Nhật Bản

Một lần ăn Tết ở Okinawa

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:50 pm
Đã đăng: 16/02/2014 2:00 pm

Tôi theo chân anh bạn người Nhật Tsubota đến Okinawa – Nhật Bản ăn tết truyền thống ở nhà anh. Kể từ khi người Nhật chuyển sang ăn tết dương lịch thì Okinawa là hòn đảo vẫn còn khá nhiều người Nhật ăn tết trùng với ngày tết truyền thống Việt Nam.

Omisoka là tên gọi ngày tết cổ truyền trước đây với “misoka” có nghĩa là “là ngày cuối cùng của tháng cuối” (tiếp đầu ngữ O thêm vào để nhấn mạnh thêm cho từ misoka). Cũng như mọi năm, từ 19:30 giờ, gia đình Tsubota quây quần bên chiếc tivi để xem chương trình trò chơi được phát bởi đài NHK có tên gọi Kohaku Uta Gassen (hai đội đỏ và trắng thi hát).

Các ca sĩ nổi tiếng tham gia được chia ra làm 2 phe (nữ trong trang phục đỏ và nam trong trang phục trắng) nhằm chọn ra giọng ca được nhiều người yêu thích trong năm. Chương trình kéo dài đến 11:45 giờ.

Trước khi kim đồng hồ trùng nhau ở con số 12, mọi người phải ăn món truyền thống Toshikoshi Soba hay Toshikoshi Udon. Đó là những bát mì với sợi rất dài ăn kèm với món Tempura (các loại rau củ, hay mực, tôm nhúng bột chiên).

Tsubota cho tôi biết: “Là quốc gia đi lên từ nông nghiệp lúa nước, sợi mì như lời cảm tạ đến thần nông nghiệp đã giúp nông dân đủ cái để ăn và cầu chúc năm mới được mùa. Sợi mì rất dài còn có ý nghĩa mọi người đã đi từ một năm rất dài để bước qua năm mới”.

Mùa hoa anh đào ở Okinawa – Ảnh: Tsubota.

Sau giao thừa, mọi người nô nức đến các đền Thần giáo (Shinto) để uống cốc rượu Amazake (sake trắng) và cầu nguyện năm mới an lành. Tiếng chuông từ các ngôi chùa Phật Giáo gõ đúng 108 tiếng với ý nghĩa cầu chúc mọi người vượt qua 108 điều đau buồn trong cuộc sống. Mẹ Tsubota cũng không chuẩn bị quà cho đứa con trong ngày mùng một khi những đứa trẻ bước đến chúc phúc bởi ngày lễ hội con gái (3/3) và lễ hội con trai (5/5) cũng đã cận kề.

Trong 3 ngày đầu tiên của ngày tết, người Nhật kiên cữ nấu nướng. Vì vậy, thức ăn phải chuẩn bị trước đó, điều đặc biệt không thể thiếu món truyền thống Osechi. Đó là hộp thức ăn đầy màu sắc chứa 12 loại thức ăn khác nhau thể hiện cung bậc trong cuộc sống: cam đắng, trứng omelette cuộn tròn, chả cá nướng, trứng cá, rong biển, đậu tương đen, cà rốt ngâm giấm ngọt, cá tráp, cá sardine, súp miso, tôm và trứng với ý nghĩa mạnh mẽ từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp, may mắn, hạnh phúc và sống trường thọ.

Ngày mồng một, tôi theo gia đình Tsubota đến chùa cầu nguyện. Trong không khí vui tươi lành lạnh ngày xuân, tôi cũng cầu nguyện cho mọi người có một NĂM MỚI THÀNH CÔNG.

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo TTCT ngày 14/02/2014)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả