Châu Phi

Lời nguyền của các Pharaoh

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:49 pm
Đã đăng: 21/05/2014 1:00 am

Việc các nhà khoa học khám phá và khai quật các lăng mộ của các Pharaoh có bị sự trừng phạt theo đúng lời nguyền được khắc bên trong và bên ngoài lăng mộ, hay đó chỉ là những lời đồn đại… đã trở thành một câu hỏi lớn đối với tôi khi đặt chân đến Thung lũng các vị vua ở Luxor – Ai Cập.

Luxor đang những ngày mùa xuân, nhưng cái nắng khắc nghiệt sa mạc như thiêu đốt vạn vật gây cảm giác vô cùng khó chịu khiến tôi muốn bỏ cuộc khi lang thang trong Thung lũng các vị vua. Chợt nghĩ đến lăng mộ của vị vua trẻ Tutakhamun với những lời nguyền độc địa, đôi chân tôi lại cất bước.

Thung lũng các vị vua

Thung lũng các vị vua nằm ở bờ tây sông Nile, đối diện với trung tâm thành phố Luxor hiện tại. Thung lũng các vị vua là trung tâm của nghĩa địa cổ có tên gọi “Theban”. Nghĩa địa Theban bao gồm hai thung lũng phía tây và phía đông, trong đó lăng mộ các Pharaoh từ thế kỷ 16 đến 11 trước công nguyên (TCN) chủ yếu nằm ở phía đông.

Thung lũng của các vị vua.

Có nhiều lý do để giải thích tại sao các Pharaoh chọn thung lũng Theban để làm nghĩa địa hoàng gia:

  • Thung lũng này nằm về hướng tây – hướng mặt trời lặn, trong khi cuộc sống của họ là thành phố Thebes nằm ở hướng đông – hướng mặt trời mọc.
  • Toàn bộ nơi đây được bao quanh bởi núi đá, biệt lập, yên tĩnh. Nơi an nghỉ nghìn thu của các Pharaoh sẽ không bị quấy rầy bởi cuộc sống “lộn xộn” và “phức tạp” của thế giới xung quanh.
  • Lớp đá hỗn hợp giữa đất sét và vôi, trong cấu trúc địa chất của thung lũng, rất thích hợp để xây dựng các phòng ốc của lăng mộ: vừa chắc chắn vừa dễ chạm khắc các hình ảnh lên trên tường.
  • Lớp đá trầm tích do “những cơn thịnh nộ” của biển Địa Trung Hải tràn vào đất liền đã tạo nên những vách đá có đỉnh nhọn giống như các kim tự tháp. Do vậy, các Pharaoh không cần phải xây các kim tự tháp dễ khiến cho những kẻ đào mộ dòm ngó.
  • Những trận lũ lụt hàng năm của sông Nile và những trận mưa lớn đã đục khoét các vách đá và tạo thành những hang động tự nhiên nằm trong lòng đất. Đây là một địa thế vô cùng thuận lợi cho việc xây dựng các lăng mộ trong lòng đất.
  • Trung tâm của thung lũng hiếm khi hứng chịu những trận lũ lụt, nhờ vậy dễ dàng bảo quản các xác ướp Pharaoh trong trạng thái khô ráo, không bị mục thối do ẩm ướt.

Tuy nhiên, theo một số tài liệu, Thung lũng các vị vua cũng đã ít nhất 7 lần bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lớn, làm trôi đi các mộ của Pharaoh hoặc bị sụt xuống khoảng 5m so với vị trí ban đầu của mộ được đặt trong lăng.

Ngôi đền Luxor.

Theo ước đoán của các nhà khoa học, Thung lũng các vị vua được sử dụng cho việc chôn cất bắt đầu trong khoảng từ năm 1539 đến năm 1075 TCN và có khoảng 63 mộ được chôn cất. Mộ đầu tiên được chôn là mộ của pharaoh Thutmose I (hoặc có thể sớm hơn trong thời ngự trị của Amentohop I) và mộ cuối cùng được chôn cất ở đây là mộ của Pharaoh Ramesses X hoặc Ramesses XI.

Lời nguyền của Tutakhamun

Khi bước vào cõi vĩnh hằng, các Pharaoh thường mang theo bên mình những của cải vật chất có giá trị nhất. Tuy nhiên, vị trí lăng mộ của các Pharaoh luôn là điều bí mật. Bằng cách nào những kẻ đào mộ lại phát giác ra bí mật? Trong nhiều giả thuyết liên quan đến chuyện này, có một giả thuyết giải thích theo cách ngẫu nhiên nhưng lại được cho là có tính thuyết phục hơn cả.

Theo đó, trong một lần lùng sục Thung lũng các vì vua đến “bở hơi tai”, những kẻ đào mộ ngồi nghỉ mệt và đem chai nước ra uống dưới một ngọn núi có hình dạng kim tự tháp ở chóp. Sự bất cẩn của họ làm chai nước bị đổ, vết nước bị đổ bắt đầu loang ra. Lạ thay, những giọt nước đó nhanh chóng biến mất mà không đọng vũng như thường thấy!

Ánh sáng cuối đường hầm lóe lên. Tại vùng đất mà họ đang ngồi có cấu trúc bên dưới là một lỗ hổng lớn. Quả đúng vậy, họ tiến hành đào bới và phát hiện nhiều lăng mộ Pharaoh nằm bên dưới lòng đất!

Bên trong lăng mộ Tutakamun. Nguồn hình: Internet.

Khi phát hiện các lăng mộ Pharaoh, người ta đồng thời khám phá ra những lời nguyền được chạm khắc bên ngoài hoặc bên trong lăng mộ, đe dọa trừng phạt những kẻ xâm phạm lăng mộ.

Có không ít lời nguyền chưa thể giải thích được bằng cái nhìn khoa học, trong đó có câu chuyện liên quan đến đội khảo cổ học do Howard Carter dẫn đầu khi khai quật lăng mộ pharaoh Tutakhamun (được đánh dấu vị trí “KV62”) vào năm 1922.

Tutakhamun có nghĩa là “hình ảnh đang sống của thần Amun”. Tutankhamun sinh năm 1341 và chết năm 1323 TCN, hưởng dương được 18 tuổi. Các kết quả xác nghiệm DNA vào tháng 2-2010 cho thấy ông là con trai của Pharaoh Akhenaten.

Lăng mộ Tutakhamun, vào thời điểm khai quật lúc ấy, vẫn còn trong trạng thái nguyên vẹn chưa bị ai sờ mó. Thậm chí, tại lăng mộ này người ta còn tìm được đôi dép sandal của Pharaoh Tutakhamun. Một toàn cảnh khá hoàn hảo về nền văn hóa Ai Cập cổ đại: xác ướp, mặt nạ bằng vàng thật, nghệ thuật trang trí trên tường, quan tài, những bàn cờ mà Tutakhamun thường chơi…

Vụ khai quật lăng mộ Tutakhamun, sau đó, đã mở ra một thời kỳ mới cho ngành Ai Cập học.

Những hàng cột to ở đền Luxor, nó là hình dáng của lá Papyrus làm nên giấy để vẽ tranh trong thời cổ đại.

Xác ướp của pharaoh Tutakhamun được di chuyển về Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, nhưng sau đó lại chuyển trả về lăng mộ của vua tại vị trí “KV62” với lý do được đưa ra: xác ướp bị hư hại nặng trong quá trình ướp xác nên không thể bảo quản tại Bảo tàng (trong khi đó có nhiều xác ướp chỉ còn một vài chiếc xương cũng được bảo quản tại đây).

Có người đồn đoán rằng lời nguyền của vị vua trẻ tuổi đã khiến cho người ta e sợ. Lời nguyền được khắc trên lăng mộ như sau: “Cái chết sẽ ập đến một cách nhanh chóng cho những ai phá quấy sự bình yên của Pharaoh”! Nhiều người trong đội quân khảo cổ học của Howard Carter đã nối tiếp nhau qua đời. Nhiều câu chuyện ly kỳ đã được đăng tải trên tờ New York Times.

Những điêu khắc trên đá nói về cuộc sống của Pharaoh và các vị thần.

Cái chết của đội quân khảo cổ nêu trên, sau đó được các nhà khoa học đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau. Có thể chết do bị nấm mốc lây nhiễm, có thể chết do nhiễm những loại khí độc thường xuất hiện khi mở nắp quan tài: amoniac (NH3), formaldehyde (HCHO), hydro sulfur (H2S)…

Tuy nhiên, ám ảnh về lời nguyền của Pharaoh vẫn đeo đẳng.

Tôi đi men theo những bức tranh nguệch ngoạc trên tường, những linh thú tượng trưng cho các vị thần… dọc theo lối xuống hầm mộ. Không khí âm u lạnh lẽo bên dưới lòng mộ bất chợt khiến tôi rùng mình.

Một hàng rào bằng kiếng trong veo đã được dựng nên, ngăn cách du khách và mộ phần, quan tài của các Pharaoh. Được biết, hàng rào bằng kiếng được dùng để bảo vệ những bức họa trên đá (cách đây hơn 5.000 năm) thoát khỏi sự hư hại bởi ánh đèn flash của du khách bốn phương rọi vào (chụp lén).

(Tham khảo: bài viết đã đăng báo Nguyệt San PL.TPHCM số tháng 04/2014)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả