Châu Á

Ngôi đền vàng ở Amritsar – Ấn Độ

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:40 pm
Đã đăng: 23/10/2015 6:00 am

Mất 2 tiếng cho việc điền thông tin và xếp hàng, tôi mới mua được chiếc vé tàu lửa để đi Amritsar từ New Delhi. Trớ trêu thay, không còn vé nên tôi đành phải lấy chiếc vé dưới dạng chờ (Waiting list).

Đám cò vé ở nhà ga xe lửa trung tâm ra sức hò hét khuyến cáo tôi nên mua vé lại từ các đại lý của họ. Thấy mặt tôi ngây thơ, khờ khạo và lớ ngớ, sau khi xem vé, anh bảo vệ nhà ga kéo tôi lại dẫn đi vào ga khi tàu còn 15 phút nữa xuất phát.

Những người theo tôn giáo Sikh bận trang phục truyền thống đi hành hương. – Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Tôi tự biết mình phải làm gì sau khi được anh bảo vệ “khai sáng”. Đó là nhảy tàu để đi đại khi chiếc vé chưa xác định khoang và ghế ngồi. Nhờ các bạn quê quán ở Amritsar tốt bụng nên tôi cũng được chiếc ghế để tọa (ngồi 6 tiếng coi các bạn ấy đánh bài) thay vì phải ngồi dưới sàn tàu lửa.

Một điều không thể phủ nhận, rất khó mua được vé tàu ở Ấn Độ (nếu mua cận ngày) do dân số của họ quá đông nên nhu cầu đi lại rất nhiều (hiện nay đã cho phép bán qua mạng), nhưng mua được vé hạng A và B thì chất lượng phục vụ cực tốt: máy lạnh ngồi một chút là muốn rét cóng, phục vụ ăn uống nhiều lần phủ phê, … Chất lượng phục vụ hơn hẳn các đoàn tàu lửa Việt Nam!.

Cổng chính để vào ngôi đền.

Ngôi đền vàng Harmandir Sahib, có nghĩa là nơi ở của các vị Thần.

Amritsar

Những bài Thánh ca Gurbani từ ngôi đền trung tâm Harmandir Sahib trầm ấm theo gió bay xa khi tôi còn cách lối chính vào đền khoảng 1km. Khác hẳn với các loại Thánh ca khác, Gurbani là những khúc ca trầm bổng du dương nhẹ nhàng pha lẫn một chút vui nhộn dễ nghe. Theo ngôn ngữ của những người Sikh, Gurbani có nghĩa là “Khúc ca của những điều thông thái”.

Nếu những người Ấn Độ theo tôn giáo Hindu coi sông Hằng là vùng đất Thánh thì những người Ấn tại vùng Punjab theo tôn giáo Sikh xem ngôi đền Harmandir Sahib là “cánh cửa lên Thiên Đàng” cho riêng mình. Theo ngôn ngữ của người Sikh, Harmandir Sahib có nghĩa là “Nơi ở của các vị Thần”.

Người hành hương ngồi trên các bậc thềm và hướng về ngôi đền.

Lần đần mới đến đây, nên tôi chưa rõ lắm khi bước vào bên trong ngôi đền và được các anh bảo vệ nhắc nhở: du khách hoặc người hành hương không được hút thuốc hay xả rác khi còn cách lối chính vào ngôi đền khoảng 1km. Để vào bên trong ngôi đền, du khách nam phải bận quần qua khỏi gối và du khách nữ phải bận quần dài.

Thông thường, những người hành hương mua những chiếc khăn đội trên đầu như là sự tôn kính. Nếu không “ngại” mồ hôi của người khác, du khách có thể sử dụng những chiếc khăn được đặt phía trước cổng chính vào đền. Du khách phải băng qua dòng nước chảy phía trước để rửa sạch những ô uế của trần gian trước khi vào chốn linh thiêng.

Vùng đất Lahore của Pakistan cách Amritsar khoảng 40km xưa kia cũng thuộc Punjab, nên chính phủ Ấn Độ cho phép công dân Pakistan thuộc Lahore được phép băng qua cửa khẩu biên giới Waga để hành hương và quay lại trong ngày. Một ngày có khoảng hơn 100.000 người đến hành hương hoặc tham quan ngôi đền.

Một ngày ngôi đền vàng có khoảng 100.000 người hành hương và du khách viếng thăm.

Dòng người hành hương đi quanh ngôi đền vàng đông như trẩy hội. Bao quanh ngôi đền trung tâm là hồ nước rộng lớn và những người hành hương thường hay tắm trong hồ nước trước khi bước vào ngôi đền chính để cầu nguyện.

Thành phố Amritsar được thành lập vào 1574 bởi vị giáo trưởng đời thứ 4 của người Sikh là Guru Ram Das và chữ Amritsar có nghĩa là “nước Thánh”.

Năm 1588, vị giáo trưởng đời thứ 5 là Guru Arjan đặt viên gạch đầu tiên để khai phá tạo thành hồ nước và xây dựng ngôi đền Harmandir Sahib sau đó.

Đó cũng là lý do hồ nước được những người Sikh xem là nước Thánh. Và Ngài Jassa Singh Ahluwalia hoàn thành 4 cổng ra vào năm 1764 với ý nghĩa mở rộng tôn giáo đón nhiều con chiên từ bốn phương trời.

Những người hành hương thường tắm trước khi bước vào đền chính để cầu nguyện.

Một người hành hương nói nhỏ với tôi: hãy quan sát xem cách thức người ta leo xuống hồ tắm bởi nó vô cùng thú vị và rất có ý nghĩa về mặt tâm linh. Người tắm sẽ nắm vào sợi dây xích được gắn vào các bậc thềm, đi ngược xuống và ngâm mình trong dòng nước. Hành động này được giải thích: con người đang vật vã trong bể khổ của trần gian, cần được rửa sạch mọi thứ và men theo sợi xích cứu khổ để lên thiên đàng.

Ngôi đền trung tâm Harmandir Sahib đôi khi được gọi là “ngôi đền vàng” hay “ngôi đền của những vị giáo trưởng” bởi phần trên của ngôi đền được dát bằng vàng thật, phần thân bên dưới được ốp bằng đá cẩm thạch trắng với các điêu khắc tuyệt đẹp bằng các loại đá quý khác.

Bên trong ngôi đền là lăng mộ của các vị giáo trưởng và dàn nhạc chơi thật hay cả ngày các bài Thánh ca (không được phép chụp hình bên trong). Khi chiều lên, ngôi đền càng rực rở trong ánh nắng tà, những người mộ đạo thích ngồi trên các bậc thềm hướng về Harmandir Sahib lẩm nhẩm hát theo những bài Thánh ca vui nhộn.

Ngôi đền của những sắc màu!

Với những người nam theo tôn giáo Sikh còn lưu giữ truyền thống, khi đi hành hương họ thường mang theo 5 tín vật không thể thiếu bên người bao gồm: chiếc khăn truyền thống Dastar (những người Sikh thường không cắt tóc, tóc để dài và quấn lại bên trong chiếc khăn), chiếc lược bằng gỗ (gọi là kanga) cài dưới búi tóc bên trong chiếc khăn, chiếc áo lót bằng cotton trên người (gọi là Kachera. Chiếc áo lót tượng trưng cho tâm hồn trong trắng và tăng thêm sức mạnh khi ra trận), chiếc vòng bằng bạc (gọi là kara. Trên chiếc vòng có những đướng ngấn rất đặc trưng nên có thể sử dụng làm vũ khí và nó tượng trưng cho sự bất diệt) và thanh gươm nhỏ hay lớn tùy người sử dụng yêu thích (gọi là Kirpan, tượng trưng cho sức mạnh). Một số người còn mang những thanh gươm mới mua, đặt vào ngôi đền và khấn vái để có tác dụng xua ma quỷ trong nhà.

Vùng đất Punjab vốn dĩ nổi tiếng về công nghệ dệt và nhuộm của cả Ấn Độ, và bên trong ngôi đền linh thiêng phất phới những chiếc khăn Dastar với nhiều màu sắc khác nhau của những người hành hương. Nhiều người có những cách gọi khác nhau về ngôi đền Harmandir Sahib, riêng tôi thích gọi đó là “ngôi đền sắc màu”.

Nguồn: Linhnc2005
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả