Sapa lộng lẫy như một nữ hoàng ngự trị ở vùng núi tây bắc Việt Nam, là cửa ngõ mở ra một thế giới khác của nền văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao cùng những cảnh quan thơ mộng.
Nơi đây tập trung sinh sống của khá nhiều các dân tộc người H’Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh, Hoa. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa độc đáo riêng góp phần tạo nên một Sapa đa dạng và hấp dẫn Vì thế, nếu không có cộng đồng các dân tộc thiểu số đặc biệt là người H’Mông và người Dao, Sapa sẽ giảm đi khá nhiều phần thi vị.
Người Dao đỏ luôn mặc trang phục truyền thống, bạn có thể nhận ra họ trên phố qua chiếc khăn màu đỏ đội trên đầu, hình ảnh này có vẻ siêu thực trong một bối cảnh mà xã hội đang phát triển một cách chóng mặt. Còn người H’Mông lại là những thương nhân rất khôn ngoan. Làng bản của họ vẫn giữ nét cổ xưa nhưng đa số họ đều trang bị cho mình điện thoại di động và địa chỉ email để giao dịch. Theo truyền thống, họ là người nghèo nhất của người nghèo, nhưng họ đã nhanh chóng nắm bắt và thể hiện tinh thần của những nhà kinh doanh tài ba. Phần lớn những người dân tộc thiểu số đều ít học hoặc không biết chữ, nhưng hầu như tất cả những lớp thanh niên ở đây đều có thể sử dụng tốt tiếng Anh, tiếng Pháp và một số ít ngôn ngữ khác.

Dường như thiên nhiên đã rất hào phóng khi cho Sapa rất nhiều thứ từ những con người bình dị dễ mến đến cảnh quan. Bao quanh Sapa là những lung lũng đẹp,những ngôi làng của người dân tộc, những ruộng bậc thang thay đổi màu sắc theo từng mùa vụ, những ngọn núi cao, suối sâu, những dòng thác kỳ vĩ, những cánh rừng già bạt ngàn cùng muôn vàn chim thú. Và một điểm nữa là mây. Mây trắng đã giúp cho Sapa luôn biến ảo, thoắt ẩn thoắt hiện.
Sapa được người Pháp phát hiện vào những năm đầu thế kỷ 20 và nhận thấy không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan tuyệt đẹp của nơi này nên đã xây dựng nhiều công trình, dinh thự, khách sạn phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của họ. Cũng giống như các vùng đất khác ở Việt Nam, Sapa cũng chịu nhiều thăng trầm của lịch sử. Từ thế chiến thứ II, là hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ và gần đây (năm 1979) là cuộc chiến tranh biến giới với Trung Quốc nên nhiều công trình, kiến trúc đã bị tàn phá.
Với sự ra đời của du lịch, Sapa trải qua thời kỳ phục hưng. Đường sá được nâng cấp, nhiều tuyến đường được đặt tên, vô số khách sạn mọc lên như nấm, nguồn điện được cung cấp giúp đời sống người dân nơi đây cải thiện đáng kể. Gắn liền với sự phồn thịnh, văn hóa và đời sống của người dân tộc thiểu số ở đây cũng thay đổi, nhiều người trong số họ rất nhạy bén và thành thạo trong cách thức kiếm tiền và gặt hái được nhiều nguồn lợi về tài chính từ những làn sóng du lịch đổ về đây khắp nơi cả trong nước và thế giới. Ngược lại, với mục tiêu phải tạo ra nhiều chỗ cho du khách trú ngụ lại góp phần bùng nổ việc xây dựng các khách sạn cao tầng dần dần sẽ che khuất đường chân trời ở Sapa.

Một sự bất tiện bất di bất dịch khác ở đây đó là thời tiết. Nếu bạn đến Sapa vào cuối mùa đông, đừng quên mang theo áo ấm. Thời tiết không chỉ lạnh (có khi xuống dưới 0°C), mà mùa đông ở đây còn kèm theo sương mù và mưa phùn, có khi có cả tuyết rơi.
Mùa khô ở Sapa bắt đầu từ khoảng tháng giêng đến tháng sáu, trong đó tháng giêng và tháng hai là hai tháng lạnh nhất (có nhiều sương mù bao phủ). Từ tháng ba đến tháng năm là khoảng thời gian thời tiết đẹp nhất trong năm.Mùa hè bắt đầu từ giữa tháng sáu và tháng tám, thời tiết vẫn ấm áp bất chấp những cơn mưa. Từ tháng chín đến giữa tháng muời hai thời tiết ở Sapa rất đẹp, mặc dù có một ít mưa phùn vào đầu mùa và nhiệt độ xuống thấp vào tháng mười hai.
Tuy nhiên, với kiểu khí hậu nào thì cũng có những ưu thế của nó. Với dạng khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, Sapa đã cung cấp cho chúng ta những loại cây trái tươi ngon như mận, đào, susu… cùng những loại dược liệu quý hiếm.

Có một nét văn hóa đặc biệt của người dân tộc vùng cao nơi đây là chợ phiên. Chợ phiên của Sapa họp vào ngày chủ nhật tại thị trấn. Người dân ở những vùng xa thường phải đi từ ngày thứ bảy. Vào buổi tối thứ bảy, những người đi chợ cùng thức và chung vui với nhau bằng những bài hát dân ca, bằng những âm thanh du duơng của tiếng sáo, réo rắc của khèn, thì thầm của đàn môi… Chính vì sự lãng mạn này người ta không gọi đó là chợ phiên mà gọi là “chợ tình”. Ở phiên chợ này, hoặc những phiên chợ thường nhật khác du khách có thể mua các loại dược phẩm, lâm thổ sản quý hiếm, sản phẩm nhân tạo truyền thống của các dân tộc như hàng thổ cẩm thủ công; các móón ăn dân tộc như thắng cố, thịt hun khói, cải mèo, su su, rượu ngô, rượu mầm thóc xã Thanh Kim, rượu táo mèo, rượu sán lùng; các lâm sản và dược liệu như củ hoàng liên, nấm linh chi, cây mật gấu v.v

[f1]Những điểm đến ở Sapa[/f1][f2]
Phan Xi Pang
Đỉnh Phan Xi Păng hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi. Việc chinh phục đỉnh núi này có thể được thực hiện qua các tour của các công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ.
Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Sa Pa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là từ khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có một số người dân tộc Mông, Dao làm nghề cửu vạn phục vụ khách leo núi đông nhất.
Trước kia từ Sapa lên đỉnh Phan Xi Păng và quay trở về mất khoảng chừng 5–6 ngày. Hiện nay thời gian tổng cộng của chuyến leo núi chỉ còn 3 ngày, thậm chí 2 ngày hoặc với những người thành thạo và sức khỏe tốt thì có thể thực hiện trong một ngày.
Hàng trình phổ biến nhất với khách du lịch là ba ngày. Sáng ngày đầu tiên đi ô tô từ Sapa đến trạm kiểm lâm trên đỉnh đèo Trạm Tôn. Chuyến leo núi bắt đầu từ Trạm Tôn, đi xuyên qua các dãy núi, rồi dừng chân ở điểm cao khoảng 1.900m cạnh suối. Du khách sẽ cắm trại, nấu ăn và nghỉ đêm ở đây. Ngày thứ hai xuất phát từ điểm cao 1.900m ,rồi leo lên tới đỉnh Phan Xi Păng 3.143m, nghỉ ăn trưa trên đỉnh. Đây là quãng đường vất vả nhất trong toàn bộ cuộc hành trình. Sau đó du khách quay về trại nghỉ đêm thứ hai. Ngày thứ ba từ trại ở độ cao 1.900m quay về Sapa theo một đường khác. Một quy định cho các nhà leo núi ở đây là không được xả rác trong rừng, tất cả sẽ được mang theo rồi đốt đi.
Mỗi đoàn leo núi cần có ít nhất hai hướng dẫn viên hoặc người dẫn đường. Ở ngày thứ hai của chuyến leo núi, trong lúc du khách lên đỉnh Phan Xi Păng, một trong hai người sẽ ở lại trại nấu ăn. Trong quá trình leo lên đỉnh núi, du khách có thể hái măng về cho bữa ăn. Viếc nấu nướng cũng rất khó khăn, du khách phải đi kiếm củi, làm bếp. Ban đêm thường có mưa và nhiệt độ hạ xuống rất thấp.
Vì đường lên núi phải đi mất 3 ngày nên người leo núi cần có sức khoẻ tốt. Các vật dụng hữu ích cho cuộc leo núi này gồm giầy leo núi, áo mưa, lều, túi ngủ, thuốc men cá nhân, chocolate để ăn nhằm làm tăng glucose trong máu khi leo núi giúp giảm cảm giác tức ngực và khó thở khi leo lên cao. Việc hạn chế số lượng đồ dùng cá nhân giúp giảm trọng lực và làm việc leo núi dễ dàng.
Thời điểm leo núi thích hợp là từ tháng 9 năm truớc đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên đường lên Phan Xi Păng đẹp nhất là khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa núi bắt đầu nở.
Thác Bạc
Thác Bạc là một tthắng cảnh thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa của tỉnhLào Cai. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 4D, tuyến đường huyết mạch để đến tỉnh Lai Châu và chỉ cách khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 12 km về hướng tây nên khá thuận lợi để thăm quan.

Thác Bạc có độ cao hơn 200 mét là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy thác Bạc trắng xóa vào những hôm trời quang và đây cũng là nguồn gốc tên gọi của thác. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy được người dân gọi là thác Bạc. Khu vực thác Bạc là một trong những nơi tuyết rơi dày nhất tại Sa Pa, vào tháng 3 năm 2011, khu vực thác có tuyết phủ dày tới trên 10cm. Khu du lịch Thác Bạc có hai đường lên xuống tách biệt, đường lên ở phía bên phải, đến lưng chừng thác, du khách sẽ đi qua một chiếc cầu để sang phần bên trái. Ở khu vực gần cầu thác Bạc trên tuyến quốc lộ 4A có một số hàng quan bán đồ ăn và đồ lưu niệm. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi của du khách và các hàng quán đã khiến cho môi trường khu lịch Thác Bạc không còn được sạch sẽ.
Có một trung tâm nuôi giống cá hồi nằm dưới chân con dốc dẫn lên thác Bạc, nơi đây có tham vọng trở thành trạm nghiên cứu các đối tượng thủy sản nước lạnh lớn nhất cả nước. Cá hồi ở trung tâm được nuôi với nguồn nước dẫn từ thác Bạc về với hơn 1.000 mét ống dẫn nước.
Thác Cát Cát
Thác Cát Cát hay còn gọi là thác Tiên Sa là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhất tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Thác Cát Cát thuộc địa bàn bản Cát Cát, xã San Sả Hồ nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa chỉ 3 km về phía bắc. Khu du lịch Bản Cát Cát là vừa là điểm du lịch sinh thái lý thú dành cho du khách vừa là điểm du lịch văn hóa cộng đồng vệ tinh của vùng du lịch Sa Pa.

Bãi đá cổ Sa Pa
Bãi đá cổ Sapa là khu di tích có diện tích khoảng 8km² nằm tại thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925.
Bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây. Trên những khối đá xuất hiện những hoa văn kỳ lạ với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết v.v. có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối – biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt.
Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa… Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết.
Vườn hoa Hàm Rồng trên núi Hàm Rồng
Nằm sát ngay thị trấn, vườn hoa Hàm Rồng được xây dựng theo địa thế tự nhiên của đỉnh Hàm Rồng, để tham quan vườn hoa, du khách phải leo một chặng đường dài hàng ngàn bậc đá. Cứ cách một đoạn ngắn, cảnh trí lại trải ra trước mắt đó là vườn lan tự nhiên, vườn châu Âu, rừng hoa đào… điểm cuối cùng là điểm cao nhất của đỉnh Hàm Rồng được bố trí như một đài quan sát, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt thu toàn bộ thị trấn Sa Pa vào tầm mắt của mình.
[/f2]
[f4]* Di chuyển từ Hà Nội đến Sapa
Tàu lửa
Tàu khởi hành tại ga Hà Nội lúc 21h00 và chỉ mất 9 tiếng sau là lên đến Lào Cai. Từ ga Lào Cai lên Sapa bằng ô tô mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Tàu từ Lào Cai về Hà Nội có ba chuyến mỗi ngày vào lúc 19h00, 20h50, và 21h10.
Xe bus
1. Sao Việt
Tại Hà Nội:789 Giải Phóng – Bến xe Mỹ Đình
Điện thoại: 04 399 651 12
Giờ xuất phát: 17:30, 18:00, 20:30 và 21:00
Tại Sapa:031 Xuân viên Sa pa.
Giờ xuất phát: 7:17 và 17:15
2. Việt bus
Địa chỉ: 284 Đường Giải Phóng – Hà Nội
Điện thoại: 043-627.27.27[/f4]
