Trung Đông

Đến với vùng đất bị “từ chối”

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:40 pm
Đã đăng: 05/11/2015 11:00 am

Tôi và anh Denis (người Cộng hòa Czech) gặp nhau ở nhà nghỉ Salsal tại thủ đô Kabul và quyết định đi chung để đến Bamyan – nơi từng là kinh đô Phật Giáo lớn ở Afghanistan trong thời cổ đại. Chúng tôi muốn sát cánh cùng nhau để chia sẻ cảm xúc “sợ hãi” khi cung đường từ Kabul đến Bamyan phải đi ngang qua vùng Taliban chiếm đóng.

Denis hỏi tôi trong buổi tối trước khi xuất phát “Bạn có thật sự thích và cần đến Bamyan không?”. Tôi trả lời “Đó là mục tiêu chính của tôi trong chuyến đi đến Afghanistan lần này, tôi mơ ước được đến kinh đô Phật Giáo và bước trên cung đường tơ lụa ngày xưa”. Với Denis, Bamyan không chỉ có vết tích cổ xưa về tôn giáo mà còn rất đẹp về phong cảnh tự nhiên.

Những trải nghiệm khó quên trên cung đường Kabul – Bamyan

Khi đến bến xe Charika nằm ở phía bắc Kabul để đi Bamyan, ông tài xế taxi 4 chổ chào mời chúng tôi khi trên xe đã được 2 người. Ông nói với chúng tôi mọi thứ sẽ ổn hơn nếu đến Bamyan bằng taxi thay cho những chuyến xe công cộng từ 8 đến 16 chổ ngồi.

Kinh đô Phật Giáo một thời qua ô cửa sổ của bức thành cổ.

Đi khoảng 10 km khỏi Kabul. Mọi người trong xe bàn tán với nhau bằng ngôn ngữ Pashto với vẻ mặt lo lắng khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Anh tài xế taxi dừng xe dọc đường 3 lần để tìm người nói tiếng Anh hổ trợ. Cuối cùng có một em sinh viên đón xe dọc đường giúp chúng tôi trao đổi tiếng Anh.

Theo em sinh viên, có 2 cung đường từ Kabul để đến Bamyan. Hướng thứ nhất, sẽ đi qua tỉnh Wardak và sẽ đến Bamyan độ khoảng 5 tiếng ngồi xe. Hướng thứ hai sẽ đi qua tỉnh Parwan, leo núi với độ cao 2.900m và đến Bamyan khoảng 9 tiếng ngồi xe. Hướng thứ nhất khoảng cách khá ngắn, nhưng khá nguy hiễm bởi phải đi qua vùng Taliban chiếm đóng khoảng 60km.

Những ô cửa nhỏ chính là khách sạn của con đường tơ lụa xưa kia. Bên trong chúng được nối liên hoàn bằng các bậc cầu thang.

Chúng tôi yêu cầu anh tài xế đi theo hướng thứ 2 cho an toàn và đồng ý trả thêm một khoảng chi phí phụ trội. Anh lắc đầu từ chối bởi anh và 2 người còn lại trong xe muốn đến Bamyan sớm nhất vì lý do cá nhân. Anh cho chúng tôi quyết định: đi tiếp hoặc dừng lại. Sau 3 phút hội ý, tôi và Denis quyết định đi tiếp bởi không muốn tắt lịm niềm đam mê khi đã đến Afghanistan.

Khá nhanh nhạy trong xử lý tình huống, anh tài xế taxi dừng lại một quán bán hàng ở thị trấn nhỏ và yêu cầu chúng tôi mua chiếc khăn truyền thống để quấn trên đầu và chiếc áo của người Afghan để bận. Theo anh giải thích, từ trên núi cao nhìn xuống, các phiến quân Taliban sẽ nhầm tưởng chúng tôi là người bản địa.

Lổ hỏng phía sau là nơi từng đặt tượng Phật đứng và đã bị Taliban cho nổ bom vào năm 2001. Hiện nay, người Nhật đang trùng tu lại các tượng Phật.

Chỉ cần nhìn thấy mọi người đều có súng trên đôi vai của mình dù ra đồng hay chăn gia súc, chúng tôi ngầm hiểu rằng xe đang đi vào vùng Taliban chiếm đóng. Chúng tôi khuyến cáo bác tài chạy xe càng nhanh càng tốt. Nhịp tim mỗi lúc càng nhanh theo nhịp lăn bánh xe. Denis im lặng không nói gì, nhưng những gì thể hiện rõ mồn một trên khuôn mặt anh vẫn là sự căng thẳng. Tôi thầm nghĩ, khuôn mặt tôi chắc cũng như thế!.

Tôi quay qua thều thào với Denis: ngày ở Kabul, tôi không thích khi gặp phải cảnh sát, nhưng bây giờ tôi lại thích được gặp cảnh sát càng nhiều càng tốt. Chỉ có những anh cảnh sát khiến tôi giảm nhịp đập tim vì biết rằng mình đang đi vào khu vực do nhà nước Afghanistan quản lý.

Kinh đô Phật giáo trong thời cổ đại

Ông Mohammad, chủ nhà trọ nhỏ ở thị trấn Bamyan vô cùng ngạc nhiên khi biết chúng tôi đến đây bằng phương tiện công cộng. Theo ông, chúng tôi khá mạo hiểm!. Ông cho biết, rất ít khi khách du lịch đến đây kể từ khi Taliban cho nổ bom 2 tượng Phật lớn được đặt trong lòng núi nằm đối diện với thị trấn Bamyan khoảng 200m vào năm 2001. Để an toàn, du khách thường chờ đợi các chuyến bay còn trống chổ của Liên Hiệp Quốc từ Kabul đến Bamyan để thực hiện công tác nhân đạo.

Bên trong hang vẫn còn vết tích những bức tranh về Phật Giáo.

Là quốc gia nằm tiếp giáp giữa Nam Á và Trung Á, Afghanistan là cầu nối giao thương trên con đường tơ lụa từ Istanbul đến Ấn Độ. Từ Uzbekistan và Tajikistan, con đường tơ lụa đổ vào và hợp nhất thành nhánh chính tại Bamyan. Từ Iran và Turkmenistan, con đường tơ lụa đổ vào và cũng hợp thành nhánh chính tại Bamyan. Từ Bamyan, đoàn người ngựa tiến về Pakistan để đến Ấn Độ, một quốc gia được xem là “viên ngọc” của Nam Á về thương mại, đặc biệt về gia vị.

Phật Giáo từ Ấn Độ đi ngược theo con đường tơ lụa để quảng bá tôn giáo của mình đến các quốc gia Trung Á. Vì Bamyan là nơi các con đường tơ lụa hội tụ, nên Phật Giáo chọn nơi đây là kinh đô ngoài Ấn Độ.

Không chỉ có lịch sử lâu đời về Phật Giáo, Bamyan còn rất đẹp về phong cảnh tự nhiên.

Trong chiếc máy tính cũ kỷ của mình, ông cho chúng tôi xem lại hình ảnh những tượng Phật đứng cao nhất thế giới mà ông còn giữ lại trước khi bị Taliban phá hủy (hiện nay người Nhật đang thực hiện công tác trùng tu 2 tượng Phật). Tượng Phật lớn cao 53m được xây dựng vào năm 544 nằm về hướng tây của dãy núi và tượng Phật nhỏ hơn cao khoảng 38m được xây dựng vào năm 591 nằm về hướng đông.

Xung quanh các pho tượng có khá nhiều hốc nhỏ trông tựa các ô cửa sổ khi nhìn từ xa chính là các khách sạn cho đoàn người lưu trú năm xưa. Cứ nhìn, tôi lầm tưởng các ô cửa tách rời với nhau, nhưng khi khám phá bên trong chúng kết nối với nhau bằng các cầu thang tạo thành một dãy khách sạn liên hoàn.

Bên ánh lửa bập bùng của nồi nước đang reo, cốc nước Kahwa mang đến sự ấm áp trong cái lạnh rét mướt 10 độ c ở Bamyan. Ông Mohammad bất chợt hỏi tôi có biết về Ngài Huyền Trang không. Vừa hớp một cốc kahwa, ông chép miệng: nếu không có Ngài Huyền Trang, có lẻ người ta không biết nhiều về Bamyan – một kinh đô Phật Giáo trong thời cổ đại ở Nam Á.

Ảnh: Linhnc2005

Đi dọc theo con đường tơ lụa từ Tây An đến Ấn Độ học đạo, Ngài Huyền Trang đã đến Bamyan vào năm 630. Trong các ghi chú trong quyển nhật ký của Ngài, Bamyan từng là kinh đô Phật giáo lớn trong thời cổ đại với hơn 10 trường dạy Phật Giáo và hơn 1.000 sư tu tập nơi đây. Nhờ những bút ký ghi lại của Ngài, người ta đã biết nhiều hơn về thành phố tôn giáo vàng son nằm trong thung lũng xanh tươi ở độ cao 2.000m.

Nhờ sự giúp đở của ông Mohammad, chúng tôi trở về Kabul trên chuyến xe sớm lúc 4 giờ sáng. Theo ông, thời điểm đó khá an toàn vì Taliban vẫn còn ngủ. Tôi bất giác quay qua trêu chọc Denis bằng nụ cười sảng khoải khi xe vào vùng Taliban chiếm đóng, nhưng Denis nghiêm khắc bảo tôi : hãy dành nụ cười ấy khi đến Kabul!

Những điều nên tránh khi đến Afghanistan

Ngay khi đến vừa đến nhà trọ Salsal ở thủ đô Kabul, anh Denis kể cho tôi nghe những rắc rối anh gặp phải trong những ngày ở Kabul: số là anh đi thành phố Pan Sheer từ Kabul bằng xe buýt địa phương. Thấy nhiều cảnh đẹp trên đoạn đường đi, anh lấy camera ghi lại những khoảnh khắc. Ngay lập tức, anh được tài xế xe buýt chở thẳng đến nộp cho công an.

Anh được tạm giam 2 ngày ở đồn công an với những giải trình liên tục về hành động của mình cùng với nhiều vết đỏ lưng vì muỗi cắn. Khi nghe câu chuyện đó, tôi nghĩ rằng anh xui nên gặp phải một vài người Afghan bảo thủ vì cho rằng anh là kẻ khủng bố.

Hôm sau, tôi đi dạo một một vòng để khám phá thủ đô Kabul. Mới chụp được một vài tấm hình trên đường phố, ngay lập tức tôi bị nhóm người áp giải đến đồn cảnh sát. Tôi phải mất 2 tiếng đồng hồ để cho các anh cảnh sát kiểm tra tất cả các máy ảnh, điện thoại, đồng thời giải thích hành động của mình. Dù được anh cảnh sát giải thích cặn kẻ, nhưng tôi cảm thấy khá phiền lòng khi đến Afghanistan.

Được xem là vùng trũng chiến tranh của thế giới, nên người dân Afghan sống trong tình trạng “cảnh báo” cao và không tin bất kỳ ai khi nhìn thấy hiện tượng lạ. Sau sự sụp đổ của Xô Viết là thời kỳ của Taliban. Phiến quân đã phá hủy hoàn toàn thành phố Kabul vào năm 1994. Tệ hại hơn, Kabul không có điện và nước sinh hoạt trong năm đó. Kabul đang được xây dựng lại những năm gần đây và là thành phố rất trẻ. Không một ai muốn thấy lại hình ảnh Kabul của năm 1994.

Thánh đường Hồi Giáo Herat 800 năm tuổi mang đậm phong cách Ba Tư.

Anh cảnh sát còn cho tôi biết: khi ở Afghanistan không được phép chụp hình các doanh trại quân đội, công an và cơ quan nhà nước. Ở Kabul có rất nhiều doanh trại quân đội và công an để bảo vệ thành phố. Cách tốt nhất, chỉ ngắm nhìn Kabul và không nên chụp hình.

Anh còn khuyến cáo tôi không nên đến bức tường thành cổ ở Kabul, người dân ở đó rất bảo thủ! Chỉ cần đi dạo và chụp hình, họ sẽ nghi ngờ mình là người khủng bố nên sẽ vác đá chọi hoặc thả chó ra cắn. Afghanistan là một quốc gia còn nghiêm khắc thực hiện Luật Hồi Giáo, khi bước ra đường nên bận quần dài, đừng bận quần lững hay quần short không gây được nhiều thiện cảm với người Afghan.

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 29/05/2015)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả