Trung Đông

Trên vùng đất Sinbad

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:48 pm
Đã đăng: 28/06/2014 5:00 pm

Một người Bedouin rảo bước nhanh với hai chú dê be bé được ôm mỗi bên cánh tay, ông vội vã vì phiên chợ sắp bắt đầu. Phía dưới những bóng cây chà là, những người lớn tuổi ngồi xếp hàng chờ phiên đấu giá khai mạc. Người mua kẻ bán cùng với những đoàn gia súc tạo thành âm thanh náo nhiệt khi chợ phiên cuối tuần diễn ra vào ngày thứ sáu ở thành phố Nizwa (Vương quốc Oman).

Allied, anh bạn tài xế đồng hành cùng tôi đi từ thủ đô Muscat đến Nizwa, tăng tốc độ lên 150km/g trên những con đường cao tốc phẳng lỳ quanh co trong sa mạc để tôi kịp dự phiên chợ buổi sáng. Theo Allied, phiên chợ cuối tuần ở Nizwa rất đặc biệt bởi ở đó còn lưu giữ hình ảnh sinh hoạt thường nhật của người Oman trong quá khứ, nhất là ở phiên chợ dê.

Chợ phiên gia súc cuối tuần

Nizwa từng là kinh đô của vương quốc Oman từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 7, nằm cách thủ đô Muscat khoảng 170km. Những thành trì pháo đài vững chắc nằm trên những ngọn núi cao trên sa mạc là chứng tích lịch sử bảo vệ cố đô trước những cuộc tấn công của kẻ thù. Nizwa còn được gọi là “thành phố pháo đài”.

Thủ đô Muscat nằm dọc theo biển Ấn Độ Dương, do vậy người ta áp dụng công nghệ lọc nước biển thành nước sinh hoạt. Còn ở cố đô Nizwa, nguồn nước sinh hoạt lấy từ đâu? Tôi quay sang hỏi Allied. Thay cho câu trả lời, Allied cho xe chạy lên núi cao để đi vào trung tâm phố. Nhìn từ trên núi cao, Nizwa nằm lọt thỏm trong một thung lũng cát vàng.

Đến lúc này thì tôi mới được Allied kể cho biết người Oman đã xây dựng hệ thống dẫn nước cách đây vài ngàn năm. Những hàng cây chà là xanh tươi nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy lợi lâu đời, và Nizwa như một ốc đảo mát dịu giữa không khí oi bức của sa mạc bao quanh. Nizwa nổi tiếng khắp vùng Dhakhiliya về mứt chà là.

Từ trên cao, Nizwa như một ốc đảo xinh tươi nằm trong sa mạc.

Oman từng là vùng đất của người Ba Tư trước khi các vị vua Hồi đến đây. Hồi giáo được áp đặt và trở thành quốc đạo của Oman. Những phiên chợ Ba Tư nhộn nhịp, tìm ở đâu? Rất may, ở Nizwa, vào mỗi thứ sáu hàng tuần lại có phiên chợ đấu giá gia súc và làm nên sự khác biệt với các phiên chợ khác trong Vương quốc Oman.

Tôi bước qua cổng chào cổ kính để đi vào những con hẻm hun hút sâu chạy dài phía bên trong những bức tường thành rêu phong (mà người bản địa hay gọi là medina). Hương thơm từ hạt nhựa Frankincen lan tỏa từ các chậu bukhor đặt trước các quầy hàng, quấn lấy nhau trong những làn khói bay lên không trung. Mùi trầm của chúng tạo thành hương thơm rất riêng của những quốc gia còn giữ lại những nét văn hóa đậm chất Hồi giáo Ba Tư.

Một nhóm phụ nữ ghé qua những quầy hàng may mặc ngắm nghía, họ bận chiếc áo chùng dài abaya và khăn choàng mặt hijab. Trong khi đó, Allied dẫn tôi đi đến khu chợ đấu giá đàn gia súc nằm tách rời với phần còn lại của chợ, được bao bọc bởi những hàng rào được thiết kế cẩn thận cho từng đàn gia súc khác nhau giữa một khuôn viên rộng lớn.

Nizwa vẫn giữ lại cho mình những phiên chợ dê cuối tuần (thứ 6).

Một số quý ông mặc áo chùng dài dishdasha nút cài được thắt bím thả dài ở bên trái và chiếc nón trên đầu kummah, họ í ới trả giá, hòa lẫn vào âm thanh của những đàn gia súc tạo nên sự sôi động khác thường. Tôi thích các ngôi chợ ở các thành phố ở Oman bởi người mua và bán đều bận đồ truyền thống tạo thành nét đặc trưng rất đáng yêu.

Allied cho tôi biết, người Oman thường sử dụng thịt cừu, bò, dê và gà trong các bữa ăn hàng ngày, trong đó thịt dê là đặc sản (giá cả giảm dần của các loại thịt theo thứ tự: dê, cừu, bò và thịt gà). Người Oman đánh giá sự giàu có giữa các gia đình bằng cách xem gia chủ dùng những loại thịt nào để thết đãi trong các buổi tiệc lớn, trọng đại.

Trước đây, khi chưa bùng nổ ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, người Oman quen sống với nghề nuôi ngọc trai và nghề chăn nuôi gia súc, du canh du cư trên sa mạc. Khi dầu mỏ được khai thác, đem lại chính sách phúc lợi chu đáo cho toàn xã hội, nhiều gia đình đã bỏ nghề chăn nuôi khá vất vả.

Những tia sáng lọt khẽ qua những tán lá cây chà là làm chợ gia súc như sáng lên và rộn ràng hơn trong ngày mới. Một người Bedouin rảo bước nhanh với hai chú dê be bé được ôm mỗi bên cánh tay, ông vội vã vì phiên chợ sắp bắt đầu. Phía dưới những bóng cây chà là, những người lớn tuổi ngồi xếp hàng chờ phiên đấu giá khai mạc.

Tiếng chuông gõ vang lên từ trưởng ban và ai đó dõng dạc đưa ra cái giá đầu tiên cho đàn cừu, đàn dê hay đàn bò. Phiên chợ càng về cuối càng sôi động khi giá được đẩy cao dần. Người thắng cuộc nở nụ cười hể hả, trong khi người thua bước đến bắt tay chúc mừng…

Di sản văn hóa: hệ thống dẫn nước Falaj

Nằm giữa trục đường thương mại từ Salalah – một tỉnh miền Nam – đến các thành phố khác ở Oman, thành phố Nizwa còn được gọi bằng một cái tên trìu mến: “Ngọc trai của vùng đất hòa bình”. Hơn 3.000 năm về trước, hệ thống tưới tiêu phục vụ cho nông nghiệp ở Nizwa đã được người Oman hoàn thiện và đó cũng là là lý do giải thích tại sao nơi đây được chọn làm kinh đô và là trung tâm văn hóa nghệ thuật của Vương quốc Oman trong suốt hai thế kỷ.

Allied đưa tôi đến điểm tham quan hệ thống dẫn nước nằm ở thị trấn Daris cách trung tâm Nizwa khoảng 4 km. Falaj là tên gọi chung của người Oman khi nói về hệ thống dẫn nước. Từ “Falaj” là cách đọc trại của từ “Qanat” của người Ba Tư, có nghĩa “giếng nước”. Qanat được người Ba Tư khai lập và áp dụng trong việc dẫn nước để phục vụ nông nghiệp trong sa mạc hay tiểu vùng bán sa mạc, và được xây dựng khá nhiều từ tiểu lục địa Ấn Độ sang đến khu vực Bắc Phi.

Hệ thống Falaj ở Oman được xác định có từ thế kỷ 1 trước công nguyên, gồm 3 khu vực chính: Dawoodi, Ghaili và Ayni. Trong đó hệ thống dẫn nước Dawoodi là dài nhất, sâu nhất và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Falaj Daris nằm trong hệ thống Falaj Dawoodi. Dòng nước trong veo, lượn lờ chảy theo những hệ thống kênh đào được xây dựng bằng các loại đá tổ ong cũ kỹ rêu phong. Đàn cá tung tăng bơi lội, không một ai được phép bắt cá vì người Oman rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Dọc theo hệ thống kênh đào là những cây chà là được trồng dày đặc. Hình ảnh xanh mát ấy khiến cho tôi quên khuấy mình đang đi trong vùng sa mạc.

Hệ thống dẫn nước ở Oman có từ thế kỷ 1. Di sản văn hóa thế giới bởi UNESCO.

Falaj Daris gồm hai nhánh dẫn nước chính: nhánh lớn dài 1.700m và sâu khoảng 10m, nhánh nhỏ dài khoảng 1.900m với độ sâu khoảng 3m. Nguồn nước được lấy từ các hồ chứa nước nằm trong sa mạc trắng (Wadi Al Abyad).

Người Ba Tư cổ biết tận dụng nguồn nước mưa đã từ lâu đời: họ thiết lập những máng dẫn nước mưa đưa vào các hồ chứa được tạo thành trong lòng núi để dự trữ. Ngoài ra, họ còn sử dụng nguồn nước ngầm dưới sâu lòng đất bằng cách đào giếng để tích trữ.

Để dẫn nước đi xa, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, người Ba Tư xây dựng hệ thống kênh đào theo phương pháp chảy tràn tự nhiên từ cao đến thấp.

Hệ thống này được lắp ghép bằng những khối đá tổ ong nhằm bảo đảm sự chắc chắn và lâu bền. Nối những kênh đào lớn là hệ thống kênh đào nhỏ hơn được gọi là kaziz. Giữa qanat (falaj) và kaziz, người Ba Tư cổ đặt những chiếc đồng hồ nước để đếm thời gian cung cấp nước cho một cánh đồng nào đó. Đó là chiếc bát hay chiếc cốc được làm bằng đồng, đục lỗ tính lượng nước ra vào.

Tôi mải mê ngắm đôi bàn tay của mình ngâm trong dòng nước trong veo, lành lạnh đang chảy dài miên man mà tôi không biết đâu là điểm kết thúc. Phía xa xa, ở những đoạn sâu đến 10m, có những đứa trẻ trần truồng đang háo hức nô đùa, nhảy xuống dòng kênh đào để tắm.

Allied cho tôi biết hệ thống dẫn nước được đưa đến rất nhiều nông trại trồng chà là. Có ít nhất 40 giống chà là được trồng ở Nizwa, mà vì vậy Nizwa còn được gọi là “thành phố của cây chà là”.

Pháo đài Nizwa – di sản văn hóa thế giới bởi UNESCO.

Cái nắng rực lửa của sa mạc tạo nên một hiện tượng ảo giác: mặt đường nhựa quanh co có những lúc trông giống như dầu loang chảy tràn phía trước. Allied kể cho tôi nghe ký ức tuổi thơ khi cùng bố mẹ đến Nizwa, anh cũng lầm tưởng như vậy. Chuyến đi tuổi thơ ấy, Allied vẫn giữ lại cho mình trong chuỗi ký ức hình ảnh đáng yêu về người Oman trong những phiên chợ cuối tuần đang ngày càng vắng dần nơi các thành phố lớn.

Bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng kêu be be của những chú dê bướng bỉnh, lăng xăng trong buổi sáng của chợ phiên…

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên Nguyệt San PL.TPHCM, số tháng 06/2014)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả