Sài Gòn

Câu chuyện về Xe đò chạy bằng than

Bởi
Sài Gòn Xưa
Cập nhật: 02/01/2024 8:33 am
Đã đăng: 15/12/2022 11:00 pm

Xe đò chạy bằng than là sáng kiến cải tiến từ những chiếc xe Renaul từ chạy xăng sang chạy bằng than trong thời buổi bao cấp xăng dầu trở nên khan hiếm. Nói nôm na là “động cơ vẫn chẳng gì thay đổi, chỉ thay phần nhiên liệu” bao gồm than củi được “hầm” cho nóng lên nhưng không cho cháy thành lửa ngọn mà bốc ra khí “ga”.

© Thoixua.vn

Nguồn gốc

Renault Goelette ra mắt vào năm 1947 tại Pháp với mục đích vận chuyển hàng hóa cho quân đội nước này. Renault Goelette xuất hiện ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1960, chủ yếu phục vụ cho việc chở khách và hàng hóa. Từ miền tây, vùng đồng bằng, lên tận cao nguyên, xuôi ra miền trung, vùng giới tuyến… đâu đâu cũng thấy bóng dáng xe Renault lưu thông.

Bắt đầu tháng 12-1975, xăng dầu bắt đầu được cung cấp theo chế độ tem phiếu. Người dân phải “mang theo tờ khai gia đình, thẻ chủ quyền, thẻ căn cước, giấy giới thiệu của cơ quan hiện đang công tác, mang theo tiền lệ phí mỗi phiếu 0,04 đồng ”để đăng ký lấy phiếu cung cấp xăng”.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu trở nên nghiêm trọng rồi đến năm 1976 nhiều xe cộ bị xếp xó do không có nhiên liệu hoặc không có phụ tùng thay thế, sữa chữa.

Những nhà trí thức lúc đó đã hướng dẫn áp dụng nhiều sáng kiến có giá trị trong sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, trong đó sáng kiến đáng chú ý nhất là việc “độ chế thành công” xe ô tô chạy bằng than và củi: “Bộ phận lò hơi” của xe ô tô chạy than củi có thể sử dụng cho các loại máy bơm nước, máy tàu, máy điện…

Cùng với chính sách cải tạo trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, sự khan hiếm nhiên liệu cũng làm thay đổi địa vị con người. Hình ảnh hành khách được các lơ xe đón tận nơi, nâng từng túi hành lý, đỡ lên những chiếc xe của các hãng xe đò tư nhân đã nhanh chóng biến mất. Thay vào đó, mỗi khi có việc đi xa người dân phải xếp hàng từ nửa đêm ở bến xe nhưng không hẳn sáng ngày hôm sau đã có vé để đi, nhiều khi còn phải ngồi chờ vài ngày ở ngoài bến.

Lên xe rồi còn phải chịu sự hành hạ của những chuyến xe già nua, cũ nát không có phụ tùng thay thế; đường sá xuống cấp không có kinh phí bảo trì. Phải đi trên những chiếc xe hoán cải từ chạy xăng sang chạy than, nếu may mắn tới đích, thì ngoại trừ hai con mắt, từ đầu đến chân của mọi hành khách đều bị bọc trong khói bụi.

Nguyên lý và cấu tạo

Những chiếc Renault Goelette ở Việt Nam chủ yếu thuộc phiên bản Renault Goelette 1400 (ra đời năm 1956). Xe có dung tích động cơ 2.383cc sử dụng dầu hoặc xăng tùy theo phiên bản. Xe có chiều dài cơ sở 4.540cm, rộng 1.920cm và cao 2.250cm.

© Kienthuc.vn

Những chiếc Renaul được cải tiến với động cơ, phía sau có thêm một bộ phận phụ trợ với buồng đốt phía dưới và than nằm phía trên tự rơi vào buồng. Nguyên lý: sử dụng than củi được “hầm” cho nóng lên nhưng không cho cháy thành lửa ngọn mà bốc ra khí “ga”, dòng khí đốt này được dẫn tới bộ hòa khí nổ máy bình thường như xăng từ khi bỏ than củi vô thùng, nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí ga mất khoảng 1 giờ.

Thực chất, đây là cách dùng than đốt cháy ở môi trường yếm khí tạo ra CO và dẫn vào buồng đốt. Xe vẫn chạy bằng động cơ đốt trong chứ không phải chạy bằng hơi nước như nhiều người lầm tưởng.

Thùng nhiên liệu đằng sau xe được làm bằng sắt có đường kính từ 40-50cm cao bằng 2 thùng phuy được đặt treo đứng phía sau xe. Thùng này được lắp đặt thêm sau những năm 1975. Bên trong trùng này chứa than củi được đốt cháy trong điều kiện hiếm khí để tạo ra một loại khí ga có thể cháy được, khí này chạy qua một bầu lọc thô sơ rồi được hút vào xi lanh sau khi xe nổ máy với xăng.

Do than cháy trong điều kiện hiếm khí nên có xu hướng tắt dần để xe chạy liên tục sau một quãng đường anh lơ xe phải dùng que sắt dài khều than, chọc tro để cho than củi cháy tiếp. Than vụn cùng tro rơi vãi dọc đường xe chạy nên anh nào lỡ chạy xe máy phía sau được nó tặng vài cục than đỏ nóng rực trước mặt thì… phải biết.

Vì chạy bằng than nên xe thường có vận tốc không cao và hay hỏng vặt dọc đường, tốc độ tối đa chỉ 30km/h. Đa phần những chiếc Renault Goelette 1400 tại Việt Nam vào thời điểm đó đều được gia cố gầm, sắt – xi và những chiếc bánh lớn hơn để tăng tải. Đầu xe không có cửa lên xuống bên hông nhưng do đặt “lò than” phía sau nên phải mở cửa phụ bên hông cho xe. 

Xe Renault Thuận Đức tại Phan Rang

Những hành trình trên dưới 100km mà đi mất cả ngày là chuyện rất bình thường vào thời điểm hiếm xe cộ ngày trước. Vé gần khu vực “lò than” thường có giá rẻ hơn so với các chỗ ngồi khác trong xe, bởi khu vực đó rất nóng. Loại xe chạy than đã giải quyết việc đi lại trên những cung đường khoảng 100km trong những năm 76 đến 82 Thế kỷ 20.

Lui về dĩ vãng

Chiếc xe này thường được người dân gọi với cái tên thân thuộc “Đờ Nôn” bởi khi tới đích thì những hành khách trên xe đều lờ đờ và nôn lả vì say xe. Sau năm 1975, vì được lắp thêm bình nhiên liệu phía sau xe còn được gọi một cái tên khác là Xe Hỏa Tiễn.

Những chiếc xe than cà tàng đã lùi xa vào tâm trí người Việt, thỉnh thoảng vẫn được họ nhắc lại như tìm về quá khứ. Đối với người trẻ, đây có lẽ là chuyện cổ tích.

© Kienthuc.vn

Bài viết này được tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Thoixua.vn, Kienthuc.net.vn, Hinhanhvietnam.com... và một số tài liệu khác.

TP Hồ Chí Minh
231 lượt xem
Tìm hiểu
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

TP Hồ Chí Minh
231 lượt xem
Tìm hiểu
Liên kết được đề xuất
Xem tất cả