Cồn Chim thuộc ấp cù lao Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cồn có diện tích tự nhiên 60 ha nằm giữa sông Cổ Chiên, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 10 km về hướng Đông Bắc theo tuyến đường sông và khoảng 15 km theo tuyến quốc lộ 53. Từ đất liền, muốn đến với Cồn Chim du khách phải đi qua phà mới tới được Cồn Chim.
Do được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa của dòng sông Cổ Chiên qua nhiều năm trầm tích, phần lớn diện tích của Cồn Chim là đất thấp nên người dân phải đào ao, be bờ để canh tác hoa màu và nuôi trồng phát triển nông nghiệp. Không có sự trù phú của những mảnh vườn hoa thơm trái ngọt xum xuê, mà mang tính đặc trưng là người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Vùng đất này có 2 mùa, dựa vào vị mặn – ngọt của nước sông. Sinh kế của người dân theo đó cũng thay đổi luân phiên giữa cây lúa và con tôm. Lúa là lúa hữu cơ, không lạm dụng phân thuốc. Còn tôm cũng là tôm sạch, không chạy theo kiểu nuôi công nghiệp thâm canh.
Cồn Chim là điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Trà Vinh với mô hình thuận thiên, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa đầy sức hút mộc mạc, dân dã, đậm đà hồn quê. Nhờ đó mà du lịch Cồn Chim dù có xa và cách trở mấy đi chăng nữa nhưng rất nhiều du khách háo hức tìm tới và muốn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị mà ít nơi nào có được như nơi đây. Du khách khi tham quan Cồn Chim không được sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để tránh rác thải nhựa ra môi trường.
Là một ốc đảo xanh giữa dòng Cổ Chiên hiền hòa nên quanh năm gió thổi mát rượi, không khí vô cùng trong lành, đặc biệt người dân còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam bộ. Ở đây xe cộ, đồ đạc thậm chí bỏ hẳn ngoài đường cũng không ai thèm lấy.
Du khách còn được trải nghiệm các hoạt động câu cua, dỡ lờ, lợp bắt cá, tôm; xay bột, làm bánh hoặc chơi các trò chơi dân gian: chọi lon, bắn bi, kéo mo cau, banh đũa… Ngoài ra, Cồn Chim còn tổ chức họp chợ quê, bán các sản vật như rau, trứng, cá, bánh mứt…
Ấn tượng nhất là được chính những người nông dân ở đây phục vụ các món ăn miền Tây dân dã, như: bánh canh tôm và nước dừa, bánh xèo, tôm hấp, cua luộc, bữa cơm gia đình…với thực phẩm tươi và sạch do chính họ nuôi trồng (lúa tự trồng, rau hái từ vườn, tôm, cua, cá bắt từ ruộng lên, dừa chặt từ cây…).
Mỗi nhà phục vụ những món sở trường của mình, không trùng lắp nhau. Nhà cô Sáu Giàu bán bánh xèo thì mời khách món nước nấu sả uống cho ấm bụng. Đến với bếp xưa của cô Vân, du khách sẽ được thưởng thức các món mứt từ dừa non, chén sương sâm mát lạnh; ghé thăm nhà cô Ba Sữa sẽ được ăn bánh rau mơ, nhờ tận dụng lá mơ quanh nhà trồng được…
Đặc biệt, nếu có cơ hội qua đêm tại đây, du khách sẽ còn thích thú hơn khi được tận mắt thấy những chú đom đóm giữa cái màn đêm tối mịt. Trên những chiếc ghe nhỏ, ngồi ngay giữa bờ sông, du khách sẽ được thấy những chú đom đóm mà ở thành phố khó có thể thấy được.
Có thể dịch vụ ở xóm Cồn Chim chưa thể chuyên nghiệp như những khu du lịch khác nhưng một ngày ở đây thật thú vị. Thứ du khách nhận về là tình cảm, là văn hóa, là nếp nhà nhiều hơn một chuyến du lịch trải nghiệm đơn thuần. Rời vùng đất nhỏ bé nép mình bên dòng Cổ Chiên, có điều gì đó thật đẹp vẫn đọng lại trong lòng du khách. Bạn hãy thử một lần về Cồn Chim để cảm nhận tấm lòng của người quê.
