Miền Tây

Chuyến đi đến những vùng đất mới của miền tây sông nước

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 14/09/2018 8:43 pm
Đã đăng: 22/11/2015 2:19 pm

Những ngày trong tuần mưa da diết, cái kiểu mưa dai dẳng không chịu dứt, làm cả bọn thấy rầu rầu. Tay xách nách mang mà dính mưa ngay lúc đi thì không thể rầu nào hơn. Mà lòng đã quyết, lều đã thuê, công tác chuẩn bị đã xong, cả bọn quyết “mưa thì đội mưa mà đi”.

Ảnh: Ngọc Hơn

May mắn mỉm cười, chiều thứ 6, 17:30 ở cầu Ông Lớn, Nguyễn Văn Linh, cả bọn tập kết đầy đủ mà chưa thấy mưa đâu. Chúng tôi bắt đầu đi, 3 xe máy, 6 người, 6 balo cá nhân, 2 lều, 6 tấm cách nhiệt và 1 bộ máy chụp hình. Cồng kềnh phát sốt, vậy mà lúc đó chúng tôi chỉ cảm thấy hứng khởi…vác đồ.

Đi thẳng lên đường cao tốc Trung Lương, quẹo trái ngay trạm đèn giao thông cuối cùng trước khi đến trạm thu phí cao tốc, chúng tôi men theo con đường nhỏ song hành cao tốc để ra trung tâm Bến Lức. Trời tối đen như….(không biết so sánh với gì, thôi bỏ qua). Từ Bến Lức đi thẳng theo hướng tránh Tp.Tân An, đến đoạn ngã 4 có biển chỉ về Mộc Hóa, chúng tôi thẳng tiến. Con đường sao mà tối thế, sao mà nhiều tiếng dế, côn trùng ngoài ruộng. Ngồi sau, nhìn lên trời, tôi nhớ quê mình hồi còn đồng ruộng quá đỗi. Sao lấp lánh, gió mát (chắc do xế Huy bebe chạy lẹ quá), 1 hồi sau lạnh hẳn, chắc sương đã xuống. Đường miền tây ít có đèn, chỉ có ánh sáng từ các căn nhà hắc ra đường. Ở quê mà, 7h tối là đóng cửa rồi. Yên bình dữ lắm.

Đoạn sau trời đã tối hẳn, tôi cũng không rành đường, Lemth dắt đoàn đi thẳng tới cổng làng nổi Tân Lập, Long An. Chúng tôi cắm trại lại mái che của quán cafe đối diện khu du lịch này. Gió bờ sông vàm cỏ mát như sông Hàm Luông quê tôi vậy. Chắc sông miền tây nào cũng giống nhau. Lục bình trôi từ từ, phía xa hướng đông là cả 1 dãy cây….mà buổi sáng sớm tôi cứ ngỡ mình ở Hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. 20:34 chính xác vì tôi canh đồng hồ mà. Cô chủ quán dọn cho 2 con cá lóc nướng trui rồi gói giấy bạc còn ấm lắm. Một dĩa rắn bằm xúc bánh đa (hơi sai sai vì miền tây hình như hổng có món bánh đa), một nồi lẩu cá linh bông điên điển và cây bông súng cho 6 người ăn. Sau 1 hồi nài ép, hăm dọa, năn nỉ thì 6 đứa cũng không làm sạch được số cá linh. Phải nhờ bạn kiki chủ nhà xử lí nốt. Lều được dựng lên mà cả bầy chui ra võng, đong đưa cạnh bờ sông, dòm sao, dòm sông, hóng gió. Lúc này nghe thêm bài Dạ Cổ Hoài Lang, chắc mình buồn mà bỏ dìa quá.

Ảnh: Ngọc Hơn

Sáng hôm sau, 6h cả bầy tung mền, tung lều gấp lại, tắm gội, nấu mì ăn sáng với mớ bông điên điển còn dư tối qua. Tô mì với bông điên điển, về Sài Gòn tôi biết kiếm ở đâu?! Chúng tôi không vào thăm rừng tràm của Tân Lập, có lẽ đó sẽ là một chuyến đi khác.

Vòng đường ngược lại 1 chút, chúng tôi đi theo con đường đê bao, đẹp khôn siết. Miền tây bao la là vậy, nước nổi là vậy, gió mát hiền hòa, đồng ruộng nước mênh mông, các đầm sen dài ngút mắt. Dừng lại 1 đầm sen, xin phép anh chủ cho chụp vài tấm hình. Anh dặn dễ thương lắm “chụp thì chụp, đừng hái sen nha”. Cả bầy “dạ” thiệt lớn. Theo con đường này rồi đi lung tung nữa, chúng tôi tới Hồng Ngự, Đồng Tháp. Sau đó tiến thẳng về cửa khẩu Thường Phước. Đứng bên này là đất nước Việt Nam, ngó sang bên kia là nước bạn Campuchia. Cột mốc 240 hiện ra trước mắt. Nán lại cửa khẩu không lâu, chúng tôi tiếp tục qua phà Tân Châu, An Giang. Tiếp tục đi về phía phà Thanh Bình để về núi Sam, Châu Đốc. Hành trình còn xa, cũng đã quá trưa, chúng tôi dừng lại một chợ ăn trưa với hủ tiếu miền tây. 15 ngìn 1 tô, rẻ và ngon lắm, cái ngọt ngọt miền đồng bằng sông cửu long. Trong đoàn có Huy bebe là nghiện hủ tiếu miền tây, tới giờ ăn là cứ quýnh lên đi tìm hủ tiếu.

Ảnh: Ngọc Hơn

Trưa hôm đó, chúng tôi chạy xe lên núi Sam, dốc ghê lắm. Cứ chạy thôi, tới được nơi gửi xe, trải bạt ra, cả bầy nằm tán dóc được một lúc thôi. Lại xách máy ảnh đi tới đi lui, ngắm nhìn dãi ruộng lúa trãi dài màu vàng ươm của miền đất An Giang. Phía xa xa, những mãnh đất dường như vừa được vun xới lại là của nước bạn Campuchia. Khoảng 14h hơn, chúng tôi xuống núi đi về rừng Trà Sư. Được cái tôi không rành đường, thấy chữ Tịnh Biên quen quen, chạy tít theo hướng Tịnh Biên. Vậy là mất thêm một khoảng thời gian để quay xe trở về hướng Tri Tôn đi rừng Trà Sư. 16h chiều, tôi vào mua vé, chị bán vé bảo về trước 17h nhe em. Có vẻ, chuyến của chúng tôi là một trong những chuyến cuối cùng thăm rừng.

Ảnh: Ngọc Hơn

Đi xuồng máy vào thẳng rừng, vòng vèo 1 lúc, chúng tôi được đưa sang đi ghe chèo xuyên 1 phần rừng. Vì không còn thời gian, nên sau 1 hồi đi ghe chèo, chúng tôi tiếp tục lên xuồng máy chạy thẳng vào khu tham quan đài quan sát. Mỗi người 1 balo, ôm thêm 2 lều và máy ảnh, đoàn chúng tôi là cồng kềnh nhất. Vì đi trễ, chúng tôi không thể gửi lại hành lí, đành vác tất cả đi. Và…vác chừng ấy đồ chúng tôi đi 130m tới đài quan sát, leo lên những bậc thang.

Nếu là thường ngày thì không gọi là cao lắm, nhưng một ngày rong ruỗi gần kết thúc, leo chừng ấy bậc thang quả là thách thức. Như một sức mạnh… sợ bị bỏ lại nên chúng tôi leo rất nhanh, vác rất giỏi, lên và xuống chỉ trong 10-15 phút. Còn thời gian để uống trọn ly nước thốt nốt trộn đá. Trở về xuồng máy, chúng tôi là chuyến cuối cùng rời rừng, mặt trời đã lặn dưới các ngọn cây tràm. Lần này, xuồng đi thẳng cặp bìa rừng, không còn vòng vèo như lúc đi nữa. Bầu trời đang đổ màu của hoàng hôn, bầy cò đang bay hình chữ V trên đầu.Tiếc vì năm nay nước không nhiều, tiếc vì đi hơi trễ nên gấp gáp, bù lại chúng tôi có 1 hoàng hôn yên bình với rừng, trời và đàn cò ấy.

Ảnh: Ngọc Hơn

Rời khỏi rừng, lên xe, trở về núi Sam, tối lắm. Chạy ngang những hàng cây thốt nốt, tôi lia vội máy ảnh mong bắt được vài tấm hình. Đúng là bắt được vài tấm thật, chỉ là … nhòe cả rồi . Vậy là lỡ dịp chụp hoàng hôn bên rừng cọ. Tối nay, chúng tôi ăn tối và ngủ lại Châu Đốc, thuê được phòng bự thiệt bự với giá 250 nghìn 1 phòng. Một đêm thoải mái ngủ, nghỉ, dạo quanh Châu Đốc và chơi bài Uno. Miệt vườn đúng là lắm muỗi. Đi uống café, rau má mà chân không ngại nhảy vài điệu linh tinh. Vòng qua tượng cá basa (hem biết phải hem ), chụp các kiểu với các màu thay đổi, ngắm 1 chút bờ sông ban đêm. Kết thúc ngày thứ 2 của hành trình.

Ảnh: Ngọc Hơn

Sáng sớm chủ nhật, Lâm dậy sớm đi lễ, sẵn ghé chợ rinh về bịch bánh bò làm với đường thốt nốt. Vị bánh ngọt không quá gắt, lại có màu vàng sẫm, mùi của thốt nốt, ngon tuyệt vời ông mặt trời. Cả bọn sữa soạn xiêm y xong, ra chợ an sáng. Lại là hủ tiếu… rồi vòng vào chợ, lượn hết 1 vòng để ngắm nghía các loại mắm như mắm ba khía, mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm trộn sẵn,… ôi mắm là mắm. Món được bán nhiều thứ hai là đường thốt nốt và me thái. Đâu đâu cũng thấy me thái với 2-3 mức giá, đường thốt nốt ngập chợ. Tiếp tục tay xách nách mang, ôm mớ me và đường quay về phòng, chuẩn bị hành trình trở về.

Thẳng tiến hướng về Tri Tôn, chúng tôi vào một khu thốt nốt nhiều thật nhiều. Không biết được gọi là rừng chưa, nhưng với tôi thì vài chục cây thốt nốt là nhiều lắm rồi. Bên dưới là ruộng lúa vàng ươm, đường đê dài tắp, xen giữa những hàng thốt nốt sừng sững. Chiều tà ở đây chắc đẹp lắm. Sau một hồi lăn lê, bò trườn thiệt đã ở khu thốt nốt, chúng tôi tiếp tục đi về Hồ Tà Pạ, nơi chúng tôi dự tính cắm trại đêm thứ 7. Trên cao, nhìn những ruộng lúa nhỏ xinh vuông vứt dưới kia, xen những cây cọ, bụi cây, phía xa xa là núi và núi. Thả lòng theo gió, gió bay đi đâu thì đi, cái nắng và khung cảnh còn ở lại. Phía sau lưng là Hồ Tà Pạ, nước xanh màu ngọc có xen chút vàng của bờ hồ, chút trắng của cát. Mà… nước hồ chắc lạnh lắm, cũng có nghe có nhiều người rời xa cuộc sống ở hồ này.

Chúng tôi rời hồ sau chừng 1 giờ “nghiên cứu”. Đi ngược lại đường lúc đầu, để ghé điểm đến cuối cùng là chùa Hàng Còng. Tôi mở google map ra, tìm mãi không thấy chùa Hàng Còng ở đâu. Vậy là cả bầy đi hỏi người dân. Thì ra, vì có một hàng còng dài phía trước chùa nên người ta gọi là chùa Hàng Còng. Chùa này của người Khơme. Hàng còng quét vôi ở chân trắng xóa, mát rượi cả con đường. Hai bên là đồng lúa, gió mát. Những chiếc xe bò được người dân đánh vào hàng còng, xếp hàng chờ chở lúa từ đồng về. Giống như miền tây mà tôi biết cách đây hơn 20 năm, dùng xe trâu xe bò chở lúa mỗi vụ mùa.

Ảnh: Ngọc Hơn

Rời chùa Hàng Còng mà lòng còn tiếc cái gió mát, chúng tôi đi thẳng về hướng Long Xuyên. Tạt vào một quán ven đường. Chỉ một quán nhỏ đơn sơ mà sao món bánh canh ngon vậy, đậm đà và rẻ đến vậy. Suốt quảng đường đi, chúng tôi chỉ vào ăn và tính tiền, không cần hỏi giá. Món ăn ngon lành, giá cả rẻ ơi là rẻ, người bán dễ thương vô cùng. Đoạn cuối của hành trình là đi thẳng về hướng cầu Mỹ Thuận, rồi đi dọc đường cao tốc Trung Lương, theo ngõ ngách của người dân để ra Tân An, Long An. Chúng tôi ăn tối ở một quán nhỏ Tân An lúc 7h hơn. Theo lối cũ, về lại Sài Gòn. 21h hình như ai cũng đã về tới nhà.

Ảnh: Ngọc Hơn

Chuyến đi kết thúc. Hậu quả thì cũng có đó, vì mang vác quá nhiều, vai – lưng đều mỏi. Vì chạy xe quá nhiều, tay của xế cũng mỏi, mắt cũng cay cay. Nhưng chuyến đi đã kết thúc tốt đẹp. Thời tiết đẹp, vùng đất đẹp.

Miền tây mùa nước chưa nổi 2015.

Cám ơn tài trợ hình ảnh và dẫn đường của Lemth, các diễn viên quần chúng: Huy, Nguyên, Bình, Chi, Lâm và tui.

Nguồn: Ngọc Hơn
Miền Tây
272 lượt xem
Tìm hiểu
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Miền Tây
272 lượt xem
Tìm hiểu
Liên kết được đề xuất
Xem tất cả