Trung Đông

Lạc vào rừng hương tùng cổ ở Lebanon

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 03/08/2021 12:08 am
Đã đăng: 05/07/2017 12:00 am

Lebanon đang đặt trong tình trạng báo động cao sau cuộc đánh bom kép tự sát hôm 12/11/2015 ở thủ đô Beirut khiến 43 người chết và hơn 200 người bị thương. Tám nẻo đường thành dẫn đến thủ đô Beirut từ các thành phố khác được kiểm soát chặt chẻ bởi lực lượng quân đội với các lô cốt, bao cát, thùng phuy và hào sâu. Đặc biệt, hai thành phố Tripoli và Anjar luôn được quân đội cảnh báo cao hơn bởi ráp gianh với Syria.

Cuộc chiến dầu mỏ đi cùng với những phiến quân IS ở quốc gia lân cận Syria làm người Li Băng luôn nghĩ rằng đây là hai thành phố chết chóc với những mối nguy hiểm rình rập ngày đêm. Chỉ vì mê rừng hương tùng cổ kính còn sót lại trong thung lũng Kadisha nằm kế cận Tripoli, bất chấp mọi cảnh báo tôi vẫn làm cuộc hành trình đến đó.

Vết xưa của người La Mã còn để lại ở Li Băng. © Nguyễn Chí Linh

Lần đó tại Dubai, ngắm nhìn hãng hàng không Middle East Airline (MEA) tôi say mê cây hương tùng một cách lạ kỳ. Ngày đó, tôi cho rằng cây xanh được vẽ trên trên quốc kỳ Lebanon là một cây thông đúng nghĩa. Ý nghĩ cho rằng trên vùng đất Trung Đông chủ yếu là cát vàng sa mạc, nên có được bóng cây thông xanh là một điều quý hiếm và quốc gia nằm uốn cong ven biển Địa Trung Hải đã chọn làm biểu tượng.

Sau này, khi đọc lại tư liệu tìm hiểu tôi mới biết ý nghĩ của mình đã sai be bét. Biểu tượng cây thông xanh chính là cây hương tùng (hay Bá Hương) thuộc họ Thông đỏ. Quan trọng hơn, đó là loại cây đặc biệt mà chính người Li Băng phải đặt cho nó cái tên kiểu hãnh: “Cây Tùng của Chúa”.

© Nguyễn Chí Linh

Sau hơn 3 giờ đồng hồ, chuyến xe buýt chất lượng cao của hãng Connexion phải qua ít nhất 4 lần kiểm tra bởi lực lượng quân đội đóng chốt trên chiến hào tạm bợ dọc theo đường đi tôi mới đến được Tripoli từ Beirut. Một vài anh taxi nói được tiếng Anh nhưng lại chào giá khá cao để đưa tôi một mạch đến rừng cây hương tùng cổ nằm cách trung tâm thành phố Tripoli khoảng 60km.

Anh nhân viên người Bangladesh lau chùi xe cho hãng Connexion quay qua giúp đở để tôi có thể đến đấy theo cách rẻ nhất. Không là đồng hương, nhưng tình cảm châu Á cứ quyến luyến, giúp đở lẫn nhau trên xứ người mà tôi không sao giải thích được!. Anh dẫn tôi đến tận bến xe nhỏ riêng biệt nằm ẩn trong khu phố dài chuyên cho tuyến đường Tripoli – Kadisha. Sau khi dặn dò cẩn thận với anh tài xế, tôi vẫn còn nhớ giọng nói trầm ấm của anh Bangladesh quay sang bắt tay chào tạm biệt: “Hãy tranh thủ mọi thứ, chuyến xe buýt cuối cùng của hãng Connexion từ Tripoli về lại Beirut xuất phát lúc 17 giờ”.

Những vườn ô liu xanh lá vẫn thì thào trò chuyện trong cái nắng rét hanh hao khó chịu giữa buổi trưa. Bên dưới những gốc cây ô liu, loài hoa cúc dại nhỏ màu trắng và vàng nở tung toét. Chúng tạo thành những làn sóng đong đưa khi cơn gió đông đi qua. Một bức tranh đẹp, sống động về mùa đông đang hiện hữu trong tầm mắt và làm tôi quên bẳng đi những báo động về một thành phố nguy hiểm.

Vịnh Đá ở thủ đô Beirut. © Nguyễn Chí Linh

Xe buýt 16 chổ cứ ì ạch thong dong lướt qua những con đồi phủ đầy màu xanh lớp cỏ non mới nhú. Một vài tu viện cổ kính của người Hy Lạp cổ còn sót lại với thời gian nằm cheo leo giữa sườn núi quá đẹp. Tôi cũng hiểu được tại sao thung lũng Kadisha được gọi là “Thung lũng Thánh” bởi từ “Kadisha” theo ngôn ngữ Do Thái đã nói lên tất cả.

Rừng tùng nằm cách trung tâm thung lũng khoảng 3km và anh tài xế xe 16 chổ tốt bụng lại giúp tôi bắt chiếc taxi đi 2 chiều, dừng cho tham quan rừng tùng 1 tiếng với giá cố định 10USD. Vở lẽ ra, tôi mới biết tại sao anh tài xế im ỉm nảy giờ lại giỏi tiếng Anh như thế bởi vì anh từng đưa những vị lữ khách đường xa đến đây ngắm rừng tùng cổ kính. Trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, chiến tranh đã làm anh mất đi nguồn thu nhập đáng kể.

Những tu viện cổ kính nằm cheo leo trên triền núi trong lòng thung lũng. © Nguyễn Chí Linh

Đang trong mùa đông, dòng sông Kadisha chảy xuyên qua lòng thung lũng dần cạn nước nhưng nó vẫn đủ để cho tu viện Qozhaya cổ kính có tuổi đời hơn 1.650 năm nằm mơ màng soi bóng. Anh tài xế taxi lại chỉ chỏ vào đôi giày của tôi với hàm ý nó không đủ làm ấm đôi chân bởi hương tùng sinh trưởng trên vùng đất phủ đầy tuyết. Thấy vẻ tươi cười hớn hở trên khuôn mặt, anh đã giảm bớt sự lo lắng cho tôi về cái lạnh trên núi cao có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bên trong khuôn viên nho nhỏ, đài truyền hình quốc gia Lebanon đang làm một phóng sự về việc bảo tồn cây Tùng của Chúa. Theo những gì tôi đã đọc qua, rừng cây hương tùng cổ ở Lebanon chỉ còn 375 cây, trong đó có 2 cây đã hơn 3.000 tuổi, 10 cây trên 1.000 tuổi và số cây còn lại ít nhất cũng có tuổi đời hơn một thế kỷ. Người ta cũng chẳng biết hương tùng xuất hiện ở từ lúc nào trên vùng đất Lebanon và đành ghi nó vào sách kỷ lục thế giới là một trong những loại thực vật lâu đời nhất trên quả đất này.

Tu viện Qozhaya 1.650 tuổi đời. © Nguyễn Chí Linh

Những quyển kinh xưa của Do Thái giáo từng ghi nhận về sự sùng bái loài cây này của người Israel. Họ đến Kadisha đem những cây hương tùng về trồng trước khi xây dựng ngôi đền thứ Nhất và ngôi đền thứ Hai trên vùng đất Thánh Jerusalem. Tuy nhiên, những cây tùng đã biến mất vào thế kỷ 6 mà không rõ lý do tại sao.

Chỉ một mình tôi duy nhất trong rừng tùng cổ kính rợp tán đan xen vào nhau. Cơn tuyết đầu mùa vừa đi ngang để lại vết tích mỏng manh trên những con dốc quanh co. Màu trắng tinh khôi của chúng phủ lên lớp đất đen tạo thành sắc màu tương phản nhưng lại hợp nhau đến lạ kỳ. Tôi vẫn ung dung đi giữa tiếng lá lao xao chuyện trò, ngắm nhìn những gốc tùng to độ chừng hơn 5 người ôm quanh mặc cho cái lạnh của tuyết đang làm tê dại đôi bàn tay.

© Nguyễn Chí Linh

Trong tiếng Ả Rập, cây hương tùng được gọi là Cerdas, tuy nhiên người ta thường thêm cụm từ “of God” phía sau để tôn vinh lên giá trị của nó. “Cây tùng của Chúa” hay “Cây tùng của Thánh Allah” có giá trị y học to lớn trong thời cổ đại khi thuốc men dành cho con người quá quý hiếm. Chúa đã nghe thấy tiếng vọng của loài người và ban cho cây linh dược thần thánh.

Gỗ hương tùng khi đốt lên có tác dụng khử sạch môi trường và hương thơm từ gỗ nồng nàn đậm đà có thể chiết xuất để tạo thành dầu thơm. Nhựa cây hương tùng dùng làm nguyên liệu ướp xác hiệu quả và sử dụng nhựa cây hương tùng còn là liều thuốc quý vô giá giúp cho con người trị được khá nhiều bệnh nội khoa, đặc biệt về hệ tiêu quá. Nhựa cây hương tùng đôi khi còn được gọi là “nước mắt kim cương” bởi những trận chiến sóng mái, khốc liệt giữa các vương triều trên vùng đất Viễn Đông xưa đã xảy ra để tranh giành đoạt lấy.

© Nguyễn Chí Linh
© Nguyễn Chí Linh

Hương tùng ngày nay đã nhân giống trồng khá nhiều nơi, đặc biệt ở Buenos Aires – Argentina. Tuy nhiên, giống hoa anh đào của nước Nhật, những du khách luôn cho rằng việc ngắm nhìn một loài hoa, loài cây nào đó chỉ thật sự có ý nghĩa khi đến được vùng đất nguyên thủy mà chúng đã sinh ra và lớn lên. Mặc cho anh tài xế taxi chờ đợi, tôi vẫn ung dung nhấm nháp giọt cà phê đun sôi của người Thổ rồi lơ đãng ngắm nhìn những cội hương tùng già cổ kính.

Tôi “nghiện” hương thơm của những cây tùng già đến mức cứ quay quẩn đến giả vờ ghé qua những quầy hàng thời trang cao cấp ở quận trung tâm Beirut được mệnh danh là một Paris thu nhỏ. Cũng như từ ngàn xưa, giá trị đẳng cấp của hương tùng vẫn còn đó, nhưng nó thật sự chỉ dành cho những người giàu có chịu chơi phải bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu.

Những ngày ở Buenos Aires, cứ chiều chiều tôi hay thả bộ trên con phố đối diện với Tháp bút chì để được ngửi lại hương thơm của loài cây quý hiếm. Trên con đường ấy, vẫn còn những người thổ dân da đỏ ngồi chồm hổm đốt những que hương tùng để chào bán những bó hương tùng nhỏ xinh.

© Nội dung đã được tác giả Nguyễn Chí Linh đồng ý cho phép phát hành trên website.

Nguồn: Linhnc2005
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả