Có bạn nào hứng thú với Lễ hội Lửa không?! DU LỊCH BỤI xin giới thiệu 1 địa điểm du lịch ở Nhật Bản cực thú vị vào mùa hè mà DU LỊCH BỤI đã tham gia vào năm 2014, đó là Lễ hội Nachi Himatsuri (Lễ hội Lửa Nachi) là một trong 3 lễ hội lửa lớn nhất Nhật Bản, được tổ chức vào ngày 14/7 hàng năm. Lễ hội tổ chức ở khu vực thác Nachi, tỉnh Wakayama, Nhật Bản. Cách thành phố Osaka khoảng 3 đến 4 tiếng đi xe hoặc tàu điện.
Ý nghĩa của lễ hội
Hồi xửa hồi xưa, lúc Nhật Bản dưới thời Thiên Hoàng hiệu là Thần Vũ, tự dưng một ngày đẹp trời, ngài đã đem tôn dòng thác Nachi trên núi Nachi (hiện dòng thác này đã được ghi nhận là Di sản Thế giới) lên làm thần bảo hộ của ngài. Đến thời của Thiên Hoàng hiệu là Nhân Đức, ông xây tiếp đền thờ thờ các vị thần của thác Nachi trên núi Nachi (và đền thờ đó là khởi nguyên cho đền thờ Kumano Nachi ngày nay). Nói vui một chút là… Bắt các thần rời thác Nachi lên đền thờ Kumano Nachi ở để bảo vệ cho mình, cho nhân dân hoài, sợ các thần ngột ngạt, nhớ nhà nên mỗi năm 1 lần, các thần được… “thả” về thăm quê. Nói một cách khác, lễ hội chính là một “cuộc hành hương” của các vị thần. Và, lửa chính là cách để thanh tẩy tà ma, sự ô uế phàm tục trên con đường từ đền thờ xuống thác của các thần.
Ngày “về quê”, các thần thác sẽ lên những chiếc kiệu Mikoshi được thiết kế theo hình dáng của dòng thác, và sẽ được khiêng từ đền Kumano Nachi đến trước đền thờ dưới chân thác. Hình dưới là nghi thức các kiệu Mikoshi chở các thần đang được dựng lên trước đền Kumano Nachi.
LỊCH TRÌNH LỄ HỘI LỬA:
10:00 Các nghi thức dâng lễ vật diễn ra trong đền
11:00 Nghi thức múa Taiwa
Do các tiểu Miko – Pháp sư nhỏ tuổi và một số trẻ em khác múa
11:30 Nghi thức múa Nachi Denraku
Denraku là một loại hình múa dân gian, thể hiện văn hóa trồng lúa, rất phổ biến trong quần chúng dưới thời Kamakura, bắt đầu suy yếu từ thời Muromachi, ngày nay, Denraku chỉ còn được coi là một trong các nghi thức chốn đền thờ. Nachi là nơi duy nhất có Denraku được chính phủ Nhật Bản chỉ định là Tài sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
12:15 Nghi thức cấy lúa
Sẽ có 1 nhóm người giả dạng trâu, người cày, người làm, đi vòng quanh ruộng. Sau đó có một Điền trưởng vừa đi vòng quanh ruộng vừa hô to “Sennen bannen appare appare”, ý là cầu xin các vị thần phù hộ cho quanh năm được tươi tốt, thịnh vượng.
Nghi thức rước lửa diễn ra từ 14:00, sau khi xem xong nghi thức cấy lúa, tốt hơn hết là các bạn nên tranh thủ di chuyển xuống phía thác, kiếm chỗ nào gần ngay đường nơi diễn ra lễ hội lửa, ở đó ăn trưa, và… xí chỗ kẻo lát nữa đông người quá, không có chỗ nào để coi được cho nhiều, cho đẹp.
14:00 Lễ hội Lửa
Trước khi châm lửa vào các bó Daimatsu, sẽ có vài nghi thức cúng tế gì đó.
Trước khi các kiệu Mikoshi của các thần tới, người ta sẽ châm lửa vào các bó Daimatsu (nghe nói nặng 50kg), những người đàn ông khỏe mạnh trong vùng sẽ vác các bó lửa này chạy đi chạy lại, chạy lên chạy xuống, tạo thành 1 vòng trên con đường xuống thác. Ngọn lửa nhận từ thần linh sẽ thanh tẩy đi toàn bộ những điều phàm tục trên con đường các vị thần sẽ tới.
Người dân tới coi ai cũng có vẻ vô cùng hứng khởi, họ cùng hô hò cổ vũ cho những người vác bó lửa, không khí vô cùng náo nhiệt, đúng chất một lễ hội.
Sau khi khu vực đường xuống thác đã được những bó lửa lớn, sáng rực thanh tẩy, kiệu Mikoshi hình những con thác chở các vị thần được khênh xuống. Khi tới trước cổng đền thờ dưới chân thác, tất cả các kiệu dừng lại, tập trung ở đó, làm nghi thức giống như là chào mừng trở về nhà, rồi tất cả cùng tiến vào phía chân thác.
Nói nghe có vẻ mê tín nhưng… DU LỊCH BỤI đã có cơ hội đến đây 2 lần, và lần nào cũng vậy, luôn cảm giác bầu không khí nơi đây có cái gì đó rất linh thiêng, bí ẩn. Khi các kiệu Mikoshi được đưa xuống, cảm giác như cả cái không gian gió lộng đó như thuộc về một thế giới khác vậy, thấy tâm vô cùng tịnh. Có cảm giác chắc mấy bó lửa đó nó “thanh tẩy” mình luôn thì phải.
Sau đó, tại khu vực sân đền lại diễn ra một số nghi thức khác như “Nghi thức cấy lúa”,… Sau khi các nghi thức này kết thúc thì lễ hội cũng kết thúc.
Khi đến với núi Nachi, các bạn cũng nên dành thời gian để đi dạo trên con đường lên núi và đền thờ Kumano Nachi. Khung cảnh ở đây rất đẹp. Đặc biệt, DU LỊCH BỤI rất thích con đường cổ để leo lên núi, nó là một phần của con đường cổ đạo Kumano nổi tiếng.
Con đường cổ lên núi/ lên đền thờ Kumano Nachi. Đi dạo trong rừng, trong một thế giới các cây đại thụ, chắc chắn bạn sẽ thấy một cảm giác khác hẳn, trong lành, thần bí và kỳ hoặc.
Tháng 7, nhưng có lẽ do trên núi cao, lại ở vùng hay mưa nên trên núi Nachi lúc đó hoa Ajisai (Cẩm tú cầu) mới đang nở rộ, rất là đẹp nhé. Trên đường đi bạn cũng sẽ bắt gặp rất nhiều view đẹp, chụp hình đã luôn.
Đền thờ Kumano Nachi. Bên cạnh đó còn có đền thờ Quan Âm nữa. Nói chung, khuôn viên khu đền thờ khá là rộng. Từ đền Kumano Nachi sẽ có lối đi tắt xuống thác, các bạn cứ đi theo bảng chỉ dẫn là tới. Do là đường đá, khá nhấp nhô , hơi nguy hiểm chút nên các bạn cẩn thận nhé.
Thác Nachi nhìn từ xa lưng chừng, và nhìn từ chân thác.
Nếu bạn có chút may mắn sẽ có thể bắt gặp cầu vồng được tạo ra do nước của dòng thác chảy xuống. Phải nói là cực đẹp. DU LỊCH BỤI sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc khi mình được đứng cách cầu vòng chỉ… 2, 3m. Thật tuyệt vời!
Vùng này nổi tiếng với nghề đánh bắt. Món maguro ở đây cũng khá nổi tiếng, nếu có cơ hội thì các bạn ăn thử nhé. Giá cả thì… set này của mình là 1200 Yên thì phải.
Chú ý
Về phương tiện di chuyển, các bạn nên dùng Tokkyu đi cho lẹ. Chứ nếu dùng tàu thường thì… Wakayama rộng lắm lắm, về mấy vùng quê núi non hẻo lánh, 1 tiếng, có khi 2 tiếng mới có 1 chuyến tàu, mà nếu đổi tàu trễ 1 chuyến thôi là sẽ kéo theo cả 1 hệ lụy trễ tàu, sẽ mất cả ngày luôn. Và nếu mình nhớ không lầm thì chuyến Tokkyu cuối cùng về ga Tennoji sẽ xuất phát lúc 18:00 (tính từ ga Kiikatsuura), các bạn chú ý để tránh trễ tàu.
Theo DU LỊCH BỤI, nếu đã đến một nơi yên tịnh như núi Nachi thì nên bỏ thời gian ở đây 1 chút. Ít nhất là 2 ngày, 1 ngày tham quan núi chùa, 1 ngày tham gia lễ hội . Tất nhiên, các bạn có thể tiện đường ghé Shirahama, một vùng biển đẹp nổi tiếng của Nhật, bạn có thể tắm onsen hoặc tắm biển tùy thích, chỗ này cũng tương tự như Vũng Tàu của Việt Nam nhưng vào mùa nghỉ lễ chắc phải cả ngàn người tràn ra bãi biển và… ở đây khác Việt Nam ở chỗ bạn sẽ có rất nhiều cơ hội bắt gặp những cô gái Nhật Bản trong bộ bikini nóng bỏng đi qua đi lại lung tung thậm chí mặc bikini lên xe bus để di chuyển nữa!!