" />

10 món ăn đường phố ngon nhất Việt Nam

Bởi
Đặc sản, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:49 pm
Đã đăng: 24/05/2014 12:55 pm

Việt Nam không chỉ nổi tiếng bởi những danh lam thắng cảnh đẹp đến nức lòng mà còn được bạn bè thế giới biết đến như một xứ sở ẩm thực độc đáo, không kể đến những nhà hàng sang trọng, chỉ những món ăn đường phố bên dưới cũng đủ để vẽ nên một bức tranh ẩm thực đầy màu sắc và quyến lòng người đi.

1. Phở bò

Có thể nói phở đã trở thành món ăn phổ biến nhất nhì tại Việt Nam và một có chỗ đứng nhất định trong danh sách những món ăn đường phố ngon nhất trên Thế Giới. Có nguồn gốc từ phía Bắc nhưng phở đã có mặt ở miền Nam đã từ rất lâu, theo thời gian mà phở cũng mang hai hương vị Bắc – Nam với hương vị khác nhau, theo một số người sành ăn ở Sài Gòn thì phở còn có nhiều biến thể khác nhau nhưng nhìn chung sẽ giống nhau về hương vị. Nguyên liệu chính của món ăn này gồm có: thịt bò, bánh phở và nước dùng, các gia vị thêm vào thường có tương đen, tương ớt, chanh,…dùng kèm với rau ngò gai, rau quế, giá,…

Phở bò Việt Nam – Ảnh: Mc Cormick Gourmet

2. Cơm tấm

Là một món ăn đặc sản của miền Nam Việt Nam. Cơm tấm được nấu từ hạt gạo tấm, gạo tấm chính là hạt mầm nhỏ nằm ở đầu bằng khoảng 1/10 hạt gạo, trong quá trình xay giã, hột mầm này rơi ra cùng với thứ bột mịn gọi là cám. Phải dùng 3 thứ sàng khác nhau để tách 3 thứ: gạo, tấm, cám này ra để sử dụng. Ngày xưa, gạo tấm được sử dụng để cho gà ăn, trừ khi túng thiếu thì mới dùng cho người, nhưng ngày nay gạo tấm đã trở thành món ăn dành cho cả nhưng nơi cao cấp. Cơm tấm thường ăn kèm với sườn nướng, bì, chả, trứng ốpla. Nước chấm làm từ nước mắm dùng với đồ chua làm từ cà rốt, đu đủ,…

Cơm tấm sườn bì chả – Ảnh: V&V Booking

3. Xôi

Nếu nói chuyện về những món ăn sáng đơn giản nhưng cung cấp đầy đủ năng lượng thì phải nói đến xôi. Tương tự như phở, xôi cũng mang hai phong cách Bắc – Nam khác nhau, một dẫn chứng cụ thể là xôi bắp của miền bắc rất khác so với xôi bắp của miền Nam. Riêng món xôi với hai vị mặn, ngọt là đã có vô vàn “phiên bản” khác nhau cho bạn lựa chọn. Xôi ngọt thì có xôi lá cẩm, xôi gấc ăn với đậu xanh nghiền, đường, mỡ hành, dừa nào, đậu phộng. Xôi mặn thì nấu với nếp, có lạp xưởng, chà bông, chả lụa, trứng cút, nước tương.

Xôi mặn – Ảnh: Vienamese street food

4. Bánh mì

Cùng với phở bò thì bánh mì là một món ăn không chỉ người dân bản địa mà hầu như du khách nào đến Việt Nam cũng biết hoặc thử qua. Bánh mì dồn thường có thịt, cá hộp, chả, hành ngò, pate gan, đồ chua,…Quê hương của bánh mì là nước Pháp, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, bánh mì đã được chế biến lại trở thành một đặc trưng ẩm thực. Món ăn bình dân này thường bày bán vào buổi sáng và buổi tối vì giá thành phù hợp nên đây là bữa ăn quen thuộc của phần lớn sinh viên, học sinh hoặc người dân lao động.

Bánh mì ốp la – Ảnh: Net Space

5. Bún

Từ bún có thể làm ra được rất nhiều món ăn với tên gọi khác nhau như bún thịt nướng, bún riêu, bún chả giò,…nhưng để chia làm hai loại cơ bản là loại bún dùng với nước dùng như bún riêu và loại bún khô như bún thịt nướng. Còn một món bún nữa không thể không nhắc đến đó là bún bò đến từ Huế hay còn gọi là Bún bò Huế, hương vị đậm đà hoà quyện tạo nên một món ăn rất Huế không lẫn vào đâu được.

Bún riêu cua – Ảnh: Cajun Island

6. Bánh cuốn

Một lần nữa, đây cũng lại là món ăn được chế biến theo hai phong cách Bắc – Nam. Miền Bắc là bánh cuốn có nhân thịt còn miền Nam chỉ dùng phần bánh làm từ bột gạo gọi là bánh ướt. Cả hai món này đều dùng với nước mắm chua ngọt, chả lụa, chả giò, hành phi, giá, rau thái nhỏ. Ở Sài Gòn nổi tiếng có Bánh cuốn Tây Hồ trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1.

Bánh cuốn nhân thịt – Ảnh: Pho411

7. Gỏi đu đủ

Đây là món ăn nhẹ khá phổ biến trong giới học sinh – sinh viên hay thậm chí là nhân viên văn phòng. Hương vị gỏi khô bò ngày nay có lẽ đã khác xo với ngày xưa nhưng nhìn chung vẫn được chế biến từ những nguyên liệu cơ bản nhất là đu đủ sống ngâm chua, tôm, thịt luộc, gan hay phổi bò đen, đậu phộng và loại nước sốt đặc biệt.

Gỏi đu đủ tôm thịt – Ảnh: Girl Cooks World

8. Bánh canh

Là một loại bún sợi to làm từ bột gạo. Miền Nam thì có bánh canh giò heo, bánh canh cua. Miền Trung thì nổi tiếng với bánh canh cá lóc, rau chuối. Ngoài ra, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long còn có một loại bánh canh ngọt là bánh canh nước dừa khá lạ miệng. Món này là món ăn sáng hoặc ăn tối đều phù hợp, thêm vào nước dùng một ít tiêu, hành, tỏi và vài giọt chanh là bạn đã có thể thưởng thức một tô bánh canh ngon lành cành đào.

Bánh canh – Ảnh: Gourmet By Kat

9. Mì

Món ăn này có nguồn gốc xua xưa từ Trung Hoa nhưng hàng trăm năm trước đã có trong thực đơn của người Việt Nam. Mì dùng với nước hầm từ xương heo, ăn với thịt heo thái mỏng, xá xíu, tôm, thịt gà hoặc hải sản. Ngoài ra còn có hủ tíu mì bình dân quen thuộc vào mỗi buổi sáng hay chiều tối rất dễ tìm ở các khu dân cư

Mì vịt tiềm – Ảnh: Vietnamese soul food

10. Gỏi cuốn

Để làm được món ăn này không quá khó, sử dụng một miếng bánh tráng, một lớp rau, giá, bún, rồi tới thịt luộc và tôm luộc, cuộn lại rồi ăn với sốt tương đen. Món ăn này không gây ngán mà còn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, một phiên bản khác của gỏi cuốn đó là bò bía, cũng dùng bánh tráng để cuộn nhưng nhân thì có củ sắn, trứng, lạp xưởng và ruốc.

Gỏi cuốn – Ảnh: Eat noodles love noodles

(Độc quyền từ Viet Street Food)

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả