Hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 6km về phía nam, ngay bên dưới Thiền Viện Trúc Lâm có khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh, cảnh quan tự nhiên (rừng, núi, hồ, suối, thác,…) đa dạng, quyến rũ… Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm đã được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Vào mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó.
Hồ Tuyền Lâm có diện tích hơn 350ha, độ sâu có nơi trên 30m. Nước hồ chảy qua một đập tràn 6 bậc và cung cấp nước tưới cho vùng đất dưới chân thác Prenn (huyện Đức Trọng) vào mùa khô. Được tạo thành bởi dòng suối Tía (hay còn gọi là Da Trea), thượng nguồn sông Đạ Tam. Tên hồ không biết có tự bao giờ và do ai đặt, nhưng có lẽ xuất phát từ thiên nhiên kỳ vĩ: Suối và rừng quấn chặt lấy nhau nên người ta đã đặt cho hồ cái tên thật thơ mộng: Tuyền Lâm. Tuyền là Suối, Lâm là Rừng. Tuyền Lâm là nơi gặp gỡ của sông suối và núi rừng và theo thuyết Ngũ hành tương sinh thì Tuyền Lâm là nơi bắt nguồn sự sống của vạn vật bởi lẽ: Thủy sinh Mộc.
Vào 1930, ông Farraut – một người Pháp sinh sống lâu năm ở Đà Lạt – đã thuê gần 3.000ha đất (khu vực hồ Tuyền Lâm bây giờ) làm nông trại, chủ yếu nuôi heo, gà, sau đó nuôi cừu, bò.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khu vực suối Tía và núi Voi là căn cứ quan trọng nhất của phong trào cách mạng thành phố Đà Lạt, thường gọi là chiến khu suối Tía hay chiến khu Quang Trung. Khu căn cứ này của Thị uỷ Đà Lạt có vai trò là nơi chỉ đạo các phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của quân dân thị xã Đà Lạt, nơi dừng chân tập kết, huấn luyện các lực lượng vũ trang, các đội công tác, là bàn đạp để các lực lượng tấn công vào Đà Lạt và cơ động đánh địch ở các mặt trận trong tỉnh Tuyên Đức.
Từ năm 1982 đến năm 1987, Ty Thuỷ lợi Lâm Đồng, được Bộ Thuỷ lợi đầu tư, đã xây dựng một đập nước dài 235m chắn ngang suối Tía (Da Trea) tạo thành hồ Quang Trung, về sau đổi tên là hồ Tuyền Lâm (tuyền: suối, lâm: rừng).
