Châu Âu

Trên đỉnh núi tuyết Apls

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:50 pm
Đã đăng: 19/02/2014 7:00 am

Trên đỉnh Alps ở độ cao hơn 3.200m, những dãy núi trùng trùng điệp điệp nằm chồng lên nhau và phủ băng tuyết trắng xóa, thời gian và không gian như đọng lại. Người lữ khách tung một đồng Franc với niềm tin mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình trong những ngày mới…

Những hàng cây ven đường cứ vùn vụt lướt qua khi tàu điện đang lao nhanh từ Zurich về Lucerne (miền Trung Thụy Sỹ) – điểm trung chuyển trong hành trình leo đỉnh Alps bằng cáp treo.

Tôi luôn có cảm xúc trái ngược nhau khi ngắm nhìn cây cầu gỗ Chapel được xây dựng đầu tiên ở châu Âu vào năm 1333 bắt qua dòng sông Reuss. Khi ngắm nhìn từ hồ Lucerne lúc bình mình lên, những miếng ngói đỏ trên tháp canh lại sậm màu và đỉnh tháp như gối đầu vào núi Pilatus và núi Rigi được phủ tuyết trắng xóa trên đỉnh. Chapel như một cô gái còn ngái ngủ mơ màng trong nắng mai.

Cây cầu gỗ Chapel bắt ngang qua dòng sông Reuss. Tôi hay cố tình đi qua cây cầu gỗ ấy khi có thời gian.

Trong ánh nắng vàng tan của mỗi buổi chiều, nhìn cầu Chapel từ nhà thờ chính thống giáo của Nga, tháp canh như bừng tỉnh với những màu sắc đỏ tươi trên từng mái ngói, hòa quyện cùng với những chậu hoa màu cam treo dọc theo thân cầu tạo nên một màu sắc của sức sống mãnh liệt.

Mỗi khi có dịp, tôi lại “cố tình” đi qua chiếc cầu gỗ ấy. Những âm thanh cọt kẹt vang lên từ các ván bắc qua cầu mang lại một chút hoài niệm xa xôi về chiếc cầu gỗ được xây dựng vào thời Trung cổ, để rồi sau trận hỏa hoạn vào năm 1993 ở Lucerne, người dân Thụy Sỹ hối tiếc và xây dựng nó lại đúng với nguyên bản ban đầu.

Đi qua cây cầu, tôi còn ngắm nhìn những bức tranh tuyệt đẹp vẽ từ thế kỷ XVII được treo trên các thanh xà ngang của mái ngói lợp che nắng mưa trên đầu, để hiểu thêm cuộc sống của người bản địa trong quá khứ.

Qua cầu, tôi còn có dịp trò chuyện với những người bán dạo, giúp những du khách như tôi hiểu thêm về công nghệ làm những chiếc dao đa năng và kịp học một số câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Đức, ÝPháp.

Những bức tranh được treo trền cầu giúp tôi hiểu thêm cuộc sống của người Thụy Sỹ trong thời Trung cổ.

Thụy Sỹ đôi khi được gọi bằng cái tên trìu mến khác là “Quốc gia hồ”. Chưa kể các hồ nằm chung biên giới với một số quốc gia khác, có khoảng 56 hồ nằm trọn trong lãnh thổ của Thụy Sỹ. Nước chảy vào hồ thường do tuyết tan từ trên núi Alps nên rất trong xanh và những người giàu có thường xây cất nhà ven theo bờ hồ. Lucerne luôn yên ả vào mỗi buổi chiều, thời điểm người bản địa cứ thong dong đạp xe vịt hay lướt sóng trên hồ trong khung cảnh yên bình.

Thụy Sỹ được gọi là quốc gia của những cái hồ.

Biết tôi không đi đúng dịp những mùa lễ hội của Lucern như lễ hội đường phố (carnival) vào cuối mùa Đông hay những lễ hội âm nhạc lớn vào mùa Hè, những người bán dạo trên cầu Chapel dễ mến giới thiệu tôi đến tượng đài sư tử nằm cách trung tâm thành phố khoảng 1km để hiểu thêm qua một chút về lịch sử của thành phố.

Tượng đài sư tử trong vách núi được điêu khắc vô cùng tinh xảo và sống động bởi bàn tay tài hoa của nhà thiết kế Danish và nhà điêu khắc Bertel Thorvaldsen vào năm 1821, để tưởng niệm những người lính Thụy Sỹ đã ngã xuống trong cuộc cách mạng Pháp 1792. Con sư tử đã bị trúng tên nhưng vẫn giữ nét kiêu hảnh trên mặt và nằm dài bên những chiếc khiên mang hình quốc huy của Thụy Sỹ.

Con sư tử gục ngã nhưng vẫn giử nét kiêu hảnh bên những chiếc khiên in hình quốc huy Thụy Sỹ.

Những đồi cỏ xanh biên biếc nối tiếp nhau với điểm kết thúc là chân núi Alps đã đi vào ký ức của tôi khi tàu lăn bánh từ Lucerne đi Titlis. Những ngọn núi cao phủ đầy tuyết đã hiện ra trong tầm mắt. Bầu trời trong xanh một cách lạ lùng trong ánh nắng mai và những dòng suối trong veo róc rách quanh co chảy qua lòng thung lũng. Chúng hòa quyện và dệt một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên.

Thiên nhiên tuyệt đẹp dưới chân núi Apls.

Người ta gọi Thụy Sỹ“Đất nước của những thành phố hoa” cũng chẳng sai bởi từ nhà ra phố đều được phủ tràn ngập hoa. Những thảm hoa được kết thành những chiếc đồng hồ xinh đẹp nhằm tôn vinh thương hiệu “đặc sản” luôn được tìm thấy ở bất kỳ thành phố nào của Thụy Sỹ.

Tôi mua vé đi cáp treo để leo lên đỉnh Alps. Cô nhân viên bán vé nhắc nhở: “Bạn đã kiểm tra huyết áp kỹ chưa vì nếu bị huyết áp cao chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất khó thở trên đỉnh Alps”. Cô tiếp tục căn dặn: “Cáp treo sẽ có hai đoạn, đoạn đầu chỉ cao khoảng 1.700m và đoạn thứ hai cao 3.200m. Khi đến đoạn đầu, hãy cố gắng đi vòng quanh ngắm thiên nhiên và cũng là cách kiểm tra lại sức khỏe trước khi lên đoạn hai”.

Có rất nhiều những chiếc đồng hồ được kết bằng hoa như thế này ở Thụy Sỹ.

Hoa tràn ngập khắp nơi.

Tôi có cảm giác sợ sệt khi cáp treo bắt đầu lên cao với tốc độ khá nhanh và thẳng đứng. Những ngôi nhà dưới mặt đất bây giờ chỉ là những vệt đen hay chỉ là những chấm nhỏ. Ảo giác độ cao khiến tôi chỉ dám nhìn ngang mà không dám nhìn thẳng phía xuống dưới.

Từ đỉnh núi cao, thung lũng nằm phía dưới xanh rì bát ngát được bao bọc bởi những ngọn núi tuyệt đẹp. Chúng được chia ô như một bàn cờ rộng lớn và những ngôi nhà lẻ loi chính là quân cờ rải rác trên bàn cờ ấy. Kiểm tra lại sức khỏe, tôi thấy vẫn ổn và tiếp bước chặng hành trình cáp treo thứ hai.

Mua vé cáp treo để lên đỉnh núi Apls.

Dần dần hồ nước bên dưới trở thành giọt nước mỏng manh bám vào vách đá.

Tôi đã có cảm giác lùng bùng lỗ tai và một chút nhức đầu khi cáp treo đi được nửa chặng đường. Nhìn lại phía dưới, cái hồ bây giờ trở thành giọt nước nhỏ nhoi bám vào vách đá với màu xanh lơ. Không còn cái màu xanh của thung lũng mà chỉ còn cái màu trắng của tuyết xen lẫn với màu đen của núi đá bao quanh những lồng xe cáp.

Tôi lảo đảo khi bước ra từ xe cáp và cảm giác “muốn bay” nhào qua lại đã xuất hiện trong cơ thể tôi. Tôi đang ở độ cao 3.200m và cũng nhận biết rằng các triệu chứng trên là do cơ thể chưa đáp ứng khi áp suất thay đổi đột ngột và quá loãng.

Trên đỉnh Alps, những ngọn núi lớn nhỏ phủ tuyết và băng trắng xóa cứ nối tiếp nhau chạy không dứt. Tôi bỏ một vài đồng lẻ Franc vào ống kính thiên văn được đặt ven các hàng rào để ngắm nhìn sự hùng vĩ của những dãy núi trùng điệp, phủ tuyết trắng xóa. Một điều chắc chắn rằng, trên đỉnh núi Alps hình chụp những đỉnh núi không bao giờ đẹp bởi hơi lạnh của lớp băng tuyết phản chiếu với ánh mặt trời luôn tạo thành những làn hơi sương huyễn hoặc.

Trên đỉnh núi Apls phủ đầy băng tuyết.

Tôi đi một đoạn đường ngắn con đường được phủ đầy băng dành cho du khách như là sự trải nghiệm bởi đôi giày của tôi không thuộc loại chuyên biệt. Cái cảm giác bị trợt chân và trượt thêm một đoạn dài trên đường băng luôn mang đến sự thích thú và vui nhộn.

Trong tôi, ký ức của dãy Alps hùng dũng của châu Âu khi đến PhápĐức là những ngọn núi có màu đen lẫn ánh bạc vào mùa Hè và phủ đầy tuyết trắng vào mùa Đông. Trong lần ở Ý, những người bạn Ý khuyên tôi nên bay từ Rome đến Venice thay cho việc đi tàu lửa để ngắm nhìn Alps với những khối băng vĩnh cửu. Qua ô cửa sổ máy bay ngày ấy, đỉnh Alps vẫn trùng trùng tuyết trắng nhưng tôi không bao giờ với tay chạm được. Ngay tại Thụy Sỹ, tôi đã chạm vào giấc mơ có thật và cảm giác như vở òa trong niềm hạnh phúc dù những cơn gió lạnh lùng cứ quất rát mặt.

Mỗi khi chiều buông, mây lại vờn núi tạo thành cảnh sắc nữa thực nữa hư.

Tôi vẫn tung một đồng Franc Thụy Sỹ trên đỉnh núi tuyết này như bao du khách thường làm khi đến đây. Không có âm thanh nào dội lại giữa không gian bao la đó nhưng tôi vẫn tin rằng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với tôi trong những ngày mới…

Tôi nhấm nháp cốc cà phê ở trạm dừng chân đặt trên đỉnh núi và ngắm nhìn lại Apls qua các ô cửa kính. Hương vị của tách cà phê cùng với những viên chocolate buổi sáng hôm đó “thơm” và “ngọt ngào” hơn bao giờ hết trong cuộc đời tôi.

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo Xuân DNSG năm 2014)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả