Bắc Mỹ

Hola Cuba – Chào Cuba

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:39 pm
Đã đăng: 13/01/2016 8:00 am

Anh quản lý nhà trọ khuyên bảo tôi sáng ngày 31/12 : Ở nhà trọ xem truyền hình trực tiếp giao thừa, đừng đi ra đó. Quảng trường Thời Đại chỉ có chen lấn và đón cái lạnh thấm dần vào tim. Tôi cũng chẳng nghe lời, bởi tôi đâu có cơ hội đến Xứ Cờ Hoa nhiều lần trong cuộc đời. Đôi nam nữ người Nhật ngồi ăn sáng trong nhà trọ cũng thỏ thẻ với tôi : Tụi tao cũng chẳng biết làm gì trong cái lạnh giá đó, mà không lót dép ngồi hóng thì không có chổ ngắm nhìn …

Từ 9 giờ sáng, người ta đã bày binh bố trận : lót dép, trải nệm, chiếu, mùng mền, bao bố, bao nilon, … trước quảng trường để chờ đón giao thừa. Nhìn những khuôn mặt hăng hái, háo hức, hầm hập, hừng hực, hung húc, … của dòng người đen kịch đang đổ về như thác lũ trên con đường 40 để vào quảng trường đi đếm ngược tôi có cảm nhận dường như đó là đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai. Thật là khổ!

Tôi trở về nhà trọ International Students Residences lúc 1h30 sáng sau màn chen lấn đến rả rời ở Quảng Trường Thời Đại – New York để chào đón năm mới trong cái rét căm căm đến thấu xương của những ngày mùa đông. Cả nhà trọ dường như không ngủ với những câu chuyện ỏm tỏi hào hứng đón giao thừa như thế nào của đoàn người lần lượt kéo về sau đó. Tôi dự tính sẽ bắt tàu điện ra sân bay JFK lúc 2h sáng để đến Cuba (chuyến bay của tôi vào lúc 7h10 phút), và trong sự mệt mỏi cùng với một chút chủ quan tôi đã đánh giấc cho đến 3h sáng.

Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Mà cả thành phố New York cũng dường như không ngủ khi người ta ca hát, uống bia cho say đến bí tỉ và quên mất lối về trong các quán bar. Sự hưng phấn qua ly rượu hay lon bia, khiến nhiều người da đen mất dần sự kiểm soát bản thân nên dẫn đến những cuộc ẩu đã không mong muốn khiến lực lượng cảnh sát phải vất vả làm việc để dọn đi những trò hề trong đêm giao thừa.

Trên ga tàu tại đại lộ Marcy, cô gái nọ bước chông chênh trong hơi men giữa màn sương lạnh giá. Anh thanh niên Trung Quốc kia gật gù lên xuống trong hơi rượu thơm tho chờ tàu đến. Như đã quá sức, thỉnh thoảng anh lại nôn ẹ ngay tại ga tàu. Đôi thanh nam nữ tú người da đen lại xoắn nhau, loạng choạng trong hát vu vơ những câu hát đầy ý nghĩa “Baby – I Love You”của bài hát nào đó ….

Hơi men dường như bao phủ trong khoang của tàu J đến ga Broadway Junction. Trong cái lạnh tê tái như thế, người ta không uống rượu bia để tìm kiếm hơi ấm khi dành chổ để nhìn quả cầu hạ xuống mới là chuyện lạ!.

Từ ga Broadway Junction, tôi chuyển sang tàu A để đến ga Howard Beach, để từ đây bắt tàu Air Train đến nhà ga số 1 sân bay quốc tế JFK. Cô gái nọ đứng dựa cột gật gù theo điệu nhạc và phà hơi men vào người tôi khi nhận ra tiếng ken két của đoàn tàu đến : Nó đến rồi, hoan hô, tao sắp được về nhà …. Trên khoang tàu ấy, người ta lại gật gù ngủ vùi trong hơi men, ……

Sự cố đã xảy ra khi tàu A đến ga đại lộ Grant, do sắp xếp lại kế hoạch và lịch trình cho ngày mới, mọi người phải xuống tàu tại đây và chờ bắt chuyến tàu A khác đến. Người ta lại chửi thề nước Mỹ cho sự cố này! 20 phút đã trôi qua, nóng lòng, tôi và một cặp đôi người Mexico khác đến hỏi anh quản lý bao lâu tàu A đến để đi ga Howard Beach. Anh cho chúng tôi biết : khoảng 30 phút nữa. Cặp đôi người Mexico đi Chicago an ủi tôi : sẽ kịp thời gian để làm thủ tục. Đã là 4h30 phút sáng!

Một bà cô người Mỹ đậm người, tóc đỏ hoe kéo tôi lại hỏi : mày đến sân bay à, tao cũng đi đến đó, tao làm việc ở nhà ga số 4, tao sẽ hướng dẫn mày đi đến đó. An tâm đi! Một chuyến tàu A lại đến, nhưng tôi biết đó là tàu địa phương chạy theo hướng khác mà ga kết thúc cuối cùng của nó là đại lộ Lefferts và bà kéo tôi lên chiếc tàu đó. Bà tỉ tê tâm sự với tôi : mày biết đấy, nếu mày đến ga Howard Beach, mày sẽ mất 5 USD để đi Air Train. Nước Mỹ đắt đỏ lắm mày ạ, 5 USD có thể mua được nhiều thứ!

Sự bồn chồn lo lắng của tôi khiến bà cũng đứng ngồi không yên và giây phút đó tôi thầm nghĩ rằng : tôi thả trôi số phận của mình!. Vừa ra khỏi ga Liberty, bà mua cho tôi ly cà phê sáng để tôi kịp tỉnh giấc và lạc quan tinh thần. Đã là 5h20 phút sáng. Vừa nhấm nháp ly cà phê, bà bước ra giữa lộ xem xe buýt đã đến chưa (bà đã thực hiện điều đó 3 lần).

Đó là chuyến xe buýt đi dọc theo theo đại lộ Liberty và điểm dừng cuối cùng của nó là sân bay quốc tế JFK. Bà tiếp tục trả cho tôi vé xe buýt đó. Với những bước chân chạy như bay trên những dãy thang chuyền, tôi kịp đến nhà ga số 1 (10 phút nữa đóng quầy) và là hành khách cuối cùng thực hiện việc làm thủ tục của hãng Aeromexico. Lúc đó đã là 6 giờ sáng nước Mỹ.

Bà đã tặng cho tôi 5 USD như là món quà lì xì trong đầu năm mới vì không phải mua vé Air Train. Tôi đã dành số tiền này mua một ly Latte nóng để thưởng thức và ổn định lại tinh thần sau những khó khăn vừa vượt qua. Những gì đã qua trong đầu năm mới tái hiện phần nào đó trong cuộc đời của tôi : tôi may mắn kiếm được tiền cho những chuyến đi, nhưng tôi luôn phải trả giá cho sự hối hả, bươn chảy trên đôi chân mà đôi khi đến nghẹt thở trên những nẻo đường đời …

Tôi đã đến Cuba vào ngày đầu của năm mới …

Hola Cuba – Chào Cuba!

Nguồn: Linhnc2005
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả