Quần thể di tích Nhà Lớn được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa năm 1991 khá nổi tiếng với lối kiến trúc sinh động và ấn tượng về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo – Lão giáo. Nhà Lớn do ông Trần, tên thật là Lê Văn Mưu, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (vốn phát xuất từ vùng Bảy Núi, An Giang) đến lập nghiệp và xây dựng vào đầu thế kỷ 20.
Với tổng diện tích khoảng 2ha, nhà Lớn được làm bằng nhiều loại gỗ quý là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ khép kính và liên thông, gồm ba khu riệng biệt: Khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần (nằm về phía Nam kế khu nhà thờ, rộng 42, lát gạch, có tường hoa bao bọc. Phía đầu ngôi mộ có một miếu nhỏ thờ Ông Trần), và một quần thể bao gồm nhiều nhà với nhiều chức năng khác nhau như một khu quần thể các di tích nhà Long Sơn hội, trường học, chợ, nhà mát, nhà bảo tồn, các dãy phố và lăng mộ của ông Trần.
Đặc biệt nhất ở Nhà Lớn Long Sơn là khu nhà thờ. Khu đền thờ quay mặt về hướng đông, toạ lạc trên diện tích gần khoảng 10.000m², gồm cổng Tam quan, vườn hoa Bát quái, nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật với hệ thống nhà gỗ hai tầng, tám mái thờ rất nhiều đối tượng của Đạo giáo, Nho giáo, ông Trần và những người trong gia tộc họ Lê. Điều quý giá nằm trong các ngôi nhà này, các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Nổi trội nhất là các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú rất khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ. Nhìn từ trên xuống thì Lầu Trời, Lầu Tiên và Lầu Phật, hợp với nhà Hậu thành hình chữ “khẩu” (口). Trong khoảng sân lộ thiên (13m x 14m, dùng để thông gió và lấy ánh sáng) có hồ nước ngầm, một bể nước nổi trong có hòn non bộ.
Bài viết được cộng tác viên Hannah Trần đóng góp cho website. Trân trọng cảm ơn bạn.
