" />

Cá Ông và những câu chuyện huyền thoại

Bởi
Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:45 pm
Đã đăng: 22/01/2015 10:08 am

Cá Ông hay cá voi từ xưa đã được xem là một vị thần đi biển đầy quyền lực đối với ngư dân Việt Nam. Ngoài ra, Cá Ông còn có một tên gọi uy quyền khác đó là thần Nam Hải. Tục thờ Cá Ông xuất phát từ văn hoá của người Chăm, họ xem Cá Ông giống như một vị thần của cả một vùng biển Đông rộng lớn. Riêng đối với người Việt và người Hoa, sở dĩ Cá Ông còn có một tên gọi là thần Nam Hải vì người dân của những vùng này tin rằng Cá Ông là sự hiện thân của của chiếc áo choàng mà phật Quan Âm Nam Hải quăng xuống biển để cứu vớt dân chài đang mắc nạn trên biển.

Hàng năm, người dân chài lấy ngày Cá Ông trôi vào bờ để làm giỗ cúng, gọi là ngày “Ông luỵ”. 3-4 năm sau khi chôn cất thì họ phải làm tục “cải táng” khi mà xương cốt rã ra đưa vào hôm và mang vào trong lăng lớn thờ chung.

Cá Ông bị mắc cạn hay còn gọi là “Ông luỵ” – Ảnh: Báo Lao Động

Anh Phụng (Trung tâm huấn luyện thuyền buồm Malta ở Mũi Né) kể rằng: “Người nào tìm thấy xác Cá Ông bị trôi dạt vào biển thì phải có nhiệm vụ mai táng, chôn cất và phải để tang 3 năm như ông bà, cha mẹ người thân trong gia đình, sau đó ngư dân phải lập một đền hoặc miếu thờ tại nơi Cá Ông chết”. Tục lệ này đã có từ thời vua Gia Long do ông cũng gắn liền với một sự tích về Cá Ông.

Còn theo lời chị Hoàng, nhân viên khu resort Full Moon ở Mũi Né kể rằng: “Ngày xưa khi vua Gia Long bị giặc đuổi theo đến một bàu nước không còn đường thoát, ông mới quỳ xuống thành khẩn cầu van ông trời xin một đường thoát thân, dường như thiên nhiên nghe thấy lời cầu xin ấy từ vua nên đã cho nổi lên một đụn cát chia bàu nước thành hai phần, sau này được gọi là Bàu Ông – Bàu Bà, ông chạy theo đụn cát đó để qua bờ bên kia, đồng thời có một con cá to lớn nổi lên để chặn đường giặc giúp ông thoát thân, người ta cho rằng Cá Ông đã hiện lên để giúp người.”

Lễ chôn cất Cá Ông được diễn ra nghiêm trang với đầy đủ thủ tục cúng tế như người lớn trong gia đình – Ảnh: Báo Người Lao Động

Bên cạnh đó, nhân gian cũng lưu truyền về câu chuyện ngư dân đánh cá trên biển sâu bị nạn, thành khẩn cầu nguyện sẽ có Cá Ông xuất hiện kè theo mạn tàu để đưa tàu vào bờ an toàn

Sự thật và khoa học

Việc Cá Ông cứu giúp ngư dân miền biển đã trở thành một nét văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá miền biển nói riêng, tuy nhiên theo khoa học thì có một lời giải thích khác cho rằng khi sóng to gió lớn, việc Cá Ông bị đẩy vào bờ là chuyện bình thường của quy luật tự nhiên, cá voi bơi theo những vật thể trên biển, cụ thể là tàu thuyền, cọ sát để các các con cá ép theo thân mình rơi ra, phải chăng hai sự việc này diễn ra song song khiến người ta nghĩ rằng mình đã được Cá Ông cứu sống.

Một số đền thờ Cá Ông nổi tiếng

Có rất nhiều đền thờ Cá Ông được lập ra dọc miền đất nước, ở mỗi nơi Cá Ông mắc cạn và chết đi người ta đều lập đền thờ ở đó, nhiều nơi nổi tiếng đã trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng.

1. Đình Vạn Thuỷ Tú

Địa chỉ: Đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết.

Là nơi thờ cúng bộ xương Cá Ông lớn nhất ở Đông Nam Á dài 22m nặng 65 tấn , được xây dựng từ năm 1762. Từ xưa đến nay, ngôi đình này đã chứa gần 100 bộ xương cá voi lớn nhỏ khác nhau, gần một nửa trong số đó có niên đại từ 100 – 150 năm. Năm 1996 Đình Vạn Thuỷ Tú đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Giá vé tham quan trẻ em là 5.000 và người lớn là 10.000

Bộ xương Cá Ông trong Đình Vạn Thuỷ Tú ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận – Ảnh: Zoujournal

2. Nghĩa địa Cá Ông

Phan Thiết được biết đến là nơi có xương Cá Ông khổng lồ thì Bà Rịa – Vũng Tàu lại được biết đến là nơi có mật độ chôn cất cá ông dày đặc nhất ở khu vực Nam Bộ. Nghĩa địa này nằm ở làng chài Phước Hải gần sát bờ biển Lộc An, được người dân nơi đây xây dựng nghiêm trang và thờ cúng từ năm 1999.

3. Ngư Linh Miếu

Địa chỉ: Thôn Đông Cảng, xã Canh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Là nơi thờ cúng 2 Cá Ông trôi dạt vào vùng đất này từ đầu thế kỷ XIX, bên trong có 2 bộ xương khổng lồ với những chiếc xương sườn cao từ 4-5m, ngoài Cá Ông thì các loài cá khác như cá hổ, cá heo,..bị mắc cạn cũng được chôn cất sau vài năm thì được đưa vào đền thờ cúng chung

(Tham khảo: Wikipedia)

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *