Khi thức ăn trên bàn sạch xành xanh, cũng là lúc cả nhóm đã tràn trề năng lượng, sẳn sàng cho hành trình khám phá bản làng buổi chiều thẳng tiến. A.Chữ – cũng là một anh chàng bản địa đã đồng hành với nhóm trong chuyến leo Phan Xi Păng hôm trước, và hôm nay đã lội bộ từ bản xuống đây ăn trưa với bọn mình. A.Chữ cùng nhóm mình tiếp tục men theo cung đường Mường Hoa này đến với bản “Tả Van”.

“Tả Van” cũng nằm trong thung lũng Mường Hoa,.“Tả Van” có nghĩa là “vòng cung lớn”, nằm tựa lưng bên dãy Hoàng Liên Sơn, phía trước là con suối Mường Hoa uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang xòe ra như hình những cánh cung hòa vào thế núi. Đến với nơi đây, dường như những lo toan bộn bề cuộc sống đã tan biến, đến với nơi chỉ có mây núi, ruộng nương và những tiếng cười. Nếu có thời gian ở lại bản làng vài ngày, để cảm nhận trọn vẹn hơn cuộc sống yên bình, mộc mạc nơi đây, để hòa mình với hơi thở của núi rừng, thì có lẽ những nếp nhăn trên trán mình sẽ vơi đi phần nào mà không cần dùng đến công nghệ tái tạo da collagen.
Có vẻ như sự bao la xanh ngát của những thửa ruộng bậc thang trải dài quanh co bên những sườn núi hùng vĩ nơi đây đã tạo nên một cảnh sắc mê hoặc lòng người. Vì vậy mà dọc đường vào bản, mình thấy khá nhiều đoàn khách cả tây cả ta cũng đang tản bộ vào đây, rồi cũng không ít lần mình đã tròn xoe đôi mắt khi nghe các cô bé bản địa nói tiếng anh như gió hướng dẫn khách vào bản, bấy nhiêu thôi cũng đủ để mình cảm nhận được sức hút nơi đây.

Địa điểm tiếp theo bọn mình đến tham qua là “Bãi Đá Cổ”. “Bãi Đá Cổ” nằm bên dòng suối Mường Hoa. Trên những phiến đá, chạm khắc hoa văn đủ hình thù như: ruộng bậc thang, nhà sàn, chữ viết cổ, cảnh sinh hoạt, hình vuông, nét đứt,…Điều thú vị mình biết được là “Bãi Đá Cổ” do một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp – Vichto Gôlubép phát hiện vào năm 1925, sau đó nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã đến đây tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nhưng không rõ thực hư thế nào, cho đến nay vẫn chưa có lời giải mã chính thức nào được công bố. Còn đối với những người dân bản địa, “Đá Cổ” là “quyển sách” lớn nhất mà tổ tiên họ truyền lại với những câu truyện mang tính thần thoại.

Ánh ban chiều lúc nãy còn lấp ló bên lưng đồi, nhưng giờ đã phai rồi. Trong phút chốc, bóng chiều tà đã bao phủ cả cánh đồng, đã đến lúc chia tay bản làng, chia tay những nụ cười ngây ngô, hồn nhiên của các em nhỏ nơi núi đồi Tây Bắc, bọn mình phải quay về với phố phường nhộn nhịp, về với những lo toan bộ bề của cuộc sống.
Người về nhưng hồn tôi muốn ở, nên kịp ngoảnh đầu chụp lại bô hình những áng mây chiều lơ lững trên lưng đồi . Để rồi khi về với những lo toan bộn bề cuộc sống, lâu lâu lôi những tấm ảnh này ra xem lấy thêm chút tinh thần phấn chấn mà tự nhủ rằng: mình phải vượt qua những lo toan đời thường, để còn đi tiếp nữa, phía trước còn nhiều nẻo đường đang chờ chúng ta khám (nhưng không nên phá).
Trước khi gác phím, có chút kinh nghiệm mình muốn chia sẽ với hi vọng chuyến đi Sapa và bản làng của mọi người được trọn vẹn hơn. Bọn mình đi chuyến này vào cuối tháng 10, thời điểm này đa số lúa đã gặt hết rồi, nên ruộng bậc thang không đẹp lung linh, vàng óng ả như mong muốn. Nghe dân địa phương nói, tầm tháng 9, lúc này đang mùa lúa chín, cảnh sắc sẽ đẹp lung linh hơn.

Đi sapa mùa này rất đẹp, có tuyến rơi rồi 🙂