Trung Đông

Muscat: Chăm chút giữ gìn bản sắc

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:53 pm
Đã đăng: 10/08/2013 4:39 pm

Ấn tượng đầu tiên về thủ đô Muscat (Oman) là cái nóng. Theo tài liệu của Wikipedia, nhiệt độ lúc cao nhất là 40 độ nhưng anh Nuwan – người lái taxi khăng khăng nói là 54oC nhưng mùa này lạnh lắm, ban đêm chỉ còn 30oC. Vừa nói anh vừa ra bộ co tay chân trong chiếc áo dishdasha trên người làm tôi phì cười về cái “lạnh” đổ mồ hôi hột này.

Bất cứ nơi đâu ở Muscat cũng thấy pháo đài.

Trên mạng Internet có nhiều ý kiến cảnh báo phải cảnh giác, trả giá taxi ở Muscat nhưng cách ứng xử của Nuwan rất nồng ấm, đậm tình người. Nghĩ tôi là sinh viên, anh không nhận tiền tip và còn tìm chọn cho tôi khách sạn giá rẻ nhưng chỉn chu ở Muttrah (khu phố cổ nhất của Muscat). Anh hướng dẫn tôi cách đi, chỗ ăn… tiết kiệm bởi mọi thứ ở vương quốc giàu có này đều rất đắt đỏ và giao thông công cộng không phát triển.

Sa mạc phủ hoa

Rảo bước trên đường ở Muttrah, tôi không nghĩ mình đang đi giữa thành phố trong sa mạc. Con đường phủ ngợp bóng cây. Những thảm hoa mai địa thảo nhiều màu phủ trên các lối đi. Nước ngọt từ đâu để tưới cho hệ thống cây xanh? Nuwan giải thích nước ngọt cho cây và nước sinh hoạt toàn quốc gia được lọc từ nước biển. Giàu có và tiên tiến về công nghệ, dịch vụ Muttrah rất ý thức giữ gìn để không bị đô thị hóa như các thành phố vùng vịnh như Dubai, Doha (Qatar) và Kuwait. Nhà ở Muttrah màu trắng, kiến trúc đậm chất Ba Tư qua từng ô cửa sổ, cầu thang, lối vào, mái che… và khống chế chiều cao dưới 10 tầng. Ngay những khu mới mở rộng như khu Ruwi (trung tâm thương mại và hành chính) hay trung tâm Muscat (khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp, cung điện nhà vua…) đều không quá 10 tầng. Nổi bật trong đó là những thánh đường Hồi giáo với mái vòm khảm đá xanh dương khiến cho Muscat càng thêm huyền bí và liêu trai khi hoàng hôn đến.

Những con đường phủ đầy hoa

Corniche – con đường đồng hương

Trên chuyến bay từ Karachi (Pakistan) đến Muscat (Oman), tôi đã lờ mờ thấy thân phận của người làm thuê ở đây. Tưởng rằng tôi đến Muscat để làm thuê, anh Hani người ngồi kế bên tôi tỏ vẻ không thân thiện lắm. Nhưng khi biết tôi là du khách thì anh đổi thái độ vui vẻ, hướng dẫn và giúp đỡ tôi. Nhìn nhóm phụ nữ Pakistan bước lên máy bay, anh nói với vẻ không vui: “Đó là những người đi lao động, rồi kết hôn và trở thành người Oman…”.

Cornichine – con đường hội đồng hương

Trên đường Corniche (con đường nằm dọc theo biển và chạy ngang qua Muttrah nối liền khu Ruwi với khu trung tâm Muscat) tôi có thêm cảm nhận mới. Ngày thường, Corniche vắng vẻ, thưa thớt nhưng vào cuối tuần (thứ Năm và thứ Sáu), đặc biệt vào đêm cuối tuần nó rất nhộn nhịp, bởi là nơi tụ tập của người lao động từ các nước Pakistan, Ấn ĐộBangladesh.

Giới trẻ í ới chào nhau, chụp ảnh lưu niệm, ngồi trên lan can, hay xúm xít theo kiểu người trên, kẻ dưới chia sẻ nhau bánh ngọt hay Coca… vừa chuyện trò vừa ăn uống. Những người trung niên quây quần bên những chiếc ghế gỗ dọc theo con đường trò chuyện đằm thắm.

Anh Husna và những người bạn

Tôi nhờ anh Husna (người Pakistan đã đến Muscat được hai năm) chụp một tấm ảnh. Anh hỏi tôi có ưng ý không, nếu không anh chụp lại. Thấy anh dễ mến, chúng tôi ngồi trò chuyện. Anh Husna tâm sự: “Người Oman giàu không làm việc chân tay nặng nhọc, phải nhập lao động. Mức lương lao động thuê chênh lệch theo từng loại công việc (lao công, vệ sinh từ 800 USD/tháng, đánh bắt xa bờ, xây dựng 1.500 USD) nhưng cao gấp 6-7 lần lương ở quê nhà. Riêng đối với phụ nữ, công việc duy nhất là làm ôsin, bởi luật Hồi giáo không cho phép họ giao dịch bên ngoài”.

Xót xa khi bản sắc phai nhạt

Tôi lấy cây bánh trong ba lô mời anh để chia sẻ cũng để xua đi không khí “buồn”. Vừa ăn bánh anh vừa tâm sự: “Ngay sau khi nhập cảnh, chúng tôi bị công ty xuất khẩu lao động giữ hộ chiếu. Sau một tháng làm việc, nếu thấy sức khỏe đáp ứng công việc, họ đưa chúng tôi đăng ký tạm trú, cấp giấy phép đặc biệt để đi lại ở Muscat… Chúng tôi chỉ được phát tiền vừa đủ tiêu, số còn lại chỉ thanh toán sau khi kết thúc hợp đồng. Nếu ông chủ tốt bụng sẽ thưởng thêm vào những ngày lễ lớn hay cho thêm đồ ăn hằng ngày. May mắn hơn được chủ bảo lãnh ở lại làm việc thêm năm năm. Một số phụ nữ được đàn ông Oman cưới làm vợ và nhập tịch Oman. Muốn trở thành công dân Oman cực kỳ khó… Hai năm làm việc, chúng tôi được phép về thăm gia đình một lần. Tuy nhiên, không ai dám về thăm quê do tốn kém. Mong rằng sau khi kết thúc hợp đồng, với số tiền kiếm được, tôi giúp nhiều cho gia đình.

Cuối tuần, chúng tôi hẹn nhau tại con đường này. Chỉ cần nghe tiếng nói quê hương (ngôn ngữ Urdu), chúng tôi cảm thấy ấm áp…”.

Những ngôi nhà ở Muscat trắng toát và đậm chất Ba Tư trong kiến trúc

Cũng trên cung đường đó, tôi trò chuyện với những bô lão Oman đang hóng mát. Nhìn những người Pakistan, Ấn Độ đang trò chuyện gần đó, các bô lão không hài lòng. Tôi hỏi các bô lão như là một sự chia sẻ: “Nước ông quá giàu có, chính sách phúc lợi quá tốt, không ai chịu làm việc chân tay. Nếu không có họ, ai sẽ làm vệ sinh đường phố, ai làm vệ sinh nhà cửa, ai sẽ đánh bắt cá…”. Các bô lão im lặng chừng như đồng ý.

Một vị giải thích họ không xem thường, kỳ thị người lao động nhưng muốn giữ truyền thống văn hóa Ả Rập: “Trước đây Muscat nề nếp lắm, mọi người ra đường đều mặc áo và đội mũ truyền thống. Họ (ám chỉ nhóm thanh niên Ấn Độ và Bangladesh) đến đây, mặc quần Jean, áo thun làm mất truyền thống mà chúng tôi cố gắng giữ gìn. Họ ồn ào trong khi người Oman lại thích sự trầm lắng. Mọi thứ dường như đảo lộn khi họ đến đây…”. Tới đây tôi mới hiểu ý thức bảo tồn văn hóa của người Oman sâu sắc đến mức không chỉ từ kiến trúc, lối sống của bản thân mà còn ở bộ mặt sinh hoạt của cộng đồng.

Thành phố của những pháo đài

Đứng bất cứ nơi đâu trong lòng Muscat cũng có thể nhìn thấy pháo đài. Nhiều đến mức du khách đặt cho Muscat cái tên thành phố của những pháo đài. Người Bồ Đào Nha đến đây vào đầu thế kỷ 16 xây dựng Muscat như là cảng thương mại trên Ấn Độ Dương và nhiều pháo đài. Khi người Bồ Đào Nha rút đi, người Oman lại xem pháo đài là biểu tượng quốc gia và xây thêm pháo đài ở các thành phố. Ở Oman có ít nhất 25 pháo đài mà du khách phải đến xem và năm trong số đó nằm ở Muscat. Hầu hết các pháo đài tại Muscat đều xây dựng theo phong cách Bồ Đào Nha. Với người dân Muscat, pháo đài không chỉ biểu trưng cho lòng kiên định vượt qua những khó khăn mà nó còn khiến cho những ngọn núi chạy dọc theo biển thêm hùng dũng và vững chãi trước sóng to của biển cả.

Pháo đài Jalali

Muscat có trên 100.000 người từ nước ngoài đến lao động, cao nhất trong các TP ở Oman. 60% lao động nước ngoài là nam giới và chiếm đến 80% công việc của thành phố. 34% lao động có bằng cấp chuyên môn cao. Hầu hết người Oman làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, văn phòng hay nghiên cứu khoa học kỹ thuật, trong khi ngành nghề xây dựng, buôn bán sỉ và lẻ phần lớn dành cho người hợp tác lao động.

(Theo Wikipedia)


Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *