Châu Á

Qua cung đường tơ lụa ở Kyrgyzstan

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 20/02/2024 10:55 am
Đã đăng: 03/08/2013 4:28 pm

Những ngôi nhà nhỏ nằm trên thảo nguyên xanh ngát đến tận chân trời, những cánh đồng hoa dại đủ màu sắc trải dài qua các đồi cỏ dệt nên bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp trên con đường tơ lụa từ Osh lên Bishkes của Kyrgyzstan.

Cứ đủ 4 người là taxi rời Osh để đến Bishkes. Tôi trở thành người Việt Nam “trầm lặng” trong những ngày ở Kyrgyzstan bởi cái vốn tiếng Nga từ thời xa xưa chẳng nhớ nổi một câu. Tôi chỉ biết lấy giấy vẽ và dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt những gì mình muốn nói. Cũng rất may, hồi lâu có người hiểu ra!.

Con đường tơ lụa ở Kyrgyzstan

Con đường tơ lụa huyền thoại bắt đầu từ Tân Cương của Trung Quốc. Đến Karakol của Kyrgyzstan, đoàn người lại chia thành 2 nhánh, nhánh một ven theo hồ Issyk Kul để tập kết tại Bishkes, nhánh hai tỏa ra đến Almaty (cố đô của Kazakhstan). Từ Bishkes, tiếp tục chia thành 3 nhánh, một nhánh vượt biên giới đến Tashkent (Kazakhstan) và hướng về phía Địa Trung Hải, nhánh thứ hai vượt núi Tian Shan để dừng chân ở Osh và tiếp tục tỏa thành 2 nhánh mới qua Dushanbe (Tanjikistan) và Pakistan, nhánh còn lại tập trung tại Torugart Pass và tiến thẳng về Nam Á qua trạm Kashgar.

Nước suối được tạo thành từ tuyết tan trên đỉnh núi Tian Shan có màu xanh ngọc bích

Osh – Thành phố của vị trà đen

Osh là thành phố lớn thứ nhì của Kyrgyzstan, nằm trong thung lũng Ferghana màu mở. Ẩn thoáng trong những hàng cây phủ xanh các con phố là những chung cư được xây cất theo kiến trúc Xô Viết của những năm 1980. Osh là điểm tập trung lớn trên con đường tơ lụa về phía Nam của Kyrgyzstan. Ngày nay, Osh lại không nhộn nhịp như quá khứ từng có mà yên bình trên từng con phố và cũng là thành phố giàu văn hóa nhất của Kyrgyzstan, bởi nơi đây từng là kinh đô của vương triều Kurmanjan Datka hùng mạnh.

Người Osh ung dung nhàn nhã. Buổi sáng với một bát súp sườn trừu nấu khoai tây và xé nhỏ ổ bánh mì tròn bỏ vào súp, người ta vừa ăn vừa chuyện trò rôm rã. Trà đen là nước uống “tinh thần” không thể thiếu của người Osh. Được nhập từ Ấn Độ, khi pha ra nước có màu vàng đậm pha lẫn chút sắc đen nên người Osh hay gọi là trà đen. Khi uống, người Osh sử dụng bát nhỏ bằng bát ăn cơm, thêm chút đường vào trà nóng, uống trước và sau các bữa ăn chính. Đôi khi, bát nước trà đen được sử dụng như là bát súp trong các bữa ăn. Xé nhỏ bánh mì và chấm vào trà là thói quen của người Osh. Trà có hương thơm nhẹ, một chút vị nhẫn trên đầu lưỡi và vị ngọt khi nuốt vào. Cùng với hương thơm của bánh mì, chúng hòa quyện và mang đến hương vị lạ lẫm khó quên.

Những cánh hoa dại màu tím nở rộ khắp các đồi

Bàn ăn trong các quán ăn ở Osh trong giống như một giường ngủ nhỏ. Những tấm thảm đầy màu sắc văn hóa Trung Á được lót trên giường. Bàn để thức ăn nhô cao ở giữa và cứ 4 người ngồi xếp bằng vào một bàn. Bánh mì là lương thực chính của người Osh, trên một bàn ăn, rổ bánh mì tròn là vật đầu tiên luôn đập vào mắt tôi.

Bàn ăn ở Osh

Người Osh lại không vuốt mặt bằng hai tay từ trán xuống đến miệng sau bữa ăn như là sự cảm ơn Thánh Allah đã cho họ một bữa ăn như người ở phương Bắc.

Cung đường tơ lụa ngày nay

Osh đang những ngày mùa xuân nắng ấm. Những hình ảnh ghi lại cũng không nói lên hết được vẽ đẹp của cung đường tơ lụa ngày nay. Từ những đồi cỏ xanh biết phủ lấm tấm những hoa dại đủ sắc màu: đỏ, tím, trắng, vàng,… cho đến những dòng suối xanh màu ngọc bích róc rách chảy qua những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, rồi những cây hoa mơ, hoa mận nở trắng xóa cả một góc trời,…

Cung đường tơ lụa ngày nay từ Osh lên Bishkek

Vì phải chạy đúng tài cho kịp chuyến tiếp theo, anh Azamat cũng không thể dành nhiều thời gian và ghé nhiều nơi cho tôi ghi lại hình ảnh. Thôi thì, cứ đưa hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên qua ô cửa sổ của xe vào “trốn” trong một ngăn nào đó của ký ức.

Không còn đoàn người với ngựa hay lạc đà rong ruổi cùng túi hàng gồ ghề trên lưng, con đường tơ lụa ngày nay là mạch huyết quản nối liền hai thành phố lớn nhất bằng những chú ngựa sắt. Cũng không còn hình ảnh đoàn người lặn ngụp giữa các ngõ hẹp trong lòng núi đá hay vượt đèo dốc qua những ngọn núi cao, chỉ còn lại những con đường phẳng lỳ, đồi dốc quanh co liên tục cùng những hầm chui qua núi. Cũng giống như ngày xưa, con đường tơ lụa ngày nay chỉ được sử dụng từ mùa xuân cho đến giữa mùa thu bởi tuyết đã đóng phủ tất cả các con đường vào mùa đông.

Những dòng suối lượn lờ qua núi

Cũng không còn hình ảnh của đoàn người nộp mãi lộ khi qua vùng đất mới mà thay vào đó là những anh công an liên tục xét xe và bắn tốc độ trên đường. Chỉ còn lại hình ảnh của những em bé địa phương vẫy tay chào bán các loại rau củ được trồng từ các trang trại gần đó cho những đoàn xe lướt qua như tái hiện hình ảnh đoàn người trao đổi mua bán “đặc sản” với người địa phương trong quá khứ. Con đường tơ lụa mãi mãi sẽ là ký ức.

Hoa Puppy nở rộ thành từng dạt trên cung đường tơ lụa

Những cánh hoa đào nở rộ ven suối

Quá khứ là nền tảng cho tương lai và mọi thứ đều thay đổi theo thời gian. Chỉ 10 tiếng trên một trong những cung đường tơ lụa huyền thoại, trong tôi có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Không có tàu lửa hay những chiếc xe chạy tốc hành từ Osh lên Bishkes. Giá xe taxi đi chung với 4 người là 1.500 Som/người (1USD = 48 Som). Bến xe taxi để đi Bishkes đối diện với chợ Osh (Osh Bazar). Giá taxi từ bất cứ khách sạn nào ở Osh đến bến xe taxi là 100 Som. Tài xế không dừng lại bất kỳ điểm nào để du khách chụp hình. Muốn ghé lại chụp hình, du khách phải thỏa thuận và trả tiền thêm cho tài xế.

(Tham khảo: bài viết đã được đăng trên báo SGTT ngày 29/07/2013)
Nguồn: linhnc2005
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả