Chỉ có 1,5 lít nước dùng cho 24 giờ, không có bất kỳ phần lương thực nào đem theo, tôi phải trải qua 24 giờ kinh khủng nhất khi chống chọi với cơn đói lả, với những bước chân luồn rừng nặng trĩu đeo bám theo nỗi ám ảnh về các loài côn trùng, rắn độc đang ẩn náu dưới tán rừng già Nam Cát Tiên.
Đấy mới chỉ là bài học cơ bản về kỹ năng sống sót giữa rừng hoang mà tôi có dịp trải nghiệm.
Tay đấm có số má, Amazon và Nam Cát Tiên
Mở đầu cho câu chuyện rừng rú tôi muốn đề cập đến một nhân vật quen thuộc với màn ảnh Việt trong các phim “Bẫy Rồng”, “Dòng máu anh hùng”, phim quảng cáo truyền hình… với các vai đánh đấm đầy mạo hiểm. Đấy là David Minetti, từng là một tay đấm có số má trên võ đài của môn võ tổng hợp Mix Martial Art (MMA) nổi danh ở Pháp và châu Âu những năm 2000, đã từng vô địch toàn châu Âu năm 2002, hoạt động và huấn luyện võ thuật trong quân đội đặc chủng Pháp ở vùng Amazon. Tính mạo hiểm, cộng với nỗi nhớ rừng đã ăn vào máu, nên khi đến Việt Nam, ngoài chuyện khai mở ra môn võ MMA, David thường tìm đến rừng, và Nam Cát Tiên là lựa chọn quen thuộc.
Khi đến Nam Cát Tiên, David nhận ra tiềm năng của vùng rừng đặc hữu này, anh cho biết: “Khoảng 7 năm trước, khi tôi đến vườn quốc gia Nam Cát Tiên, không có một loại hình dã ngoại nào mang tính thử thách hay khám phá, chỉ có tour đến bàu sấu, nhưng Nam Cát Tiên có diện tích hơn 75.000 hecta, và tôi nghĩ có thể làm gì đó khác biệt. Thế là tôi đến đây thường xuyên hơn để gặp gỡ ban quản lý, giải thích cho họ về việc tổ chức những chuyến đi rừng, học cách sống sót giữa rừng hoang, để những người tham gia học thêm những kỹ năng sống và hiểu thêm về thế giới tự nhiên trong rừng”.
Và thế là David tập hợp những bạn bè có cùng sở thích, đa phần là người nước ngoài, tham gia những chuyến đi rừng để David huấn luyện các kỹ năng sống bổ ích, David chia sẻ: “Khóa học sống sót giữa rừng hoang do tôi tổ chức một phần vì tôi có kinh nghiệm khi phục vụ trong quân đội Pháp ở vùng rừng Amazon, và tôi cũng học từ những người địa phương cách thức họ sinh tồn trong đời sống hoang dã của rừng rậm, đây cũng là một trong những bài học quý giá đối với tôi. Những người tham gia khóa học này đều có khao khát khám phá thiên nhiên, và tôi dạy cho họ biết cách làm thế nào tồn tại để thoát ra khỏi rừng khi họ không có gì trong tay”.
Hành trình hành xác
Nghe rủ rê về chuyến đi rừng đầy thú vị kéo dài 24 giờ, người tham gia chỉ được mang 1 con dao, 1,5 lít nước, tự đến điểm định sẵn giữa rừng theo máy định vị và qua đêm ở đó… không có thực phẩm đem theo, hành trình hứa hẹn một thử thách không đơn giản.
Bữa sáng cuối cùng trước khi bước vào thử thách chỉ là đĩa mì xào ở trại tập trung ngay vườn quốc gia Nam Cát Tiên, tôi cùng gần chục bạn nước ngoài mới quen đã sẵn sàng cho việc tra tấn bản thân suốt 24 giờ kế tiếp. Nắng lên một gay gắt hơn, chúng tôi đi dưới tán rừng chưa đầy 2 giờ đồng hồ, ai nấy lè lưỡi vì nắng nóng, những chai nước đã bắt đầu vơi. Tôi cố nhịn không dám uống nước dù khô rang cả cổ, bởi ở cái nóng này mà chiều mình một tí thì 1,5 lít nước chẳng mấy chốc sẽ hết veo. Ông bạn Gert đến từ Đan Mạch lê cái bụng béo ị, mồ hôi vã như tắm, miệng lầm bầm sao mình tự nhiên lại cắm đầu vào chốn hành xác này làm gì cho khổ. Đáp lại là những nụ cười xã giao nhưng méo xệch, cũng phải, bởi ai cũng thấy mình thật… dại khi tham gia đi rừng như thế này.
Rồng rắn đi mãi, đến xế trưa, nắng dội gắt cả đỉnh đầu, những bước chân chậm lại, và thật may mắn khi đi ngang một dòng suối nhỏ, chẳng ai bảo ai, cứ thế trầm mình xuống nước như trâu đầm. Lúc này mới thấy cái đã, cái sướng khi cơn khát được giải tỏa nhờ nước suối mát rượi. Giải quyết xong vụ nóng và khát, đi tiếp chẳng bao lâu thì cơn đói ập đến, vẫn chưa đến điểm dừng cuối cùng. Rừng càng rậm và khó đi hơn, đến xế chiều thì miệng đắng lại, bao tử teo tóp, réo sùng sục, may mà đến điểm dừng ngay bờ suối. Cả đoàn lại lao đầu vào việc phát quang, học bài học đầu tiên là cách mắc võng, tạo chỗ nghỉ đêm giữa rừng.
Tinh thần cả đoàn xuống thê thảm, ai nấy mặt ngu ngơ, thất thần, David mở lòng thương, phát cho vài lưỡi câu bé tẹo và cuộn chỉ để mọi người tự đi đào trùn câu cá lo cho bữa tối. Từ chiều đến tối mịt, cả nhóm câu được khoảng chục con cá bự chảng bằng… ngón tay trỏ, bắc lên bếp đổ nước suối vào luộc nhừ. Bữa tối thịnh soạn chỉ có thế. Mấy ông Tây ban đầu còn giữ máu lịch sự, rụt rè nhường nhau cái nắp vung múc miếng cá nấu nhừ tử nhấm nháp, húp húp cái vị ngọt ngọt, tanh tanh, chẳng ra làm sao cả, nhưng đấy là món bổ dưỡng duy nhất để giảm cái lọc xọc của bao tử đang kêu gào vì đói sau một ngày luồn rừng đầy mệt mỏi. Chỉ sau vài lần chuyền tay nhau, cái háu đói đập tan tự ái, chẳng ai giữ kẽ nữa, ngửa cả nồi ra húp sồn sột, chưa giáp vòng nồi cá đã cạn veo cả nước, tìm một cọng xương nhỏ cũng không còn. Tây – Ta ai nấy chùi mép, thèm thuồng, tiếc hùi hụi một bữa ngon chóng vánh.
Rắn độc, bao cao su và những bài học sống sót
Đêm khuya, David lại dẫn dắt sang một bài học khác sởn gai ốc hơn, miêu tả về các loại rắn độc ở vùng Nam Cát Tiên và cách phòng trị rắn cắn với lời mở đầu: “Có đến 70% các loại rắn độc thường xuyên hoạt động, săn mồi vào ban đêm”. Câu nói ấy làm Vincent – đến từ Mỹ – sợ đến độ lúc đi ngủ không dám về võng một mình.
David phát cho mỗi người một tấm hình in bốn loại rắn quen thuộc của vùng rừng nhiệt đới và giới thiệu: “Với rắn lục lửa, loài này rất hung hăng, chúng không bao giờ cảnh báo bạn, chỉ cần bạn lai vãng gần nó sẽ tấn công bạn ngay lập tức. Rắn hổ mây thì có thể tầm nhiệt của cơ thể người để phòng thủ và tấn công nếu xâm phạm vào lãnh địa của chúng. Còn với rắn hổ mang, chúng sẽ cảnh báo trước bằng cách vươn mình lên, phùng mang ra để thủ thế, còn một loại nữa hay gặp là rắn cạp nong, loài này ban ngày thì rất ngu ngơ, thường rúc đầu trốn ánh sáng, nhưng ban đêm thì rất nhanh nhạy và nguy hiểm, một cú đớp dính phải thì vô phương cứu chữa”.
David giới thiệu một hộp nhỏ với kích cỡ hai bàn tay úp lại, và gọi đó là hộp sống sót. Chứa đựng các vật dụng cần thiết và luôn ở bên mình trong những hành trình luồn rừng. Thật hài hước khi dụng cụ quan trọng nhất trong hộp sống sót là cái bao cao su. Chị em nghe thì e thẹn, các ông Tây thì khoái chí cười khành khạch, đầu óc nghĩ ngay đến công dụng cơ bản của nó. Quả thật đã gọi là đi lạc trong rừng mà còn nghĩ đến chuyện dùng bao cao su thì thật là có óc tưởng tượng siêu phong phú, với David thì khác: “Nhìn nó bé tẹo thế, nhưng nó có thể giúp bạn đựng được từ 2 – 3 lít nước, sau đó bạn tháo vớ và bọc bên ngoài, thế là bạn đã có một túi đựng nước tốt, đủ cho bạn sống sót ít ra là trong vài ngày”. Bên cạnh đó còn có vài vật dụng trong hộp sống sót cần có như thuốc chống dị ứng, thuốc sốt rét, vài lưỡi câu, một chiếc la bàn. Thực tế thì có rất nhiều thứ hữu dụng hơn như một con dao đa năng, hoặc một chiếc gương nhỏ để phản chiếu ánh sáng mặt trời gây chú ý.
Sau những bài học về sơ cứu rắn cắn, cách băng bó vết thương, chúng tôi giải tán để qua đêm trên chiếc võng giữa rừng, ôm bụng đói chờ đến sáng hôm sau… học tiếp những bài học mới.
Trời vừa sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng chim, gà rừng, tiếng vượn hú vang dội, chúng tôi đi ra khoảng rừng thưa để học cách đặt bẫy các loại thú nhỏ, chỉ với sợi dây gút và vài động tác đơn giản, một chiếc cần bẩy để bẫy thú hoàn tất, David chia sẻ: “Đây chỉ là bài học đơn giản nhất mà tôi cung cấp cho các bạn, những kỹ năng như mắc võng, lấy lửa, đặt bẫy tìm thức ăn, cách chuẩn bị cho một chuyến đi rừng, cách phân biệt các loại rắn nguy hiểm và cách né tránh nó, mục đích tôi muốn những người tham gia biết cách tôn trọng thiên nhiên hơn. Rõ ràng nếu bạn không biết gì về rừng bạn sẽ cảm thấy sợ hãi”.
Chúng tôi bắt đầu học tiếp một kinh nghiệm từ bài tập tình huống đặt ra khi bị rơi máy bay vào khu rừng rậm mà không có gì trong tay. David nói: “Đầu tiên hãy cố gắng tìm nguồn thức ăn ngay tại nơi bạn bị nạn, và cầm cự ở đó khoảng 15 ngày, bởi người ta bắt buộc sẽ tổ chức những cuộc tìm kiếm cứu nạn. Nếu qua thời gian đó mà không ai đến cứu, hãy tự giải thoát bằng cách tìm đường ra, nhưng bạn sẽ đi đâu, khi không có la bàn, không có GPS. Có ai có ý tưởng gì không? Thế này nhé, bạn hãy đi quanh, định hướng kỹ để cố tìm một dòng sông hay con suối, nếu bắt gặp được rồi, hãy đi xuôi dòng chảy sẽ đến sông, từ sông sẽ ra biển. Theo cách này thì cơ may tìm ra con người rất cao, vì ngay cả những bộ tộc trong rừng, họ cũng thường sống ở vùng gần sông suối. Chưa kể nguồn nước cũng chính là thứ cần thiết giúp bạn cầm cự trong rừng”.
Hành trình trở về cũng là một thử thách bởi nguồn nước 1,5 lít của mỗi người hầu hết đều đã cạn. Mệt mỏi, đói khát, nhưng điều đó không có nghĩa gì bởi bù lại tôi và những người bạn đồng hành đã học được nhiều bài học cần thiết, bổ ích cho kỹ năng sống khi đối mặt với những tình huống một mình giữa rừng hoang.
“Rắn bị điếc, chẳng có con nào nghe thấy âm thanh, nếu bạn gặp rắn trong rừng mà cố hét toáng lên làm chúng sợ, thì quên điều đó đi, nhưng nếu bạn tạo ra âm thanh bằng việc dậm chân xuống đất, các loài rắn sẽ dần dần tránh xa bạn” – David Minetti.
Để tham gia vào các hành trình thử thách đi rừng cùng David, trên facebook có nhóm “K1 Jungle trekking in Vietnam”, hầu hết mỗi tháng đều có thông tin về chuyến đi, ai cũng có thể đăng ký tham gia.
David nói về các lớp học: “Có 4 cấp độ cho người tham gia, cấp độ một là lớp căn bản kéo dài 24 giờ với 1,5 lít nước, có bạt che mưa, võng. Cấp độ 2, 3 kéo dài 48 giờ, phải tự tạo chỗ ở cho mình, không được mang theo nước. Cấp độ 4 dành cho những người có khả năng chịu đựng tốt và đã từng học qua những lớp căn bản, phải qua kiểm tra thể lực, mới được tham gia. Hành trình đi rừng dài 72 tiếng, người tham gia tự tìm đường đến đích mà không có dụng cụ gì hỗ trợ, kể cả lương thực và nước uống”.