Hoa Kỳ

Lang thang ở New York

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:53 pm
Đã đăng: 23/09/2013 8:36 am

Tôi hay nhớ về New York giữa những lúc công việc bề bộn, một thành phố mà tôi có nhiều kỷ niệm. Mùa thu năm ngoái, Bob – anh bạn người Mỹ rủ rê tôi quay lại New York để nhặt lại những kỷ niệm mà tôi đã lãng quên.

Cả tôi và Bob đều yêu thích quận Manhattan hơn bởi đó là vùng đất giàu tính lịch sử và văn hóa nhất thành phố New York. Bắt đầu từ đại lộ số 5, nơi tập trung những cửa hàng thời trang với những bộ cánh mới nhất về thiết kế của những hãng nổi tiếng, chúng tôi lang thang dọc ngang qua những con đường bàn cờ để hướng vùng hạ của quận Manhattan.

Biểu tượng hòa bình

Tôi băng qua đường mua hai ly cà phê nhâm nhi buổi sáng. Anh tài xế taxi da đen vẫy tay chào tôi như thói quen của người New York vào buổi sáng dù đó là người xa lạ. Nếu như ở London có xe buýt 2 tầng màu đỏ là điểm đặc trưng thì ở New York là những chiếc taxi màu vàng.

Như là sự mặc nhiên, người ta gọi Quận Manhattan là biểu tượng của sự “Tự Do” bởi tượng Nữ thần Tự Do được đặt tại đây. Đài tưởng niệm quốc gia 11/9 sau khi hoàn tất lại đưa ra thông điệp “hòa bình”. Trung tâm kinh tế của thế giới trở thành biểu tượng “Tự Do và Hòa Bình” của thành phố New York.

Đài tưởng niệm được xây dựng vào năm 2005 trên tọa độ Zero bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Michael Arad. Hai đài nước với diện tích mỗi đài 4.000 m2 được đặt đúng vào vị trí hai tòa tháp đôi trước đây. Ông Michael Arad khéo léo lồng ghép để đài nước thật ý nghĩa: xung quanh bệ đài, tên nạn nhân được điêu khắc trang trọng trên những tấm bảng bằng đồng.

Quảng trường thời đại

Những làn nước cứ chảy dài không dứt trên những tảng đá cẩm thạch đen như những “giọt nước mắt” tiễn đưa 2.996 người xấu số đã nằm xuống trên toàn nước Mỹ trong ngày “đen tối”. 242 cây xanh dày đặc được trồng dọc theo hai đài nước. Ông Arad muốn mọi người đến đây không thể quên một trung tâm kinh tế từng gánh chịu đau thương như thế nào trong lịch sử nước Mỹ.

Cái lạnh cũng chưa “đủ độ” để những thảm lá trong công viên Central Park dệt nên bức tranh mùa thu. Lác đác chỉ vài chiếc lá ngô đồng trong China Town bay theo gió heo may…

Thành phố “điên rồ”

Chúng tôi dừng khá lâu tại nhà thờ Trinity đầy tính lịch sử khi nó được xây dựng bằng những tảng đá được chở bằng tàu từ London đến đây bởi người Anh vào năm 1864. Tôi muốn ngắm lại con hẽm cong cong uốn khúc nằm đối diện với nhà thờ mà người ta hay gọi là phố Wall.

Manhattan được Henry Hudson – một người Anh làm việc cho công ty Dutch East India khám phá vào ngày 11 tháng 9 năm 1609 và vịnh New York bây giờ được mang tên ông là vịnh Hudson. Người Hà Lan thiết lập và đặt tên lại là New Amsterdam vào năm 1613, được cho phép tự trị vào năm 1652 dưới quyền của Peter Stuyvesant. Đế quốc Anh lấy thành phố vào tháng 9 năm 1664 và đặt tên lại New York theo công tước xứ York và Albany của người Anh.

Bob bất chợt hỏi tôi: “Nếu cho tôi chọn lựa quốc gia trong kiếp này để sống, tôi sẽ chọn nơi đâu?”. Cũng chẳng đắn đo gì, tôi trả lời: “Tôi sẽ chọn Việt Nam bởi tôi yêu cái văn hóa muỗng đũa hơn là văn hóa dao nĩa”. Nhưng cái cách tôi cầm dao và nĩa trong ăn uống cũng không đến nỗi dở tệ, Bob từng nhận xét tôi như thế!.

Như sự mặc nhiên, người ta gọi New York là thành phố Tự Do bởi tượng Nữ thần Tự Do được đặt ở đây

Bob lại hỏi tiếp “Thế kiếp sau?” À, kiếp sau tôi sẽ muốn đến châu Âu để đầu thai, nhưng tôi sẽ lập nghiệp ở New York. Bob phá cười to: “Thật là điên rồ!” Hơi thở của Bob trong cái lạnh 12 độ C tạo thành làn khói mong manh như ly cà phê Starbucks tôi cầm trên tay.

Tôi “điên rồ” thật! Nhưng đứng giữa New York nó chẳng có ý nghĩa gì. Người ta cứ gọi New York là thành phố “điên rồ”, nhưng tôi yêu New York bởi tôi yêu cái “điên rồ” ấy.

Cái quảng trường thời đại (Time Square) nổi tiếng là minh chứng cho sự “điên rồ” đó. Nó đơn giản chỉ là một ngã tư nối 4 đại lộ với nhau và dành cho những khách sạn và một vài công ty chuyên về địa ốc nhỏ sau cuộc Cách mạng Mỹ kết thúc vào năm 1783. Đến năm 1904, trụ sở tòa soạn Thời báo New York (New York Time) dời đến đây và họ biến nơi đây thành một nơi “đắc địa” mà giờ đây muốn chen chân vào đặt bảng quảng cáo là một việc làm không hể dễ dàng với các công ty. Họ tự treo các bảng quảng cáo nhấp nháy trong ánh đèn đầy màu sắc và chào mời bán quảng cáo. Họ đã thành công theo cách “điên rồ” của họ!

Thông điệp hòa bình

Quảng trường thời đại là hơi thở không thể thiếu của người New York, đặc biệt vào đêm giáo thừa. Sau màn bắn pháo hoa ngoạn mục từ vịnh Hudson, người ta lại đổ dồn đến Quảng trường thời đại nâng ly Champange chúc mừng và ngắm quả cầu pha lê đầy màu sắc trong ánh đèn Led đượctừ từ thả xuống

Chấp nhận ý tưởng “khùng điên” trong kinh doanh kéo theo lượng người nhập cư đến New York càng đông. Những tầng lớp người khác nhau về văn hóa tạo cho New York những con phố mang những sắc màu riêng biệt. Khám phá ẩm thực đường phố nơi đây cũng thật thú vị.

Tôi và Bob cứ tha hồ mua những chiếc xúc xích Đức, những que kem Ý, những dĩa Dimsum để ngấu nghiến…

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo PN TP.HCM ngày 13/9/2013)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả