Việt Nam

Moon Du Ký: Hành hương về Đức mẹ Tà Pao

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 03/04/2024 9:30 am
Đã đăng: 14/03/2024 10:16 pm

Hàng năm, cứ mỗi dịp lễ Tết, đặc biệt Tết Nguyên Đán, Tết Dương Lịch, lượng khách từ thập phương đổ về các điểm du lịch tâm linh rất nhiều. Nếu là các tín hữu công giáo thì địa danh Đức Mẹ Tà Pao không quá xa lạ. Đây có thể nói là điểm tham quan nổi tiếng nhất ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.

Năm nay lượng khách về Tà Pao rất lớn, gần như kín phòng các khách sạn, nhà nghỉ gần đó. Có khách sạn hét giá từ 5-10 triệu/đêm. Có vẻ như một năm làm việc không tốt, con người có xu hướng tìm về tâm linh. Cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn suông sẻ, không ốm đau bịnh tật.

View từ Tà Pao © DLB

Như mình đã từng đề cập ở bài viết trước Đi tìm nguồn dược liệu quý hiếm ở Tánh Linh, huyện Tánh Linh du lịch vẫn chưa phát triển và chưa nhiều người biết đến, vì vậy khách sạn không nhiều. Đi Tà Pao vào dịp lễ quá tải là chắc chắn.

Gia đình Moon Du Ký mình không thích bon chen đông đúc, không thích đi chơi ngày lễ Tết, nên nhà mình cố tình chọn ngày trong tuần để đi Tà Pao.

Dạo đêm ở Lạc Tánh

Huyện Tánh Linh nhà mình đi nhiều lần lắm rồi, gần như cũng thông thuộc khu vực ở Lạc Tánh: chỗ ngủ, ăn uống, vui chơi, ăn vặt, cafe, mua sắm nhu yếu phẩm,… Và đây là vài ghi chú du lịch có thể giúp bạn nếu đến đây du lịch.

  • Gần Tà Pao gần như không có khách sạn, hầu hết khách thường đi trong ngày rồi về nên mọi người thường book khách sạn từ Đức Linh hoặc Phan Thiết.
  • Lạc Tánh cũng như là trung tâm Tánh Linh đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhà nghỉ, khách sạn tự phát, tuy nhiên đàng hoàng và sạch sẻ nhất là Hotel Mỹ Vy, đây chỗ mình ở lần trước.
  • Ngay tại khách sạn tập trung đầy đủ mọi thứ mà một dân thành phố cần: Bách Hóa Xanh, đồ cho bé (tả, sữa,…), Bệnh viện (phòng khám tư), nhà thờ, chợ Lạc Tánh, các quán ăn, công viên vui chơi, các quán cafe đẹp… Nói chung muốn qua đêm để đi Tà Pao, cứ đến ở Lạc Tánh là đủ (lưu ý: vào ngày thường).
  • Cách khách sạn 3-4 căn có một quán chè rất ngon, đừng bỏ lỡ. Đối diện là một quán gỏi cuốn cũng khá ổn. Lưu ý, nên đi vào buổi chiều.

Về phần ăn tối, thật ra tuy ở đây cũng có nhiều quán ăn nhưng để hợp khẩu vị nên ghé Bếp Thuận (ngay chợ, phí sau công viên). Chỗ này thật ra là do anh Phát bạn mình giới thiệu, tuy cơ sở vật chất tương đối đơn giản nhưng đồ ăn thì ngon miễn bàn.

Bếp Thuận. © DLB

Chị Thuận – chủ quán, sau khi hồi phục sức khỏe thoát khỏi cửa tử từ nhưng phương thuốc cổ y (Tây y chào thua), đã gom số vốn ít ỏi của mình để mở cái quán ăn nhỏ này. Phần giới thiệu kĩ năng nấu ăn của mình, phần giới thiệu mọi người các phương thuốc giúp đời.

Bật mí: Bếp Thuận có một loại nước giải khát khá lạ, dân địa phương ở đây họ gọi là “nước giải rượu”, còn chi tiết và tính năng diều kì của loại nước lên men này bạn xem thêm bài viết Siro trái gùi ở Greenbox nhé.

Đợt này có nhiều thời gian hơn nên nhà mình chon sống chậm trải nghiệm nhẹ nhàng ở khu vực Lạc Tánh,… chủ yếu là ăn.

Ăn vặt ngay ngã 4 vào chợ Lạc Tánh. © DLB
Quán chè gần khách sạn - ngon lắm nhe. © DLB
Quán Aokicafe. © DLB

Đến Linh địa Đức Mẹ Tà Pao

Lạc Tánh chỉ cách Tà Pao 19-20km, đường xá tốt dễ đi. Dọc đường một bên là Cánh đồng lớn – có thể gọi là vựa lúa của khu vực, một bên là Núi Ông – hay còn gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Ngọn núi này cũng là chủ đề trong bài viết Thám hiểm mạch nước ngầm từ Núi Ông.

Chặng đường đi Tà Pao từ Lạc Tánh. © DLB

Nói riêng về Cánh đồng lớn, nhà mình có một số công việc liên quan nên cũng hay đi công tác ở Miền Tây. Có một điểm chung ở một số tỉnh mình đi như Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp,… hầu hết các bác nông dân đều không có mấy thiện cảm với một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam ta: Tập Đoàn Lộc Trời. Và ở Tánh Linh này, Lộc Trời hoạt động rất mạnh, dân ai ở đây cũng biết.

Mình đến Tà Pao tầm 10g sáng, trời khá đẹp, trong xanh, không khí tương đối mát mẻ, cộng thêm ngày mình đi ngày thường, rất vắng người. Chặng leo lên tượng Đức mẹ không quá khó, chỉ khó cho mấy đứa lười tập thể dục như mình, leo dốc phê quá.

Trên Tà Pao chỉ có bức tượng Đức mẹ, khá linh thiêng. Địa danh này khá thu hút các tín hữu khắp đất nước mình, đặc biệt từ thành phố. Hầu như các giáo dân kito hữu các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, và Sài Gòn đều có một lịch trình đến đây mỗi năm.

Lên Tà Pao. © DLB

Tắm suối dã ngoại

Sau nhiệm vụ hành hương đến Tà Pao, nhà mình không về lại thành phố mà đến La Ngâu Camping, một bãi cắm trại mới do anh bạn cùng hội du lịch mình phát triển.

Bonus hình tại La Ngâu Camping © DLB

Hành trình đến điểm này khá thú vị, nhiều hình ảnh đẹp và cũng nhiều đau thương (chủ yếu cho chiếc xe) được đăng trong bài viết: Moon Du Ký: Bình yên giữa núi rừng tại La Ngâu Camping.

Hẹn gặp trong chuyến đi khác nữa của DLB và nhà Moon Du Ký.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *