Tam Cốc – Bích Động

Bởi
Uncategorized
Cập nhật: 05/01/2023 8:04 pm
Đã đăng: 14/03/2016 1:00 pm

Tam Cốc – Bích Động, còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như “vịnh Hạ Long trên cạn” hay “Nam thiên đệ nhị động” là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến triều đại nhà Trần nằm chủ yếu ở xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình khoảng 7 km về phía tây nam.

Ảnh: Hachi8 (VnExpress)

Tam Cốc

Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi.

Đi thăm Tam cốc chỉ có môt con đường thuỷ duy nhất vào ra mất khoảng trên 2 giờ đồng hồ, khởi hành tại bến thuyền Đình Cát. Thuyền xuôi theo dòng sông Ngô Đồng khoảng 400 mét sẽ tới Nghi môn ngoại (cửa ngoài) là hai quả núi dựng đứng hai bên sông, núi bên tay phải là núi Cửa Quen, núi bên tay trái là núi Vụng Gạo. Đi một đoạn nữa thuyền vào Cống Rồng bắc ngang qua sông Ngô Đồng trên đường vào đền Thái Vi. Cống dài 2,8 mét, làm bằng đá, chạm hình đầu rồng. Qua cống Rồng, nhìn sang bên trái thấy núi Gò Mưng nằm sát con đường vào đền Thái Vi, rồi đến là núi Văn và núi Võ.

Ảnh: vietnamvisa-easy.com

Thuyền lướt nhẹ tới Nghi môn nội (cửa trong) hay còn gọi là (kẽm gió trong), cũng là do hai quả núi đứng hai bên tạo thành. Bên trái là núi Bến Thánh, bên phải là hình con Đại Bàng đang sà xuống dòng Ngô Đồng, tạo nên vẻ đẹp sinh động, kỳ vĩ của Tam cốc (khi đi tới địa điểm này, du khách sẽ được những người lái đò giới thiệu cho biết và dừng lại cho du khách chụp vài tấm hình).

Bên phải là một tảng đá lớn, phẳng nằm sát bờ sông. Tương truyền rằng vào mùa hè, vua Trần Thái Tông, thường ra đây ngồi câu cá để thư giãn và tận hưởng bầu không khí trong lành và thưởng ngoạn cảnh trời mây, non nước. Bắt đầu từ đây bao quanh dòng sông là núi đá tầng tầng, lớp lớp như một bức tưòng thành vững chắc, ngăn cách những ồn ào của nền kinh tế thị trưòng đang sôi động chuyển mình mạnh mẽ.

Rồi một cửa hang đang mở ra. Đó là hang Cả. Cả một vùng non nước hiện ra như một bức tranh thuỷ mặc đầy màu sắc, mặt nước lung linh bảy sắc cầu vồng khi có ánh sáng mặt trời chiếu qua, thật là kỳ ảo. Hang Cả dài 127 mét, rộng 20 mét, nằm dưới một quả núi lớn vắt ngang qua dãy núi bên sông Ngô Đồng. Dòng sông Ngô Đồng đến đây thắt lại, chảy luồn qua núi tạo thành hang, cửa hang rộng trên 20 mét. Càng đi sâu vào trong hang du những chùm nhũ đá ánh lên những sắc màu kỳ diệu và phản chiếu xuống mặt nước lung linh hào quang.

Ảnh: hanoigreentours.com

Tiếp đến là hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ. Rồi đến hang Ba, dài 50 m, trần hang là một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia.

Động Thiên Hương

Động Thiên Hương cũng nằm trong lộ trình tham quan Tam Cốc, khi đến bến Thánh hay còn gọi là bến Sính do vua Trần Thái Tông mở để vào am Thái Vị bằng đường thuỷ. Lên bờ đi bộ khoảng 50 mét men theo đường chân núi bên tay trái là đến Thiên Hương Động (Động trời toả ngát hương) ở núi Đồng Vỡ.

Động Thiên Hưong ở lưng chừng núi, cao hơn so với mặt đất khoảng trên 15 mét, lên động theo hai lối tả hữu với 30 bậc lên cao. Đến cửa động, bước lên cao hơn một mét nữa là tới nền động.

Không gian bên trong rộng lớn, cao sâu thăm thẳm như hình rỗng bên trong một quả chuông đá khổng lồ úp lên. Động rộng khoảng 800 mét vuông, với bề ngang 20 mét, bề dọc 40 mét, chiều cao của động hơn 60 mét.

Ảnh: Panoramio

Điều độc đáo của động là phía sau động có lối lên thẳng đứng đến tận đỉnh núi. Đỉnh núi rỗng, lộ thiên, có đường kính khoảng 6 mét. Đứng ở nền động nhìn thấy khoảng trời xanh vời vợi. Có lẽ vì thế mà động có tên là Động Trời. Vì ở trên cao, lại có lỗ thông gió nên trong động lúc nào cũng có gió thổi mát lạnh.

Nằm gọn trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung, vợ vua Lý Huệ Tông. Là một người đã truyền cho nhân dân xã Ninh Hải nghề thêu ren.

Đền Thái Vị

Đền Thái Vi là nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Có thể đi bộ đến đền Thái Vi từ hành trình Tam Cốc hoặc theo đường bộ cách bến thuyền Tam Cốc 2 km.

Bích Động – Xuyên Thủy Động

Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhất động”, cụ thể Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam, đứng sau động Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động) ở Hương Sơn và đứng trước động Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động) ở Kẽm Trống. Phía trước động là dòng sông Hoàng Long uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.

Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông. Chùa được dựng từ đầu đời nhà Hậu Lê. Trong chùa có quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ, mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa. Thời Lê Hiển Tông (1740-1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.

Chùa Bích Động – Ảnh: Ngôi Sao

Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài Bích Động. Xuyên Thủy động như 1 đường ống hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350 mét uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Bình quân bề rộng của Xuyên Thủy động là 6 mét, chỗ rộng nhất là 15 mét. Trần và vách động thường bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng.

Thung Nắng

Từ bến đò Thạch Bích (Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động), đi thuyền khoảng 3 km sẽ đến Thung Nắng (Thung Nắng thuộc thôn Đam Khê, Ninh Hải, Hoa Lư).

Chỉ với 3 km đường thủy, nhưng cảnh sắc cùng những giá trị lịch sử trải dài suốt lộ trình với những cánh đồng lúa rì rào, những cánh đầm lau sậy, những ngọn núi hùng vĩ với nhiều huyền thoại như núi Ba Dọi, núi Cóc, núi Măng, núi Vàng, đền Thoong Nắng, đền Vối (đền được xây bằng đá, với các đồ thờ bằng đá được chạm khắc công phu, tỉ mỉ, cách đây hàng trăm năm, từ thời nhà Lê để thờ ông Lý Đông Hải là quan chấn trạch sơn lâm).

Thật may, mặc dù Thung Nắng đã được đưa vào khai thác du lịch nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ của cảnh quang và môi trường sinh thái sạch sẽ. Vì thế, khi đi trên thuyền chúng ta vẫn có thể nhìn thấy dưới làn nước mát lạnh, trong veo là hệ động vật, thực vật phong phú và sinh động. Và vào mỗi buổi chiều, những đàn cò trắng bay về đậu kín cả vùng đất ngập nước tạo nên một nét hấp dẫn đặc trưng của thung Nắng.

Thung Nham – vườn chim

Cách Thung Nắng không xa, men theo con đường nhỏ phía bên trái chùa Bích Động hơn 1 km, sẽ đến bến đò vào Thung Nham (Thung Nham thuộc thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) . Tuyến du lịch này đang được đầu tư xây dựng, có diện tích 34 ha, khi xong sẽ trở thành khu sinh thái tổng hợp, có các loại hình như câu cá, du lịch miệt vườn, thăm quan rừng ngập nước, vườn chim, du lịch nghỉ dưỡng.

Ảnh: Sưu tầm

Thung Nham còn có tên gọi khác là Thung Chim, bởi lẽ nơi đây thiên nhiên còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh, hệ động, thực vật phong phú và “đất lành chim đậu”. Cứ vào khoảng 5 giờ chiều, hàng nghìn, hàng vạn cánh chim gồm cò, vạc, hạc, đại bàng đất bay về đậu chật kín khu đất ngập nước ở trong thung và trên những hàng cây mọc thẳng hàng trên mặt nước, tạo thành một cảnh quan thiên nhiên muôn loài độc đáo.

Động Tiên – chùa Linh Cốc

Động Tiên có thể coi là động đẹp nhất của khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Động nằm cách Bích Động gần 1km. Phạm vi động gồm có ba hang lớn, rộng và cao. Trần động có nhiều vân đá, nhũ đá rủ xuống lấp lánh nhiều màu sắc trông như những rễ cây lớn. Trên trần có nhiều dơi và chim cư trú. Đứng từ bên ngoài nhìn động như một lâu đài tráng lệ. Các biến đổi của tự nhiên tạo nên những hình dáng kỳ thú của nhũ đá trong động với hình thù là cây tiền, cây thóc, ông tiên, cô tiên, con voi, con sư tử, con hổ, con kỳ đà, con rồng, con đại bàng, và cả những đám mây bay lượn nhiều màu sắc. Những khối đá trong động khi gõ vào sẽ tạo ra nhiều loại âm thanh rất lạ.

Chùa Linh Cốc nằm trong núi chùa Móc. Chùa quay hướng tây, phía trước là một cánh đồng nước. Theo văn bia đặt ở chùa, Linh Cốc có từ triều vua Trần Thánh Tông. Sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ. 3 gian quay hướng tây bắc, đặt tượng thờ thánh tăng là đức A Nam Đà và đức tổ tây, mũi cao, tóc quăn, râu quai nón là người Ấn Độ. Nhà trai 5 gian, quay hướng đông nam. Điện Mẫu quay lưng vào sườn núi, hướng tây nam, xây dựng theo kiểu chữ “Tam”. Hậu cung là một gian thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Thiêu hương gồm 3 gian thờ Công Đồng Thánh Mẫu, Tiền Đường 5 gian, gian cuối bên tay trái có treo quả chuông.

Làng Việt cổ – Cố Viên Lầu

Cố Viên Lầu ở bến thuyền Tam Cốc là khu nhà cổ gồm nhiều ngôi nhà được sưu tầm chủ yếu tại Ninh Bình khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Những ngôi nhà cổ ở Cố Viên Lầu chủ yếu được xây dựng từ thời nhà Nguyễn trở lại đây nhưng cũng thể hiện được nét văn hóa độc đáo và đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Ảnh: Ngôi Sao

Khi đến đây ngoài việc ngắm nhìn các kiến trúc nhà cổ còn được thưởng thức các loại hình văn hóa đặc sắc như chèo sân đình, ca trù và thăm làng nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm.

[f3]

Ảnh: Sưu tầm

Ảnh: Sưu tầm

Ảnh: Sưu tầm

Ảnh: Sưu tầm

[/f3]

Trở lên Trên ▲

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *