Châu Á

Maldives: Thiên đường rộng mở

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 20/02/2024 11:50 pm
Đã đăng: 16/11/2014 9:00 am

Thiên đường biển Maldives trong suy nghĩ của nhiều người vẫn là nơi dành cho những kẻ lắm của nhiều tiền du hí. Đó là trước đây còn hiện nay thì ít tiền vẫn hưởng thụ được thiên đường này. Thật ra, thiên đường Maldives chỉ mới rộng mở với khách du lịch bình dân từ 2009, khi chính quyền cho phép người dân mở nhà nghỉ và các dịch vụ kèm theo. Tuy là các dịch vụ bình dân nhưng những người làm dịch vụ ở Maldives đều rất chuyên nghiệp do có nền tảng từ dịch vụ ở các resort đắt tiền. Chúng tôi đi nhóm 10 người hành trình TPHCM – Singapore – Male và ngược lại trong vòng 5 ngày với chi phí 700USD/người. Rẻ hông?

Đội trai xinh gái đẹp

Chọn thời điểm

Maldives có 2 mùa du lịch. Cao điểm từ tháng 11 đến tháng 4, trời không mưa, biển đẹp. Đi mùa cao điểm thì chịu giá cao hơn và phải chuẩn bị kỹ hơn vì những nơi rẻ và đẹp khả năng full dịch vụ khá cao.

Chọn hãng hàng không

Có khá ít lựa chọn để bay từ TPHCM đi Male. Chúng tôi chọn TigerAir vì đây là hãng hàng không giá rẻ duy nhất hiện nay có chuyến nối đi Male từ TPHCM. Giá vé lẻ khuyến mãi là 361USD (đã bao gồm tất cả các loại thuế). Chúng tôi đặt vé đoàn cho 10 người giá 364USD/vé do cộng thêm dịch vụ Tigerconnect, một dịch vụ mà chúng tôi không hề sử dụng nhưng bị ép phải mua combo trong vé.

Ưu điểm của TigerAir là giá rẻ. Khuyết điểm là phải transite 2 đêm ở Singapore. TigerAir 1 tuần có 4 chuyến từ Singapore đi Male và ngược lại. Một hãng khác có giá cũng thấp nhưng chúng tôi không chọn vì yếu tim là Malaysia Airlines.

Chọn chỗ ở

Người ta nói đi Maldives thì phải ở resort và đi thủy phi cơ thì mới tận hưởng được vẻ đẹp của đảo quốc này. Điều này hoàn toàn đúng vì Maldives nhìn từ trên cao rất kiều diễm và những bãi biển đẹp nhất, những rặng san hô đẹp nhất đều nằm trên các đảo có resort. Với túi tiền có hạn, chúng tôi không thể đu bám nổi nên đành chọn cách trải nghiệm rẻ hơn: ở nhà nghỉ và ra resort chơi cho biết.

Maldives có nhiều đảo có nhà nghỉ. Chúng tôi chọn đảo Maafushi vì 2 lý do:

  1. Có thể đi đến và về bằng phà công cộng với giờ phù hợp với chuyến bay.
  2. Đảo có nhiều nhà nghỉ với giá phòng và giá dịch vụ cạnh tranh.
Holiday Lodge Maldives
Nhân viên Holiday Lodge Maldives đưa đón khách tận bến phà

Chúng tôi ở tại Holiday Lodge Maldives với giá 36USD/phòng đôi/ngày (đã bao gồm tất cả các loại thuế và phí). Đây là giá chúng tôi deal trực tiếp với nhà nghỉ. Các bạn có thể đặt nhà nghỉ này trên agoda và booking.com với giá cao hơn một chút. Nhà nghỉ đẹp, sạch sẽ. Nhân viên phục vụ tận tình và chuyên nghiệp. Nhà nghỉ giá rẻ mà chất lượng phục vụ không kém gì resort 5 sao.

Hành trình

Trưa thứ Bảy, chúng tôi khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Singapore. Tham quan Energy Tree, coi Water Show ở Marina Bay và Công viên Sealion rồi đi Gaylang ăn cháo ếch rồi đón taxi ra sân bay ngủ.

Chi phí di chuyển bằng MRT ở Singapore (sử dụng thẻ EZ) 3SGD, taxi 7SGD, cháo ếch 10SGD

Sáng Chủ nhật bay đi Maldives. Từ sân bay (sân bay nằm trên đảo Hulhumale) đón phà qua Male.

Phà từ sân bay qua Male. Chiếc có sọc xanh là phà nhanh.

Phà từ Hulhumale sang Male có 2 loại – loại thường và loại tốc hành. Phà thường 15 phút có 1 chuyến giá 10 Rupiah. Thời gian di chuyển chỉ mất 15 phút. Chính vì vậy không cần phải sử dụng dịch vụ phà tốc hành (giá cao gấp đôi).

Ăn trưa ở Male. Gần Airport ferry terminal có nhiều quán ăn. Giá phổ biến khoảng 4USD-8USD/phần. Thức ăn cũng đa dạng, có đủ loại Ấn, Thái, Tàu. Chúng tôi ăn buffet trưa tại nhà hàng Citron (by Lemongrass) giá 120 Rupiah/người và được giảm giá 5%. Dù là nhà hàng Thái nhưng hoàn toàn không có hương vị Thái mà khẩu vị các món gần với thức ăn Ấn Độ.

Món ăn khẩu vị Ấn
Buffet giá rẻ và có nhiều món

Taxi ở Male đồng giá 25 Rupiah/chuyến/4 khách đến bất kỳ điểm nào. Điều kiện là khách không có hành lý. Khách có hành lý thì phải đi theo giá thỏa thuận 4-5USD/chuyến. Chúng tôi chọn xe tải giá 70 Rupiah cho 10 người. Tuy nhiên, chuyến về từ Villingili ferry terminal đi Airport ferry terminal chúng tôi phải trả 8USD vì không xe nào chịu giá cũ. Tham quan Male bằng “xe mui trần” cũng là một trải nghiệm thú vị.

Buffet giá rẻ và có nhiều món
Sinh hoạt của người già ở Male

Maldives có khoảng 1.200 đảo tuy nhiên chỉ có vài chục đảo lớn có người dân địa phương sinh sống, các đảo còn lại thì đa số chỉ có 1 resort hoặc nhiều lắm là 2-3 resort. Một số đảo nhỏ xíu hoặc bãi cát thì không có người ở. Các resort thường có dịch vụ tàu thuyền đón khách thẳng từ sân bay. Để đến một số khách sạn xa, khách phải đi thủy phi cơ với giá từ 300USD trở lên cho hành trình khứ hồi. Maldives có hệ thống phà công cộng nối Male và các đảo lớn. Đây là dịch vụ dành cho người dân địa phương nên không thuận lợi lắm cho du khách. Mỗi ngày thường chỉ có 1 chuyến đi và về từ các đảo. Phà công cộng không hoạt động vào Thứ Sáu hàng tuần. Từ Male đi Maafushi có phà công cộng và phà địa phương. Phà công cộng thì ghé qua đảo Ghili trước khi đến Maafushi thời gian đi mất 1h45 giá 2USD/vé nhưng mua 2 vé thì chỉ 3USD. Phà địa phương giá 2USD/vé thời gian đi chỉ 1h25 do chạy thẳng. Lúc đi chúng tôi chọn phà công cộng vì rộng rãi, lúc về chúng tôi chọn phà địa phương vì nhanh hơn.

Maafushi là một đảo nhỏ. Đi bộ từ đầu đến cuối đảo chỉ mất 10 phút. Đảo có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Thức ăn địa phương cũng Maafushi khẩu vị khá trung tính, gia vị vừa phải. Tuy nhiên, sự vừa phải này dễ gây ngán. Giá 1 bữa ăn trưa hoặc ăn tối dưới mọi hình thức gọi món, buffet hay BBQ đều khoảng 10-12USD/người. Đồ lưu niệm thì không phong phú và giá hơi mắc một chút so với Singapore hay Thái Lan.

Biểu tượng của đảo Maafushi
Phụ nữ rất ít khi xuất hiện nơi công cộng. Họ thường thấp thoáng nơi đầu ngõ…

Maafushi có bãi tắm công cộng và bãi tắm riêng (public beach và private beach). Private beach thì được mặc bikini. Trên đảo cũng có vài góc chụp hình đẹp điển hình của Maldives như bãi cát trắng, cây dừa đổ… và dĩ nhiên là bầu trời xanh ngắt.

Maafushi có nhiều góc chụp hình đẹp
Quán ăn lãng mạn bên bờ biển

Ngoài buổi chiều đầu tiên sau di chuyển đến Maafushi và nhận phòng, chúng tôi có 2 ngày trọn vẹn để đi chơi. Chúng tôi dành 1 ngày đi resort và 1 ngày đi snorkerling và sandbank. Chúng tôi chọn như vậy vì trong nhóm có 2 cặp đi chụp ảnh cưới.

Một số resort ở Maldives ở cửa bán dịch vụ daytour cho khách không ở trong resort đến sử dụng các dịch vụ của mình. Dịch vụ cũng nhiều gói khác nhau như: phí vào cửa vui chơi, vui chơi và ăn trưa, vui chơi – ăn trưa và massage. Giá dao động từ 20USD đến 200USD. Lưu ý là ngoài giá vào resort còn phải trả thêm phí vận chuyển. Resort càng xa, phí vận chuyển càng mắc. Chúng tôi chọn resort Fihaalhohi với giá tàu 40USD/người và phí vào cổng là 40USD/người (chưa thuế và không bao gồm ăn trưa). Resort này có bãi tắm đẹp. Khu water bungalow được thiết kế quanh cầu vòng hình trái tim khá lãng mạn. Đảo này cũng có rặng san hô nhưng không đẹp lắm.

Bãi tắm tuyệt đẹp ở Fihaalhohi
Tha hồ pose hình

Tour đi lặn chúng tôi chọn đi rặng san hô Biyaadho kết hợp với sandbank. Biyaadho có rặng san hô đẹp, cá cũng nhiều và đẹp. Nhà nghỉ của chúng tôi tổ chức tour rất chuyên nghiệp. Trước khi đến Biyaadho thì chúng tôi được training ở một bãi cạn khoảng 30 phút về cách sử dụng snorker. Khi đến Biyaadho thì các bạn hướng dẫn còn lặn theo đoàn để chụp hình và quay phim.

Đi lặn snorkerling
tha hồ pose hình dưới nước
San hô ko đẹp lắm nhưng cá thì nhiều vô kể

Buổi trưa các bạn chuẩn bị gồm mì, gà, cá, salad, trái cây, nước ngọt, nước suối. Ăn trưa tại resort Varagiri bỏ hoang có bãi biển rất đẹp tuy nhiên rất nhiều muỗi. Sandbank là một cồn cát nổi lên giữa biển, góc chụp hình vô cùng lãng mạn. Giá tour này là 50USD/người (bao gồm thuế và ăn trưa). Chúng tôi hết sức hài lòng từ chương trình tour đến cung cách phục vụ của các bạn ở Holiday cho tour này.

Đảo hoang có bãi cát tuyệt đẹp
Chuẩn bị ăn trưa trong tour snorkerling trên đảo muỗi
Sandbank

Sáng hôm sau chúng tôi ăn sáng sớm và đón chuyến phà lúc 7.30 quay về Male. Ghé mua một ít đồ lưu niệm rồi ra sân bay.

Sân bay Male chỉ có 1 nhà hàng bán Buger King, Thai Express, Club Cafe (Giá từ 8-12USD/món) và 1 nhà hàng Noodi (Giá từ 5-7USD/tô mì). Chúng tôi ăn trưa ở sân bay trước khi lên máy bay. Noodi thì chỉ có 1 nhà hàng duy nhất phía ngoái sân bay còn hệ thống 3 cái Buger King, Thai Express và Club Cafe thì cả bên ngoài và bên trong khu vực cách ly của sân bay. Nếu các bạn bay hãng Tiger thì checkin sớm rồi vào bên trong ăn sẽ tiện hơn.

Quay về Singapore, chúng tôi đến nhà hàng No Sign Board Seafood ở Gaylang ăn cua (giá cua 65SGD/kg) rồi quay lại sân bay ngủ. Lần này về sớm nên đi cả 2 chiều bằng MRT (khoảng 5SGD/người cho 2 chiều ra vào từ sân bay).

Đại hội dũng sĩ diệt cua ở Gaylang

Ngủ đêm tại sân bay Changi (Terminal 2) rất lạnh nên bạn nào có ý định ngủ lại nên chuẩn bị kỹ nếu không thì sẽ rất khó ngủ. Ở tầng Departure, chúng tôi lên khu nhà hàng để ngủ. Cũng có nhiều người ngủ qua đêm ở sân bay chứ không đến nỗi vắng lắm nên cũng đỡ sợ.

Sáng sớm hôm sau đi chuyến bay sớm nhất về đến Tân Sơn Nhất lúc 9g. Kết thúc chuyến đi. Tổng cộng chi phí toàn bộ chuyến đi của chúng tôi bao gồm tất cả các phương tiện di chuyển, khách sạn và bữa ăn là 700USD/người.

Lưu ý:

  • Maldives là quốc gia Hồi giáo. Thứ Sáu hàng tuần là ngày lễ cầu nguyện nên hầu hết các dịch vụ công cộng đều không làm việc (trong đó có phà). Một số dịch vụ tư nhân như cửa hàng tạp hóa, nhà hàng cũng đóng cửa vào Thứ Sáu hàng tuần. Vì là quốc gia Hồi giáo nên tại các nơi công cộng (ví dụ như Male và Maafushi) hoàn toàn không có bán rượu bia và không được ăn mặc hở hang (phụ nữ). Chỉ trong các resort mới được mặc bikini và uống rượu bia nhưng mắc. Heineken bán ở Fihaalhohi gần 7USD/chai (các chỗ khác nghe nói bán 8USD). Thịt heo và các thực phẩm từ thịt heo cũng bị cấm.
  • Giá niêm yết ở resort, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng thông thường đều là giá chưa thuế và phí phục vụ. Thuế và phí phục vụ phổ biến ở mức 24%. Khách sạn còn có khoản thuế của thành phố 8USD/người/đêm nữa.
  • Giờ của Maldives là GMT+5 tức trễ hơn Việt Nam 2h. Các dịch vụ lại bắt đầu cũng trễ nên thường buổi sáng cảm giác rất nhàn rỗi. Ví dụ như khách sạn cho ăn sáng lúc 8.00 (10.00 VN), tour thường khởi hành lúc 9.00 (11.00 VN)
  • Tỳ giá 1 USD = 15 Rupiah. Hầu hết các nơi chấp nhận quy đổi USD nên có thể không cần đổi tiền Rupiah.

(Tham khảo: Nguyen Quoc Hoang)
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả