Châu Á

Ấn Độ – Ngày quay lại (Phần 5)

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:39 pm
Đã đăng: 11/01/2016 8:00 am

Bà cô phương Tây ngắm nghía thực đơn và thều thào một mình. Sự thều thào ấy cũng đủ cho tôi nghe mồn một những gì phát ra trên cái môi đang trề của bà : “Thức ăn ở đây đắt tiền quá. Quán tên Kathmandu, nhưng cái giá không phải của người Kathmandu!”. Bóng bà nhanh chóng lướt qua chúng tôi.

Bà mẹ người Mỹ nheo mắt nhìn theo bóng dáng ấy rồi lại trề môi : “Con mẹ người Úc thật quá quắt. Nó mang bản tính tằn tiện của chúng nó đi khắp thế giới!”. Tôi cười và hỏi bà một câu hỏi thuộc dạng lắt léo : “Tại sao bà biết cô ấy là người Úc. Bà có biết rằng, trên hành trình của mình, mỗi khi tiền ra thì từng khúc ruột cứ nhảy tưng tưng rồi đến xốn xang trong bụng không? Người ta phải cân đong đo đếm bộ não của mình để có quyết định cuối cùng? Có khi nào bà có một chút ganh tỵ trong lòng bởi cô ấy đến từ một trong những quốc gia đáng sống nhất hành tinh này”.

Cổng chào Ấn Độ tại New Delhi.

“Trên thế giới này, có bao nhiêu quốc gia sử dụng tiếng Anh là quốc ngữ của mình chứ. Từ đất mẹ Vương Quốc Anh, tiếng Anh sẽ biến đổi khá nhiều và tạo thành những âm gió, cái ngắt, lên xuống giọng đặc trưng cho từng vùng miền. Ít nhất, máu người Anh từng chảy trong huyết quản của tổ tiên tao, nên tao nhận biết đó là giọng người Úc bởi phát âm của cô ấy luôn có âm bass nhiều hơn và luôn lấp giọng vào nhau. Theo tao, người Úc là phát âm kém nhất trong các quốc gia Mỹ và Canada. Nhưng có lẻ, mày hiểu sai về khi tao muốn nói gì về cô ấy trong hoàn cảnh này” Bà nói với tôi.

Bà hỏi tôi : “Mày có từng đến quán Kathmandu trước những ngày Nepal bị động đất không?”. Tôi đáp có. Bà tiếp tục : “Mày thấy quán có đổi giá sau trận động đất không?”. Tôi ngắn gọn : “Không”. “Đấy, người Kathmandu đao đáo về quê hương với những nỗi đau, họ không biết cách nào để đóng góp cho quê hương và chỉ bằng cách dành dụm tiền lãi để gửi về xây dựng lại đất nước mình. Sự hà tiện của cô người Úc đấy đặt “không đúng chổ” khi những thương tâm đang xảy ra với Nepal”. Tôi xen vào câu chuyện : “Mẹ hãy thông cảm cho cô ấy, chắc cô ấy mới đến nên chưa tường tận mọi thứ!”

“Cô ta đi du lịch làm gì mà không biết rằng mức sống của người New Delhi cao hơn hẳn người Kathmandu, chưa kể quán còn phải thuê mặt bằng và chịu nhiều thứ thuế khác biệt so với ở Kathmandu …”. Bà không hài lòng cô người Úc ấy và đang phả câu chuyện vào mặt tôi. Bà làm tôi nhớ về người Úc mà tôi gặp khi đến quốc gia này cũng như những người Úc khác mà tôi gặp trên đường đi.

Tôi không dám kết luận về người Úc bởi sự ngăn cách về ranh giới màu da hay lục địa khiến tôi ít trò chuyện cùng họ. Ít nhất, trường hợp này tôi gặp phải và nó là minh chứng đúng cho những gì bà mẹ người Mỹ nói về người Úc. Trên chuyến bay từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về lại Sài Gòn (máy bay dừng lại Bangkok rồi bay tiếp), tôi ngồi cạnh một cô gái người Úc.

Tôi ăn dở dang khẩu phần thức ăn phục vụ bởi tiếp viên và định dẹp nó qua một bên. Cô ta quay sang nói với tôi : “Mày không ăn à, đưa qua cho tao ăn đi, tao đã nhịn đói 1.5 ngày rồi!”. Tôi ngại quá, quay sang lấy khẩu phần chưa đụng tới của ông anh ruột đưa cho cô ta. Cô ta chén cả phần thức ăn của ông anh và phần dở dang còn lại của tôi.

Pháo đài đỏ ở New Delhi.

Cô ta nhét vội chiếc gối và cái chăn của hãng hàng không vào hành lý của mình. Cô ta quay lại giải thích với tôi về hành động của mình : “Tao quá cảnh tại Bangkok để nối chuyến về Sydney. Tao cần những thứ này cho thời gian chờ đợi. Tao nghĩ những thứ này tao đã trả hết vào trong vé máy bay!”. Trong ví cô đầy ắp những đồng tiền lớn khi cô móc lấy cây son màu mận chín trang điểm lại nhan sắc của mình lúc máy bay sắp hạ cánh xuống Bangkok.

“Cuộc sống cần phải biết chia sẻ đúng người và đúng lúc con ạ. Đừng sống vô cảm như những thanh niên nước Mỹ trong ngày đau thương 11/9. Bên kia sông Đông êm đềm họ vẫn chụp hình tự sướng bên cạnh những dòng khói đen kịn bốc lên không trung từ tòa tháp đôi. Đám thanh niên ấy cứ tưởng mình là những người chứng kiến lịch sử đen tối của nước Mỹ vậy mày ạ!” Bà phá dòng suy nghĩ của tôi.

“Mày biết không, những quốc gia đáng sống luôn có nhược điểm đó là sự lười vận động trí óc của con người!”. Đúng, đúng, tôi đồng ý khoản này với bà.

Thời sinh viên của tôi là những giấc ngủ gục chảy ke ở cuối giảng đường hay cúp cua cho các môn học chính trị. Tôi ngáp dài thở vắn và quay sang hỏi thằng bạn kế bên “Thầy vừa nói gì vậy?”. “Thầy bảo là khi tiến lên chủ nghĩa vô sản, ngủ không cần đóng cửa, không phải lo lắng trộm cắp vì tài sản nhà nào cũng như nhà nấy”. Vậy hả, tôi gục đầu ngủ tiếp và có lẻ “giấc mơ thiên đường” về ngày ấy vẫn tiếp tục ngủ mê mệt trong ngôi nhà 4m2 lúc cuối cuộc đời.

Lăng mộ Humayun ở New Delhi.

Brunei, Úc và các quốc gia Bắc Âu là những nước bước đầu đi vào phạm trù chủ nghĩa vô sản. Chính sách phúc lợi quá tốt khiến người ta quên lắc não để suy nghĩ. Dù không rủng rỉnh tiền bạc so với công dân khác trong khối nước đã phát triển, nhưng chính phủ ở các quốc gia đó đảm bảo cuộc sống của công dân mình luôn sung túc ở nhiều khía cạnh cho đến khi họ bước qua bên kia thế giới cuộc đời.

Động não để suy nghĩ cách làm giàu làm gì. Rủi động mạnh quá các nơ ron thần kinh tuột mất đi các cảm xúc hay bị đứt dây, khi số tiền kiếm được phải chịu những khoản thuế khổng lồ sung vào quỹ phúc lợi để trải dàn đồng đều cho sự tiện nghi về cuộc sống của mọi người. Cái quan tâm lớn nhất của người dân ở các quốc gia kia là chính phủ đã và sẽ làm gì để cuộc sống của họ ngày càng sung túc hơn nữa.

Ý nghĩ về “Sự bất công” trong giới tài phiệt của các quốc gia nói trên lớn dần qua từng năm và cách duy nhất là họ rời bỏ tổ quốc ra đi, lập nghiệp ở những quốc gia dễ chịu hơn về các khoản thuế thu nhập. 100 người giàu nhất thế giới được công bố hàng năm trên tạp chí Forbes không tìm thấy một người nào đến từ các quốc gia kia. Sự dịch chuyển để định cư sang quốc gia khác của các vận động viên quần vợt đỉnh cao đang diễn ra là trường hợp tương tự.

Bà mẹ người Mỹ giả từ tôi sau câu chuyện dài dòng buổi sáng. Bóng bà liu xiu, chầm chậm cùng với gậy trong tay tan dần trong những hoa nắng đang nhảy múa cuối con đường. Dẫu bà không nói, nhưng tôi vẫn biết rằng bà đang đi tìm ký ức một thời khi cùng Ông đến đây. Ông đã qua đời trong cơn bạo bệnh cách đây 5 năm!.

Gần đó, anh thanh niên người Ấn trẻ tuổi vẫn cần mẫn trên chiếc cối của mình đễ vắt ra những gì tinh túy nhất từ các quả cam và quả lựu. Người Ấn không thích nước nước ép có đường, họ vẫn thích uống vị ngọt tự nhiên của cây trái lẫn trong một chút vị mằn mặn của muối qua đầu lưỡi. Đám ruồi nhặng bay lên tung tóe khi một ai bước vội ngang qua chiếc xe đẫy, chúng không biết rằng, lát đây chúng sẽ bị vùi thây vào vũng mật ngọt nồng nàn bởi đôi cánh thiên thần của chúng đã bị trĩu nước.

Trong quán, đối diện với bàn tôi ngồi là anh bạn người Israel với mái tóc đen xoắn. Anh đang nhả những làn khói trắng vào không trung và đôi mắt nheo nheo lướt qua tờ báo trên tay. Sáng hôm qua, chúng tôi cũng đã có những câu chuyện thú vị về Ấn Độ tại quán Kathmandu …


Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả