Hoa Kỳ

Reno – Tiểu Thụy Sỹ của Nevada

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 03/08/2021 12:06 am
Đã đăng: 12/08/2018 7:00 am

Biết tôi đến Mỹ rong chơi theo những cánh hoa anh đào ở thủ đô Washington D.C, chú Thế sinh sống tại Reno rủ tôi ghé qua để ghi thêm kỷ niệm về một trong những “Thành phố nhỏ nhất nhưng có giá trị lớn nhất” của thế giới.

Nhắc đến tiểu bang Nevada của nước Mỹ tôi luôn nghĩ thầm đó là những thành phố nằm trong lòng sa mạc, chớp nhoáng “tội lỗi” trong ánh đèn đêm dành riêng cho những tay nghiện cờ bạc … Tôi thật sự bất ngờ về thành phố Reno nằm ở đầu Bắc tiểu bang Nevada mà tôi luôn gọi phố xinh là “Tiểu Thụy Sỹ” cho riêng mình.

© Nguyễn Chí Linh

Trên chuyến bay sớm từ cố đô Philadelphia sang Reno, ánh dương hé dạng qua ô cửa nhỏ làm những ngọn núi tuyết Reno như bừng tỉnh sau một đêm ngủ vùi trong cơn gió lạnh đầu xuân. Màu hồng nhạt đến cam phơn phớt tuyệt đẹp đang trở giấc trên đỉnh núi giúp tôi hiểu được “Nevada” theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Tuyết phủ”.

Reno chào đón tôi bằng những hàng cây anh đào nở rộ mùa làm hồng cả dòng sông nhỏ Truckee róc rách uốn cong mình qua phố. “Giữa thế kỷ 19, vùng đất Reno chứa trong lòng một mỏ bạc khá lớn và đã làm không biết bao nhiêu người ngã xuống vì ánh kim loại lấp lánh. Đến thế 21, Remo vẫn là thành phố nhỏ xinh có giá trị lớn của thế giới bởi không chỉ nhộn nhịp bước chân người đến đánh bạc mà du khách còn đến đây để trượt tuyết vào những ngày đông về hay có kỳ nghỉ dưỡng mỗi khi hè sang”, chú Thế giải thích cho tôi hiểu.

1. Một ngày trượt tuyết lý thú trong thung lũng Squaw

Hôm qua bầu trời âm u lất phất những cơn mưa xuân thì hôm nay ông Trời đã trả lại cho tôi bầu trời xanh cùng những cụm mây trắng bồng bềnh rong chơi trên đường đến thung lũng tuyết Squaw. Từng vinh dự là chủ nhà của thế vận hội Olympic mùa đông 1960, Squaw đang nổ lực để có thể nhận vinh dự lần thứ hai cho Olympic 2026 bằng những ngôi nhà vàng màu gỗ thông nằm thơ mộng bên lưng chừng đồi phủ màu tuyết trắng.

© Nguyễn Chí Linh

Khi nghĩ về Thụy Sỹ, tôi thường nhớ đến hình ảnh những rừng thông vẫn reo màu lá xanh vào những ngày mùa đông, những hồ nước nên thơ lăn tăn sóng xanh gọi gió hè, tuyết phủ trắng xóa trên các đỉnh núi Alps làm lạc dấu chân những người trượt tuyết và cả những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh ẩn thoát đâu đó trong cánh rừng già.

Tôi gọi Reno là “tiểu Thụy Sỹ” trong trái tim mình bởi hồ nước Tahoe, rừng thông bạt ngàn và những dãy núi tuyết hùng vĩ đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên xinh xắn. Chú Thế cho tôi biết “Hồ Tahoe nằm giữa ranh giới tiểu bang California và Nevada trong khi làng Olympic Squaw nằm trọn bên tiểu bang Cali, nhưng chỉ cách Reno 2 giờ lái xe. Đến Reno để giải trí cờ bạc nhưng du khách cũng có thể dừng chân nghỉ ngơi đôi ngày trong lòng tiểu Thụy Sỹ!”.

Hôm chúng tôi đến là ngày cuối tuần nên rất khó khăn mới tìm được chổ đậu xe. Chúng tôi băng ngang qua những dãy phố gỗ xinh xắn đan xen và cũng là nơi dành cho các đoàn vận động viên năm xưa đóng quân. Những ngọn lửa Olympic thắt chặt tình hữu nghị đoàn kết vẫn được thắp lên mỗi ngày trên quảng trường trung tâm để du khách mường tượng chốn xưa từng nhộn nhịp như thế nào.

Ngày nay, dãy phố ấy vẫn đông đúc đoàn người ghé qua để nhấm nháp chút cà phê thơm, liếm láp những que kem ngon hay trang bị những dụng cụ cần thiết cho những chặng trượt tuyết. Tuyết trắng chẳng để lại dấu vết gì ngoại trừ những đường băng dốc từ núi cao đổ xuống khi dấu chân một ai đó lướt qua và tôi té ạch đụi trong cảm giác thật sảng khoái khi tham gia trò chơi trượt tuyết.

2. Đi theo dấu vết hoang dã của thổ dân Paiute

Hôm qua dạo chơi vòng theo bờ hồ Tahoe, những hình ảnh tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia Harold A. Parker qua quyển sách “Lake of the Sky” vẫn còn gợi nhớ trong ký ức của tôi về hồ nước sâu thứ hai của xứ Cở Hoa. Hôm nay, đi trong những giọt nắng vàng ấm áp, ngắm nhìn những cổ xe ngựa lộc cộc trên một vài con đường đá cuội tôi lại nhớ rằng Reno nhỏ xinh từng một thương phố quan trọng của người Tây Ban Nha khi đến Nevada.

© Nguyễn Chí Linh

Trục giao thương nhộn nhịp được thông suốt nối liền những thỏi vàng óng ánh từ thành phố lân cận Virgnia, nén bạc nặng trĩu của Reno và lượng muối lớn của hồ Tahoe sẽ thông qua thương cảng San Francisco để những đoàn tàu xứ Catalan rong ruỗi quay về bán đảo cội nguồn Ibería.

Reno trả lại cho tôi hương vị của người Tây Ban Nha khi tôi thoát ra sự sầm uất của các casino để tiến sâu vào lòng hoang mạc. Mùa đông vừa đi qua để lại vết tuyết loang lổ trên các dãy núi trông chẳng khác chi những chú chó đốm dễ thương xôn xao chào xuân. Một vài chú ngựa ngẩn ngơ nhóp nhép gặm lấy những túm cỏ non rồi khi no nê cất vó phi qua những đồi xuân trải rộng phía chân trời.

Đi trong sự ngỡ ngàng của những hạt cát khô vừa tỉnh giấc, tôi vẫn nhớ những câu chuyện huyền bí ly kỳ của thổ dân da đỏ Bắc Mỹ định cư trong lòng sa mạc. Họ tin rằng, các vị hung thần là hiện thân của các loài thú dữ trong hoang mạc sẽ được thầy lang bắt nhốt vào trong các hòn đá và một khi những hòn đá ấy bị người đời dịch chuyển thì cũng sẽ là ngày tận thế.

Khi những cơn mưa đi qua, những hạt cát sẽ giữ lại giọt lệ trời quý hiếm và đem cất giữ chúng vào chiếc hồ Kim Tự Tháp (Prynamid lake) để những thổ dân da đỏ Paiute chọn nơi đây là vùng đất cội nguồn của mình. Anh Khưu Toàn, con chú Thế chỉ cho tôi những ngôi nhà nhỏ, thiết kế đơn sơ nằm rải rác theo đường đi và cho biết đó là tổ ấm hạnh phúc của tộc người Paiute.

Chúng tôi ghé qua bảo tàng thổ dân Paiute để lắng nghe những câu chuyện xưa qua lời kể của những viên tướng Tây Ban Nha khi họ đặt chân đến đây vào năm 1776. Người Paiute có hình dáng khá cao, làn da ngăm ngăm chẳng khác mấy người Tây Ban Nha và chỉ có đôi chút khác biệt là râu và lông cơ thể thưa hơn. Nam mưu sinh bằng cách đánh bắt và nữ dệt thổ cẩm.

Có lẽ, thích thú nhất của tôi trong nữa ngày đi theo dấu vết hoang dã của thổ dân Paiute là ngắm nhìn những người câu cá đến hồ Prynamid học cách câu cá của người Paiute xưa. Cứ bắc một chiếc bốn chân ngồi trong làn nước dập dềnh, thong dong quăng câu, nhấm nháp cà phê thơm, phì phèo làn khói trắng và ngắm nhìn dãy núi đá đối diện biến thiên sắc màu theo ánh mặt trời, có hình dáng không khác chi kim tự tháp ôm trọn lấy lòng hồ Prynamid.

© Nguyễn Chí Linh

Một vài anh câu cá cho biết các loại cá trong hồ Prynamid vừa béo vừa rất thơm thịt mà hương vị không sao giải thích được …

© Nội dung đã được tác giả Nguyễn Chí Linh đồng ý cho phép phát hành trên website.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả