Châu Á

Indonesia – Ngày quay lại (Phần 2)

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:39 pm
Đã đăng: 15/12/2015 10:19 am

Ông ngồi đối diện hàng ghế với tôi trên chuyến tàu chiều từ Surabaya đến Yogyakarta. Bộ trang phục Beskap trên người ông đã thể hiện ông là người Java cổ chính gốc. Cũng giống như ở Việt Nam, ly cà phê hay cốc trà ở Indonesia luôn là niềm sáng tạo cho những câu chuyện phiếm bất tận trong quảng đường dài, hay những cuộc hội ngộ tao hạnh trong mua bán làm ăn hoặc tán gẫu bạn bè.

Tôi mời ông cốc cà phê được mua từ hàng quán trong ga trước khi tàu hụ còi xuất bến. Ông trên đường trở về nhà sau khi thăm thú lại một vài người bạn cũ cùng trang lứa ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ông cho biết, thành phố Surabaya là nơi ông chôn cất rất nhiều kỷ niệm trong suốt quảng đời tuổi trẻ trên con đường mưu sinh lập nghiệp dù ông sinh trưởng tại Yogyakarta. Những thắc mắc về ông đã được giải tỏa khi tôi biết rằng ông có trình độ khá cao nên nói tiếng Anh rất tốt.

Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Nhìn bộ trang phục của ông, tôi có thể hiểu tại sao những người bạn SingaporeMalaysia giẫy nẩy kịch liệt từ chối nền văn minh Trung Hoa mà cho rằng mình có nguồn góc từ nền văn minh Java. Người ta nói rằng, hãng hàng không quốc gia luôn là “bộ mặt” trên thương trường quốc tế và bộ trang phục truyền thống của tiếp viên nữ hãng hàng không MH và SQ đã thể hiện nguồn góc của họ. Đó là những bộ Kebaya dệt trên nền lụa Batik với các hoa văn nhiều sắc màu được cách tân bởi nhà thiết kế người Pháp.

Cũng không ai biết được từ “Kebaya” – có nghĩa là bộ áo truyền thống của người nữ Java – có nguồn góc từ đâu. Có lẻ, “Kebaya” được đọc trại từ “Abaya” của người Ả Rập mà nó có nghĩa là “quần áo” và được xâm nhập vào Java trên con đường giao thương đến hòn đảo vào khoảng thế kỷ 15. Người Java cổ đem văn hóa của mình xâm nhập các quốc gia Đông Nam Á bằng bộ áo truyền thống. Tôi có thể nhìn thấy một “Kebaya” khác qua bộ áo truyền thống của nữ tiếp viên trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Thái Lan, Miến Điện, Lào, và Campuchia.

Một dạo, có bài báo nào đó nói rằng, người miền Nam Việt Nam có thể xuất thân là người Java cổ hơn là những người Giao Chỉ đến từ nền văn minh Trung Hoa. Theo tôi, luận điểm đó khá đúng, bởi ai cũng từng biết rằng, đồng bằng sông Cửu Long từng là vùng châu thổ sông nước trù phú chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa của người Khmer. Đơn giản nhất cho sự ảnh hưởng văn hóa Khmer đó chính là các món ăn về mắm cá. Người Nam rất hảo, hợp cạ và tốn cơm nếu bữa ăn có mắm cá. Dạo vòng quanh Thái Lan, Miến Điện, Campuchia và Lào, đi sâu vào trong hang cùng ngõ hẹp của người bản địa, thức ăn chính của họ bao giờ cũng có mắm.

Điều duy nhất ông còn thiếu trong bộ trang phục của mình đó chính là con dao Kris. Với những người nam Java cổ, họ luôn đeo con dao này bên mình nhằm thể hiện sức mạnh và bản lĩnh để vượt qua những khó khăn. Con dao Kris từng là huyền thoại văn hóa tâm linh ảnh hưởng đến các quốc gia khác ngoài Singapore, Malaysia và Brunei mà tôi có thể bắt gặp nó ở Thái Lan và tộc người Hồi Giáo Moro ở miền nam Philippine. Ngay cả hãng hàng không SQ cũng cách điệu đôi cánh của con chim trên biểu tượng của mình từ con dao Kris. Ông cho tôi biết, ông chỉ mang con dao Kris bên mình trong những ngày lễ lớn, đám cưới, hay viếng thăm các ngôi đền, …

Ông bất chợt hỏi tôi : “Nghe nói cà phê Việt Nam rất ngon, từng là đối thủ cạnh tranh với Indonesia trong việc xuất khẩu ra thế giới. Cháu có thể cho bác biết về tình hình xuất khẩu cà phê ở VN như thế nào, tốt hay xấu?” Nhìn sự lo lắng trên khuôn mặt của bác, tôi hiểu rằng đó là sự lo lắng cho vận mệnh đất nước, khác hẳn với sự so đo cạnh tranh, dìm hàng đến ích kỷ thường thấy ở tuổi trẻ. Người có tuổi rồi bao giờ ý nghĩ cũng khác hẳn với sự bồng bột hiếu thắng của thời mơn mởn, tươi roi rói mà người ta cho rằng đó là khoảng thời đẹp nhất về sắc, vóc và bộ não thông minh tột đỉnh của cuộc đời. Tôi cũng từng “bị” tự kỷ và kiêu ngạo như thế.

Vào những năm 1800, người Hà Lan đến vùng đất Java để tìm kiếm thuộc địa. Cà phê là thứ quý giá đầu tiên mà họ tìm thấy ở đây để phục vụ cho đất nước mình và xuất khẩu ra thế giới bên ngoài. “Java” trở thành cái tên và có nghĩa là “cà phê” kể từ khi người Hà Lan đến đây. Những ngày ở Hà Lan, chỉ cần bước vào quán cà phê nói từ “Java” thì các nhân viên phục vụ tự động hiểu nhu cầu của tôi là gì. Theo dấu chân của người Hà Lan đến thiếp lập con đường Wall dài 1.1km để mua bán trao đổi hàng hóa và những chuyến tàu định cư sau đó, thành phố New York của nước Mỹ cũng in đậm cái tên “Java” (Sau đó, từ Wall được đưa vào từ điển tiếng Anh và có nghĩa là “bức tường thành”).

Câu hỏi của ông làm tôi miên man về những con người có tuổi lo lắng cho vận mệnh đất nước mà tôi đã gặp trong những chuyến đi của mình.

Tôi phải ngủ lại một đêm ở Bangkok từ Nairobi – Kenya về do không đủ thời gian nối chuyến (lúc đó Kenya Airways chưa bay đến Việt Nam). Lúc ăn sáng, đoàn người Thái trong khách sạn tỏ vẻ lo lắng, lẫn trong một chút kính phục khi biết tôi đến từ Việt Nam. Họ có một chút kính phục tôi không phải vì chuyến đi Châu Phi hoang dã, mà tôi đến từ quốc gia được giới truyền thông Thái “giật tít” sắp vượt mặt Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực ĐNA.

Tôi giải thích cho họ an tâm, đó là cách mà giới truyền thông Thái đang cảnh tỉnh người Thái đừng bao giờ “ngủ quên” trên chiến thắng. Các bài báo ở VN thì hả hê giựt tít ca tụng nhau vì mình sắp qua mặt người Thái. Người Việt Nam quên rằng, muốn qua mặt được người Thái, thì trước mắt phải vượt qua Indonesia và Philipine, mà chuyện này đâu có dễ dàng bởi tôi không đứng yên cho anh vượt mặt, anh tiến thì tôi cũng phải tiến! Ngoại trừ Việt Nam có cuộc lột xác ngoạn mục về sự cải cách triệt để.

Chuyến bay của tôi từ sân bay KL đến Surabaya trễ khoảng 45 phút do một nhóm người nào đó không chịu lên máy bay. Tôi hơi điên tiết bởi lịch trình đã bị chựng lại không như tôi mong muốn và tôi lại dịu người khi nhìn thấy nhóm người cuối cùng kéo nhau lên máy bay. Nhìn khuôn mặt cùng những giấy tờ trên tay, tôi cảm thấy “thương” họ quá.

Cuốn sổ nho nhỏ màu xanh xanh ghi chữ “Document” trên tay họ giúp tôi hiểu rằng, họ là những người đến Malaysia làm dịch vụ lao động chứ không đi du lịch. Khuôn mặt ngơ ngác của họ tìm ghế ngồi khiến tôi nghĩ về người nông dân Việt Nam quê tôi, bao nhiêu lần được đi máy bay để rồi lúng ta lúng túng như thế. Hay như các em gái miền quê với suy nghĩ mộc mạc chân thành mong muốn có chồng Đài Loan, Hàn Quốc, … để giúp đở gia đình và được đi máy bay một lần cho biết.

Anh trung niên người Surabaya giúp tôi mọi chuyện trong việc lôi tôi lên xe buýt, tìm khách sạn hay chỉ điểm quán ăn khi thành phố Surabaya đã lên đèn. Anh nói tiếng Anh khá tốt bởi từng đi hợp tác lao động ở Đài Loan 3 năm và Singapore 2 năm. Anh không nhận ở tôi bất cứ điều gì ngoài lời cảm ơn. Câu hỏi cuối cùng tôi nhận được từ anh khi chia tay : “Bạn hãy nói một cách thật lòng nhất, dưới góc nhìn của bạn, giữa Indonesia và Việt Nam ai phát triển tốt hơn bởi tôi chưa từng đến Việt Nam. Tôi muốn biết để góp ý xây dựng đất nước mình!”.

Tôi “hận” bản thân mình vì chưa lần nào suy nghĩ về tương lai cho đất nước, chỉ biết lo đi nhúng nha nhúng nhẩy, đú đa đú đởn như tàu vào ga … Đôi khi còn bị gán cho biệt danh là “Chảnh như con cá cảnh” nữa chứ ….

Tái bút:

1. Bài viết không mang tính phân biệt “vùng miền”. Bạn đọc nào mà có suy nghĩ về Linh Kamasutra như thế thì các bạn sẽ mang tội với Trời và Đất!.

2. Eo Hy chuyển qua thành tên Linh Kamasutra rồi, vì mỗi ngày Linh đọc 2 trang quyển sách ấy và luôn tưởng tượng ra hình ảnh sau khi chuyển ngữ qua tiếng Việt. Giữa tiếng Anh chuyển qua tiếng Việt và suy nghĩ liên tưởng hình ảnh luôn là việc làm vô cùng khó khăn. Hại não ghê gớm!.

3. Bạn Linh Kamasutra tạm biệt các bạn để lên đường. Kính chúc các Bạn cùng Gia đình có một mùa giáng sinh AN LÀNH và năm mới AN KHANG – HẠNH PHÚC. Khi đi về, bạn Linh Kamasutra sẽ viết tiếp về Indonesia để chia sẻ với trăng mật, ăn gì, ngủ vui, tâm linh ở đâu, … theo quan điểm và trải nghiệm của bạn Linh Kamasutra.

4. Hình ảnh chỉ minh họa cho bài viết – Khi mùa ĐÔNG về với tiết mục múa : Cái chết giẫy dụa của con chim mập vì lạnh quá.


Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả