Tây Bắc

Một ngày lên bản “Sa Pa – Lao Chải – Tả Van” (Phần 1)

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:46 pm
Đã đăng: 09/11/2014 2:14 pm

Nghe giang hồ đồn đại đã lâu “Sa Pa Nơi Gặp Gỡ Đất Trời”, nay mình mới có dịp đến Sa Pa cùng nhóm bạn DU LỊCH BỤI. Nhóm bọn mình chỉ có một ngày để khám phá nơi đất trời giao thoa này, do đó cũng khá đắn đo để lựa chọn cung đường tham quan phù hợp với lịch trình một ngày. Sau nhiều giờ bàn luận sôi nổi trong buổi họp đêm, cuối cùng anh bầu ăn uống của nhóm quyết định gọi điện cho anh chàng H’Mông tên A.Trà nhờ tham vấn – người mà bọn mình đã quen khi leo Phan Xi Păng hôm trước.

A. Trà đã rủ bọn mình về thăm bản anh ấy ở – bản “Lao Chải ”. Nghe anh bản địa tư vấn: Lao Chải cách thị trấn Sa Pa khoảng 8 km, đi tiếp khoảng 4 km nữa thì tới “Tả Van”, và có thể ghé bãi “Đá Cổ”. Đi qua cung đường này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một con đường quanh co uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang xanh ngát tựa lưng bên dãy núi Hoàng Liên trùng trùng điệp điệp. Nghe đến đây thôi, khát vọng khám phá lại trào dâng, thế là cung đường “Lao Chải – Tả Van – Đá Cổ” cho ngày hôm sau được duyệt.

Buổi sáng mộng mơ ở thị trấn Sapa

Bắt đầu một ngày mới ở Sa Pa, bọn mình đi dạo quanh bờ hồ, rồi ra nhà thờ đá để hít thở khí trời se se lạnh, để hòa mình vào sự nhộn nhịp ở những khu chợ của đồng bào H’Mông và Dao. Sa Pa buổi sáng tinh mơ, có một vẻ đẹp rất là mơ hồ khó tả: trong không khí se se lạnh, một thị trấn nhỏ bao quanh một hồ nước trong xanh, bên cạnh những dãy núi nhấp nhô dưới những đám mây và sương mù mờ mờ ảo ảo.

Sau khi tận hưởng không khí trong lành của thị trấn mộng mơ này, tụi mình ghé vào chợ Sa Pa thưởng thức món bánh Cuốn gia truyền. Chỉ với 35 nghìn, bạn sẽ có ngay một đĩa bánh cuốn nóng hỏi vừa thổi vừa ăn. Món bánh cuốn ở đây có đặc trưng là không chan nước mắm vào ăn chung như bánh Cuốn ở Sài Gòn, mà có hẳn một chén nước chấm mặn ngọt hòa với đu đu ngâm chua và nem nướng, kế bên là rổ rau húng ăn kèm. Chu choa, nhắc tới là mình phát thèm, ực ực…

Nhà thờ Sapa – Ảnh: Sapasensetravel

Năng lượng đã nạp tràn trề đủ sức để bắt đầu khám phá, cả đám lượn tới những quầy bán quà lưu niệm: nào mũ thổ cẩm, nào khăn thổ cẩm, rồi nào là vòng đá mắt mèo,…nhìn thật xinh xinh, nếu muốn mua thì các bạn nhớ trả giá nhé, có trường hợp bọn mình trả nửa giá mà chủ cửa hàng vẫn vui vẻ bán, chắc là còn hô hố. Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người dân Sa Pa mà bọn mình từng tiếp xúc, thì những món hàng này thường là hàng nhập từ Trung Quôc, nếu muốn mua sản phẩm đan tay của đồng bào thì nên vào bản mua và giá khá đắt khoản vài trăm nghìn một bộ đồ thổ cẩm vì để đan hoàn chỉnh một bộ quần áo thường mất gần một năm. Khi các thành viên đã thõa mãn mong muốn tận hưởng không khí trong lành của thị trấn Sa Pa, lúc này cũng đã 9 giờ – Đã đến lúc xuất phát cho hành trình lên bản hôm nay. Về khách sạn nhận xe máy – giá thuê khoảng 100 nghìn/ xe/ ngày.

Vừa xuất phát chưa đầy 10 phút bọn mình đã gặp chướng ngại vật đầu tiên – mấy anh bồ câu áo vàng chiếu tướng xe mình. Anh bồ câu lịch sự yêu cầu kiểm tra giấy tờ, khổ nổi xe thuê thì lấy đâu ra giấy tờ để trình. Nhìn em cầm xế đang lúng túng, mình bấm bụng chắc đợt này ít nhất phải tốn 2 con gà đồi đây, nhưng chợt nhớ lại các kế sách thường dùng khi đối mặt các anh bồ câu nên liền tung chiêu.

– Chiêu thứ nhất “Hoãn binh” để đồng đội kịp bình tĩnh và phụ suy nghĩ kế tiếp theo.
– Đến chiêu thứ hai “Ngoan ngoãn, ngây ngô (cụ)”.

Chắc nghe mình lẽo nhẽo, lúc này anh bồ câu cũng đủ hiểu dây vào mấy đứa này thì nó sẽ lẽo nhẽo cho đến nhức đầu, nên anh ấy liền lên tiếng vờ thông cảm “Nếu xe thuê ở khách sạn thì không cần kiểm tra giấy tờ xe đâu. Cho anh xem giấy phép lái xe là được”. Phù!…cuối cùng nhóc cầm xế cũng móc ra được cái giấy phép lái xe, và bọn mình đã vượt qua chướng ngại đầu tiên mà vẫn bảo toàn mấy con gà đồi cho bữa trưa.

Cả nhóm tiếp tục bon bon men theo con đường Mường Hoa, bỏ lại sau lưng phố phường huyên náo của thị trấn Sa Pa, hướng tới một nơi yên bình chỉ có nắng gió, ruộng nương và núi đồi. Sau vài lần dừng lại hỏi thăm đường, dò GPS, cuối cùng tấm biển đề hàng chữ “Lao Chải – Tả Van” đã hiện ra trước mắt, tại đây bạn phải mua vé vào bản – vé 40 nghìn/ người.

Vừa qua khỏi biển chào “Lao Chải – Tả Van”, đập vào mắt mình là một cung đường quanh co lượn quanh những thửa ruộng bậc thang bát ngát tựa bên những sườn núi trùng trùng điệp điệp. Trước cảnh sắc tuyệt đẹp như thế này, thì không gì có thể cưỡng lại khát vọng khám (nhưng không) phá của tuổi trẻ chúng mình. Thế là cả đám đừng lại bên những đoạn đường đẹp nhất, ùa ra chiêm ngưỡng và tranh thủ chụp lại cảnh núi non hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Có lẽ hai mươi phút dành cho mỗi điểm dừng lại nơi đây vẫn chưa đủ làm thỏa mãn các tay máy, nhưng vì thời gian có hạn nên mọi người cố gắng hối thúc nhau tranh thủ đi tiếp để vào bản cho kịp lịch trình.

Những cụm nhà sàn thấp thoáng dưới thung lũng Mường Hoa – Nơi sinh sống của đồng bào H’Mông – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Lao Chải khi đến mùa – Ảnh: tasteofvietnam.vn

Tuy “Lao Chải” chỉ cách Sa Pa khoảng 8 km, nhưng bọn mình phải đi hơn hai giờ mới vượt qua được các trạm dừng cho các tay máy ngoại hạng tác nghiệp. Trước mắt là lối mòn rẻ vào bản “Lao Chải”, anh A.Trà hướng dẫn bọn mình để xe bên một thửa ruộng hoang vắng, để tiếp tục lội bộ lên những bờ đê, lối mòn vào nhà anh ấy. Còn anh bầu ăn uống của nhóm sẽ chở anh A.Trà đi ngược ra phố mua vài ve bia vào bản làm cho ấm cúng.

Sau hơn ba mươi phút men theo những lối mòn, bờ đê theo chỉ dẫn của A.Trà , đi đến ngã ba bọn mình bắt đầu bí đường. Tranh thủ trong lúc tạm dừng lại hỏi thăm đường, các tay máy lại tiếp tục chụp choẹt. Cuộc sống nơi đây đúng “chất” bản địa của người dân H’Mông và Dao: xung quanh là những thửa ruộng bậc thang bao la, bát ngát, xa xa thấp thoáng những cụm nhà sàn đơn sơ giản dị, dân bản địa lên nương hay ra phố đa số là cuốc bộ …đúng lúc này vợ A.Trà xuất hiện để đón bọn mình lên nhà – trên vai cô ấy điệu một em bé đang ngủ say, tay thì dắt một bé trai tầm 3 tuổi thoăn thoắt leo qua những bờ đê, lối mòn.

Lội bộ tiếp tầm 500 m, bầu sô đánh tiếng ngoại giao với vợ A.Trà
– Bầu sô: “Núi này là núi gì vậy chị?”
– Vợ A.Trà: “Núi này là núi ở trên rừng”

Cả nhóm được phen cười ngắc nghẽo với câu trả lời ngô nghê và đậm chân chất này. Đây là câu nói hay nhất – vui nhất trong tuần với sự bình chọn của nhóm mình. Đang lúc cười đùa vui vẻ, bỗng nghe “Bịch!”… một em gái đã vồ ếch may mà níu kịp mớ cỏ dại ven lối mòn, lại tiếp tục được một trận cười lăn cười bò…rồi lại nghe ”Bịch!”…cả đám bỗng im lặng trong vài giây – lần này đến lượt mình vồ ếch tại cái nương đê này, xuýt tí lọt ruộng, vợ A.Trà và một em trai phải hợp sức mới kéo mình lên được, này váy xúng xính, này giày búp bê bùn đất lắm lem. Thấy phía trước có vẽ là một chướng ngại vật khá khó khăn, bầu sô tiếp tục khai thác thông tin:
– Bầu sô: “Thế phải đi bao lâu nữa thì đến nhà A.Trà vậy chị?”
– Vợ A.Trà: “Đi khoảng 1 tiếng nữa nhưng phải đi nhanh như thế này, còn đi chậm như vậy thì mất hai tiếng”

Nghe đến đây, cả nhóm bắt đầu méo mặt, sau vài phút bàn bạc với nhiều lí do: hôm qua vừa leo Phan Xi Păng chân vẫn còn đau; mọi người trong nhóm không lường trước được đường đi trơn trợt gồ ghề nơi đây nên trang phục không phù hợp cho việc lội bộ, leo trèo; và cản trở lớn nhất là thời gian: 6:00 chiều nhóm phải trả phòng và xuất phát đi Hạ Long/ Hà Nội mà hiện tại đã hơn 12:00 H trưa,… balah..balah. Cuối cùng mọi người quyết định quay ra đường lớn và hủy kèo lên nhà A.Trà trong sự nuối tiếc. Xong, cũng không quên chụp lại vài tấm ảnh với A.Trà và các cô gái H’Mông nơi đây, coi như đây cũng là một kỷ niệm để đời khi lên nhà A.Trà.

Mù Cang Chải – Ảnh: vietnamholiday.travel

Hơn vài tiếng ngao du núi đồi Tây Bắc, sau vài cú chụp ếch cũng hơi mất năng lượng cho những pha cười ngắc nghẽo, giờ thì bụng đứa nào cũng bắt đầu rên ầm ĩ. A.Trà dắt bọn mình đi ngược ra đường lớn và ghé vào một quán ăn mà theo anh giới thiệu là ngon và luôn đông khách. Đúng như lời giới thiệu, khách ta, khách Tây cứ lần lượt kéo vào nên quán luôn kín bàn. Thức ăn ở đây thì không thể chê vào đâu được, giá cả cũng khá hợp lí, phong cảnh cũng hữu tình. Ngồi trong quán ăn, vừa nhìn ra con suối chảy róc rách, những nhà sàn thấp thoáng sau những nương ruộng xanh ngát, vừa thưởng thức những món ăn mang bản sắc núi đồi: này là heo bản nướng, này là gà đồi luộc, gà đồi nướng, thắng cố…đúng là núi đồi Tây Bắc đẹp mọi lúc mọi nơi trong cái nhìn của mình.


Trở lên Trên ▲

Chia sẻ cảm nghĩ

Thảo luận1

    Viết trả lời hoặc Bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

      Pingback/Trackback

    1. DU LỊCH BỤI - Một ngày lên bản “Sa Pa – Lao Chải – Tả Van” (Phần 2)06/04/2015