Nam Du là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang) gồm 21 đảo lớn nhỏ được xếp đặt điệu nghệ dưới bàn tay của tạo hóa. Nam Du nằm dưới sự quản lý của 2 xã An Sơn và Nam Du, cách bờ biển Rạch Giá 65 hải lý. Quần đảo này mang nét đẹp hoang sơ, như một “thiên đường mới” thu hút rất nhiều bạn trẻ yêu du lịch. Nam Du được ví như là vịnh Hạ Long thứ hai của Việt Nam.

Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu đi từ Rạch Giá đến Nam Du kéo dài 5g đồng hồ, hành trình sẽ kéo dài cho đến khi bạn nhìn thấy một hòn đảo nổi lên giữa lòng dại dương xanh biếc có độ cao 300m so với mực nước biển và đó là Hòn Lớn. Không khi ở Nam Du khá yên tĩnh và thanh bình, cư dân nổi tiếng thân thiện và cởi mở. Nếu tham quan xong Hòn Lớn thì bạn có thể qua Hòn Mấu để khám phá, tại vì đến Nam Du là thường phải ở qua đêm mà khách sạn, nhà nghỉ phần lớn tập trung ở Hòn Mấu và Hòn Ngang. Hòn Mấu rộng khoảng 200ha, có một làng chài nhỏ, bãi biển được bao phủ bởi hàng dừa xanh mát rượt.
Nên đến Nam Du vào thời điểm nào?
Bạn có thể tới Nam Du bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên lý tưởng nhất là tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Thời gian này biển khá êm, dễ chịu hơn cho những ai bị say sóng.
Một số lưu ý cần biết
– Do nơi đây vẫn còn dùng máy phát điện, nên bạn cần sạc điện thoại và máy ảnh khi máy phát hoạt động lúc 17h – 22h.
– Nếu đến Nam Du từ tháng 1 đến cuối tháng 3, thời điểm khan hiếm nước ngọt, bạn nhớ tiết kiệm nước để chia sẻ với người dân. Trong những ngày này, có thể bạn phải mua nước ngọt với giá 6.000 đồng/50 lít để sinh hoạt.

[toggle title=”Làm sao đến đó”]
Từ TPHCM (hay các tỉnh khác) có thể đi xe khách tới TP Rạch Giá, giá vé khoảng 155.000 – 170.000 đồng/vé. Từ đây các bạn tiếp tục hành trình tới Nam Du. Để đến được Nam Du phương tiện duy nhất là tàu, giá vé khứ hồi khoảng 440.000 đồng/người. Lưu ý, nếu biển động từ cấp 6 trở lên, tàu không hoạt động.
Các hãng tàu đi đảo Nam Du:
Ngọc Thành (tàu cao tốc)
– Giờ xuất bến: Rạch Giá lúc 8h15 và Nam Du lúc 12h15
– Thời gian di chuyển: 2 tiếng
Sông Hồng (tàu cao tốc Helen, Goffrey)
– Giờ xuất bến: Rạch Giá lúc 8h10 và Nam Du lúc 12h10
– Thời gian di chuyển: 2 tiếng
Hồ Hải (tàu thường)
– Giờ xuất bến: Rạch Giá lúc 9h và Nam Du lúc 14h
– Thời gian di chuyển: 5 tiếng
– Điện thoại: 077 3863019.
Phương tiện di chuyển trên đảo Nam Du
Bạn có thể sử dụng xe máy, xe ôm và tàu để di chuyển trên đảo. Đối với xe máy, bạn có thể thuê xe ở các nhà nghỉ với giá dao động từ 150.000 – 200.000/ngày. Còn nếu muốn tham quan các hòn đảo lân cận, bạn nên thuê tàu để di chuyển.[/toggle]
[toggle title=”Chơi gì, xem gì”]
Hải đăng Nam Du: nằm trên đỉnh Hòn Lớn (Củ Tron) thuộc xã An Sơn. Đây được xem là ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam nhờ nằm ở đỉnh đồi cao hơn 300 mét so với mực nước biển.
Hòn Lớn: Đây được xem là bãi biển đẹp nhất trong quần đảo Nam Du. Những hàng dừa xanh nghiêng bóng, tuổi thọ có cây lên tới 70 – 80 năm. Đến đây, bạn có thể lặn bắt mực cá hoặc ngắm san hô đủ màu sắc. Bãi Cây Mến vắng người, nên bạn có thể tha hồ chơi đùa, tắm thỏa thích.

Hòn Mấu: rộng khoảng 200ha với hơn 120 hộ dân. Trong số 21 hòn đảo ở đây, tạo hóa lại hào phóng ban cho hòn đảo này những 5 bãi biển tuyệt đẹp. Trong đó, Bãi Chướng và Bãi Nam là 2 bãi cát trắng mịn hiếm có. Các bãi còn lại hầu hết đều rất sạch sẽ, cát trắng mịn và bãi lài.
Hòn Nồm: Là một trong 11 đảo có dân sinh sống, Hòn Nồm giữa hiện chỉ có duy nhất đại gia đình ông Dương Văn Sáu sinh sống. Hòn đảo được ông Vương Văn Kiều, cha ông sáu đến khai hoang và xây dựng từ năm 1960. Toàn đảo có diện tích khoảng 10 ha nhưng chỉ có 3 ha là có thể trồng trọt, phần diện tích còn lại hoàn toàn là núi đá.
Hòn Dầu: Giống với Hòn Lớn, bãi biển vẫn xanh ngắt và hàng dừa rì rào bên bờ. Hòn Dầu tương đối lớn so với các đảo khác, rừng nguyên sinh chiếm khoảng 90% diện tích. Gần bờ có rất nhiều rặng san hô đang phát triển, không đẹp như vùng nước sâu khác nhưng nước biển trong vắt và rất sạch.

Hòn Hai Bờ Đập: Là địa điểm thường được du khách chọn làm nơi tập trung cắm trại và dựng lều nghỉ đêm. Đây là địa điểm khá phù hợp để lặn, ngắm san hô, bắt nhum, câu cá, bơi lội.
Hòn Ngang: Hòn Ngang có bến cảng êm sóng nhất Nam Du nên thu hút hàng ngàn tàu thuyền, ghe xuồng và những lồng bè nuôi cá. Từ Hòn Lớn qua Hòn Ngang mất 30 phút đi đò, mỗi ngày có hai chuyến xuất bến lúc 7h và 15h hàng ngày.

Hòn Sơn (Hòn Sơn Rái, Lại Sơn): Nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, cách đất liền khoảng 60km, trên nền xanh thẳm của đại dương, Hòn Sơn (hòn Sơn Rái) hiện lên như một quả núi khổng lồ. Từ năm 1983, hòn đảo duyên dáng này được mang tên là Lại Sơn, một trong 4 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) diện tích 11,5 km2 với hơn 2.000 hộ sinh sống. Đến Hòn Sơn, du khách mới thấy hết cảnh sắc nên thơ, sự kết hợp hài hòa giữa biển – đảo với những giá trị nhân văn gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất nơi trập trùng sóng nước.
Bãi Ngự: Bãi Ngự nằm ở phía tây Củ Tron. Tương truyền trên đường qua Xiêm, vua Gia Long đã dừng lại đây nên khu vực này có tên là bãi Ngự. Mùa khô, bãi này vẫn đầy đủ nước ngọt trong khi các khu vực khác thiếu nước trầm trọng. Tại đây, vẫn còn một cái giếng luôn đầy nước. Người dân địa phương cho rằng giếng được đào khi vua đặt chân đến đây nên được đặt tên là giếng Vua.

Bãi Chệt: Theo dân gian truyền lại vào thế kỷ 16 trên đường ra Phú Quốc buôn bán, giữa đoàn tàu Hà Lan và người Trung Quốc đã xảy ra một trận ác chiến, mấy hôm sau có hàng trăm xác người Trung Quốc tấp vào bãi này, từ đó người dân gọi là Bãi Chệt.
Bãi Chướng: Bãi như một cái vịnh trông như một hồ nước khổng lồ bao bọc chung quanh là những hàng dừa có trên một đời tuổi người. Bãi cát chạy dài, nước có màu xanh lam trong vắt. Ra xa hàng chục mét vẫn còn thấy đáy.
Đồi Ma Thiên Lãnh: Đa số du khách đến đây đều muốn khám phá đồi Ma Thiên Lãnh, nơi lưu giữ khá nhiều huyền thoại. Đó là chuyện các nàng tiên thường giáng trần nơi đỉnh núi, gọi là sân tiên. Về sau, nơi đây có nhiều cây rừng, nhiều hang động thanh tịnh nên có nhiều đạo sĩ tìm đến ẩn tu. Trên đường đến Ma Thiên Lãnh hiện còn một tượng Phật lộ thiên và nhiều vết tích của người xưa ghi lại trên đá.
[/toggle]
[toggle title=”Ăn gì, Ở đâu”]
Ăn và uống
Mực trứng vừa câu hấp gừng: Mực trứng có thể làm món mực trứng chiên ớt, chiên xù xốt thơm, chiên bơ, nướng tương ớt hoặc sa tế… nhưng nổi bật nhất vẫn là mực trứng hấp gừng vì mùi vị ngọt của mực không bị mất mà dễ thực hiện, ăn lại không ngán.
Cá xanh xương nướng bẹ chuối: Cá xanh xương còn có tên là cá nhái, một loài cá biển, thân tròn và dài, mỏ nhọn giống như cá lìm kìm. Gọi là cá xanh xương vì da cá có màu xanh, khi nhìn vào thấy xương cá hiện lên màu xanh xanh.

Canh chua cá bớp: Vùng biển phía Tây của Kiên Giang khá nổi tiếng với nghề nuôi cá bớp lồng bé. Đây là loài cá có thân hình thoi dài, màu đen trông khá giống cá lóc. Canh chua cá bớp vùng này không giống canh chua ở đất liền. Canh chua cá bớp ở đây nấu với me tươi chung với sả bằm và nghệ đâm nhỏ. Để món ăn thêm phần hấp dẫn, người ta cho măng tươi hoặc măng chua vào.
Khô cá: Ở Nam Du mọi loại khô trên quần đảo Nam Du được người dân làm những con cá còn tươi nguyên và là một đặc sản khá thú vị với khách du lịch.
Sò điệp nướng mỡ hành: Sò điệp là một loại hải sản quen thuộc với phần cùi thịt trắng ngà thơm ngon mà không dai, thích hợp cho cả xào lẫn rang và là một trong những loại nguyên liệu thực phẩm để chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như: Sò điệp rang muối tiêu, sò điệp nướng mỡ hành, sò điệp hấp cuộn miến.
Lưu trú
Có 2 cách để qua đêm ở Nam Du là thuê nhà nghỉ hoặc nhà dân. Trên Hòn Lớn hiện tại có một số nhà nghỉ mở ra để phục vụ khách du lịch. Giá nhà nghỉ khoảng từ 150.000 – 200.000 đồng/đêm. Nếu muốn trải nghiệm hơn, bạn có thể thuê bãi và lều để ngủ, thích hợp nhất là Hòn Dầu, bởi ở đây có hàng dừa và bãi cát khá rộng.
[/toggle]
Tổng hợp và biên tập bởi: Tố Quyên, Hannah và Alex

Chia sẻ cảm nghĩ
Pingback/Trackback