Đài Loan

Grand Canyon của Đài Loan

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 13/12/2023 7:36 pm
Đã đăng: 25/11/2013 7:18 pm

Trên các đỉnh núi ở vườn quốc gia Thái Lỗ Các (Takoro Gorge) – Đài Loan, mây gối đầu núi tạo nên cảnh sắc nữa thực nữa hư. Len lõi quanh co giữa những dãy núi hẹp bạc màu là dòng suối nhỏ chảy róc rách luồn qua các khe đá. Những tảng đá dọc theo bờ suối dài đôi khi lại tạo nên những hình thú kỳ quái. Người Đài Loan cứ gọi Thái Lỗ Các là Grand Canyon, một kỳ quan thiên nhiên cho chính mình.

Những cơn gió se se lạnh của những ngày đầu đông ở Đài Bắc thật dễ chịu. Từ nhà ga tàu điện ở cổng số 5, tôi mua vé để đến trung tâm huyện Hoa Liên và từ đây mua tour để đến công viên quốc gia Thái Lỗ Các.

Grand Canyon của người Đài

Hết màu xanh bát ngát của những cánh đồng hoa và vườn cây ăn trái, xe lại chạy quanh co theo những triền núi hẹp. Dòng suối cứ lượn lờ quanh co bên những dãy núi đá vôi bạc màu dựng thẳng đứng cao vút lên trời. Anh Ma – tài xế – cho tôi biết là đã vào địa phận vườn quốc gia Thái Lỗ Các. Anh chỉ cho tôi xem những tảng đá tạo hình rất kỳ thú dọc theo bờ suối, lúc thì hình thỏ, lúc thì hình cọp, …

Bên dưới là dòng suối và bên trên là đá tạo hình con sử tử đang hoắc miệng. Người Đài gọi Thái Lỗ Các là Grand Caynon bởi cách thức hình thành các hẻm núi giống như Grand Canyon nước Mỹ.

Câu chuyện của anh Ma kể trên đường đi khiến tôi nôn nóng muốn ngắm nhìn Grand Canyon của người Đài ngay lập tức. Thái Lỗ Các là công viên quốc gia thứ 8 của Đài Loan trải dài qua 3 huyện miền núi gồm Đài Trung, Nam Đầu và Hoa Liên. Nơi đây cũng là nơi tộc người miền núi Truku sinh sống nhiều nhất.

Theo truyền thuyết, người Truku trông thấy cảnh sắc tuyệt đẹp khi mây gối đầu núi và bên dưới là những dòng suối xanh màu ngọc bích lững lờ trôi buột miệng thốt lên rằng “Takoro!” mà nó có ý nghĩa là “tuyệt vời” hay “xinh đẹp”.

Tôi đi men theo bờ suối và các con dốc để đến nơi mà những người Truku đã thấy cảnh sắc tuyệt đẹp trước kia. Đôi khi, tôi phải băng qua những hang động đá vôi tối om và chỉ nghe lộp bộp những tiếng rơi của nước từ trần nhà xuống sàn. Anh Ma phải dùng đèn pin để soi đường cho tôi để tránh trơn trợt.

© Nguyễn Chí Linh
Những ô cửa sổ màu xanh nhìn từ hang thạch nhũ.

Thỉnh thoảng, từ những lỗ thủng của hang đá vôi, chúng tạo thành những ô cửa sổ huyền bí mà từ đó tôi có thể ngắm nhìn màu xanh mát mắt trên những trên dãy núi đá bạc xa xa ngoài kia.

Dường như không bao giờ thấy được mặt trời ở đây bởi những đám mây cứ ôm lấy đầu núi và tạo thành những đợt sương lạnh bay ngang. Những dốc núi dựng thẳng đứng và chụm vào nhau tạo thành một khe hở mong manh duy nhất mà nhìn xa tưởng chừng một sợi chỉ nhỏ mới có thể lọt qua.

Cây trái miệt vườn trên núi cao

Sở dĩ, người Đài gọi Thái Lỗ Các là Grand Canyon bởi dòng sông Liwu chảy ngầm dưới lòng đất và cắt dãy núi đá vôi ra thành những hẽm núi hẹp. Rất giống sự hoạt động của dòng sông Colorado của Grand Canyon nước Mỹ. Anh Ma giải thích thêm cho tôi.

Tôi cứ mãi đứng ngắm nhìn những cảnh sắc cứ thực thư hư hư khi những đám mây mù kéo ngang.

Sắc màu của những vũ điệu

Anh Ma khuyên tôi nên ghé qua một vài cửa hàng đá cẩm thạch hay ngọc bích để mua lưu niệm bởi Hoa Liên là thành phố rất nổi tiếng về mặt hàng này. Sự hoạt động địa chất ở công viên Taroko từ hơn 200 triệu năm trước khiến trong núi tích tụ nhiều cẩm thạch hay ngọc bích. Đôi khi Taroko còn được gọi là “Hẽm núi cẩm thạch”.

Tôi lang thang qua một vài cửa hàng, lựa mua một vài mặt Phật nho nhỏ với niềm tin nhận được nhiều điều may mắn hơn trong cuộc sống.

Những vũ điệu sắc màu tại Hoa Liên

Hoa Liên là một huyện ở Đài Loan có rất nhiều người dân tộc sinh sống. Người Ami, Atayal, Bunun, Truku, Sakizaya, Kavalan và người Hẹ đã tạo nên nét đặc trưng khác nhau trên vùng núi cao. Tôi quyết định mua thêm tour xem đêm diễn các vũ điệu sắc màu với một buổi ăn buffet miễn phí kèm theo vé.

Cúng thần linh

Những bộ áo truyền thống đặc trưng của từng dân tộc của các vũ công quay cuồng theo tiếng trống, điệu khèn, bộ gõ nhịp bằng tre,… đưa tôi bay bổng vào những sắc màu văn hóa khác nhau trên các đỉnh núi cao đầy gió và sương mà nơi ấy chỉ có tình người trên những đồi chè bát ngát đến chân trời hay những cánh đồng hoa đầy màu sắc khi mùa xuân về.

Bên cầu dệt lụa, í lộn bên cầu giặt lụa!

Những điệu lễ tế thần, chuyện hẹn hò, nghề dệt vải, quay tơ,… được các vũ công thể hiện điêu luyện qua đôi tay uyển chuyển và bước chân thoăn thoắt theo nhịp trống dồn. Tất cả du khách và các vũ công dường như hòa quyện vào nhau trong màn cuối khi cùng nhau xiết chặt những cánh tay hữu nghị trong một đêm ở Hoa Liên se lạnh.

Tôi vẫn nhớ hương vị cơm của người Truku

Tôi ngủ gà ngủ gật trong chuyến tàu đêm trở về Đài Bắc. Trong giấc ngủ mơ màng đó, tôi vẫn còn nhớ đến hương vị cơm đặc trưng của người Traku. Những hạt cơm có màu tím, to tròn được trộn chung với mè đen mang đến hương vị lạ lẫm khó quên….

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo PNTPHCM ngày 22/11/2013)
Nguồn: Linhnc2005
Đài Loan
217 lượt xem
Tìm hiểu
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Đài Loan
217 lượt xem
Tìm hiểu
Liên kết được đề xuất
Xem tất cả