Bắc Mỹ

Ngõ nhỏ Québec

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:50 pm
Đã đăng: 19/02/2014 6:00 am

Tôi thích bước nhẹ nhàng trên những bậc thang bằng gỗ Dufferin phía trước khách sạn Château Frontenac ở Québec – Canada để xuống con đường đá cuội rêu phong Petit Champlain. Đó chỉ là một con ngõ hẹp dài 500m và rộng 12m nhưng chồng chất lịch sử và cả văn hóa bản địa khi người Pháp đến đây. Cứ mỗi khi chiều buông, người ta lại kéo đến con ngõ này và lắng nghe nhịp thời gian trôi nhẹ nhàng trong từng giọt cà phê thơm.

Tối qua, nhiệt độ đã xuống 0 độ C và ông trời giáng những trận mưa đá bất ngờ. Sáng dậy, những bông tuyết đầu mùa đã bay trắng trời, đọng thành một lớp mõng trên mái nhà. Nhìn tôi đang giơ tay để hứng những bông tuyết đang rơi trên phố, những người bản địa chia sẻ với tôi: “Tụi tôi ghét tuyết lắm, mùa đông ở Canada rất lạnh!. Cái ngày nắng xuân đến, tuyết tan chảy ra làm dơ hết đường phố”.

Nhưng tôi thì khác. Tôi thích ngắm nhìn cảnh đẹp mùa đông dưới gốc cây tuyết tùng bên những căn nhà nhỏ với ống khói nhô cao và mái nhà đã được phủ một màu trắng xóa, từng bông tuyết bay bay trong không gian.Trong cơn giá rét ấy, nhìn cách thức những đôi lứa yêu nhau truyền hơi ấm và mong muốn đi chung nhau hết cuộc đời này, một ý nghĩ chợt thoáng qua trong tôi: “Canada đâu chỉ có đất lạnh, mà nơi ấy còn có tình nồng!”.

Canada đâu có đất lạnh mà còn có tình nồng.

Những cơn mưa tuyết đầu mùa đã dứt hẳn vào buổi chiều, một chút ánh nắng vàng vọt yếu ớt đã xuất hiện về phía chân trời. Tôi leo lên ngọn đồi cao để ngắm nhìn dòng sông Saint Lawrence vắt vẻo quanh co chảy phía bên dưới. Vết tích pháo đài Saint Jean do người Pháp xây dựng đầu tiên vào năm 1663 đã biến mất theo thời gian, chỉ còn sót lại những bức tường rêu phong cùng những khẩu súng thần công hoen rỉ.

Trên đỉnh đồi ấy, những người bản địa hướng dẫn tôi ngắm nhìn thật kỷ dòng sông Saint Lawrence để từ đó có thể hiểu được ý nghĩa của chữ Québec. Tên của thành phố được lấy từ chữ Kébec mà theo bộ lạc da đỏ Algonquin nó có nghĩa là: “nơi dòng sông bị hẹp lại”. Dòng sông Saint Lawrence khi chảy đến địa phận Québec uốn khúc và “thắt eo”. Cái tên Kébec ra đời từ đó.

Québec là một trong những thành phố cổ nhất do người châu Âu sáng lập trên vùng đất Bắc Mỹ (ngày 3/7/1608). Một vài thành phố ở Mexico, MỹCanada được thành lập sớm hơn thành phố Québec, tuy nhiên, Québec được thành lập là thủ phủ về văn hóa chứ không là trung tâm thương mại như các thành phố khác. Hơn thế, Québec là thành phố đầu tiên được thành lập trên đất Bắc Mỹ không phải do người Tây Ban Nha mà là người Pháp và UNESCO đã vinh danh Québec là di sản văn hóa thế giới.

Ngựa qua phố cổ.

Québec trong tôi là một thành phố nhỏ đáng yêu khi vừa đặt chân đến đây. Tôi yêu các kiến trúc đặc trưng của người Pháp với màu sơn trắng pha lẫn với các màu sơn trầm qua từng góc phố. Tôi lại yêu âm điệu tiếng Pháp nhẹ nhàng trầm bổng của người bản địa và là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng tại đây.

Tôi cũng yêu những con đường đá cuội nhỏ hẹp có từ thế kỷ 17 dốc thoai thoải lên trên những con đồi. Vết chân của người Pháp đến đây cùng với bước chân nhẹ nhàng của bao du khách làm nhẳn đi những viên đá thăng trầm và chúng tạo nên độ sáng loáng theo nhịp thời gian. Tôi cứ rong chơi qua những nẻo đường của Paris thứ hai và bất chợt reo to khi phát hiện tượng của ngài Nguyễn Trãi được đại học Québec vinh danh vĩ nhân.

Trong ánh nắng vàng của một buổi chiều, tôi men theo những bậc thang “nguy hiểm” phía trước khách sạn Château Frontenac để đến con đường hẹp nhất của thành phố – Petit Champlain. Người bản địa thường gọi Château Frontenac là cung điện Versailles của Quebec bởi nhìn xa trông giống cung điện hơn là một khách sạn. Thiết kế mái vòm của khách sạn được sao chép nguyên bản từ điện Versailles của Paris. Mái vòm xanh lơ màu đồng hòa trong sắc màu của những viên gạch đỏ tạo cho Québec rất riêng và nó là một trong những khách sạn trên thế giới được du khách chụp hình nhiều nhất.

Khách sạn Château Frontenac, một trong những khách sạn được chụp hình nhiều nất trên thế giới.

Tiếng cọt kẹt của những bậc thang được làm bằng gỗ trên cầu thang Dufferin tạo thành âm thanh vui nhộn. Cái tên “cầu thang nguy hiểm” ra đời vào giữa thế kỷ 19 là cách gọi thân yêu của người bản địa thay cho Dufferin vì khoảng cách giữa các bậc thang khá xa và cao. Nhiều lần sửa chửa, nhưng người ta vẫn không thay thế những bậc thang gỗ bằng những vật liệu hiện đại bởi người Québec không muốn mất đi hình ảnh đáng yêu thuộc về quá khứ theo dòng lịch sử.

Cầu thang “nguy hiểm” được người Pháp xây dựng đầu tiên khi đến Quebec và là cầu thang cổ kính nhất ở đây. Có chăng người ta chỉ xây dựng thêm thanh vịn bằng sắt để hổ trợ cho những người thích bước qua đây.

Tôi ghé qua một vài quầy bán hàng lưu niệm để mua một vài thứ để làm kỷ niệm khi đến Québec. Thấy tôi có vẻ thích thú ngắm nhìn những tượng gỗ được điêu khắc tinh xảo và đầy màu sắc đặt trên những quầy kệ, anh bán hàng giải thích đó là những người bộ lạc da đỏ Algonquin từng sống tại đây trước khi người Pháp đến.

Theo anh, những người da đỏ đã ảnh hưởng đến việc thiết kế quốc kỳ cho Canada. Hai màu đỏ hai bên được tượng trưng cho 2 bờ: Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và cũng tượng trưng cho thổ dân da đỏ sinh sống tại đây. Màu trắng ở giửa tượng trưng cho đất nước Canada nằm gần Bắc Cực nên gần như tuyết trắng phủ quanh năm và nó còn có ý nghĩa là: một đất nước trắng “tinh khôi” từ cuộc sống cho đến môi trường. Nó cũng có ý nghĩa là tượng trưng cho người da trắng đến đây khai phá và phát triển lục địa.

Một góc cầu thang Dufferin.

Tôi gọi ly cà phê Espeso cùng với chiếc bánh Pâté à la viande để dùng bữa tối và ngồi bắt chuyện với vợ chồng bác Guillaume ở bàn kế bên. Câu chuyện về con đường Petit Champlain trôi qua trong từng giọt cà phê thơm và ngọt ngào như hương vị bánh vừa trôi qua đầu lưởi. Khi người Pháp đến đây, họ xây dựng Petit Champlain con đường đầu tiên ở thành phố này để họp chợ và trao đổi hàng hóa. Nối con đường này là với khu đồi Diamant phía trên là chiếc cầu thang bằng gỗ. Một vài ngôi nhà mọc lên dọc theo phố được làm bằng gỗ theo kiến trúc Normandy đang thịnh hành trong thế kỷ 17 và 18 lúc bấy giờ ở Pháp.

Những trận hỏa hoạn sau đó đã thiêu hủy toàn bộ khu phố và người Pháp xây dựng lại phố bằng ngôi nhà hai tầng làm bằng đá. Điều đặc biệt hơn, những ngôi nhà mới xây lại đều có mái làm kim loại và nghiêng một góc 52 độ đủ để không khí làm tan lớp tuyết đóng bên trên.

Tuyết đã rơi ngày hôm qua.

Một con đường chỉ dài 500m, rộng chỉ 12m và là một những con đường thương mại cổ kính nhất Bắc Mỹ luôn nằm trong ký ức của bác Guillaume. Một bức tranh với diện tích khoảng 100m2 được vẽ và đặt tại ngôi nhà số 102 để kể chuyện lịch sử về những con đường nhỏ hẹp ở thành phố Québec, cuối con đường là ngôi nhà của họa sĩ lừng danh Jean Pierre Raynaud, bức tường tranh nghệ thuật Fresco ở phía đối diện ngôi nhà Place de Paris, … Nhìn bác say sưa kể chuyện, tôi có cảm giác con đường Petit không chỉ chất chồng lịch sử mà còn chứa đựng văn hóa của người bản địa và dường như nó là hơi thở không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của bác Guillaume.

Buổi chiều, mọi người hay kéo đến con ngõ hẹp nghe thời gian trôi qua từng giọt cà phê thơm.

Câu chuyện của bác Guillaume làm tôi miên man về Sài Gòn với một nổi nhớ không tên…

Tôi không sinh ra ở Sài Gòn nhưng xem đó như là quê hương thứ hai của mình. Giữa sự ồn ào của những tiếng còi xe kêu bíp bíp, nơi đó vẫn có những con ngõ hẹp mà chứa đựng những nổi nhớ mênh mông. Nhớ những tiếng tắc xực của nhịp thanh tre gõ của những xe hủ tíu từ miền trung xa xôi vào lập nghiệp, nhớ tiếng rao bánh mì hàng đêm len qua từng ngõ hẹp của anh bán dạo nào đó chưa quen tên, nhớ hương vị thơm ngon của những chiếc bánh bèo trắng ngần được làm từ gạo từ xứ Huế mộng mơ, nhớ nụ cười hiền lành đôn hậu của những anh xe ôm từ đầu ngõ,… và cũng không thể quên hương vị cà phê phin thơm nồng nàn vào mỗi buổi sáng.

Con ngõ hẹp Petit Champlain của Québec đã vào những ngày đầu đông, không biết Sài Gòn có còn cái nắng hanh vàng xuyên qua ngõ vắng khi mùa Noel đến hay Tết đến xuân về …

Trên những bậc thang “nguy hiểm”, tôi lại nghêu ngao hát “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó, … và nơi ấy có một người, một người mà tôi đã mến yêu”.

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo Xuân PN.TPHCM năm 2014)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả