Châu Á

Đi ngắm rồng trên đảo Komodo

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:36 pm
Đã đăng: 29/07/2016 2:15 pm

Trên hòn đảo Komodo, những chú “rồng” khoan thai di chuyển những bước chân của mình khi nghe tiếng động từ xa. Người Indonesia gọi nó là rồng, nhưng hình dáng của nó không như tôi nghĩ về linh vật truyền thống của người châu Á qua những bức vẽ. Nhưng đó là loài sinh vật rất đặc biệt còn sống sót lại với thời gian.

Trong ký ức của tôi, mọi thứ vẫn còn hoang sơ ở hòn đảo chính Labuan Bajo. Từ trên đỉnh đồi cao lộng gió, những hòn đảo trông như những vỏ sò lụa xanh nối tiếp nhau chạy dài xa tít về phía chân trời. Chúng được ôm ấp vỗ về bằng những con sóng nhỏ lăn tăn đánh sóng vào những bãi cát trắng trinh nguyên. Để đến được nơi này, tôi đã mất khoảng 1h30 phút trên chuyến bay từ hòn đảo Bali và mua tour 2 ngày ra đảo, trong đó có một đêm ngủ lại trên vịnh Labuan Bajo.

Những chú rồng Komodo

Chúng tôi đi thuyền ra đảo Komodo từ thị trấn Labuan Bajo vào sáng sớm. Bầu trời và mặt đất dường như là một khi màu xanh của hai hòa quyện vào nhau. Những người lữ hành thường gọi chuỗi đảo Lesser Sunda tuyệt đẹp là một “Hạ Long” của Indonesia khi những hòn đảo màu xanh nối tiếp nhau chạy dài trên biển. Điều khác biệt duy nhất giữa Hạ Long và Lesser Sunda là chất liệu để tạo thành những hòn đảo. Nếu Hạ Long của Việt Nam được hình thành từ những mảng đá vôi trầm tích mềm mại thì Lesser Sudan được tạo thành từ những tảng đá sỏi bạc màu.

Con rồng, theo cách gọi của người Indonesia – Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Được khám phá bởi những tù nhân người bản địa Bugis khi người Hà Lan đặt chân đến quản lý Indonesia vào đầu thế kỷ 19, Komodo là một hòn đảo lạ kỳ nhất trong chuỗi đảo Lesser Sunda. Những người Bugis đã gọi hòn đảo “lạ kỳ” chưa có tên theo những sinh vật có kích thước khổng lồ sinh sống trên đảo mà họ nhìn thấy. Các báo cáo được gởi về cho nhà chức trách Hà Lan, nhưng không một ai quan tâm đến hòn đảo hay những sinh vật lạ lùng ấy. Những câu chuyện mang tính liêu trai thần thoại được thêu dệt từ những người tù nhân về loài sinh vật kỳ lạ lan truyền khắp nơi và đến tai những người thủy thủ Hà Lan. Họ cho rằng, những sinh vật có kích thước dài 7m, nặng hơn 100kg, miệng khạc lửa khi di chuyển và đã giết không biết bao nhiêu sinh mạng con người, kể cả những loài động vật có hình dáng to lớn như trâu và lợn rừng để ăn thịt.

Mãi đến năm 1910, nhà chức trách Hà Lan là Ngài Hensbroek mới thực hiện cuộc hành trình đến hòn đảo lạ kỳ để khám phá về loài sinh vật thần thoại. Ông đã bắn hạ một con và đem xác về tổng hành dinh ở Flores để nghiên cứu cùng với nhà sinh vật học Ouwens. Các nghiên cứu sau đó về loài sinh vật khổng lồ đã được xuất bản vào năm 1912 và dựa vào câu chuyện thêu dệt từ những người thủy thủ Hà Lan, loài sinh vật mới được đặt tên là Varanus komodoensis, nghĩa là rồng Komodo. Không như những gì người ta đồn thổi trước đó, rồng Komodo thuộc họ kỳ đà thuộc chi thằn lằn và có thể tổ tiên chúng từng xuất hiện trên quả địa cầu hơn 4.000 năm về trước từ lục địa Úc châu.

Du khách đang nghe hướng dẫn viên giới thiệu tập quán sinh hoạt của rồng.

Chúng có kích thước tối đa chỉ độ chừng 3m và nặng khoảng 100kg cho con trưởng thành. Tuy nhiên, chúng là loài sinh vật còn sống sót cùng với thời gian. Đặc biệt hơn, môi trường chúng chọn để sinh tồn đồng nghĩa ở nơi đó rất đa dạng sinh thái động thực vật bởi thức ăn của chúng là thực vật, chim chóc và các loài động vật có nhũ khác. Bắt đầu từ năm 1915, những nhà chức trách Hà Lan ra pháp lệnh bảo vệ loài rồng quý hiếm Komodo.

Chúng tôi mua vé vào vườn quốc gia Komodo và đi theo sự hướng dẫn của anh hướng dẫn bởi đôi khi rồng Komodo sẽ tấn công du khách nếu tiếp xúc ở cự ly gần. Chúng tôi chọn giải pháp đi bộ độ chừng 1 tiếng xung quanh hòn đảo để tìm hiểu về quy luật sinh sống của rồng Komodo cũng như khám phá về sự đa dạng sinh học của hòn đảo. Anh hướng dẫn chỉ cho chúng tôi xem những ổ cát sâu trong lòng đất được đào bới bởi những chú rồng khi đến mùa sinh sản. Những chú rồng chỉ bắt cặp và giao phối trong một năm chỉ một lần vào khoảng tháng 5 và tháng 6 và thời gian ủ trứng độ chừng 3 tháng. Những quả trứng của chúng có thể nặng đến vài ký lô, tuy nhiên xác xuất để trứng nở rất thấp do tác động của nhiều yếu tố môi trường. Những chú rồng con khi nở đã có độ nặng từ 15 đến 20kg.

Những hòn ngọc xanh của xứ vạn đảo

Khác với các hòn đảo du lịch khác của Indonesia như Bali hay Lombok, chuỗi đảo Lesser Sunda vẫn còn rất ít bước chân du khách đến khám phá nên thiên nhiên còn nguyên nét hoang sơ trong trẻo. Chưa bị “du lịch hóa” nên hòn đảo Labuan Bajo hay Komodo càng tuyệt vời hơn trong trái tim của mỗi du khách và tôi cứ gọi chúng bằng cái tên trìu mến “Những hòn ngọc xanh của Indonesia”. Những ngày chưa ra đảo Komodo, tôi cứ thong dong đi bộ trên những con dốc cao phủ đầy bóng cây xanh ở hòn đảo Labuan Bajo để ngắm nhìn những bãi biển xanh nằm quanh co ôm ấp hòn đảo. Đứng trên đồi cao lộng gió, lắng tai nghe tiếng sóng biển vỗ về rồi hít hà làn không khí trong veo đã là một trải nghiệm vô cùng thích thú trong những ngày nghỉ dưỡng ở đây.

Một góc đảo Labuan Bajo.

Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Buổi chiều, chúng tôi được đưa ra những hòn đảo nhỏ nằm cận kề hòn đảo Komodo để lặn biển ngắm nhìn những dãy san hô đầy màu sắc lấp lánh trong lòng đại dương. Giữa màn nước trong xanh và sâu hun hút của đại dương bao la, những tảng san hô như có sức sống riêng của mình với các loài sinh vật ký sinh cùng chúng đong đưa trong nước. Cảnh sắc cứ như nửa thực nửa hư trong câu chuyện thần thoại “nàng tiên cá” khi những chú cá đầy sắc màu lượn lờ và trốn chạy quanh những đám rong rêu phù du hay những ngõ hẹp được tạo thành từ những dãy đá san hô.

Cảm giác như đang lạc vào một đảo hoang nào đó chưa có dấu chân người rồi khám phá mọi sự hoang dã của nó trong sự trong lành của thiên nhiên luôn làm cho tôi phấn khích. Hết tắm biển hay lặn ngắm san hô, chúng tôi lại trải khăn tắm nắng và nằm đọc sách. Rồi cả nhóm tụm năm tụm bảy trò chuyện về sự kỳ lạ của thế giới hay những điểm đến sắp tới qua từng ly bia lạnh ngắt, đó là những kỷ niệm khó quên trong một buổi chiều khi nắng sắp tắt ở phía chân trời.

Những bãi cát hồng.

Ra đảo hoang tắm nắng, lặn ngắm san hô, đọc sách, uống bia, ….

Không chỉ có đảo Komodo với những chú rồng kỳ lạ, ở Labuan Bajo còn có một “đặc sản” khác là những bãi tắm màu hồng. Chúng được tạo thành do kết quả hoạt động của một loại trùn đất kết hợp với độ mặn của muối biển và cát trắng. Ngày thứ hai, chúng tôi lại thử qua những loại nước ép cây trái để giải nhiệt mùa hè, và tiếp tục những hoạt động ngoài trời ở bãi biển màu hồng, lặn ngắm san hô hay lướt ván trên sóng…

Phía cuối chân trời ở đảo rồng đã nhuộm màu đỏ hồng rực lửa khi quả bóng mặt trời chuẩn bị bàn giao cho bóng đêm. Những ánh đèn từ những chiếc thuyền câu cùng với thuyền du khách tạo thành dải lụa sao nhấp nháy hắt lên nền trời đêm. Đây đó, hương thơm từ những món hải sản nướng lại quyến rũ khứu giác. Đêm nay, tôi sẻ ngủ lại trên tàu trên vịnh Labuan Bajo và lắng nghe tiếng vỗ về của sóng biển.

(Tham khảo: bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 03/06/2016)

Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả