“Rừng ngập mặn, ngập lợ chú em đi nát hết rồi chứ gì. Còn rừng ngập ngọt đã ‘nếm’ chưa?”, một người bạn của tôi khơi gợi.
Vậy là tôi rủ nhóm “khoái lang thang” cưỡi xe máy đi tìm cánh rừng “mập mờ” kia vào một ngày cuối tuần. Xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An thẳng tiến. Có quá nhiều cảm xúc đan xen, từ ngạc nhiên đến… mến mộ, nên khi đến nơi, ba anh em đều sững sờ và vỗ đùi đành đạch bảo sao mình không biết nơi đây sớm hơn!
Nhưng tôi lại không thích gọi khu này bằng cái tên có vẻ mông lung là rừng ngập ngọt. Thay vào đó, nhóm tôi đặt cho nó một cái tên dễ mến, dễ nhớ hơn: Nàng Hương Tháp Mười. Nghe gọn nhẹ mà duyên dáng, như cặp má lúm đồng tiền chúm chím trong sổ tay điền dã của một kẻ thích đi rong.
Thoảng nghe một mùi hương hấp dẫn lạ, tỏa xa khoảng 12m, chúng tôi cứ ngỡ mùi thơm của nồi cháo gà tơ đang bốc khói quyện mùi hành hương cùng muối tiêu chanh mới nướng sơ, do chủ nhà chu đáo chuẩn bị trước đón khách. Song khi đến gần hơn, lại nghe ra mùi sả lẫn hương chanh Bắc dìu dặt. Tiến sát mới thật ngỡ ngàng, thì ra chỉ là mùi hương của một loại… tinh dầu từ dãy bạch đàn. Nhưng lạ thay, bao mệt mỏi do đi đoạn đường khá dài bỗng tan biến!
Tò mò, chúng tôi hỏi dược sĩ Nguyễn Văn Bé, giám đốc công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, về loại tinh dầu thú vị này. Mới biết, đó là tinh dầu bạch đàn chanh.
Và cây bạch đàn chanh lớn nhất ở đây đã to bằng bắp đùi người lớn, cao trên 12m. Cũng theo ông Bé, sau một năm trồng giống bạch đàn này đã có thể khai thác tinh dầu từ lá. Cây càng cao tuổi thì năng suất tinh dầu càng cao. Cứ 1 tấn lá bạch đàn chanh, cho từ 7 – 10kg tinh dầu, sau khi chưng cất. Hiện giá 1 ký tinh dầu bạch đàn chanh là 18 triệu đồng.
Được biết, tinh dầu bạch đàn chanh ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: khử mùi công nghiệp, hỗ trợ xua đuổi muỗi, sát trùng, xịt phòng… Thế nên ông Bé cho rằng, trồng bạch đàn chanh hưởng lợi cao hơn bạch đàn thường 2 – 3 lần.
Rừng tràm trỗi nhạc!
Không phải rừng U Minh nhưng ở đây cũng bốn bề là tràm, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Trong đó có hơn 800ha tràm lấy tinh dầu còn gọi tràm gió. “Bởi tinh dầu của nó, có thể trừ được chứng cảm mạo do thời tiết thay đổi bất thường, nên ông bà mình gọi gọn là trám gió”, ông Bé vui vẻ giải thích. Một tấn lá tràm gió thu được 3 – 6kg tinh dầu.
Ngoài ra, nhờ quan sát rừng tràm hàng ngày, ông Bé dự đoán: nước mặn có thể xâm thực vào đây trong vài năm nữa. Bởi một số nhuyễn thể nước lợ đã có mặt ở đây. Thêm con cá cơm trắng, từng sống ở nước lợ, từ một năm trước đã về nhiều.
Nhiều món lai
Cũng chính mùi hương cháo gà từ bạch đàn chanh, quấn quýt chúng tôi suốt bữa ăn tối trong phòng khách. Đặc sản có khô cá lóc loại ngon, rim mặn ngọt, một kiểu chế biến khá sáng tạo. Khô được cắt nhỏ, dần cho tơi ra rồi tẩm ướp giấm, đường… Món này ăn cơm cũng ngon mà nhâm nhi với rượu trái nhàu thêm… “bắt” mồi. Rau ăn kèm cũng đúng điệu dân dã: mớ lá cách non.
Bên cạnh đó còn nhiều món ngon lai: thịt heo rừng lai, cá mùi lai với cá rô biển, thêm lạ miệng.
Chủ khách quây quần, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả đến gần nửa đêm. Cảm giác ấm cúng như đại gia đình đang ăn cỗ, khiến cả đoàn thêm vui.
Chia tay, chúng tôi không quên mua những lọ tinh dầu xịn mang về làm quà. Tiễn khách, ông Bé vỗ vai căn dặn: “Lần sau nhớ báo trước, để tui chuẩn bị mấy món bánh lá chân quê.”
Và chúng tôi đã ngéo tay hứa rằng, sẽ trở lại để “tắm trăng” Tháp Mười, ngụp lặn trong hương sen, hương tràm tinh khôi. Hí hửng kéo con cá lóc cắn câu. Mềm môi với câu vọng cổ thân thương… Có người còn dự tính, tết này sẽ rủ đám bạn thân về đây “ở ẩn”.
Hẹn ngày tái ngộ “nàng” hương!