Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Trường được người Pháp thành lập năm 1927, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng, dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có ở Đà Lạt thời ấy.
Xem thêm: 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đà Lạt
Trường Lycée Yersin được hình thành từ 2 trường: Petit Lycée (khánh thành năm 1927) và Grand Lycée (khởi công xây dựng năm 1929 và hoàn thành năm 1941). Ngày 28 – 6 – 1935, trường Grand Lycée mang tên Lycée Yersin. Về sau trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, hiện nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Đây là công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn Châu Âu, nhưng cũng đồng thời kết hợp được nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để tạo thành một công trình kiến trúc hòa hợp giữa Đông và Tây. Được đánh giá là một kiến trúc theo phái hiện đại lúc bấy giờ, đây quả là một thành công của tác giả khi gắn bó tổng thể công trình với địa hình khu vực.
Theo tài liệu bảo tồn di sản của Lâm Đồng, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng là công trình cao tầng đầu tiên của thành phố Đà Lạt. Ở ngôi trường này, những lớp học trong công trình được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói làm từ nước Pháp (lớp ngói cũ do không thể sử dụng được nữa nên đã được thay thế bằng ngói thường như hiện nay). Điểm nhấn của dãy nhà hình vòng cung độc đáo là tháp chuông. Phía bên ngoài tháp chuông từng có một chiếc đồng hồ cổ nhưng sau thời gian trường tồn đến nay du khách chỉ còn có thể thấy vết tích in lại trên nền gạch đỏ. Bên trên điểm nhấn tháp chuông cũng không còn chuông do có lẽ đã bị tháo dỡ trước đây.
Kiến trúc sư Kunđara Peki (người Nhật Bản) cho biết: “Xét về kiến trúc tiện dụng, hiện đại thì thế giới có nhiều, đất nước chúng tôi cũng rất nhiều. Nhưng về sự độc đáo và mang biểu trưng của văn hóa thì công trình này của Việt Nam thật là tuyệt vời”. Sau hàng giờ chiêm ngưỡng kiến trúc, Kunđara Peki say sưa chụp tới hàng trăm tấm ảnh nữ sinh thướt tha áo dài trên sân trường. Hậu cảnh của tất cả những bức ảnh này vẫn là biểu tượng kiến trúc cong và tháp chuông của ngôi trường từng mang tên Grand Lyceé Yersin (Alexandre Yersin, người phát hiện ra thung lũng Đà Lạt độc đáo).
Ở góc độ kiến trúc, giá trị và biểu trưng văn hóa của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là vô giá. Kiến trúc sư Trần Đức Lộc (Sở Xây dựng Lâm Đồng), người từng tham gia xây dựng hồ sơ di sản để nhà nước công nhận nhà cong là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia nhận xét tinh tế: “Công trình nhà cong Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một báu vật của ngành kiến trúc, của Đà Lạt”.