Nam Mỹ

Hành trình đi tìm người Inca

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 25/07/2023 3:31 am
Đã đăng: 01/08/2016 7:00 am

Những người trẻ tuổi ưa thích sự phiêu lưu và muốn có trải nghiệm khó quên trong hành trình của mình lại gặp nhau ở thành phố Cusco – Peru, nơi từng là kinh đô vàng son của người Inca trong thời trung cổ. Nhóm chúng tôi có 10 người đến từ các quốc gia Úc, Áo, Hà Lan, Mỹ và Canada thực hiện tour đường mòn Inca 4 ngày 3 đêm dưới sự chỉ huy của anh hướng dẫn Juan. Trong ngày đầu tiên gặp nhau, cả nhóm vô cùng ấn tượng với mái tóc dài đen mượt được tết thành bím thả phía sau lưng của anh Juan, một nét đặc trưng điển hình của người Inca xưa kia.

Từ đường mòn Inca

Ngày đầu tiên chúng được được đưa lên độ cao khoảng 3.000m trên dãy núi Andes sau 3 giờ lái xe từ Cusco. Tại đây, chúng tôi được trang bị những thiết bị cần thiết để đạp xe thả dốc xuống độ cao khoảng 1.000m. Cả nhóm vô cùng phấn khích khi băng qua những cung đường quanh co dọc theo các hẽm núi nhỏ với những chùm mây trắng bay ngang cùng với những thác nước rì rào nhỏ nhắn như những sợi tóc bạc trên triền núi và hương rừng luôn tỏa phía sau lưng. Đây cũng là con đường mòn Inca năm xưa nhưng đã được hiện đại hóa để nối liền kinh đô Cusco và thánh địa Machu Picchu dành cho du khách.

Cusco từng là kinh đô vàng son của đế chế Inca.
Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Tưởng rằng, ngày đầu tiên nhẹ nhàng như thế. Nhưng không, buổi chiều chúng tôi phải đi ngược trên đường mòn trong rừng để đến nhà người bản địa trọ qua đêm nằm ở độ cao 1.500m. Cả nhóm lè lưỡi khi buổi tập của ngày đầu tiên quá nặng với độ chừng khoảng 3 tiếng leo núi. Anh Juan luôn khuyến khích mọi người gìn giữ sức khỏe suốt những chặng hành trình bởi ngày thứ 2 cả nhóm sẽ leo chuyền qua những ngọn núi bằng đường mòn Inca cheo leo trên những triền núi và phía dưới là vực sâu.

Trong ánh sao đêm nhấp nháp trên bầu trời, rì rào trong tiếng suối là những dãy đèn màu xanh lung linh tạo thành từ những chú đom đóm, chúng tôi đốt lửa trại quay quần lại với nhau và nghe anh Juan kể chuyện về lịch sử đường mòn Inca. Trong thời Trung Cổ, Inca từng là một đế chế hùng mạnh trên vùng đất Nam Mỹ. Họ đánh chiếm những vùng đất xunh quanh dãy núi Andes bao gồm Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia và kéo dài lãnh thổ của mình đến thành phố Mendoza và Santiago thuộc ArgentinaChile ngày nay.

Những người Andean với trang phục cổ truyền
Trên đường mòn Inca.

Với mục đích phục vụ giao dịch thương mại, truyền bá tôn giáo, giao thông và quân sự, những người Inca đã thiết lập hệ thống đường mòn trên núi cao và đường mòn dọc biển Thái Bình Dương với chiều dài khoảng 40.000 km mà hệ thống đường mòn này được sử dụng ít nhất 400 năm cho đến ngày nay. Đường mòn Inca ven biển đi từ Santiago – Chile lên Tumbes của Peru và đường mòn trên núi đi từ Mendoza của Argentina qua đến Cali của Colombia. Trong hệ thống đường mòn Inca còn tồn tại, có lẻ đường mòn Inca từ Cusco đến Machu Picchu được nhắc đến nhiều nhất bởi nó kết nối kinh đô và thánh địa tâm linh của người Inca.

Đến Thánh địa Machu Picchu

Dàn đồng ca của những chú chim rừng chào bình minh hay tiếng la oang oác của những bác trĩ rừng đã làm chúng tôi thức giấc mà không cần chuông báo. Từng đàn bướm la đà trong ánh nắng sớm và anh Juan tiếp tục kể cho nhóm nghe văn hóa của người Inca để có thể hiểu thêm về thánh địa bởi Machu Picchu đến giờ này vẫn còn là điều bí mật với các nhà khoa học.

Ngày thứ 2 là ngày nặng nhọc nhất của nhóm nhưng được đền bù bằng việc tắm suối nước nóng vào cuối buổi chiều. Ngày thứ 3 tuy không phải leo núi nhiều, nhưng cả nhóm lại phải cuốc bộ dọc theo đường tàu lửa hơn 6 tiếng để vào thị trấn Machu Picchu. Anh Juan lại khuyến khích nhóm hãy tiếp tục leo núi tục sáng mai lên độ cao 1.500m để ngắm nhìn thánh địa nằm trong lòng thung lũng và cảm nhận trọn vẹn những gì đã trải qua trên đường mòn Inca thay vì phải mua vé xe buýt lên với giá 12 USD/chiều.

Thánh địa Machu Picchu – Ảnh: Nguyễn Chí Linh
Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Từ 4:30 sáng, những nẽo đường mòn Inca quanh co trên triền núi loáng tháng những ánh đèn soi của những kẻ lữ hành leo núi. Nhóm chúng tôi không một ai bỏ cuộc và sau 1:30 phút leo, chúng tôi đã lên đến đỉnh đón ánh bình mình. Bạn Jimy đến từ Canada đã chuẩn bị sẳn bản nhạc El Condor Pasa (đại bàng bay) nổi tiếng của người Peru để chào mừng cả nhóm đã leo núi thành công kết nối đường mòn Inca đến thánh địa Machu Picchu. Không những thế, chúng tôi còn tiếp tục leo thêm ngọn núi Wayna Picchu cao hơn ngọn Machu Picchu 360m.

Khu ở Hoàng Gia và các Thầy tu cùng với đền thờ Thần mặt trời (hình ống trụ).
Ruộng bậc thang canh tác nông nghiệp trong Machu Picchu.
Đền thờ đại bàng (Thần mặt trời).
Khu giam giữ tù nhân.
Đại bàng tượng trưng cho Thần mặt trời hay thiên đàng.

Thánh địa Machu Picchu một trong 7 kỳ quan văn hóa mới của thế giới với những viên gạch màu trắng được lấy từ những ngọn núi lửa được xem là kiến trúc đặc trưng của người Inca trong xây dựng vẫn quyến rũ nằm bên dưới ngọn Wayna Picchu trong những đám mây trắng vờn quanh. Cả nhóm đều đồng ý rằng : được đi trên đường mòn Inca để đến Machu Picchu là trải nghiệm không thể quên và tuyệt vời hơn cả bất kỳ điều gì mà chúng tôi từng có trong những ngày ở Peru.

Nguồn góc sự sống của người Inca (lá Coca bên trái).
Anh Juan vẽ trên má cô gái Hà Lan bằng trái cây rừng để minh họa cách trang điểm và sử dụng mỹ phẩm của người Inca xưa.

Văn hóa của người Inca

Năm 1532, những người Tây Ban Nha đến Peru và kết thúc đế chế hùng mạnh Inca trên vùng đất Nam Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn không hề biết đến sự tồn tại của thánh địa Machu Picchu ngoại trừ những người địa phương. Machu Picchu được cả thế giới biết đến vào năm 1911 khi nhà sử học người Mỹ Hiram Bingham đến đây khám phá và cho ra đời tập sách “Thành phố đã mất của người Inca”.

Machu Picchu mãi mãi vẫn là bí ẩn với những nhà khoa học cho đến ngày nay với nhiều giả thuyết được đưa ra bởi không biết vua Sapa Inca Pachacuti đã xây dựng Machu Picchu vào khoảng năm 1440 với mục đích gì dù thành phố dù hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng về nhiều mặt nhưng không có người ở. Kiến trúc của Machu Picchu được chia ra làm 3 khu chính : khu tế lễ, khu ở của hoàng gia và khu ở của các thầy tu cùng với dân thường.

Với những gì hiểu biết về văn hóa và tôn giáo của người Inca, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết Machu Picchu là thánh địa tế lễ thần mặt trời vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm và cũng là nơi để hoàng gia nghỉ ngơi sau khi hành hương từ kinh đô Cuzco đến Machu Picchu.

Với người Inca, nguồn góc của sự sống là cây Cola và cây ngô. Ngoài tác dụng giữ ấm, cung cấp lượng đường duy trì năng lượng, lá Coca còn có tác dụng trị một số bệnh về đường tiêu hóa. Để tôn vinh nguồn góc của sự sống, vương miện của nhà vua được đúc bằng vàng với 3 lá Cola làm biểu tượng và đầu vương trượng của nhà vua là hình dáng trái ngô. 3 lá Cola còn tượng trưng cho 3 thế giới hiện hữu trong thế giới tâm linh của người Inca : thiên đàng, cuộc sống hiện tại và địa ngục. Chiếc lá Coca ở giữa trên vương miệng nhà vua sẽ cao hơn 2 lá còn lại và tượng trưng cho thiên đàng.

Người Inca thờ thần mặt trời và nhà vua được xem như “Người con của thần mặt trời”. Người Inca chỉ thành lập thánh địa cho mình khi tìm được vùng đất hiện diện đủ 5 con vật linh thiêng: đại bàng (tượng trưng cho thần mặt trời hay thiên đàng), thằn lằn núi (thần núi), báo gấm (tượng trưng cho con người hay cuộc sống hiện hữu), ếch độc (tượng trưng cho thần chết), rắn độc (tương trưng cho địa ngục). Vùng đất Bolivia hay Colombia hiện diện đủ năm 5 con vật nói trên nhưng địa hình không phù hợp nên không được chọn để xây dựng thánh địa, trong khi ở Machu Picchu chỉ tìm được 3 con vật linh thiêng (đại bàng, báo gấm và rắn độc) nhưng địa hình hoàn hảo nên người Inca đã chọn nơi đây để xây dựng thánh địa cho mình. Địa hình hiểm trở của dãy Andes và dòng sông Urubamba đã là pháo đài tự nhiên che chắn cho thánh địa Machu Picchu nằm lọt thỏm trong lòng thung lũng.

Các nhà khoa học đặc biệt chú ý đến ngôi đền thờ thần mặt trời có cấu trúc hình trụ tròn với 3 cửa sổ lớn bên trong thánh địa Machu Picchu. Tương truyền rằng, vào những ngày tháng 6 và tháng 12 hàng năm, ánh sáng mặt trời từ cổng mặt trời rọi thẳng vào đền thần mặt trời qua ổ cửa sổ nằm giữa. Đó cũng là thời điểm vua Inca đến đây đây tế lễ thần mặt trời. Nghi thức tế lễ đầu tiên là giết con lạc đà không bướu và đặt xác nó trên tảng đá nằm giữa đền thờ. Nhà vua sẽ cầm 3 lá Coca đưa lên trước trán và quỳ xuống cảm ơn thần mặt trời đã ban cho người Inca sự sống. Tiếp đó nhà vua sẽ dâng rượu và nước lên để cầu xin thần mặt trời ban cho người Inca có đủ nước để làm nông nghiệp và đủ cái ăn cái uống.

Có lẻ, giả thuyết này phần nào đó đã giải thích cho sự ra đời “Thành phố đã mất của người Inca”.

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 07/04/2016)
Nguồn: Linhnc2005
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả