Châu Á

Indonesia – Ngày quay lại

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:39 pm
Đã đăng: 14/12/2015 10:27 am

“Cha mẹ sinh con, Trời sinh tánh!”. Tôi chặt lưỡi khi nghĩ về bản thân mình. Số là, mẹ tôi luôn mơ ước tôi trở thành bác sĩ để giúp đở những bệnh nhân còn gặp nhiều khó khăn trong xã hội. Tôi đành phải xin lỗi mẹ tôi vì không thực hiện được mơ ước của Bà, bởi tầm lực học vấn của tôi vẫn không đạt đến đẳng cấp đó.

Tôi trải qua nhiều năm tháng mơ mộng về nghề nghiệp tương lai của mình, lắm lúc mơ ước trở thành tiếp viên hàng không để được bay đó đây mà luôn nhận mức lương hậu hĩnh. Nhưng cả sắc và vóc cũng không cho phép tôi thực hiện mơ ước đó. …. Cuối cùng, tôi trở thành người đi bán hàng dạo, lẻ, nhỏ và vừa loại hóa chất cực độc : thuốc trừ sâu.

Dù có nhiều mơ ước viễn vông xa xăm, nhưng một điều chắc chắn rằng, 10 năm qua tôi vẫn không thay đổi : được tiếp cận, học hỏi và khám phá những điều hay từ các nền văn minh của thế giới.

Với mơ ước đó, tôi luôn suy nghĩ về kiếp sau của mình, có thể tôi sẽ là một nhà khảo cổ học nỗi tiếng, được đi khắp nơi trên thế giới đào bới, phân loại theo các tiêu chuẩn và đắm chìm vào những hoa văn, cổ vật còn sống sót với thời gian.

Tôi bật cười khi mường tượng về phạm trù kiếp sau bởi kiếp này lo vẫn không xong hơi đâu mà nghĩ đến kiếp sau. Vì mơ ước này, bấy lâu nay tôi luôn kiên định trên con đường rong chơi trên đất khách quê người của mình bằng cách tìm hiểu văn hóa dù tôi không định nghĩa được văn hóa là gì.

Ảnh: Nguyễn Chí Linh

10 năm trước, mơ ước của tôi nhỏ bé lắm, không tràn lan, tè le hạt me như bây giờ (dù đã kiểm soát hết mức trước sự cám dỗ của vật chất) : được đi hết 10 quốc gia Đông Nam Á (lúc đó có 10, bây giờ là 11 nước) và Bali là chuyến đi rong chơi một mình đầu tiên. Cái nick linhnc2005 tôi tạo để giao dịch lúc bấy giờ là năm đánh dấu sự khởi đầu của tôi. Tôi chọn Bali để đi, bởi tôi nghĩ rằng đó là một hòn đảo kỳ lạ, khác biệt về tôn giáo (Hindu) so với các hòn đảo khác trên xứ vạn đảo Indonesia.

Tôi không biết định nghĩa “văn hóa” là gì bởi đó là một phạm trù lớn bao gồm nhiều yếu tố nằm bên trong. Lúc 10 năm về trước, chỉ xét về mặt tôn giáo, thành phần dân số tôi tạm chia văn hóa khu vực Đông Nam Á thành các nhóm chính như sau:

  • Các quốc gia đi lên Phật Giáo Tiểu Thừa từ Hindu giáo bao gồm : Thái Lan, Lào, Campuchia và Miến Điện.
  • Các quốc gia bắt nguồn từ nền văn minh Java : Indonesia, Brunei và Đông Timor.
  • Các quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa : Malaysia, Singapore và Việt Nam.
  • Quốc gia theo Ki Tô Giáo nhiều nhất (80% dân số) : Philippine.

Trong những lần bỏ nhà đi hoang đó đây (nhưng không có thụ phấn), những người bạn MalaysiaSingapore phản đối về cách phân chia những nền văn hóa trong khu vực ĐNA của tôi. Người Malaysia cho rằng, họ bắt nguồn từ nền văn minh Java bởi ngôn ngữ chính là Malayu giống 80% với người Indonesia. Người Singapore hỏi tôi một câu cắc cớ : bạn không biết rằng Singapore được phiên theo Hán âm “Tân Gia Ba”, mà Tân Gia Ba được đọc trại từ “Tân Java – Java mới” và ngôn ngữ Malayu cũng là một trong những ngôn ngữ chính tại Singapore?.

Trước sự phản đối kịch liệt của các bạn người Malaysia và Singapore, tôi đành đặt 2 quốc gia này vào nhóm các quốc gia có nguồn góc từ nền văn minh Java. Thật ra, Malaysia và Singapore là 2 quốc gia có nền văn hóa hỗn hợp là đúng nhất.

Tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn về nền văn minh Java. Nhìn lại trên bản đồ, tôi mới hiểu tại sao hòn đảo Java có tầm quan trọng với quốc gia Indonesia : nó là trung tâm của các hòn đảo lớn khác bao quanh. Những cuộc giao thương trong thời cổ đại đều tập trung vào hòn đảo này và nơi đây đã hình thành nền văn minh Java trên Ấn Độ Dương.

Người Java cổ đã đem nền văn hóa của mình phủ khắp các vùng lân cận (Malaysia, Singapore, Brunei) hay đến tận tiểu lục địa Ấn Độ và bán đảo Ả Rập bằng những con thuyền giao thương các loại gia vị, cà phê, vàng, da thú quý, …. Hiện nay, người Java cổ sống rải rác ở một vài nơi ngoài Indonesia với các tộc người như : Mataram, Cirebonese, Osing, Tenggerese, Boyanese, Samin, Naganese, Banyumasan, …

Cũng trên con đường giao thương trên biển, Hồi Giáo từ bán đảo Ả Rập, Hindu giáo và Phật Giáo từ Ấn Độ đã xâm nhập vào nền văn minh Java. Sự thay đổi theo thời gian đã khiến sắc màu tôn giáo tại Java có nhiều khác biệt so với tôn giáo chính gốc và những người Indonesia thích được gọi mình là những người Hồi Giáo Java hay Hindu Java hơn.

Tôi lại lò mò chuyến đi đến Jakarta và Yogyakarta, nơi in đậm dấu ấn của người Java cổ trên hòn đảo Java vào 2 năm sau chuyến đi Bali (2007). Ngày đó, đường bay khá khó khăn khi tôi phải vào Jarkarta từ Singapore, nghỉ lại một đêm tại Jarkarta để sáng hôm sau nối chuyến bay tiếp đến Yogyakarta.

Yogyakarta không nằm trong hành trình quay lại Indonesia lần này, mà đích ngắm của tôi là hòn đảo Labuan Bajo, nơi có những con vật kỳ lạ được gọi là rồng Komodo. Ngày còn ở thành phố Surabaya, tôi đắn đo suy nghĩ khá nhiều về việc có nên quay lại cố đô Yogyakarta.

Tôi chợt nhớ đến anh bạn người Anh mà tôi đã gặp ở cố đô Bagan – Miến Điện 5 năm về trước. Mỗi năm, anh đều có chuyến đi đến châu Á và luôn ghé thăm lại Miến Điện dù rằng thời điểm đó quốc gia này chưa mở cửa và sự di chuyển luôn gặp những khó khăn nhất định bởi sự kiểm soát của lực lượng quân đội. Anh đã truyền lửa cho tôi!

Anh giải thích với tôi rằng, châu Á là vùng đất huyền bí, đa dạng sắc màu văn hóa nên hấp dẫn anh đến khám phá. Nó không đồng màu đồng chất như văn hóa châu Âu qua các vở nhạc kịch, múa ba lê hay những tác phẩm văn chương kinh điển.

Hơn nữa, giá cả ở những quốc gia châu Á rất rẻ nên tự do vun vít tiêu xài. Riêng Miến Điện, đó là cô gái xinh đẹp còn ngủ, vì “yêu” cô ta nên anh luôn muốn ghé thăm để nhìn thấy người yêu của mình đã tỉnh giấc Nam Kha hay chưa và lớn lên từng ngày như thế nào.

Tôi chợt yêu những cái vẫy tay, đá lông nheo nhường đường cho hành khách đi bộ của cánh tài xế taxi, Honda ôm trong sự yên bình ở Yogyakarta, những điều đó tôi chưa từng được “tiếp đãi” một cách tử tế như thế ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tôi quyết định quay lại Yogyakarta bằng đường tàu lửa từ Surabaya và từ Yogyakarta tôi sẽ rong ruỗi đến Bali bằng xe buýt chất lượng cao. Nếu không đủ thời gian, tôi sẽ bay từ Yogyakarta đến Bali thay cho chặng xe buýt. Lịch trình của tôi tạm như thế sau những suy nghĩ khó khăn.

Tôi đã làm một cuộc hành trình lội ngược dòng con đường mà các bạn Tây đã định hướng sẳn khi đú đa đú đởn ở Indonesia : Jakarta – Yogyakarta – Surabaya – Mt Bromo – Bali – Lombok – Bali, hoặc theo chiều ngược lại.


Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Chia sẻ cảm nghĩ

Thảo luận1

    Viết trả lời hoặc Bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

      Pingback/Trackback

    1. DU LỊCH BỤI - Indonesia – Ngày quay lại (Phần 2)05/01/2016
    Liên kết được đề xuất
    Xem tất cả