Trung Đông

Thế giới huyền bí trong ngôi nhà người Emiriti

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:50 pm
Đã đăng: 08/12/2013 4:42 am

Dubai nổi tiếng sang trọng nhưng bên ngoài nhà của người dân Emiriti có vẻ nghèo nàn: xây bằng gạch trét bùn, cửa im ỉm đóng càng gợi sự tò mò muốn một lần lọt vào không gian huyền hoặc mang sắc màu Hồi giáo Ba Tư…

Một món quà bất ngờ trong hành trình khám phá Dubai, tôi được anh Mohammad – người tài xế từng lái xe đưa tôi vào sa mạc (*) mời tôi ghé nhà anh. Tôi vui mừng đến không tin được vì biết rất khó vào ngôi nhà của người Ả Rập. Theo luật Hồi giáo, không được dẫn người lạ, đặc biệt là người nam vào nhà, ngoại trừ những trường hợp quá thân thiết. Đây là một sự ưu ái lớn mà anh Mohammad dành cho tôi.

Dallah – chiếc bình đựng cà phê truyền thống của người Emiriti.

Nghi tiết từ cách ngồi

Tôi mặc quần dài chỉn chu khi đến nhà anh Mohammad. Hôm nay anh có vẻ trí thức với bộ áo chùng dài màu trắng cùng cặp kính trắng, khác xa hình ảnh lái xe trên sa mạc. Theo cách người Emiriti, tôi bỏ giày ở bên ngoài. Bên trong ngôi nhà là một thế giới khác hẳn, toàn bộ sàn nhà được lót bằng thảm Ba Tư bóng mịn, nội thất, vật dụng toàn hàng cao cấp. Trong đó, văn hóa Ba Tư được trân trọng giữ gìn từng chút một. Phòng khách (gọi là majalis) ngăn làm hai: một bên cho nam và một bên cho nữ. Anh hướng dẫn tôi nghi thức tiếp khách trang trọng của người Emiriti: hai bên ngồi xếp bằng dưới sàn nhà, đôi chân khoanh vào và đối diện nhau (ngồi banh hai chân là không lịch sự). Nếu không thân thiết, hai bên ngồi cùng một bên hay đối diện với nhau trên hai băng ghế lót nệm.

Phía sau phòng khách là hai dãy phòng ở, bên phải dành cho nam và bên trái dành cho nữ, tiếp đó là nhà bếp.

Món Kabsa được đãi ăn.

Mọi việc nội trợ đều do phụ nữ đảm trách. Khi cần gì, anh Mohammad lại phòng của mẹ anh, gõ cửa và nói vọng vào trong đó những thứ cần mang ra (căn phòng của nữ thông ra bếp) và quay lại lấy. Tôi chỉ biết mà không bao giờ thấy bóng dáng những người phụ nữ trong nhà.

Ăn bốc bằng tay phải

Cũng bắt đầu bằng cà phê, anh Mohammad kể về sinh hoạt: “Sau giờ làm việc, chúng tôi về nhà để ăn bữa cơm cùng gia đình, nghe những bài nhạc Ả Rập thay cho những bài hát phương Tây đang đổ bộ vào Dubai. Chúng tôi hút thuốc bằng ống tre dài gọi là Shisha. Để tiện lợi khi di chuyển, chúng tôi làm Shisha nhỏ gọn và đi kèm với nó là ống đựng thuốc lá xắt dạng sợi. Những ngày cuối tuần (thứ Năm và thứ Sáu), tôi hay đưa mẹ đến chợ Ả Rập để mua những thứ cần thiết và trong những ngày đó, tôi được ăn những món ăn gia đình: harees, kebab, kabsa,… Người Emiriti hiếm khi đến những trung tâm mua sắm lớn, ngoại trừ phải mua áo quần để đi nước ngoài…”.

Mô hình tháp đón gió cổ truyền của người Emiriti.

Anh nhờ mẹ nấu cơm đãi tôi và mang ra một ít dâu tây, táo. Anh kể câu chuyện khác: “Việc kết hôn của người Emiriti phải chọn lựa môn đăng hộ đối. Sau khi ký hợp đồng và ấn định ngày cưới tại chính quyền, cô dâu được phép gặp người nhà, bà con gần để nhận quà chúc mừng. Khoảng một tuần trước khi rước dâu, cả chú rể và cô dâu phải bôi vào khắp cơ thể một loại dầu và nước hoa của người Ả Rập. Trước rước dâu một ngày, cô dâu được vẽ lên đôi tay những hoa văn theo phong cách Ba Tư bằng loại nước sơn cổ truyền (khoảng bảy ngày thì phai)…”.

Bữa cơm được dọn trên sàn (trên thảm lót miếng nhựa trắng) theo phong cách người Emiriti. Anh Mohammad nhắc nhở: “Phải rửa tay sạch, sử dụng tay phải để lấy đồ ăn, theo Hồi giáo, tay trái là tay dơ, được sử dụng trong việc đi vệ sinh. Lương thực chính là gạo nhập khẩu từ Ấn Độ và Pakistan, đôi khi chúng tôi ăn bánh mì. Người Emiriti ăn nhiều tinh bột và thịt hơn rau bởi đây là sa mạc nên rau rất quý hiếm…”. Tôi thưởng thức món Kabsa được mẹ anh nấu bằng thịt bò khá giống bò kho Việt Nam.

Mở rộng kinh tế, chặt chẽ văn hóa

Tôi chọn món trà đen – cũng là loại nước uống truyền thống – tráng miệng sau bữa cơm. Đó là 2 gói trà Lipton nhập từ Sri Lanka pha trong cốc nước nóng. Trà đen dùng cùng với mứt chà là tạo ra hương vị đậm đà quyến rũ. Anh Mohammad tự hào giới thiệu: “Người dân Emiriti không phải đóng thuế thu nhập. Người lao động thích đến Dubai đầu tư, làm việc bởi họ giữ nguyên số tiền kiếm được. Chính phủ Dubai ưu tiên cho nhiều lĩnh vực không phải đóng thuế, trong đó có y tế, giáo dục và công nghệ thông tin. Chúng tôi được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, được học miễn phí từ mẫu giáo lên đến đại học. Ở Dubai chúng tôi được sử dụng dịch vụ điện thoại với giá rẻ như bèo… Tuy nhiên, chúng tôi phải trả thuế rất cao khi mua sắm những thứ mà luật Hồi giáo nghiêm cấm. Ví dụ, một chai bia phải trả thuế 30%. Dubai cởi mở hơn các nước khác, cho bán bia trong các nhà hàng nhưng một du khách chỉ được phục vụ tối đa hai chai”.

Khu trượt tuyết ở Mall of Emirates.

Cũng trong tình thân thiết, anh cho biết tôi sẽ không bao giờ đến được nơi tôi mơ ước là Thánh địa Mecca. Theo luật, công dân các nước Oman, UAE, Kuwait, Bahrain, Qatar chỉ xuất trình giấy chứng minh nhân dân là được vào. Ngoài các nước này, phải là người Hồi giáo chính gốc và có giấy phép hành hương đặc biệt. Các lối vào thánh địa được kiểm soát rất nghiêm ngặt.

Tôi từ giã anh để quay về Việt Nam bằng chuyến bay tối. Biết tôi thất vọng về chuyện không được đi Mecca, sau cái ôm theo phong tục Emiriti, anh Mohammad an ủi: “Thế giới rất rộng lớn và có nhiều nền văn hóa khác nhau, Mecca chỉ là một phần nhỏ trong những nền văn hóa đó…”.

Thiên đường mua sắm

Dubai có chính sách đặc biệt cho hàng nhập khẩu, mức thuế cao nhất chỉ 10% đối với hàng xa xỉ, cao cấp. Dubai được gọi là “thiên đường mua sắm”, hàng hiệu tại đây rẻ hơn các trung tâm mua sắm trên thế giới ít nhất 3%. Con số 3% nghe tưởng nhỏ nhưng rất có ý nghĩa với số tiền mua lớn hơn sáu con số. Chỉ đi dạo qua hai trung tâm mua sắm lớn là Dubai Mall và Mall of Emirates tôi đã bị choáng bởi quy mô và cung cách phục vụ của nó. Chỉ đi một vòng Dubai Mall tôi đã mỏi rụng rời. Khu này rộng đến 55 ha, gồm 1.200 cửa hàng bán đồ hiệu, một khách sạn với 250 phòng ở cao cấp, 22 rạp chiếu phim và 120 nhà hàng và quán cà phê…

Một góc khu mua sắm Mall of Emirates.

Tất cả được xây dựng theo khu phức hợp: mua bán, ăn uống, vui chơi và thiết kế như khách sạn năm sao. Bước vào toilet, tôi choáng trước sự sạch sẽ và cách nhân viên lịch sự phục vụ giấy vệ sinh miễn phí.

Tôi cũng thử qua hai trò chơi khá đặc biệt: bể nuôi các loại cá lớn nhất thế giới (Aquarium) với sức chứa hơn 33.000 loài sinh vật biển ở Dubai Mall và trượt tuyết trên sa mạc ở Mall of Emirates với giá vào cổng là 50 AED cho mỗi trò chơi.

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *