Bến Tre là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều địa điểm thú vị để du lịch với những vườn cây ăn trái, di tích lịch sử và văn hóa, những bãi biển đậm chất phù sa rất đặc trưng của miền tây và đặc biệt là lịch sử. Bến Tre là một trong những địa danh có phong cảnh đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên đổ ra Biển Động, chia Bến Tre thành 3 cù lao lớn: Cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa.

Bên cạnh đó Bến Tre còn có bãi ngao, những khu làm muối và đặc biệt là dừa xanh rì. Đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy tàu lá dừa đua đưa trong gió. Để thấy một cuộc sống bình dị, cuộc sống thanh bình, những dòng sông mát mẻ và các nghề truyền thống thì Bến Tre là điểm đến lý tưởng cho bạn.
[f1]Chơi gì, xem gì[/f1][f2]
Sân chim Vàm Hồ: Sân chim nằm trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn vô cùng phong phú với khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ khác nhau, đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám…; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo…; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn…

Vườn trái cây Cái Mơn – Chợ Lách: Chợ Lách là “quê hương” xứ trái cây của Bến Tre, là một trong vài nơi gọi là “cái nôi” trái cây Nam bộ, và là vùng nhân giống cây ăn quả lớn nhất cả nước. Vì vậy, du lịch nơi đây cũng không kém phần hấp dẫn, nhất là du lịch sinh thái. Men theo Quốc lộ 57 từ Mỏ Cày đi lên, du khách dễ bắt gặp những điểm du lịch, chỉ ghé qua một lần thôi cũng đủ tạo nên một dấu ấn trong lòng khó phai mờ. Cái Mơn được xem là vương quốc trái cây và cả hoa kiểng, bonsai. Hằng năm, vùng đất này thu hút rất nhiều lượt khách đến tham quan, nhất là những dịp Bến Tre tổ chức lễ hội trái cây ngon, an toàn (thường là vào 5/5 âm lịch – Tết Đoan Ngọ).

Cồn Quy: Đây là một cồn đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Bến Tre 22km đường sông. Trên cồn là các khu vườn trái cây với đủ loại như nhãn, bưởi, chôm chôm,… Bạn sẽ được tận hưởng cảm giác đi thuyền trên sông, ngắm nhìn những bụi dừa nước đặc trưng xứ này, ghé vào các khu vườn và tận thưởng vị thơm ngon của các loại trái cây thiên nhiên miền sông nước.

Cồn Phụng: Cồn có diện tích 50 ha, người dân sinh sống bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và trồng cây ăn trái. Bạn có thể đến đây bằng xuồng máy thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa…, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.

Làng nghề truyền thống: “Bánh Tráng Mỹ Lồng, Bánh Phồng Sơn Đốc”. Về với Sơn Đốc, Giồng Trôm, bạn sẽ thấy một khu vực chuyên sản xuất bánh phồng. Đây là loại bánh truyền thống lâu đời ở Bến Tre, đến Bến Tre chưa ăn qua bánh phồng quả là một thiếu sót. Ngày xưa, người dân làm bánh thủ công bằng những chiếc cối lớn và dùng sức người để nhào/nện nếp. Ngày nay, máy móc đã được thay thế khá nhiều khâu, riêng khâu cán bánh vẫn còn được duy trì khá nhiều. Để trải nghiệm tất cả công đoạn là nên chiếc bánh phồng, bạn hãy đến với Sơn Đốc, Giồng Trôm vào tháng 11 hay tháng chạp âm lịch. Đây là mùa làm bánh và nếu tết thì nhà nhà ở thôn quê đều đãi khách bằng món bánh phồng nướng thơm lừng, giòn tan với vị ngọt.
Làng nghề dệt chiếu: ở An Hiệp, huyện Châu Thành hình thành từ lâu đời. Nơi đây nhộn nhịp nhất vào những tháng trước tết âm lịch. Tết đến, mỗi nhà đều muốn thay chiếu mới đón chào một năm nhiều may mắn. Nhiều du khách thích thú thử dệt chiếu với thợ dệt nơi đây. Lối dệt thủ công với những khung gỗ vẫn còn tồn tại ở làng nghề này.
Nhà Thờ La Mã, Hưng Nhượng, Giồng Trôm: Ngày nay, Đức Mẹ La Mã Bến Tre là trung tâm hành hương thứ ba của Giáo hội Việt Nam, sau Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Trà Kiệu, được nhà nước Việt Nam công nhận. Trung tâm thánh địa là Nhà thờ La Mã Bến Tre với chiều dài 35m, chiều ngang 16m và tháp chuông cao 19m.

Các điểm tham quan khác
Cồn Ốc, Cồn Tiên, Hội Tôn cổ tự, Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu, Khu lăng mộ Phan Thanh Giản, Chùa Tuyên Linh, Làng du kích Đồng Khởi, Bãi biển Thới Thuận…
Ngoài ra, Bến Tre có khu đất rộng để cung cấp hoa tết và cây cảnh cho khu vực đồng bằng sông cửa long. Nơi tập trung chủ yếu là các xã Vĩnh Thành, Cái Mơn, Vĩnh Hòa, Phú Sơn và Long Thới, huyện Chợ Lách.

Lễ hội lớn tại Bến Tre
Có hai lễ hội lớn ở Bến Tre là hội đình Phú Lễ và Lễ hội nghinh Ông.
– Đình Phú Lễ: ở ấp Phú Khương xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Hàng năm lễ hội đình Phú Lễ diễn ra 2 lần: lễ Kỳ Yên vào ngày 18, ngày 19 tháng 3 âm lịch để cầu cho mưa thuận, gió hòa và lễ Cầu Bông vào ngày 9, ngày 10 tháng 11 âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội có rước sắc thần, lễ tế Thành Hoàng, người đã có công khai khẩn giúp dân trồng trọt. Đêm có hát bội và ca nhạc tài tử.
– Lễ hội nghinh Ông: là lễ hội phổ biến của các làng ven biển của Việt Nam, trong đó có Bến Tre. Hàng năm vào các ngày 16/6 âm lịch tại các đình đền hay miếu của các xã thuộc huyện Bình Đại, huyện Ba Tri, mở lế hội này. Trong ngày hội tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung neo đậu để tế lễ, vui chơi và ăn uống. Hầu như cả tỉnh Bến Tre điều đổ dồn về xem lễ hội Nghinh Ông hằng năm. Nghinh Ông là nghinh một loài cá voi. Người dân biển tin rằng loài cá này giúp người dân biển khi gặp nạn nên ho rất biết ơn và không đánh bắt hay ăn loài cá này.

– Những năm gần đây, Bến Tre còn có Lễ hội dừa. Được tổ chức qua các năm: 2009, 2010, 2012, 2015. Đến với lễ hội, bạn sẽ thấy được các tác phẩm nghệ thuật từ dừa. Những chiếc bình từ gỗ dừa láng bóng, những chiếc giỏ từ gáo dừa, rượu dừa, thảm sơ dừa, bình trà, ly tách, lược chải tóc và nhiều sản phẩm gia dụng từ dừa. Đây cũng là dịp các nghệ nhân trưng bày các giống dừa mới, những cây kiểng được uống lượn, nhiều loại trái cây, kẹo bánh mứt từ dừa. Ban đêm là chương trình văn nghệ, những bài hát về Bến Tre, về đồng bằng sông Cửu Long sẽ đưa khách đến gần hơn với cái tình của Bến Tre (Xem thêm: http://lehoiduabentre.vn)

– Chợ hoa dịp tết âm lịch: là nơi không thể bỏ qua khi đến Bến Tre. Đọc suốt con đường gần bờ sông của thành phố Bến Tre, bắt đầu từ giữa tháng chạp âm lịch, tàu ghe chở hoa đổ xô về con đường này. Cảnh hoa tràn ngập các ghe, xuống dưới bên. Người người bưng bê lên bờ tấp nập. Các loại hoa chủ yếu là vạn thọ, bông giấy, mồng gà, ớt kiểng, hoa lan, cây quýt/tắc kiểng, …..Những chậu hoa sặc sỡ sắc màu làm vàng cả con đường hơn 1km. Những loài hoa mộc mạc, mang nhiều may mắn cho một năm mới.
[/f2]
[f1]Ăn gì, ngủ đâu[/f1][f2]
Ăn uống
Bánh dừa Giồng Luông: được làm từ nếp sáp, dẻo và thơm cộng vớinước cốt dừa, không quá khô và quá non. Bánh dừa đa dạng với nhiều loại bánh khác nhau như: bánh dừa đậu xanh, bánh dừa chuối, bánh dừa nước tro, bánh dừa đậu đen,..
Sầu riêng Cái Mơn: Cơm sầu riêng màu trắng ngà hoặc màu mỡ gà bọc quanh hạt. Cơm dày,ngọt, béo, thơm. Chất béo của cơm sầu riêng gợi cho người ăn như cái béo của bơ hay sữa.

Bánh xèo ốc gạo: là bánh xèo xứ dừa nên bột làm bánh xèo cũng pha bắng nước cốt dừa béo ngậy. đây là món ăn phổ biến của Bến Tre vào ngày Tết Đoan Ngọ.
Ốc Gạo Phú Đa: Phú Đa là “quê hương” của vô số ốc gạo, ngon không nơi nào ở ĐBSCL sánh được, nhất là khi vào mùa – trước và sau Tết Đoan ngọ. Vỏ ốc gạo Phú Đa có màu vàng xanh, ruột vàng nên ăn ngọt, béo, giòn, có vị thơm là nhờ được sống trong lòng sông Cổ Chiên hiền hòa và thơ mộng, nước ngọt quanh năm, đáy sông.
Bánh phồng nướng: Hãy nhớ thử miếng bánh phồng nướng của Sơn Đốc. Các loại kẹo chuối cuộn bánh tráng đã được nướng giòn, thêm đậu phộng rất được ưa thích. Mua chút kẹo dừa sữa, dừa dứa vê làm quà để thấy cái ngọt ngào của miền tây. Bánh phồng sữa mềm mỏng, ngọt lịm.

Nước dừa: Quả dừa có nước ngọt mát và thoang thoảng mùi lá dừa dìu dịu. Mua thêm trái dừa sáp về để có ly sinh tố dừa ngon tuyệt. Dù rằng nguồn gốc của dừa dứa và dừa sáp không phải là Bến Tre, nhưng đã đến xứ dừa thì ngại gì mà không thử loại trái ngọt ngào này. Ngoài ra, Bến Tre còn có dừa lửa, dừa tam quan, dừa xiêm và dừa chùm (dừa dâu). Dừa chùm là loại dừa nhỏ nhất, một người có thể ăn gần chục trái, nước đặc biệt ngọt và một có khoảng vài chục đến cả trăm trái. Nếu có đủ thời gian, bạn hãy thử qua đủ các loại để so sánh vị ngọt của chúng nhé.


Dừa nước: Loại này được trồng ở bờ sông, kênh, rạch. Thông thường dừa nước ít được bày bán nhiều vì nguồn cung không đủ. Nếu có dịp đến nhà dân, bạn có thể nhờ họ tìm ít dừa nước để dùng thử.
Đuông dừa: là món đặc sản nhưng cũng đầy thử thách, không phải ai cũng dám thử loài động vật này. Đuông dừa còn sống bỏ vào nước mắm. Khi ăn, đuông sẽ còn ngọ ngậy trong miệng, thật là thách thức phải không ?! Đuông dừa sống trong đọt non của dừa (củ hủ dừa). Vì vậy, đuông dừa trắng nõn, béo và sạch. Nhưng cây dừa nào có đuông thì chắc chắn cây sẽ chết. Vì vậy đuông dừa khá hiếm và hiện đang bị cấm nuôi ở Bến Tre. Việc cấm này để tránh rủi ro cho vườn dừa của bà con.
Các loại bánh khác ở Bến Tre: Bánh xèo, các loại bánh ở chợ quê như bánh da lợn – bánh bò – bánh rau mơ – bánh sung – bánh ú – bánh cúng – bánh ít – bánh tét. Đi chợ quê sáng sớm, bạn sẽ dễ dàng mua các loại bánh này để thưởng thức.
Bánh canh bột: sắt với thịt vịt hay tép đều ngon cả. Bột sau khi nhào mịn, được đắp mỏng vòng quanh 1 cái chai thủy tinh sạch. Chủ quán sẽ dùng dao, cắt thật nhanh thật đều những cọng bột bánh canh vào nồi nước lèo đang sôi. Cứ thế đến khi hết bột. Ăn với thịt vịt luộc hay tép luộc chung với nước lèo. Vừa điêu luyện vừa ngon ngọt. Thường bánh canh chỉ được bán vào buổi sáng ở các quán ven đường hoặc chợ.

Chuối đập: khá khó tìm, thường chỉ bán ở những hàng gánh rong ngoài lề đường. Chuối được lựa chọn phải là chuối xiêm vỏ còn xanh vừa chuyển vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Nếu lựa chuối chín quá thì nướng lên bị nhão, không ngon. Sau khi bóc vỏ, chuối được cắt lát cho vào túi ni lông đập dẹt rồi cho lên bếp nướng đến khi chuyển sàng màu vàng óng và dậy mùi thơm. Chuối nướng được chấm cùng với nước cốt dừa đặc quánh, là món ăn lót dạ mỗi buổi chiều rất thú vị.

Các món ăn khác: mắm tép trộn đu đủ chin, chấm với cá chiên, tép ram với nước cốt dừa, thịt heo kho tàu với nước dừa xiêm.
Lưu trú
Có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn cho bạn lựa chọn, từ cao cấp đến bình dân, giá khoảng 100.000 đến 500.000 đồng. Du lịch phượt xuống tỉnh Bến Tre thường chỉ dừng chân tại đây để tham quan rồi tiến về trung tâm thành phố tìm nhà nghỉ hoặc khách sạn: dao động từ 150.000 đến 750.000 đồng/phòng đôi.
[/f2]
[f3]
[/f3]
[f4]
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đến các phòng vé ở bến xe Miền Tây để mua, giá vé dao động từ 80.000 – 120.000 đồng. Thời gian đi mất khoảng 1,5 đến 2 tiếng.
Nếu là người thích khám phá những cung đường, bạn có thể đi bằng xe máy theo quốc lộ 1A đến thành phố Mỹ Tho, hỏi đường đến cầu Rạch Miễu, qua cầu rẽ phải là bạn đã ở trung tâm thành phố Bến Tre. Bến phà Rạch Miễu cách Mỹ Tho khoảng 10 km về phía bắc của Bến Tre (phà giãn cách 20phút/chuyến và chạy liên tục suốt 24 giờ), vì vậy nếu không có phương tiện di chuyển, bạn có thể thuê xe ôm để đưa bạn đến trung tâm thành phố.
Ngoài ra còn có một tuyến phà khác nối tỉnh Vĩnh Long đến phía tây bắc của hòn đảo này, bạn có thể đón phương tiện giao thông công cộng để khám phá Bến Tre ví dụ như tuyến xe buýt số 8 từ bến phà này đến trugn tâm thành phố. Hình như nó thường xuyên hoạt động, lộ trình khoảng 25.000 đồng cho chuyến đi suốt 2tiếng đồng hồ. Bạn sẽ tiếp tục cần một xe taxi (hoặc xe ôm tầm 20.000 đồng cho 10phút di chuyển). Hãy lưu ý khi đến Bến Tre, xe buýt chỉ dừng ở trạm xe buýt bên ngoài bến thay vì vào bên trong bến. Có vẻ như tốt nhất là nên dừng lại ở chỗ vòng xuyến sau hai cây cầu lớn và cửa hàng Mắt kính Điện Biên Phủ rồi đi xe ôm tầm 15-20k để đến được trung tâm.
[/f4]
Tổng hợp và biên tập bởi: Quốc Thái, Hannah, Alex và Ngọc Hơn

Chia sẻ cảm nghĩ
Pingback/Trackback