Con phố Main Bazaar dường như sống cùng hơi thở với lữ khách. Các quầy bán hàng mở cửa cho đến tận 12 giờ đêm và chỉ nhộn nhịp trở lại vào 9 giờ sáng hôm sau. Anh đi chân trần, bước ra từ con hẽm nhỏ đối diện quán Kathmandu, trên tay cầm tờ giấy 10 Rupee màu vàng xám. Anh hỏi tôi biết chổ nào bán thuốc lá không. Tôi chỉ cho anh, cách quán vài căn nhà là siêu thị mini mở cửa sớm có thể bán lẻ 2 điếu thuốc thơm cho 10 Rupee.
Anh ngồi chung bàn với tôi nhấm nháp ly cà phê do tôi mời, nhả những vòng khói trắng vào không trung và cảm thấy vô cùng thỏa mãn trên khuôn mặt. Những người xem thuốc lá là bạn đồng hành luôn cảm thấy thế vào mỗi sớm mai thức giấc. Tôi hỏi anh ta đến từ Israel à, anh gật đầu thay cho sự đồng ý.
Tôi không thể diễn tả tại sao tôi có thể phân biệt được đó là người Israel với các dân tộc khác trong vùng Trung Đông dù ngoại hình họ na ná như nhau. Đó là một khuôn mặt hơi tròn góc cạnh hai bên với đôi mi dài, rậm cong vút trên đôi mắt cùng với sống mũi cao ở độ vừa phải. Mái tóc dày mọc xoắn tít vào vùng da đầu.
Những kẻ lữ hành khác từng rỉ tai tôi : “Khuôn mặt đẹp chết người, một cái đầu thông minh, tỉnh táo nên Chúa đã chọn vùng đất ấy để ra đời! Nhưng môi trường sống trên vùng đất ấy quá khắt nghiệt đã tạo cho người Do Thái một tính cách rất “ki bo” trong tiền bạc. Không dễ gì lừa và lấy được tiền của họ”.
Anh đến Main Bazaar lúc 4 giờ sáng từ thành phố biển Goa sau hơn hai mươi mấy tiếng ngồi xe. Không ngủ được và anh chợt thèm điếu thuốc thơm khi bình minh đến. Anh bắt đầu câu chuyện với tôi sau khi thỏa mãn được sự thiếu thốn trong vài canh giờ qua. “Visa của tao đã hết hạn, tao phải lên New Delhi gia hạn visa thêm 3 tháng nữa để khám phá phía Bắc Ấn độ, sau đó di chuyển qua Nepal để leo núi. Người Do Thái kéo đến Nepal rất đông để leo núi như là minh chứng cho sự cần cù, can đảm và có thể vượt mọi khó khăn”.
Tôi đáp “Nghĩa là mày đã ở đây gần 3 tháng rồi à. Mày thích Ấn Độ đến như thế à?”.
“Ấn Độ là một nền văn hóa lớn nên có cái để xem và tìm hiểu. Quan trọng hơn là giá rẻ và phù hợp với túi tiền của tao. Những ngày ở Goa là những ngày hạnh phúc trong cuộc đời tao”. Anh ta trả lời tôi. “Mày biết đấy, tao tìm thấy một bãi biển ấm áp, những dãy núi xanh rì bóng cây và ở dạng homestay với giá 200 USD/tháng để tìm hiểu mọi thứ. Những thứ đó tao khó tìm trên vùng đất Israel”. Anh ta tiếp tục.
Tôi xen ngang câu chuyện của anh bằng câu hỏi “Trong 200 USD/tháng khi ở homestay, mày có được những gì?” “3 bữa ăn cùng chiếc giường để ngủ” Anh ta cho tôi biết.
“Bà chủ nhà nấu gì tao ăn nấy. Thỉnh thoảng con trai bà chủ nhà xách chiếc xe Honda chở tao đi một vòng khám phá thành phố và chỉ đưa cho nó tiền xăng và một ít tiền công. Mày biết không, ở vùng quê Ấn Độ cuộc sống còn rất nghèo khó, 200 USD như là một tài sản lớn của họ, khó mà kiếm được trong một tháng”. Anh ta đang kể cho tôi nghe.
Tôi ghẹo anh ta : “Thế mày có thử qua “rau sạch” ở vùng quê chưa, nghe nói rẻ lắm mà rất an toàn!”. Thật ra, tôi không biết chuyện này, có lần chú Kim người Malaysia gieo vào đầu óc non nớt của tôi chuyện những người giàu có muốn gặp được vận may trong làm ăn tìm đến Ấn Độ để “phá trinh” với giá rẻ hời.
Cái nghèo bám riết vào cuộc sống của người Ấn ở các làng quê xa xôi, khiến các bậc cha mẹ không còn đường chọn lựa đành phải đem các cô con gái ruột mới lớn của mình bán trinh với giá chỉ 50 – 100 USD. Giá còn rẻ hơn với các cô gái sau lần bị phá trinh ấy.
Anh ta có vẻ ngượng ngùng khi tôi hỏi vấn đề tế nhị, nhưng anh cũng chia sẻ một cách thật lòng : vì nhu cầu sinh lý bản thân cũng từng vài lần với giá rẻ và cũng vài lần qua đêm miễn phí với các cô gái Tây cảm thấy cô đơn và trống vắng khi đi du lịch một mình. “Mày cảm thấy như thế nào về tình trạng hiếp dâm ở Ấn Độ được đăng nhan nhản trên các tờ báo lớn”. Tôi hỏi anh ta.
Anh ta quay sang hỏi lại tôi “Thế ở nước mày có xảy ra tình trạng hiếp dâm không, có lên mặt báo không?”. “Thỉnh thoảng trên một vài tờ báo đăng tin hiếp dâm xong rồi chuyển qua cướp của giết người. Mà tao thích đọc mấy tin này lắm khi truyền thông giật tít”. Tôi trả lời anh ta.
“Mày biết đấy, du lịch bây giờ có nhiều mục đích lắm, không chỉ đơn thuần là đi ngắm cảnh xem hoa nữa đâu, trong đó có cả phần đi du lịch sinh lý chỉ đạt mục đích thỏa mãn tình dục, tìm cảm giác mới lạ. Tùy theo mục đích chuyến đi của mày là gì thì mày sẽ hướng theo đó mà tìm kiếm. Thông thường, những chuyến đi dài luôn đi cùng với những người vừa xảy ra những biến cố trong cuộc đời. Tao mới vừa bị cho nghỉ việc đấy!” Anh ta đang lý luận với tôi.
“Người trong xã hội nhiều thành phần và có mấy ai đảm bảo được số tiền tiêu xài đủ trong hành trình 3 tháng hay nhiều hơn nữa. Đôi khi phải vật vưỡng, ăn dầm nằm dề, qụyt tiền mặc cho người ta có xỉa xói về mình. Các cô gái ấy bị “trả thù dân tộc” bằng hành động hiếp dâm tập thể. Chưa kể việc “trả nợ” bằng cách hiến dâng, hay dễ dãi cho không biếu không trong những ngày tháng cô đơn, quạnh hiu. Lâu ngày thành quen và người ta luôn đòi hỏi nhiều hơn khi đã “cho không” hay “trả nợ” ….
Khi sự việc không kiểm soát được, các cô gái bèn báo lên ĐSQ để được bảo vệ và nhận được sự giúp đở bằng các chuyến bay về nước chẳng mất tiền vé. ĐSQ thực hiện trách nhiệm của mình là bảo vệ công dân nhưng phớt lờ qua những gì các gái của mình đã từng làm gì trước đó. Truyền thông luôn muốn bài viết của mình được nhiều người quan tâm bằng những cái like nên đã giật tít trên mạng. Chỉ toàn là truyền thông hết mày ạ!”. Anh ta cho tôi ý kiến riêng về việc hiếp dâm ở Ấn Độ như thế.
Tôi không có ý kiến về việc này, nhưng chỉ nhớ lại những nụ cười bí ẩn như nàng Mona Lisa của các cô gái người Đức trong những ngày ở thủ đô Lusaka – Zambia khi được các anh chàng địa phương hẹn hò đưa đi dạo phố tối. Các cô luôn khúc khích với những miêu tả về sự hùng hục, hừng hực, nóng bỏng đến nảy lửa của anh chàng nào đó …
Tôi cũng muốn chia sẻ về “trách nhiệm” của ĐSQ ngay cả trong việc cấp visa. Ngài Đại Sứ Iraq tại Hà Nội vỗ vào vai tôi : “Thật tình, tôi cũng muốn cho bạn vào Iraq để đến với nền văn minh Babylon. Chiến cuộc đã xảy ra, và tôi cũng không muốn có sự sứt mẻ về mối quan hệ giữa tốt đẹp giữa Iraq và Việt Nam từ bấy lâu nay nếu như bạn gặp những điều không hay ở Iraq …”
Cũng giống như bà cô người Bỉ ở cùng khách sạn với tôi tại Srinagar, tôi cũng học được nhiều điều mới hơn sau mỗi lần quay lại. Quan trọng nhất trong những điều mới ấy chính là : tôi có thể ăn bất cứ món nào của người Ấn sau khi bị mất bịch chà bông nữa kí lô tại Jammu. Tôi đã vượt qua được “nỗi sợ” của 7 năm về trước …
Tái bút:
+ Bài viết không mang mục đích quảng cáo về Ấn Độ vốn đã bị chê, chỉ ghi nhận lại những câu chuyện nhỏ ở New Delhi trong những ngày đầu quay lại của bạn Linh.
+ Tất cả các chuyến bay quốc tế đều đáp xuống nhà ga số 3 của sân bay Indira Gandhi – New Delhi. Sau khi nhập cảnh và thoát ra ngoài, các bạn băng ngang qua đường đến tòa nhà nhỏ đối diện sân bay để vào trạm tàu điện ngầm. Giá vé gốc để vào trạm trung tâm chỉ là 80 Rupee. Tuy nhiên, do có quá nhiều người đi, nên ban quản lý cử người mua vé hộ và bạn phải trả 100 Rupee. Tàu lửa rất hiện đại vì mới được lắp đặt gần đây.
+ Tại trạm tàu điện cuối cùng (còn gọi là trạm trung tâm), bạn có thể bắt thêm 1 chuyến tàu địa phương để đến phố Tây ba lô – Main Bazaar với giá vé 15 Rupee. Hoặc bạn thoát ra ngoài cuốc bộ khoảng 30 phút hay bắt tuktuk đến phố Main Bazaar với giá 50 Rupee.
+ Quán Kathmandu bán nhiều loại thức ăn cho bạn lựa chọn : Thái, Nhật, Hàn, Singapore, … (không thấy món ăn Việt Nam). Đầu đường Main Bazaar là nhà ga xe lửa trung tâm tiện lợi cho việc đi lại.