỏ Quảng Ninh và Hải Phòng lại xuất hiện trên biển. Chúng nhỏ hơn bạch tuột nhưng tua tủa những đôi chân dài ngoằn của mình như những cô vũ nữ thân gầy và món ăn sẽ ngon hơn khi được hấp với lá ổi non hoặc xào chua ngọt với khế và cà chua.

Ảnh: Linhnc2005

Những chú Hà bé nhỏ bám vào gành đá để sống lại múp míp hơn khi đông đến. Món ăn quen thuộc của người Hải Phòng và Quảng Ninh với Hà là sốt cà chua cùng lá lốt non. Món Hà sốt thường dùng với cơm, nhưng tôi lại thích ăn cùng với bún tươi. Cô chủ quán mách nhỏ : cho một chút mắm tôm vào, ăn kèm với rau mùi thì chén bún sẽ thú vị hơn đấy! Và tôi cũng không thể quên hương vị bát canh Ngao Hoa nấu chua cùng với khế, cà chua và thìa là trong một ngày đông trên đảo Cát Bà.

Tôi lại bật cười một mình khi một bạn trẻ chỉ vào nhóm khách Trung Quốc đến thăm cầu cảng : “Chúng mày đi về Trung Quốc ở đi, đến đây xì xồ tao mệt quá!”. Người Trung Quốc vẫn “náo nhiệt” thế như bao năm qua. Ấy thế, tôi vẫn đở bà mẹ người Trung Quốc lên tàu ra vịnh Lan Hạ.

Gió lại lạnh hơn khi đêm về. Phía bên dưới cầu cảng cá, ông lão vẫn hít hà ống thuốc lào trong tiếng sóng bì bỡm đánh vào những bờ đá. Ông vẫn hy vọng đón được nhóm khách nào đó cuối ngày đi một vòng vịnh trên chiếc thuyền chòng chành nhỏ bé rồi biến mất trong những vì sao đêm.

Tái bút:

  • Từ Hải Phòng, bạn bắt tàu cao tốc ra đảo Cát Bà của Công ty Hadeco tại Bến Bính để ra đảo Cát Bà. Giá vé bao gồm ngồi tàu và ngồi xe buýt vào trung tâm : 130k. Thời gian ngồi tàu 1 tiếng và xe buýt khoảng 30 phút. Xe buýt dừng lại tại Trung tâm Cát Bà (đường 1-4). Tàu chạy trong ngày : 8h, 9h, 13h và 16h.
  • Vào mùa thấp điểm, dọc theo con đường biển (đường 1-4), giá khách sạn dao động 200 – 300k/đêm (cho ăn sáng). Tiết kiệm hơn, bạn nghỉ đêm dạng Dorm tại Catba Central Hostel với giá 5USD/giường (có máy lạnh và cho ăn sáng).
  • Bạn có thể tắm biển, nằm đọc sách tại bãi tắm 1, tay trong tay ngắm sự hoang sơ ở bãi 2,3. Mua tour ra Vịnh Lan Hạ và đảo Khỉ với giá 180k (tour 3 tiếng). Ngắm tổng thể Vịnh Cát Bà, uống cà phê và ôm nhau ngắm hoàng hôn bằng cách leo lên pháo đài.
  • Từ Cát Bà, bạn có thể mua 1 ngày tour với giá 400k để ngắm nhìn Vịnh Hạ Long bằng tàu (cho ăn 1 bữa trưa). Nếu bạn thích qua đảo Tuần Châu, bạn bắt xe buýt màu xanh tại đầu cầu cảng để đến phà Gia Luận (50k/vé). Từ Gia Luận qua đảo Tuần Châu – Hạ Long mất 1 tiếng ngồi phà.
  • Quán ăn Biển Đông (số 8, đường Núi Ngọc) là quán ăn còn giữ lại hương vị Việt Nam so với nhiều quán khác chuyên phục vụ cho Tây. Giá cả hợp lý và ngon.

Nguồn: Linhnc2005
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả