Mỗi chuyến đi đều có một câu chuyện, mỗi câu chuyện là những trải nghiệm mà chỉ người trong cuộc mới cảm được. Chúng tôi bắt đầu ý tưởng chuyến hành trình đi du lịch bụi Malaysia bằng một đoạn video clip quảng cáo trên HBO, với giọng ca nữ ngọt ngào hát vang 2 chữ Truly Asia,… và thế là “xách balo lên và đi thôi”!

Đặt vé máy bay trước 2 tháng, book phòng trước 1 tháng, đoàn bay chỉ 6 người, tất cả đều lơ mơ chưa đứa nào biết được Malaysia ra sao, tưởng tượng vẽ hưu vẽ nai trong đầu nào là: “mua đồ Ả-rập pose hình trước tháp đôi”, “phá nát đồi trà của xứ bạn cho xứng thần dân nước Việt”, “sắm bộ khoác da như người sói Wolverine trong phim X-men”. Phấn khởi vô cùng.
Tiến về Kuala Lumpur, ngủ ngon trên đất Mã
Rời Sài Gòn vào lúc 8g35 sáng, nhưng trước khi chia tay Việt Nam, đoàn phải tốn thêm 30USD cho hành lý kí gửi, ngoài ra còn phải gửi ké hành lý với một khách đi cùng chuyến bay. Gạch đầu dòng cho cái ngu đầu tiên: “mua luôn kí gửi khi đặt vé máy bay”.


Đặt chân lên đất Mã vào khoảng 11g35 (giờ địa phương) sau một chuyến hạ cánh không êm ái lắm của AirAsia. LCCT hiện hình trước mắt chúng tôi như cái Bến xe Miền Đông ngột ngạt, ồn ào và oi bức. So với hải quan của Singapore, các bạn Mã xem bộ khá dễ chịu, các thành viên nữ vượt qua ải khá trơn tru nha. Từ LCCT về Kuala Lumpur phải mất thêm một chặng đường bằng xe bus khoảng 45 phút. Có nhiều cách để đến Kuala Lumpur:

- Airport Express: tàu hỏa tốc hành từ phi trường quốc tế KLIA về thẳng thành phố Kuala Lumpur chỉ mất từ 15-20 phút. Tuy nhiên từ LCCT phải đi taxi khoảng 5-10 phút để đến KLIA.
- Taxi: miễn bình luận, chỗ nào cũng có.
- Xe buýt: phổ biến tại LCCT chắc chắn là bus, lúc nào cũng có chuyến về thành phố, xe luôn đúng giờ.
Chúng ta đi bụi việc gì phải đi Express khi chi phí cho vé đi một chiều đến 35RM, taxi thì đi đâu cũng đắt như nhau, và thế là cứ xe bus thẳng tiến thôi, mà chọn luôn hãng bus giá vé cạnh tranh nhất ấy: AeroBus – 14RM mỗi người/2 chiều. Sau gần 1 giờ vật lộn với chiếc xe do thiếu ngủ, bụng réo vang thành dàn nhạc giao hưởng, chúng tôi cũng lết được đến được KL Sentral, từ đây đi về khách sạn chỉ mất chừng 5 phút đi bằng LRT. Tổng cộng hành trình đi từ Sài Gòn đến khách sạn tại KL mất 4 tiếng đồng hồ.

- LRT là tàu điện trên không của Mã, nội thất và bề ngoài tàu khá cũ kĩ nhưng vận hành tốt chí ít giải quyết nhu cầu đi lại khá lớn cho người Mã và khách du lịch.
- Tại các ga LRT, phần lớn mọi người đều xếp hàng mua thẻ tại các máy tự động với 2 ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Mã. Đến các ga đông khách, xếp hàng mua thẻ là một vấn đề to đấy.
- Các thẻ đi lại thường có dạng xu tròn màu xanh dương.

Ra khỏi ga LRT Masjid Jamek, tôi và đồng bọn rối hết đội hình khi lần đầu tiên gặp đường xá náo loạn và đông đúc của KL, mất hết phương hướng ngay cả khi cầm bản đồ trên tay. Muốn băng qua đường à? Về khoản này người Việt mình còn thua người Mã, báo chí cứ đăng tin qua đường ở Việt Nam rất khủng khiếp thì sang đến KL chắc phải xem lại. Không có khái niệm xe ô tô dừng hay nhường đường cho khách bộ hành đâu nha! Ngoài ra, trên các dãy hành lang bên dưới các tòa nhà đầy người vô gia cư, có bác ăn xong còn ngủ trên đống cơm luôn. Bó tay luôn rồi.



Sau 15 phút nghiên cứu để giải “ngu”, chúng tôi túm luôn một anh trí thức mập mạp người Hoa để cầu cứu. Sự nhiệt tình cộng với con Galaxy Note 2 có Google Maps thì việc tìm khách sạn đối với anh ta chỉ là muỗi, chỉ có vấn đề nhỏ là chúng tôi đọc rõ ràng là Backhome KL mà anh ta cứ gõ vào chữ Bechom mãi. Cám ơn anh mập dễ mến!

Backhome KL
Khách sạn này là một khách sạn mới, chúng tôi book trên Hostel Bookers, chưa có phản hồi nhiều trên các website đặt phòng online. Tuy nhiên, các hình ảnh và thông tin trên website (www.backhome.com.my) của khách sạn quá quyến rũ nên chúng tôi book luôn làm chuột bạch thí nghiệm. Lưu ý: đây là một khách sạn dành cho backpackers (khách balo).


Một số hình ảnh trên website của Backhome KL, WindPro đã chứng thực, thực tế còn đẹp hơn trong hình.





- Vị trí khách sạn theo nhận định của cá nhân tôi khá tốt, dễ đi lại với các điểm tham quan ở KL, gần ga LRT Masjid Jamek (cách 2 khu phố).
- Các nhân viên lễ tân rất dễ thương chu đáo và nhiệt tình, họ sẽ giúp đỡ chúng ta rất nhiều.
- Nội thất và cách bố trí khách sạn rất gần gũi tạo cảm giác như cái tên của nó: “trở về nhà”, hài hòa phong cách hiện đại xen lẫn cái chất bụi của khách balo.
- Cửa phòng được vẽ bằng phấn rất dễ thương, khách trọ có thể vẽ tên mình lên cửa phòng.
- Giữa khách sạn là một giếng trời, một chút không gian xanh và vài cái bàn cho khách trọ ra đây trò chuyện và giao lưu.
- Mỗi khách sẽ có một ngăn để đồ chứa được 1 balo đi 10 ngày và 3 đôi giày. Mỗi giường ngủ là một không gian riêng cho mỗi người, có bàn đọc sách, ngăn tủ nhỏ để đồ quan trọng, giường ngủ chắc chắn, gối êm nệm ấm.
- Khu vực nhà tắm và WC sử dụng chung sạch sẽ và hợp lý phục vụ tốt cho nhu cầu của mọi người.
- Wifi hơi bị yếu ở các phòng trong góc, nhiều khi không truy cập được, tuy nhiên tối bạn có thể ra ngoài giếng trời vừa truy cập internet vừa giao lưu với các khách cùng khách sạn.
- Buổi sáng sẽ có điểm tâm đến 10g00, tự phục vụ, thường là bánh mì sandwich và bơ đậu phộng.





PR miễn phí cho khách sạn vì điểm cộng cho chất lượng, gần gũi và đầy đủ tiện nghi như ở nhà.
ChinaTown, chợ An Đông của Mã
Địa điểm tham quan gần nhất chỗ chúng tôi nghỉ chân là ChinaTown, vì vậy đây cũng là điểm đến đầu tiên chúng tôi “khai sáng” trong hành trình.

Lái xe ở KL rất kinh khủng, vài thành viên xém bị tin mấy lần, có lần tức giận tôi đập lên mui xe mấy tên đen thui kia mà mặt nó cứ trơ trơ. Băng qua đường ở KL quả thật như một trò chơi tử thần.
Đường phố ở KL chỉ có thể tóm vào ba chữ: giống Việt Nam, vì nhìn chung cũng có chỗ sạch chỗ dơ nhưng có phần gọn gàng hơn ở ta.
- Rác không nhiều, nhưng ăn xin thì nhiều và ở dơ “bó tay con số hai”. Thậm chí trên đường đi chúng tôi còn bắt gặp 1 bãi ‘shit’ người được tạo hình ngay ngắn trong một hộp nhựa nữa.
- Các cầu thang hoặc chân trụ đỡ đường ray LRT mùi amoniac bốc lên nồng nặc không chịu nổi, tuy chỉ ở một số ga vắng người mới có nhưng vẫn hơn Việt Nam vì ở mình chưa có tàu điện trên không thôi.



Khu vực Jalan Petaling được mệnh danh là ChinaTown của KL nhưng thật sự mà nói chẳng có gì để mua, chẳng có gì để xem, hàng hóa cũng bình thường như hàng ở chợ An Đông, chưa nói có vài thông tin như lừa đảo như: “nếu bạn nào lỡ cầm một món hàng, mà thấy nó hỏng, bạn trả lại rồi không mua tên chủ có thể bị bắt đền hoặc là mua nó với giá trên trời hoặc là tên chủ gọi cảnh sát, mà có cảnh sát cũng chẳng giúp được gì”. Đó là chúng tôi nghĩ vậy, đây là vẫn là một điểm để ngắm không nên mua.


Xung quanh ChinaTown thì có nhiều thứ hay ho, ví dụ như: mua gấu bông và vỏ ĐTDĐ chỉ có vài RM tại một shop bán quà tặng sau lưng ChinaTown; ghé thăm cửa hàng 7Eleven đầu phố để mua nước giải khát, kem và thức ăn với giá rất rẻ; hoặc ghé các ngôi đền hồi giáo, viện bảo tàng gần đó và một nhà sách khá lớn gần phố Jalan Petaling rất nhiều thứ đáng mua…


Tháp đôi Petronas
3 tiếng đồng hồ lang thang trên đất Mã, chúng tôi vẫn chưa tìm được chữ “wow” cho một cái gì đó, vì vậy chúng tôi đến thẳng tháp đôi Petronas biểu tượng của Malaysia để tìm một sự hoành tráng.
“Ai đến Mã Lai mà chẳng cố chụp cho bằng được mình đứng dưới tháp đôi, hay như đến Sing phải có mặt mình tại tượng sư tử… Nhưng chúng tôi bị sự cố mất một lượng lớn hình ảnh nên chuyến đi này nhiều thứ chỉ có thể kể cho các bạn bằng lời nói.”
Giao thông ở Mã thuận tiện, nhưng chỉ dẫn thì không rõ ràng. Ban đầu, chúng tôi muốn đến Bukit Bintang chơi nên vẽ đường đi LRT đến ga Dang Wangi để chuyển sang monorail. Đến ga thì rối tinh rối mù không biết chỗ nào để lên monorail đành ra ngoài đường lộ đi bộ đến tháp đôi Petronas.








Bên trong tháp đôi có gì? Cũng chỉ là một cái mall lớn với nhiều nhãn hiệu thời trang đắt tiền, các cửa hàng thức ăn nhanh, trạm LRT KLCC, bên dưới là sảnh lớn với nhiều gian hàng mini như khu chợ trời ở Bugis Junction (Singapore).
- Rất ít quầy đổi ngoại tệ, một số ngân hàng có hỗ trợ đổi ngoại tệ cho khách du lịch, nhưng tiền Việt (VND) không nhận, trong suốt mấy ngày ở Mã, chúng tôi không tìm được chỗ nào chịu đổi tiền Việt.
- Đổi tiền Việt sang Đola Mỹ hoặc Ringit tại Việt Nam để được tỉ giá tốt. Lưu ý: các ngân hàng ở Việt Nam cũng không bán USD, trừ phi phải khai báo đi đâu. Tỉ giá chợ đen thời điểm chúng tôi đổi: 6.900 VND – 1 RM, 21.800 VND – 1 USD.
- Thẻ tín dụng sử dụng ở nước ngoài ngoài chênh lệch tỉ giá, bạn còn phải chịu thêm 2-4% chi phí dịch vụ tùy theo ngân hàng. Ví dụ: ANZ – 3,5% số tiền thanh toán tại nước ngoài.

Thời điểm chúng tôi dạo chơi ở tháp đôi đã là 7g00 tối (giờ địa phương), Mã Lai và Sing thường bắt đầu làm việc từ 10g00 sáng và kết thúc lúc 10g00 tối nhưng các ngân hàng một số đã đóng cửa. Vất vả lắm chúng tôi mới tìm được một ngân hàng có nhận đổi tiền nhưng tỉ giá cũng tạm chấp nhận được.
Dùng bữa tối tại KFC với phong cách của Mã (tay không bốc là chủ yếu), mùi vị gà ở đâu cũng không mấy khác biệt, nói chung là dễ nuốt dễ ăn và mau, chỉ có một phàn nàn nhỏ là nước ngọt có vị clo như nước trong hồ bơi. Chia tay Petronas, trở về khách sạn nghỉ ngơi truy cập internet chém gió, Cao nguyên Cameron đang đợi chúng tôi.
Cao nguyên Cameron
Lịch trình sắp xếp rộng rãi đến trưa sẽ lên Cao nguyên Cameron, chạy đua với thời gian chúng tôi cũng đi chơi được vài chỗ xung quanh khách sạn.













Rời Backhome KL chúng tôi đi LRT đến bến xe Puduraya (LRT Plaza Rakyat) mua vé bus đường dài lên cao nguyên. Rời trạm tàu là dãy hành lang bằng thép dành cho khách bộ hành đi đến bến xe, bên trong là người đi bộ và vài người ăn xin, bên ngoài như một cái đầm đầy rác, và xác động vật chết đang thối rửa… trông giống quê hương ta quá.

Vừa đến bến xe, chúng tôi bị một anh bạn người Mã to con vạm vỡ chặng lại, cầm bộ đàm và nói lia chia, mà tôi hiểu gì chết liền. Trong đầu thầm nghĩ, “Bà mẹ, không lẽ bị sơ-cu-ri-ty sờ gáy do tội mang balo giống lính Mỹ?”…
– “Mày đi đâu?” hắn hỏi.
– “Cameron Highlands”, tôi trả lời
– “Hãng xe nào?”, hắn hỏi tiếp
– “Unititi Express”, tôi nói
– “Unititi Express?”
– “Ok, mày đi theo tao”, hắn chốt câu xanh rờn
Nói thật chứ màn hỏi thăm nhẹ nhàng kia mà tôi cứ tưởng tượng như đang bị CSGT thổi khi đang vi vu trên các cung đường ở Việt Nam. Sau nhiều câu hỏi vớ vẩn và lo sợ bị anh kia bắt hết bọn này đi bán làm osin thì tôi mới vỡ lẽ. “Cò xe bus”…
Bến xe Puduraya không rõ là một cái chợ hay bến xe, bên trong bến xe đầy những kios hàng hóa đủ loại và được trang trí như một cái Plaza. Tầng 4 là tầng bán vé xe bus, không chỉ mình Unititi Express mà còn rất nhiều hãng, nếu không tham khảo trước trên internet chắc chúng tôi chỉ biết nhắm mắt làm chuột bạch. Nói về phần anh “cò” của chúng tôi, anh ta dẫn chúng tôi tìm đúng nơi đúng chỗ, 6 người chúng tôi là 210 RM và anh ta được hưởng 10 RM. Các cò này dẫn khách đi tất cả các kios của hãng xe nào khách yêu cầu, làm ăn vậy sướng nhỉ, mỗi ngày kiếm vài trăm RM.
Xe bus ở Mã to và ngồi rất thoải mái, mỗi dãy chỉ được 3 ghế ngồi. Đường đi lên Cameron mất gần 5 giờ nhưng cảm giác không mệt mỏi và ê ẩm cho lắm, đoạn đường lên cao nguyên tuyệt đẹp, cong cong vẹo vẹo, một bên là núi một bên là vực, mà tốc độ xe luôn trên 70km/giờ, nên các anh khoai tây (Tây ba lô) cũng xanh mặt huống chi.

Đến Tanah Rata đã 6 giờ tối, đi bộ một khoảng là đến Kang Travellers Hotel (book phòng trước trên Agoda). Khách sạn này chúng tôi không giới thiệu nhiều, nội thất và dịch vụ tạm chấp nhận để mình nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi, tắm rửa thì cũng 7 giờ tối, nhưng ngoài trời sáng và nắng như 3 giờ chiều của Việt Nam. Theo lời chỉ dẫn của ông bác lễ tân người Hoa, chúng tôi đến một nhà hàng nhỏ nằm trong hẻm với vài bất ngờ nhỏ…

- Thức ăn rất ngon, không chê vào đâu được.
- Các nhân viên tại đây cứ nghĩ chúng tôi là người Thái, một anh nghĩ băng này là bọn Tàu Khựa, sao không ai nghĩ tụi này là người Việt nhỉ?.
- Sau khi biết chúng tôi là người Việt, có một có gái nhỏ nhắn tên Na ra giao lưu. Cô bé mừng lắm và giới thiệu vài người Việt cùng làm trong nhà hàng. Gặp người Việt nơi xứ người rõ thật vui, gọi thức ăn bằng tiếng Anh thì khó chứ nói bằng tiếng Việt thì vô tư.
- Phần lớn các nhân viên trong nhà hàng là lao động các nước khác.



Sau một bữa ăn hoành tráng là thời gian quậy phá và lang thang Tanah Rata.






Ngày đầu tiên ở Cameron, chúng tôi kết thúc với cái bụng no nê và một ly café ngon lành tại một quán café nhỏ trên dãy phố. Hai ghi chú cuối cùng trong ngày:
- Khí hậu se se mát lạnh, không khí trong lành, nghỉ dưỡng xả stress ở đây rất tuyệt.
- Mua sắm tại Tanah Rata rất nhiều thứ cám dỗ, đẹp đến nao lòng, giá cả cũng khá đẹp đủ sức dụ dỗ bạn nhẵn túi như chơi






Hả ??? bài gì có duy nhất 1 hình thế, chưa hết à?