Dinh III, còn gọi là dinh Bảo Ðại, Biệt điện mùa hè, được xây trong khoảng từ năm 1933 đến 1938 là nơi gia đình Bảo Đại sinh sống và làm việc ở thành phố Đà Lạt. Dinh III do một kiến trúc sư người Pháp Hesbrard và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Dinh nằm ở Phường 4, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam. Xung quanh bao bọc bởi rừng thông còn gọi là rừng Ái Ân.
Khi vua Bảo Đại còn sống tại Huế, Dinh III được dùng làm nơi nghỉ mát, săn bắn của ông. Đến năm 1950, khi người Pháp trở lại Việt Nam và đưa Vua Bảo Đại lên làm quốc trưởng thì lúc này ông đã sử dụng Dinh III tại Đà Lạt làm nơi ở cho gia đình và dùng nơi này để làm việc.
Về hình thức kiến trúc, Dinh III cũng là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở Châu Âu. Điểm đáng lưu ý ở đây là phía bên phải cổng vào và phía sau dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp, bố cục theo hình kỷ hà. Có một bồn hoa rộng phía trước dinh được chăm sóc chu đáo. Những con đường đi dạo nhỏ quanh dinh nằm ẩn mình dưới những tán lá thông, xen kẽ giữa các đám cỏ xanh.
Dinh III là một công trình đồ sộ với hệ thống mái bằng, các mảng – khối được bố cục cân đối nhưng không đối xứng một cách cứng nhắc. Phía trước sảnh chính cũng có mái hiên đưa ra che vị trí đậu xe. Tầng trệt là phòng khách, các phòng làm việc, văn phong của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn.
Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa. Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của dinh.
Dinh Bảo Đại hiện nay cũng là những điểm đến thu hút khách du lịch bốn phương trong và ngoài nước.
