Phan Thiết

Trở lại Mũi Né (Phần 1)

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 13/05/2023 11:15 am
Đã đăng: 09/05/2014 10:34 am

Đã hơn một năm trời tôi không đi du lịch bất cứ nơi đâu theo đúng nghĩa, chỉ quanh quẩn với công việc và gia đình, nhìn thấy bạn bè người người đi chơi mà lòng cũng nao nao, điều đó có thể người khác cho là bình thường nhưng với cái tính ngồi không yên và thích du lịch như tôi thì quả là thời gian dài đăng đẳng trời mây. Cuối cùng cũng tranh thủ được những ngày lễ tụ họp với đồng đội mê du lịch làm chuyến hành trình vài ngày về với biển.

Giữa bộn bề cuộc sống ai cũng mong muốn tìm kiếm một giây phút bình yên cho bản thân

Ngày đầu tiên, từ Sài Gòn cả nhóm tập họp tại khu du lịch Suối Tiên vào sáng sớm, chúng tôi xuất phát lúc 5h 45’ và tìm đồ ăn sáng lo cái bao tử trước với đoạn đường dài, buổi sáng đơn giản là tô phở bò thêm ly trà đá cho mỗi đứa với giá cả phải chăng, một tô phở bình thường nhưng rất ư là to và no nê, theo ý kiến của nhóm bạn và tôi đây là chỗ ăn sáng ngon nhất mà bà con cô bác có thể ghé vào dọc đường đi theo hướng Bà Rịa, quán thuộc địa phận Phước Tân Biên Hoà (chạy xe thì sẽ thấy quán nằm ở bên tay phải thuận chiều, mang tên Công Thành) với biển hiệu khá to.

Quán phở Công Thành trên đường ra Bà Rịa

Năng lượng đầy đủ cả nhóm tiếp tục thẳng tiến, đi theo hướng cổng chào Bà Rịa chúng tôi quyết đinh sẽ đi con đường dọc bờ biển để ngắm cảnh biển, dọc theo bờ biển có làng chày Lộc An tôi bắt gặp người dân địa phương phơi cá dọc 2 bên đường, mình nghĩ chắc là muối cá để làm mắm hay gì đó, mùi cá ướp muối ngửi không mà đã cảm giác mặn đúng hương vị biển.

Cá biển còn lẫn cát được phơi trên đường nhựa, không để ý là chạy xe vào hồi nào không hay!

Dọc đường cả nhóm còn đi ngang qua Hồ Tràm, Hồ Cốc… vì là chuyến đi thư giãn nên chúng tôi vừa đi vừa nghỉ ngơi ven đường và tận dụng thời gian để đi nhiều địa danh hơn bình thường, tiếp tục theo hướng Hàm Thuận Nam, Hàm Tân – Lagi để đi đến Phan Thiết. Tại đây, mọi người có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như núi Tà Cú, Dinh Thầy Thím, Chùa Hang,… đều là những nơi có tín ngưỡng linh thiêng và lịch sử hàng thập kỷ rất đáng để bảo tồn và lưu truyền. Tuy ham muốn có thừa nhưng chúng tôi không có đủ thời gian để tham quan hết và một sớm địa điểm cũng đã từng ghé qua nên thẳng thiến về Phan Thiết – Mũi Né.

Dọc đường tấp vào làm một tấm cho xôm

Đi ngang qua Mũi Kê Gà thấy đông nghịt người, nhìn mà choáng hết muốn vào luôn, thôi thì chia tay em nó vậy! Chạy thêm khoảng 2,3 cây số đã gần trưa, bụng bắt đầu đánh lô tô, nhóm ghé vào một quán ven đường sát bờ biển nghỉ ngơi, bề ngoài quán rất bình thường nếu không nói là sụp sệ, vào hỏi đồ ăn nhưng sợ giá nói thách như Vũng Tàu vào những ngày lễ là méo mặt luôn, cũng may giá rất là bình dân học vụ, 25.000/phần đồng giá mì xào trứng, mì xào bò, cơm các loại… bà con ăn mì còn mình thì gọi cơm thập cẩm cho chắc bụng, dĩa cơm mang ra nhìn hết cả hồn, quá trời cơm có thịt bò xào xảo xả ớt và nguyên cái trứng chiên, thêm 1 tô canh chua đầu cá, ai nhìn cũng mắc cười, nghĩ đến ngồi võng hướng biển mà ăn cơm, gió thổi lồng lộng đã thiệt, cố gắng hết sức mới “xử” xong phần cơm đó còn trà đá thì được miễn phí luôn nha, ăn xong cô chủ quán còn tranh thủ dọn sạch sẽ bàn và nói nghỉ ngơi tí cho mát rồi đi, mình muốn lưu lại địa chỉ cho các bạn nhưng do là quán ven biển nên không có cụ thể thay vào đó từ Mũi Kê Gà đi tới các bạn có thể lưu ý quán võng nằm bên tay phải, có rất nhiều người ghé vào, xe ôtô 12 chỗ có thể đậu ở dưới lề chứ không đậu trên lề lấn đường như hàng quán khác và chủ yếu là khách lữ hành vào nghỉ ngơi ăn trưa chứ không có tụ tập chè chén giữa trưa nhiều như các quán trước đó.

Ngắm được Kê Gà từ chỗ nghỉ trưa cạnh biển Lagi

Trên đường vào Phan Thiết cách thành phố tầm 7km chúng tôi ghé thăm Tháp Chàm Poshanu lúc cỡ khoảng 3 giờ chiều, vé vào cổng 10.000/người, xe máy 2.000/chiếc, kiến trúc bên trong không rực rỡ và hoành tráng lắm chỉ là những ngọn tháp cao trên núi nhưng đây là biểu tượng tự hào của người dân Chăm Pa nói riêng và người dân Phan Thiết Bình Thuận nói chung, tôi thấy giống công trình xây dựng Angkor của người Cam ở điểm đều là gạch, đá không có một tí ximăng nhưng sao người xưa có thể tạo ra được những ngôi đền vững vàng theo năm tháng không bù với những công trình hiện đại thời nay…tham quan một vòng đền tháp, ra ngoài nhóm chúng tôi không quên thưởng thức món nước dừa vùng nhiệt đới, được giới thiệu là dừa Hàm Tiến hay còn gọi dừa 3 nhát (vì người ta chặt ra 3 khứa) khác với Sài Gòn, giá một quả dừa tầm 25.000-27.000, uống cũng không thấy ngon cho lắm không ngọt bằng dừa dâu của mình, cũng có thể chưa đúng mùa dừa. Cả nhóm tiếp tục vào trung tâm của TP Phan Thiết. Tại đây nhà cửa, phố xá, hàng quán nhộn nhịp sầm uất cũng giống ở Sài Gòn; không mặn mà lắm với nơi ồn ào, tôi và các bạn mình tiến thẳng đến Mũi Né theo như dự tính.

Tạo dáng cho hợp cảnh

Nơi mà cả nhóm sẽ ở lại là Trung tâm huấn luyện thuyền buồm Manta, đây là nơi dạy và huấn luyện thuyền buồm đầu tiên tại Việt Nam, nghe tên không chắc mọi người đang hình dung trong đầu ở trung tâm này hẳn rất hoành tráng, tiện nghi đầy đủ lắm nhỉ, hi…nhưng thật ra chỗ này khá bình thường, không quy mô như các bạn đã nghĩ, thậm chí rất đơn sơ và hơi te tua.

Do phải hứng chịu một đợt sạt lỡ cát nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm, tổn thất tài sản khá lớn và làm thiệt mạng 2… bé cún đáng thương

Nếu nhìn từ bên ngoài cổng , nhóm thuê 2 phòng cho 5 người với giá khá mềm cho những ngày lễ nên mình cho điểm cộng 15$/phòng/2-3 người, nội thất đơn giản lắm luôn, phòng tắm khá to, bạn nào mà mơ máy lạnh thì không có rồi đó, chỉ có quạt thôi nhưng với mình có chỗ để nằm, nước sạch để tắm là thích lắm rồi, bù lại các bạn sẽ được ở cạnh biển được xem những chiếc thuyền buồm hiện đại đủ loại (cái này thì hoành tráng lắm luôn), hên tí còn được nhìn thấy du khách chơi thuyền rất đã mắt, ngoài ra nơi này chủ yếu là du khách nước ngoài, họ rất thân thiện đây cũng là dịp để bạn thử thách khả năng ngoại ngữ của bản thân!

Bãi biển phía sau Manta
Leo thuyền buồm tự sướng

Khi vào check in tôi bắt gặp hình ảnh cô chủ người nước ngoài Julia rất vui vẻ và nhiệt tình, thêm bạn quản lý người Việt tên Phụng, người đã liên hệ trước đó, ấn tượng đầu tiên với tôi là trông bạn ấy quá đen, không cao lắm nhưng rất rắn rỏi đúng chất của người con xứ biển. Nhận phòng cả đám quăng ba lô, thay đồ và tất nhiên là ùa ra biển, cả ngày nắng gió bụi bặm với đoạn đường hơn 200 cây số, thấy biển cứ như lượm được vàng, đã lắm luôn í! Quậy phá dưới biển cho đã rồi vào tắm táp thơm tho, xong thì trời cũng sụp tối và đổ mưa, không lớn lắm nhưng vì ở ngay biển nên gió thổi cũng nổi hết da gà. Chúng tôi ra quầy bar mini ngồi đợi và trò chuyện trong lúc chờ mưa tạnh để ăn tối, để không mất thời gian lòng vòng tìm kiếm , cả nhóm ngỏ lời hỏi thăm chỗ ăn ngon và rủ rê anh bạn da đen đi cùng, bạn ấy ok và còn dẫn bạn gái đi chung nữa, nhóm 7 người được dẫn đi ăn món Lẩu dê Mũi Né (chắc là mấy chú dê làm “mẽ núi” nên mới bị bắt vào nồi lẩu đây mà, kaka). Gần chợ Hàm Tiến – Mũi Né có nhiều quán lẩu rất lớn và nằm gần nhau, bọn mình ăn ở quán Dê 385, rất dễ nhận biết với không gian rộng và bảng hiệu cũng to, khách vào đây ăn rất đông, nên tốt nhất là gọi món 1 lần cho tiện, dê ở đây hình như thả rừng thả núi nên ăn rất ngon mà không cảm giác ngán vì béo, khác với dê được nuôi và trộn thịt heo như những quán ở Sài Gòn.

Quầy bar nhỏ để mọi người ngồi trò chuyện với nhau chờ cơn mưa qua

Đã cứu được cái bụng đói, tôi và các bạn mình về trung tâm, ghé ngang qua chợ mua ít trái cây măm măm buổi tối, mặc quần đùi chạy xe gió thổi lạnh dã man, khỏi mắc công lên Đà Lạt ngày lễ mà chen lấn chỉ để hưởng thụ cái lạnh. Về nhà, tôi vào phòng lấy ít đồ, trở ra sảnh thì thấy mấy bạn nam, nào khiêng bàn, khiêng ghế gỗ ra ngay bãi cát ngồi trước biển, phía phải thì đèn của những con đường và các resort, phía trái thì đèn chớp xanh đỏ liên tục của tàu thuyền cập bến, trời thì đầy sao biển lại rì rào, không biết bạn bè ra sao chứ lúc đó với tôi cảm giác thật yên bình, không ồn ào nhưng cũng không tẻ nhạt bởi đã có những người bạn dễ thương bên cạnh mình, mọi lo toan của cuộc sống hàng ngày đã không còn hiện hữu thay vào đó là những lời nói rì rào, tâm sự chia sẻ về những câu chuyện lý thú về giai thoại Cá Ông – Cá Bà, cá người cứu nạn cho dân, sự cơ cực của nghề đi biển, thất mùa không có cá, những mối nguy hiểm khi giông bão kéo về, khoái nhất cái vụ kể chuyện ma giữa khung cảnh lúc đó, thật ly kỳ và hấp dẫn dù có người sợ lắm nhưng vẫn muốn nghe, haha…Đang tập trung cao độ nhiều chuyện, chợt cô bé địa phương thốt lên “có sao băng kìa” tôi cố nhìn mà không kịp vì vệt sao xẹt qua rất nhanh lại ngay đường chân trời, thế là mất tiêu, tiếc hùi hụi.

Trời về càng khuya có vẻ lạnh hơn nên cả bọn đi vào trong nhà, mặc dù mệt mỏi nhưng dường như sự hiếu khách của hai bạn trẻ địa phương và những câu chuyện kỳ thú lạ lẫm của họ, cộng thêm mức độ hiếu kỳ tối đa mà nhóm chúng tôi chưa thể chia tay để đi nghỉ ngơi, vẫn phải nán lại để trò chuyện với những người con xứ biển mến khách này. Cuối cùng buồn gì thì cũng qua nhưng buồn ngủ là không tha nên phải chia tay các tình yêu đi kiếm cái giường dưỡng sức cho ngày hôm sau.

Bài viết được cộng tác viên lucky2 đóng góp cho website. Trân trọng cảm ơn bạn.

Phan Thiết
201 lượt xem
Tìm hiểu
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Chia sẻ cảm nghĩ

Thảo luận1

    Viết trả lời hoặc Bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

      Pingback/Trackback

    1. DU LỊCH BỤI - Trở lại Mũi Né (Phần 2)19/05/2014
    Phan Thiết
    201 lượt xem
    Tìm hiểu
    Liên kết được đề xuất
    Xem tất cả