Núi Phú Sĩ cao hơn 3700m là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, được người dân Nhật Bản xem như là biểu tượng linh thiên của đất nước mình. Ngoài vẻ đẹp kì vĩ của mình, núi Phú Sĩ còn đi vào trong mọi ngóc ngách và ảnh hưởng đối với hầu hết các lĩnh vực trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nhật Bản. Núi Phú Sĩ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 22/06/2013.

Từ khi đặt chân đến đất nước Nhật Bản, tôi luôn nhen nhóm ý tưởng phải leo cho bằng được lên đỉnh núi Phú Sĩ. Và một cách tình cờ, tôi quen được với một đoàn Việt Nam cũng định chinh phục núi Phú Sĩ vào ngày 23 và ngày 24 tháng 8. Chúng tôi sẽ phải leo núi qua đêm và nghỉ chân ở giữa núi. Nghĩ đến thôi mà lòng tôi đã đầy hồi hộp. Trưởng đoàn cũng dặn dò rất kỹ về việc chuẩn bị, từ việc khi lên đỉnh ngay giữa mùa hè thì nhiệt độ vẫn chỉ khoảng 0-5 độ. Nếu có gió sẽ cực kỳ lạnh, hành trình lên khá gian nan nên phải chuẩn bị kỹ từ giày leo núi (nếu có thể), túi nilon, áo mưa, khăn quàng cổ, mũ len, nước, đồ ăn,… Nói tóm lại lúc nghe phổ biến tôi thấy quá là hoành tráng và có phần bất ngờ.
Rồi ngày đã định cũng đến, đoàn chúng tôi đi theo tour của một công ty du lịch Nhật Bản, xe sẽ đón tại gần ga xe điện Shinjuku. Đi từ xa tới, thấy anh em bận áo cờ đỏ sao vàng là nhận ra ngay và thật sự lúc đó còn thấy dâng trào cảm xúc đoàn người này sẽ mặc áo cờ đỏ sao vàng và cùng chụp hình trên đỉnh núi Phú Sĩ. Cảm giác lúc đó thật tuyệt vời.

Giờ xuất phát đã tới, xe cứ lăn bánh, thời gian di chuyển đến tầng 5 (khoảng hơn 2000m) của núi Phú Sĩ khoảng 2.5 đến 3 tiếng và chúng tôi sẽ dừng chân ở 1 trạm để mua đồ còn thiếu và 1 trạm khác là để thuê đồ hay dụng cụ đặc biệt nếu có ai không chuẩn bị kịp. Tour guide của tôi là một bác người Nhật tầm hơn 40, thân hình nhỏ nhắn nhưng chắc chắn, trên đường đi bác chia sẻ khá nhiều về núi Phú Sĩ từ độ cao, ý nghĩa tâm linh, các dạng leo núi Phú Sĩ… Chúng tôi tham gia dạng leo phổ biến nhất là lên tầng 5 ở độ cao gần giữa núi rồi sẽ leo tiếp lên tầng 8, mà nếu chính xác là đến tầng 10 hay 11 gì đó thì mới tới đỉnh.

Xe tới tầng 5 vào khoảng 11h30 trưa. Mới ở giữa núi thôi nhưng cảnh tượng thật hùng vĩ, cứ như chúng tôi đang ở trên mây vậy. Các chuyến du lịch tham quan đơn thuần chỉ dừng ở tầng này, còn các tầng trên bạn phải tự leo mới lên được. Sau khi nghỉ trưa, nhóm bắt đầu xuất phát lúc 12h30.



Đầu nhóm và cuối nhóm sẽ có 2 tour guide leo để theo dõi và giám sát nhóm. Anh em đều đội mũ tai bèo, đi thành hàng hai từng bước từng bước trên con đường đất đá, bên cạnh con đường trên sườn núi là những đám mây đang bay qua trong bầu trời xanh biếc. Cả nhóm đều vừa đi vừa cười ồ như anh em đang hành quân trên chiến trường vậy.

Khoảng 2km đường ban đầu địa hình khá thuận lời, và bằng phẳng. Nhưng khi chúng tôi đặt chân đến tầng 6 thì con đường đẹp đẽ đã không còn nữa. Chỉ còn những con đường nhỏ đầy sỏi đá, cheo leo, thậm chí có những khúc chỉ đá và đá, vách cao sừng sững, còn đỉnh Phú Sĩ nhìn có vẻ ngay trước mặt nhưng thật sự còn rất xa. Đến lúc này thì có 1 bạn trong đoàn đã xin bỏ cuộc vì thấy mình chắc sẽ không trụ nổi.


Chúng tôi tiếp tục leo và leo, bác giám sát đoàn ở phía cuối không ngừng hô to, thở sâu, hít thở sâu vào. Mồ hôi đầm đìa chảy ra, không khí ngày một loãng hơn. Chưa bao giờ tôi thấy mình chú ý đến nhịp thở của mình như bây giờ, từng cơn từng cơn hồng hộc… Cả nhóm cứ đi, bí quyết leo là không đi những bậc cao, bước dài rộng mà hãy chọn đi những khúc phải ít nâng chân cao, đi chầm chậm, bước nhỏ. Chúng tôi cứ leo cứ leo, có những đoạn phải leo hoặc bám bằng tay vì chỉ có đá và lại dốc đứng. Dù mệt nhưng tôi rất hứng thú với cách leo như vậy, cứ như trong phim – lúc đó tôi nghĩ vậy.

Thời tiết phía dưới núi đẹp bao nhiêu thì khi càng lên cao thì lại mù mịt bao nhiêu. Nếu bạn hỏi tôi khi ở “trong” mây cảm giác thế nào thì nó như ở trong làn sương khói mù mịt vậy, mọi thứ đều trắng xóa, thời tiết hôm đó trên phần cao của núi mây nhiều và chúng tôi chỉ thấy phía bên dưới mình 1 màu trắng xóa xen kẽ từng dòng người mờ nhạt cũng đang leo lên. Nhóm cứ đi khoảng hơn 40 phút là dừng nghỉ khoảng 5 phút.

Người ta nói khi leo lên cao thời tiết ở núi Phú Sĩ thay đổi thường xuyên và quả thật vậy. Trời bắt đầu mưa. Nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ càng nên thật sự chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Một điều các bạn có ý định leo núi Phú Sĩ phải chú ý, bạn thật sự phải chuẩn bị áo mưa và phải là loại quần riêng, áo riêng, và cả “áo mưa” cho cái ba lô của bạn nữa. Tôi vì không có nó đã phải tùy biến dùng hai cái túi nilon cột lại và che. Chưa kể tôi cũng lấy 2 bị nilon cột vào chân mình rồi mang giày để khỏi bị thấm nước. Bạn cần lưu ý việc leo núi đang mệt nếu bị thấm nước vào người sẽ khiến cơ thể mất sức cực kỳ nhanh và lúc đó sẽ rất dễ bệnh và tất nhiên sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng.


Lúc đầu anh em trò chuyện còn nhiều nhưng càng về sau mọi người càng mệt nên cũng vơi đi nhiều. Việc đi vệ sinh bạn cũng không cần phải quá lo lắng, ở mỗi trạm dừng chân đều có nhà vệ sinh tuy nhiên đây là nhà vệ sinh tư nhân và bạn phải tốn 200 yên (40000 đ) cho mỗi lần đi, riêng khi ở trên đỉnh thì giá là 300 yên. Một điều đặc biệt là vì địa hình hiểm trở, khó vận chuyển của núi nên nước ở đây rất ít. Hầu như nhà vệ sinh không được dội và mọi người buộc phải chịu mùi hôi thối bốc ra. Nhưng tôi nghĩ chúng ta là người Việt Nam chắc đã quá quen với cảnh này ở Việt Nam nên cũng không phải là vấn đề quá lớn.

Lúc trời tối khoảng 7h30 thì cả nhóm cũng đã đến nhà trọ. Đồ ăn ở đây khá chán, phòng ngủ như trại tập thể nhưng ở ngay lưng chừng núi có một ngôi nhà để nghỉ chân và ăn uống thì không còn điều gì có thể chê được nữa. Nhóm sẽ nghỉ chân tại đây đến khoảng 1h sáng và tiếp tục hành trình leo đêm lên đỉnh để đón hoàng hôn vào sáng ngày mai.

Bạn Nam biết tiếng Nhật có thể search trên google ra rất nhiều tour đó. 🙂 Bên Nhật thì tình trạng lừa đảo hay nói A làm B hầu như không có nên trên web mô tả sao là y hệt vậy luôn đó
Chào bạn, mình rất hứng thú với tour đi Phú Sĩ của bạn, mình cũng muốn làm một chuyến, cho mình hỏi giá tour và cách đặt tour thế nào vậy? Mình ở Tokyo, mới qua, chưa rành lắm.