" />

Cao bồi miền Tây

Bởi
Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:54 pm
Đã đăng: 07/08/2013 5:30 pm

Cao bồi miền Tây ngoài đời thực ra không hấp dẫn và phiêu lưu như trong phim ảnh hay tiểu thuyết. Họ chỉ đơn giản là những anh chàng chăn bò, đóng vai trò to lớn trong văn hóa miền viễn Tây xưa cũ. Thuở xa xưa, cao bồi – những người chăn bò là sợi dây dính kết cả miền viễn Tây lại. Cao bồi được thuê trông coi bầy đàn gia súc cho các chủ trại, thông thường là những bầy đàn lớn trong một diện rộng. Chăn nuôi gia súc từng là một nền công nghiệp lớn, bởi thế mà cao bồi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc mang đến một cuộc sống ổn định cho những vùng đất miền Tây nước Mỹ. Đời sống phong phú của những chàng cao bồi hình thành nên một nền văn hóa đặc trưng, mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt và trở thành một phần của linh hồn Mỹ.

Cao bồi miền viễn Tây

Nguồn gốc

Thuật ngữ “cowboy” xuất hiện lần đầu trong tiếng Anh vào khoảng năm 1715 – 1725, được dịch sang từ “vaquero” – một từ tiếng Tây Ban Nha để chỉ những người cưỡi ngựa coi sóc gia súc. Thuật ngữ Tây Ban Nha này có một lịch sử lâu dài và ra đời trước văn hóa cao bồi đến chừng vài thế kỷ. Dân gian cũng truyền miệng một câu chuyện đơn giản hơn. Từ cowboy được cho là hình thành từ đặc thù công việc của những chàng trai trẻ chăn gia súc, những người đòi hỏi nhiều thể lực và luôn bị ông chủ thúc giục những câu đại loại như “Fetch that Cow, Boy!” (“mang con bò kia lại đây nào chàng trai!”).

Phương thức dùng một người cưỡi ngựa để trông coi gia súc bắt nguồn từ Tây Ban Nha, sau khi được mang đến lãnh thổ Mesoameric trải dài qua nhiều vùng đất ở châu Mỹ, nó bắt đầu phát triển ở Mexico rồi nở rộ sau khi đến với miền Bắc nước Mỹ. Văn hóa cao bồi ở Mỹ hình thành vào khoảng giữ thế kỷ 17. Và cũng như nhiều nền văn hóa xưa khác, câu chuyện nguồn gốc về cao bồi cũng tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau. Thầy tu Eusebio Kino (1645-1711) từ vùng đất Pimería Alta (thuộc Mexico) ngày nay đặt chân đến California vào năm 1687, một cuộc viễn chinh vào năm 1769 và sau đó là cuộc khám phá của nhà thám hiểm người Mexico Juan Bautista de Anza (1736-1788) vào năm 1774 được cho là đã hình thành nên văn hóa cao bồi ở Mỹ. Họ được cho là những cao bồi đầu tiên của vùng đất ấy.

Một ý kiến khác lại cho rằng cao bồi xuất hiện ở Mỹ sớm hơn, và cái nôi của nó là Deep Hollow Ranch – trại gia súc cổ nhất ở hòn đảo Long Island (New York), ra đời năm 1658.

Cow Boy ở Mỹ, 1888

Phục trang

Người ta hay lầm tưởng về hình ảnh của cao bồi miền Tây xưa, và cho rằng chàng cao bồi nào cũng oai vệ như Buffalo Bill Cody (1846-1917) – cao bồi, chiến binh nổi tiếng nước Mỹ. Thực tế, cao bồi không giắt theo hai bao súng trong đó yên vị hai khẩu súng lục. Họ ăn vận đơn giản, tương đối giống với cao bồi thời nay. Quần áo của họ chỉ đơn thuần giúp họ chịu đựng được cái giá lạnh ở những vùng đồng bằng phía Tây. Điều đáng nhắc đến về cao bồi là đôi boot và chiếc mũ của họ.

Đã hàng trăm năm nay, bất cứ người cưỡi ngựa nào cũng chọn mang boot cao gót. Nó vừa minh chứng người mang nó là một tay đua, vừa thể hiện tính cao quý. Cao bồi bắt đầu sử dụng phổ biến boot cao gót từ thế kỷ thứ 20. Mũ cao bồi là hình ảnh có tính biểu tượng cao nhất đại diện cho miền Tây xưa cũ. Chiếc mũ là dấu hiệu của sức mạnh và sự lao động chăm chỉ. Mũ cao bồi đã có từ rất lâu, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 18 bởi công năng của nó thực sự rất quan trọng. Ngoài việc chống nắng, che mưa, nó còn là một phụ kiện để thu hút các cô gái. Và giá thành của nó thực sự không rẻ. Cách đây chừng một trăm năm, một chiếc mũ tốt có giá khoảng 15 USD. Ngày nay thì bạn phải bỏ khoảng 400 USD nếu muốn sở hữu một chiếc có chất lượng tương đương thế.

Cao bồi ở Texas ngày nay, trang phục không khác nhiều so với thế kỷ 19 (ảnh phía trên)

Cuộc sống

Hình ảnh cao bồi được tưởng tượng ra rất hấp dẫn trong mắt con người thời nay. Phim ảnh, truyền hình hay các tiểu thuyết đã dựng lên hình ảnh các anh chàng cowboy hấp dẫn, nhiều kỹ năng, tài giỏi và yêu thích phiêu lưu. Thế nhưng thực tế, cuộc đời họ không lúc nào cũng lấp lánh ánh sáng mê hoặc như thế. Phần lớn thời gian họ dành cho công việc, những công việc khó khăn chiếm tới 18 tiếng 1 ngày, bẩn thỉu và có phần nhàm chán. Họ không mạo hiểm, không phải chiến đấu. Vai trò to lớn của họ đa phần chỉ gói gọn trong việc ổn định ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc. Cao bồi là những người cô đơn. Hầu như chỉ có họ cùng với đàn gia súc trong một vùng đất rộng lớn. Sự cô lập ấy được thể hiện trong nhiều ca khúc và câu thơ buồn bã của cao bồi.

Một đôi boot của cao bồi những năm 1920 có gắn đinh thúc ngựa, trang trí khá cầu kỳ

Rodeo – Cuộc đua tài của những người chăn bò

Có thể vì thế mà cuộc đua tài ra đời, nhằm khích lệ tinh thần và sự cứng rắn của những người chăn bò cô đơn. Nhiều cuộc đua đã xuất hiện không chính thức từ những năm 1820s-1830s nhưng chính thức được tổ chức lần đầu vào năm 1872. Cuối thế kỷ 19 đầu 20 là thời kỳ nở rộ nhất, cũng là thời điểm nổi lên của nhiều tên tuổi nổi tiếng như Buffalo Bill CodyAnnie Oakley. Một sự kiện chuyên nghiệp thông thường gồm các môn thi chính: quăng dây bắt bê, nhảy bắt nai, cưỡi ngựa không yên, cưỡi bò tót, cưỡi ngựa chạy theo mô hình cỏ ba lá.

Rodeo gặp phải hàng loạt những phản đối của các tổ chức bảo vệ động vật và nhân quyền. Ngành công nghiệp rodeo từ đó đã không ngừng cải tiến và đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc chăm sóc và bảo đảm an toàn cho gia súc và đấu thủ tham gia cuộc thi. Nhiều nơi đã cấm hoặc hạn chế các lễ hội rodeo, thế nhưng hàng năm vẫn có tới hàng nghìn cuộc thi rodeo được tổ chức trên khắp thế giới. Rodeo ngày nay phổ biến nhất ở CanadaMỹ.

Màn cưỡi bò tót trong một cuộc thi ở Texas

Một đội Cowboy đua chuyên nghiệp ngày nay

Nguồn: NuocMy.Net
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả