Trung Đông

Cổ tích sa mạc Oman

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:53 pm
Đã đăng: 18/09/2013 8:27 am

Không có thần tiên nào ở xứ xở xinh đẹp này, mà chỉ có những con người thông minh và khéo léo đang chi tiêu những đồng tiền thông minh do thiên nhiên ưu ái ban tặng…

Tôi muốn đi Salalah – một tỉnh miền Nam của Oman. Anh Mohamed Alli giúp tôi bằng cách chở đến văn phòng hãng hàng không Oman đặt tại thành phố Ruwi để mua vé. Tôi quá bất ngờ và kể cho anh Alli nghe những gì nhìn tôi thấy trong văn phòng của hãng Oman Air. Chỉ hai nhân viên gồm thủ quỹ và người kiểm tra thông tin cuối cùng. Toàn bộ khách hàng giao dịch cảm ứng qua những màn hình LED 40 inch được đặt dày đặt trong văn phòng.

Máy in vé nằm trong màn hình và bản in được chạy ra từ phía dưới màn hình. Anh Alli cười và cho biết: “Với dân số quá ít (khoảng 3,8 triệu người) người trên diện tích 309.501 km2 thì những chiếc máy thay cho con người trong quản lý là cách hiệu quả nhất. Nhưng điều quan trọng hơn, Oman đang hướng đến môi trường sạch và xanh trong cách quản lý”.

Những ốc đảo xanh rì trong sa mạc

Oman nằm trên bán đảo Ả Rập ven theo vịnh Ba Tư với một lượng mưa rất ít ở Salalah, phần lớn là sa mạc với khí hậu vào tháng nóng nhất khoảng 50 độ C. Thiên nhiên ban tặng cho Oman trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào. Việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hằng năm mang lại khoảng 30 tỷ USD và đóng góp khoảng 45% GDP cho toàn quốc gia. Ngồi trên đống của này, Oman như một anh nhà giàu lại trúng số độc đắc, không phải nghĩ ngày mai làm gì, mà tiêu gì cho hết tiền.

Tôi mời Alli một ly cà phê để chia tay do ngày mai tôi đi Salalah. Cái vị ngọt của mứt chà là hòa quyện trong hương thơm cà phê nhập khẩu từ Brazil mang đến hương vị ngon khó tả! Anh Alli tiếp tục câu chuyện: “Tôi không phải mất một đồng nào từ phổ thông cho đến đại học. Chính phủ đã trả hết các chi phí đó”. Với lượng dầu mỏ dồi dào, công dân của Oman được ví như sinh ra trong xứ sở “trúng số độc đắc”. Nhà nước lo toàn bộ cuộc sống của người dân từ quỹ phúc lợi quốc gia. “Không cần mở cửa chúng tôi cũng quá giàu. Đó cũng là lý do tại sao Oman đóng cửa với thế giới bên ngoài”, Alli cho biết.

Nếu những con số khó hình dung thì ít nhất, tôi cũng thấy những gì giàu có mà người Oman đang có: hệ thống giao thông công cộng không phát triển, mỗi người một chiếc xe hơi đời mới chạy với tốc độ 150 km/h trên những cung đường cao tốc phẳng lì trong sa mạc.

Hoa phủ tràn đầy ở thủ đô Muscat

Tuy nhiên, khi những quốc gia láng giềng như UAE, Qatar hay Kuwait đều mở cửa để phát triển kinh tế dù họ vẫn có nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, Oman cảm thấy chạnh lòng và bắt đầu mở cửa. Du lịch là hình thức mở cửa đầu tiên cho những du khách Tây từ Dubai sang Muscat. Mặc dù vậy, do mở cửa quá chậm khiến Oman không thể cạnh tranh với các quốc gia láng giềng.

Oman đang theo hướng của Singapore từng áp dụng thành công nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực là một môi trường sạch và xanh, trung tâm chăm sóc sức khỏe với chất lượng cao và thu hút lao động cấp cao đến làm việc.

Anh Alli lại chở tôi đến những thung lũng xanh rì trong sa mạc như chứng minh cho thấy những gì Oman đang trở mình. Những ngôi nhà nép vào núi, những thảm hoa rực rỡ mênh mang đôi lúc khiến du khách như lạc vào xứ thần tiên của chàng thủy thủ Sinbad “Nghìn lẻ một đêm”. Nhưng không có thần tiên nào ở xứ xở xinh đẹp này, mà chỉ có những con người thông minh và khéo léo làm nên tất cả.

Cần phải biết là Oman có hơn 1.000 trường học, xếp thứ tám trên thế giới về vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chính phủ Oman xác định nguồn nhân lực cấp cao của bản địa là yếu tố cơ bản trong việc phát triển và thành công của đất nước, nó cũng là nguyên nhân kéo theo các bộ óc siêu đẳng từ các quốc gia khác sẽ đây đến làm việc. Các yếu tố được giảng dạy trong chương trình nhằm định hướng tương lai về thị trường lao động cho các em học sinh bao gồm: vật chất, tinh thần, xã hội, tâm lý và ngôn ngữ.

Oman còn được gọi là quốc gia của những pháo đài

Phương pháp giảng dạy mới bắt buột các em học hai ngôn ngữ song hành bao gồm: tiếng Arabic và tiếng Anh. Thay vì giảng dạy chuyên bằng tiếng Anh, tiếng Arabic được Bộ Giáo dục đưa vào nhằm bảo tồn văn hóa Ba Tư. Chính phủ đã chi ra 874 tỷ RO (tương đương 332 tỷ USD) vào năm 2010, cao hơn 106 tỷ RO so với năm 2009.

Slogan chung mà nhà nước đưa ra cho các ban ngành là “Oman – một xã hội kỹ thuật số”. Và bây giờ bạn biết vì sao tôi lại có duyên với màn hình LED cảm ứng ở đây. Trước đây, nhà nước miễn phí toàn bộ chi phí cho học sinh từ mẫu giáo lên đến cấp đại học. Tuy nhiên, để kích thích tinh thần học sau khi áp dụng chương trình cải tiến mới, chính phủ quyết định chỉ miễn phí đào tạo cho các trường học đại học công lập. Nếu học các trường dân lập, sinh viên phải chịu chi phí rất cao.

Chính phủ khuyến khích các trường dân lập nên mở rộng, đặc biệt các trường đại học nước ngoài đến Oman để chiêu sinh. Đối với các trường đại học nước ngoài, nhà nước miễn phí toàn bộ thuế và ưu đãi một số điều khoản trong 5 năm đầu tiên.

Anh Alli cho biết: “Đất nước chúng tôi đang hướng tới trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của vùng Trung Đông trong tương lai nên chính phủ đầu tư rất nhiều cho các trung tâm thực hiện dịch vụ này”. Ngày từ những năm 1970, nhận thấy sức khỏe con người là vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Chính phủ Oman tập trung chính sách chăm lo sức khỏe cho nhà dân.

Cứ 5 năm một lần, Bộ Y tế và Sức khỏe đưa ra những chương trình hành động khác nhau. Các bệnh viện, trung tâm y tế khám sức khỏe cho bệnh nhân theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt độ tuổi, giới tính và là thành phần nào trong xã hội. Người Oman chỉ cần đóng 1 RO bảo hiểm y tế tượng trưng hằng năm nhưng vẫn nhận được dịch vụ kỹ thuật cao nhất khi điều trị.

Oman giàu có đến mức : trang bị đầy đủ các phương tiện giải trí trên máy bay dù đó là máy bay nhỏ và chuyên bay nội địa

Tất cả các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đều trải qua những khóa huấn luyện trong và ngoài nước với những bài tập kiểm tra hết sức ngặt nghèo. Với máy móc hiện đại, chỉ với 708 bác sĩ và 2.585 y tá và điều dưỡng, nhưng 4 bệnh viện công nghệ cao ở Muscat như Royal, Khoula, Al Nahdha và Ibn Sina có thể phục vụ 3,2 triệu người Oman.

Anh Alli nhấp cạn ly cà phê và cho biết: “Đã có cơ sở hạ tầng quá tốt, nên việc Oman trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của vùng Trung Đông là một việc dễ dàng. Đó là lợi thế cạnh tranh mới của Oman. Dù biết rằng, việc mở cửa sẽ bào mòn những gì thuốc về văn hóa Ba Tư mà người Oman gìn giữ bấy lâu nay, nhưng đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế hội nhập toàn cầu”.

Bên trong chưa biết thế nào nhưng có lẽ lo cho tương lai này, Oman đang rất cố gắng giữ gìn truyền thống trong hình ảnh kiến trúc, những ngôi nhà ở đây chỉ được sơn màu trắng và không cho xây cao quá chín tầng, các cửa sổ phải uốn hình vòng cung như trăm năm trước vẫn vậy…

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo DNSG số 261 ngày 17/9/2013)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả