Hoa Kỳ

Đơn giản là New York!

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:54 pm
Đã đăng: 09/08/2013 8:45 am

Một cây lê nhỏ sống sót sau thảm họa 11/9 được người dân New York nâng niu và đặt tên là “người sống sót”. Cây lê đã tỏa bóng mát sau 12 năm và từ đống đổ nát và tro tàn, thành phố New York đang hồi sinh một cách kỳ diệu.

Bob, anh bạn người Mỹ đang sống tại quận Manhattan, rủ rê tôi quay lại New York để kể cho tôi nghe câu chuyện về sự hồi sinh của Manhattan sau thảm họa 11/9. Theo anh ấy đó là một điều kỳ diệu!

Ở thành phố New York, dường như người ta chỉ sống cho những con số. Theo ngành nghề truyền thống khi phố Wall được hình thành, họ chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực tài chính. Hình ảnh thường gặp là những tay broker với tờ báo tài chính và ly cà phê trên tay, vừa đi, vừa đọc, vừa uống… Trước ngày 11/9/2001, dân số của quận Manhattan xấp xỉ khoảng 27.500 người. Hầu hết trong số đó được sinh ra và lớn lên nơi đây. Họ có nguồn gốc từ những người châu Âu nhập cư trước thế kỷ XVII.

Sau ngày 11/9, nhiều chuyên gia nghĩ một cách tiêu cực rằng dân số ở trung tâm kinh tế thế giới sẽ giảm đi rất nhiều bởi những câu chuyện thêu dệt về một thành phố đầy “những bóng ma” và người dân sống trong nổi ám ảnh cùng với nơm nớp sự lo sợ “chết chóc” sẽ ập đến một lần nữa. Nỗi sợ không mơ hồ khi an ninh của cả nước MỹNew York vẫn được thắt chặt cho đến tận bây giờ, sau hơn 12 năm những kẻ khủng bố làm hơn 3.000 người thiệt mạng.

Thị trường chứng khoán New York với tượng Tổng thống Washington ngó về theo dõi nó hàng ngày

Nhưng mọi sự tiên đoán của các chuyên gia đều sai. Có khoảng 56.000 người sinh sống tại đây vào năm 2012, gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Con số này tăng lên 60.000 người vào năm 2013 theo ước tính của nhiều chuyên gia. Bob cho biết: “Sự tăng trưởng quá nhanh về dân số khiến Thị trưởng Michael Bloomberg phải thốt lên với giới báo chí: Dân số của quận tăng trưởng nhanh nhất kể từ 1920, cao hơn rất nhiều thành phố kinh tế giàu tính lịch sử và kinh tế khác của nước Mỹ như Atlanta, Dallas và Philadelphia. Đây là một sự hồi sinh diệu kỳ!”.

Lý giải cho sự gia tăng quá nhanh về dân số sau 10 năm, Bob giải thích thêm: “Ý chí của người Mỹ rất kiên cường, họ không đầu hàng số phận. Họ muốn bám trụ lại để xây dựng và giúp thành phố hồi sinh sau những mất mát đau thương mà nơi đây đã gánh chịu. Họ không muốn vùng đất giàu tính lịch sử nhất của thành phố New York bị mất đi và ít nhất trước mắt là tụt hậu so với các trung tâm kinh tế khác của thế giới. Ông Bloomber cũng gửi lời cảm ơn đến những cư dân đáng yêu đã bám trụ lại và xây dựng để thành phố hồi sinh sau thảm họa 11/9”.

Manhattan luôn là vùng đất “điên rồ” theo cách gọi của nhiều người. Chỉ có ở trung tâm này, người ta mới sử dụng cái ý tưởng kinh doanh được các nơi khác cho rằng không tính “khả thi” hay “dở dở ương ương”. Những nhà kinh doanh coi như đó là một sự sáng tạo và họ biết chấp thua lỗ để tìm hướng đi mới hoặc thành công. Vì thế, một lý do khác có thể giải thích lượng người đến đây sinh sống nhiều hơn sau thảm họa 11/9 bởi cái sự “điên rồ” của thành phố. Những công ty nhỏ và vừa bán lỗ để tháo chạy ra khỏi vùng đất “chết chóc”. Chỉ 3 tháng sau ngày thảm họa, có 18.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phá sản, 430.000 người bị mất việc và GDP của New York mất đi 27,2 tỷ USD.

Nhưng nhiều nhà kinh doanh khác lại đến đây nắm bắt cơ hội đó để mua lại công ty và nhiều người chuyển đến sinh sống tại đây để rình rập và chờ đợi những cơ hội khác. Sự gia tăng về dân số bất ngờ khiến nhà nước phải chi khá nhiều ngân sách cho các dự án: nhà ở, dịch vụ công cộng và giải trí. Chỉ tính sơ bộ, để đầu tư cho dịch vụ nước sạch, nhà nước đã chi khoảng 5 tỷ USD trong đó 2,5 tỷ USD dành riêng cho Manhatta. Dự tính từ đây đến cuối năm 2013, New York cần mở rộng thêm 600 trường học, trong đó Manhatta chiếm 250 trường học.

Stone street – con đường cổ nhất ở Manhattan

Với ý nghĩ mọi thứ đều có thể biến thành ý tưởng kinh doanh nên những con người ở Manhattan gần như “thờ ơ” và “lãnh đạm” với cuộc sống. Điều duy nhất họ chỉ quan tâm: nhà nước sử dụng ngân sách quốc gia để thực hiện phúc lợi như thế nào cho người dân. Đôi khi tôi khá bực mình anh bạn Bob bởi các vấn đề khác của xã hội trong nước Mỹ bởi anh không hề quan tâm. Nhưng anh chỉ xuề xòa và cười: “Đơn giản, tôi là người Mỹ!”.

Lang thang qua phố Wall trong cái lạnh 12 độ C, Bob tiếp tục kể: “Những câu chuyện thêu dệt về những “bóng ma” xuất hiện trên đường phố sau 3 năm thảm họa khiến cuộc sống nơi đây vật vờ trong nỗi ám ảnh. Sống trong nổi ám ảnh và suy sụp, người dân bắt đầu quay lưng chỉ trích chính phủ”. Người ta gào thét trong nỗi tuyệt vọng và cho rằng nguyên nhân làm kiệt quệ cuộc sống của họ bởi những cuộc chiến vô bổ của chính phủ với những người Hồi giáo cực đoan. Sự chán chường thể hiện trên từng khuôn mặt của người New York qua từng ngày. Người ta chỉ mong mỏi duy nhất: chính phủ sẽ rót ngân sách như thế nào để khắc phục hậu quả và cứu vớt nền kinh tế đang trong tình trạng thê thảm.

Nhưng rồi New York vẫn hồi sinh một cách mạnh mẽ như những con số thống kê ở trên. Bob kể một câu chuyện để nói về một trong những nguyên nhân giúp thành phố hồi sinh: “Bức hình chụp sự kiện ngày 11/9 của phóng viên Thomas Hoepker của hãng Magnum được tung ra vào năm 2006 thật sự làm rúng động nước Mỹ và là hồi chuông cảnh báo về sự thờ ơ của người Mỹ, nhất là tầng lớp trẻ. Cốt lõi vấn đề đã được người New York nhận ra sau bức hình đó: Hãy tự cứu mình trước khi chờ người khác cứu mình!”. Năm 2007, slogan “Tôi yêu New York” trong chiến dịch “hồi sinh thành phố” được thành phố New York đưa ra và được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn bộ công dân thành phố. Trên từng quầy hàng lưu niệm, hai chữ NY truyền thống biến mất, thay vào đó là là dòng chữ “Tôi yêu New York” cùng với hình ảnh trái tim màu đỏ đầy nhiệt huyết. Họ muốn du khách đến đây truyền lửa để họ vượt qua khó khăn.

“Tất cả vì thành phố thân yêu” là câu nói động viên nhau vượt khó của người Manhattan. Những công dân sống lân cận New York như New Jersey, Pennsylvania… dọn về đây sinh sống để tiếp sức người Manhattan vượt khó. Chỉ trong vòng 2 năm (2009 – 2011), dòng người đến sinh sống và làm việc tại Manhattan là 15.500 người, gấp ba lần so với hai năm trước ngày 11/9/2001 (4.700 người).

Nụ cười đã trở lại với người New York

Có quá nhiều sự thay đổi khi cứ khoảng 3 hay 4 năm tôi quay lại New York. Tọa độ Zero vào năm 2004 vẫn còn ngỗn ngang những chiếc xe trên công trình để hốt đống “tàn tro”. Ngày đó, người Manhattan cũng đầy ý nghĩa khi chọn con đường Stone và Pier 25 để chứa những đống gạch vụn đổ nát từ hai tòa tháp đôi: nó là những con đường được lót đá đầu tiên để rồi từ vùng đất này trở thành trung tâm kinh tế của toàn cầu. Người bản địa muốn nó phải chia sẻ nỗi đau thương mất mát mà người dân thành phố phải gánh chịu với thảm họa như nó từng được chia sẻ niềm “hạnh phúc” đã có trước đó.

Năm 2011, từ vị trí tòa tháp đôi gục ngã, hai đài nước được đặt vào để tưởng niệm 2.996 người ngã xuống trong ngày đen đủi. Một cây lê nhỏ sống sót sau ngày 11/9 được nâng niu như là một báu vật và người ta đặt tên cho nó là “người sống sót”. Với những người New York, cây lê này là nhân chứng cho “điều thần kỳ” và là “thần giữ cửa” cho Đài tưởng niệm quốc gia.

Nụ cười đã nở trên môi của người New York và vết thương trong tim đang dần khép miệng. Cứ sau giờ tan sở, người ta thường thả bộ đến con đường Stone, ăn uống rồi trò chuyện rôm rả hoặc thả bộ lên đại lộ số 5 để ngắm nhìn những bộ cánh mới nhất mà hãng thời trang mới tung ra. Trước ngày 11/9/2001, ở Manhattan có khoảng 2 triệu người làm việc và giúp GDP của New York đạt 769.291 tỷ USD. Đến năm 2012, có khoảng 3.5 triệu người làm việc tại Manhattan và giúp GDP của New York đạt khoảng 1.239.000 tỷ USD.

Nhìn những dòng người nườm nượp từ đường Chamber đổ dồn về trung tâm kinh tế của thế giới, không ai bảo ai, chúng tôi đều reo lên phấn kích: “Thành phố đã thật sự hồi sinh!”.

(Tham khảo: bài viết đã được đăng trên báo DNSG ngày 02/07/2013)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả